Chiến lược "xây dựng quân đội lớn nhất thế giới" của Trung Quốc

14:00 | 24/11/2012

5,748 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trung Quốc không đơn thuần là một nước lớn về diện tích, dân số mà cả tiềm lực quân sự. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang điều hành kế hoạch xây dựng một quân đội lớn nhất thế giới. Đây cũng là một thực tế mà phần còn lại của thế giới đang cố gắng phải làm quen.

>> Trung Quốc dẫn đầu châu Á về chi tiêu quốc phòng

Tiến trình hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc

Việc hiện đại hóa quốc phòng diễn ra liên tục. Nó bắt đầu từ thập kỷ 50 khi Liên Xô là đồng minh và nhà cung cấp vũ khí quan trọng nhất của Trung Quốc, nhưng sự cung cấp này bất ngờ kết thúc khi Mao Trạch Đông triển khai cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài hàng thập kỷ vào hồi giữa thập kỷ 60. Quan hệ 2 nước đẩy tới bờ của chiến tranh khi xảy ra tranh cãi về biên giới và việc Trung Quốc thử nghiệm hạt nhân.

Giai đoạn thứ 2 của quá trình hiện đại hóa bắt đầu từ thập kỷ 80 dưới thời Đặng Tiểu Bình. Ông Đặng đã cải cách toàn bộ đất nước và quân sự không phải là một loại trừ. Nhưng vì lý do khó khăn về kinh tế nội tại của Trung Quốc thời điểm bấy giờ nên việc hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc không được tiến hành triệt để. Đặng Tiểu Bình nói với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) rằng ưu tiên của ông là kinh tế, các tướng lĩnh phải kiên trì và ngân sách quốc phòng chỉ được sử dụng trong phạm vi khoảng 1,5% GDP.

Giai đoạn 3 bắt đầu từ đầu thập niên 90. Do bị tác động bởi cuộc chiến tranh công nghệ cao giữa phương Tây với Iraq, PLA nhận ra rằng lực lượng khổng lồ trên mặt đất của Trung Quốc là quá lỗi thời. Các chuyên gia PLA tại Học viện Khoa học Quân sự tại Bắc Kinh bắt đầu học tất cả những gì từ các chuyên gia Mỹ về cái được gọi “cách mạng trong vấn đề quân sự” (RMA), đây là sự thay đổi trong chiến lược và vũ khí cùng sự hỗ trợ khả thi từ công nghệ máy tính.

Trong bài trả lời phỏng vấn của tạp chí The Economist tại Học viện Khoa học Quân sự, tướng Chen Zhou, tác giả chính của 4 sách trắng quốc phòng Trung Quốc nói: “Chúng tôi nghiên cứu RMA một cách thấu đáo. Người hùng vĩ đại của chúng tôi là Andy Marshall của Lầu năm góc (người đứng đầu Phòng Đánh giá mạng của Lầu năm góc và được xem như nhà lãnh đạo tương lai của Lầu năm góc). Chúng tôi đã dịch từng chữ ông ấy viết ra”. Năm 1993, Tổng bí thư Giang Trạch Dân có phát biểu công nhận RMA là trung tâm trong chiến lược quốc phòng của Trung Quốc. Với những gì học được từ RMA, PLA đã chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ dưới điều kiện công nghệ cao”. Chiến dịch sẽ diễn ra ngắn, chính xác và có sự giới hạn về mặt địa lý và mục đích chính trị. Đầu tư lớn nhất trong giai đoạn tiếp theo sẽ là không quân, hải quân và pháo binh, là các lực lượng triển khai các tên lửa mang đầu đạn và không mang đầu đạn hạt nhân.

Trung Quốc đang gia tăng tiềm lực quốc phòng một cách nhanh chóng

Những biến đổi lớn hơn từ năm 2002 và 2004. Việc sở hữu đủ vũ khí công nghệ cao vẫn là chưa đủ, vấn đề quan trọng hơn là về khả năng liên kết và phối hợp giữa các thiết bị với nhau trên chiến trường mà Trung Quốc gọi là “Thông tin hóa” (informatisation), còn phương Tây gọi là “C4ISR thống nhất” (bao gồm chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và do thám).

Tướng Chen mô tả quãng thời gian cho tới năm 2010 như “đặt nền móng cho hiện đại hóa quân sự”. Thập kỷ tiếp theo sẽ là sự bừng giấc của cơ giới hóa (bố trí quân đội hiện đại trên thực địa) và thông tin hóa (kết nối thành một mạng lưới). Hai quá trình sẽ hoàn chỉnh vào năm 2020 khi việc trang bị, phối hợp và đào tạo hoàn chỉnh. Nhưng tướng Chen thừa nhận khả năng thông tin hóa của Trung Quốc sẽ chưa thực sự tốt. Ông cho rằng “vấn đề lớn nhất là Trung Quốc mới chỉ cơ giới hóa một phần. Trung Quốc không phải lúc nào cũng đầu tư đúng hướng khi công nghệ của Trung Quốc còn trùng giẫm và khập khiễng”. Trong khi phương Tây có thể thực hiện quá trình một cách hoàn chỉnh thì Trung Quốc vẫn đang mò mẫm để hoàn thiện. Do vậy, Trung Quốc vẫn không ngừng đầu tư lớn để đánh bại những kẻ thù đã đạt được hiện đại hóa công nghệ bằng cách “sử dụng tốt nhất những thế mạnh của Trung Quốc để đánh vào những điểm yếu của kẻ thù”.

Cho tới năm 2012, theo như tuyên bố chính thức của Trung Quốc, tất cả các khoản chi tiêu quốc phòng khoảng của nước này là khoảng 160 tỷ USD. Mỹ có mức chi tiêu quốc phòng gấp khoảng 4,5 lần Trung Quốc nhưng với xu hướng hiện tại thì chi tiêu quốc phòng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2035.

Tất cả các khoản đầu tư vào quốc phòng đang làm thay đổi khả năng tác chiến PLA. Cách đây 20 năm, sức mạnh quân đội Trung Quốc dựa chủ yếu quân số binh lính không lồ; nhiệm vụ chính là chiến đấu trực diện và đánh chiếm lãnh thổ. Ngày nay, PLA vẫn là quân đội đông nhất thế giới, với khoảng 2,3 triệu quân tại ngũ. Nhưng sức mạnh thực sự của quân đội Trung Quốc đã chuyển sang các nhân tố khác. Các nhà nghiên cứu của Lầu 5 góc đánh giá Trung Quốc đang có ý định đạt được cái gọi là “sát thủ giản” (Hệ thống phòng thủ chống tiếp cận - anti-access/area denial, viết tắt là A2/AD). Hệ thống này sử dụng các điểm phòng thủ trên mặt đất, tàu đánh chặn tên lửa trên biển, phát triển các hạm đội tàu ngầm và vệ tinh để phá hủy hoặc vô hiệu hóa từ xa khả năng thâm nhập quân sự của các nước khác.

Theo Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược (CSBA) nhận định về những trang thiết bị thiết yếu của Trung Quốc có thể triển khai trong vòng 10 năm tới, bao gồm: vệ tinh và máy bay giám sát không người lái, hàng nghìn tàu đánh chặn tên lửa, hơn 60 tàu ngầm tàng hình thông thường và 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân, máy bay chiến đấu tàng hình có người lái và không người lái, kỹ thuật chiến tranh không gian và công nghệ cao.

Cùng với đó, lực lượng hải quân được chú trọng xây dựng như người bảo vệ với nền kinh tế phát triển chưa từng có của Trung Quốc. Các nhiệm vụ này bao gồm ủng hộ tuyên bố chủ quyền (ví dụ tuyên bố về chủ quyền với phần lớn diện tích trên Biển Đông như vùng đặc quyền kinh tế) để bảo vệ các tàu hàng khổng lồ của Trung Quốc, duy trì quyền tiếp cận với các nguồn cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô và bảo vệ công dân Trung Quốc lao động ở nước ngoài với số lượng tăng nhanh chóng (hiện tại là 5 triệu và tăng lên 100 triệu vào năm 2020). Hải quân Trung Quốc đang được hiện đại hóa nhanh chóng để vươn tới hoạt động ở các vùng xa hơn nhằm khẳng định sức mạnh của Trung Quốc. Trong 5-10 năm tới, Trung Quốc có thể chắc chắn có 3 hàng không mẫu hạm loại nhỏ nhưng chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc cũng cần nhiều thời gian hơn để học cách điều khiển.

Sự lo ngại của các nước với tiến trình hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc

Việc Trung Quốc tăng cường xây dựng quân đội đang rung lên hồi chuông cảnh báo với châu Á và đã tác động tới trọng tâm chiến lược Mỹ trong chính sách quốc phòng, khiến Mỹ ngày càng gấp rút chuyển hướng sang khu vực châu Á. Tài liệu về “Định hướng Chiến lược Quốc phòng” do Tổng thống Obama tuyên bố vào tháng 1/2012 khẳng định: “sự chuyển ưu tiên sang khu vực châu Á là nên làm và điều này đang diễn ra”. Tài liệu này cũng chỉ ra “trong khi quân đội Mỹ đang đóng góp cho an ninh thế giới, Mỹ cần thiết phải tái cân bằng hướng tới châu Á-Thái Bình Dương.” Mỹ đang lên kế hoạch cắt giảm mạnh mẽ ngân sách quốc phòng lên tới con số 500 tỷ USD trong 10 năm tới. Nhưng tài liệu nêu “để xác định chính xác các kẻ thù tiềm tàng và ngăn các kẻ thù này đạt được mục đích, Mỹ cần duy trì khả năng triển khai quân sự tại các khu vực mà tại đó khả năng tiếp cận và tự do triển khai các hoạt động quân sự đang bị thách thức.”

Do bị phân tâm trong cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, Mỹ đã bỏ rơi khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới. Cụ thể là, Mỹ đã phản ứng thiếu thỏa đáng với sự tăng trưởng sức mạnh quân sự và chính trị của Trung Quốc. Theo các quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ, Trung Quốc có tham vọng trở thành lãnh đạo khu vực; đang theo đuổi quyết tâm đẩy Mỹ ra khỏi khu vực mà Mỹ đã tuyên bố có lợi ích thiết yếu bởi tất cả các Chính quyền từ thời Tổng thống Teddy Roosevelt (khoảng hơn 50 năm qua); và đang lôi kéo các nước Đông Nam Á vào quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc. Mỹ buộc phải đáp trả và động thái đầu tiên của Mỹ là sẽ sớm thực hiện tuyên bố vào vào tháng 11 năm ngoái về việc triển khai 2.500 lính thủy quân lục chiến tại Australia và sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Phillipines kể từ tháng 1 năm nay.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi láng giềng của Trung Quốc và phương Tây quan ngại về sự lớn mạnh này của Trung Quốc. Lực lượng đông đảo của Trung Quốc bố trí xung quanh Đài Loan cộng thêm khả năng về hệ thống “A2/AD” gây áp lực với các nước khác, làm mờ nhạt vai trò là người đảm ảo an ninh thường trực cho các đồng minh châu Á của Mỹ. Chính sách tái cân bằng hướng tới châu Á một phần hướng tới làm giảm nghi ngờ của các đồng minh.

Đồng minh Mỹ cũng tự thực hiện các biện pháp, ví dụ như xây dựng hệ thống A2/AD để tự bảo vệ. Nhưng xu hướng dài hạn trong chi tiêu quốc phòng đang có lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc có thể tập trung toàn bộ vào châu Á, trong khi Mỹ phải đảm nhiệm tại nhiều nơi trên thế giới. Lo ngại của châu Á về “con rồng châu Á Trung Quốc” sẽ còn tiếp diễn.

Tại Tây Thái Bình Dương, hệ thống A2/AD đồng nghĩa với việc nhằm vào các hạm đội tàu sân bay của Mỹ và các căn cứ không quân trên các đảo Okinawa và Guam. Điều này khiến cho sự hiện diện của Mỹ tại châu Á trở nên tốn kém hơn và bị nhiều đe dọa hơn, do đó các đồng minh của Mỹ ở châu Á sẽ không thể dựa vào sức mạnh Mỹ để ngăn chặn sự gây hấn hay chiến đấu với hệ thống vũ khí ngày càng tinh vi, hiện đại của Trung Quốc. Điều này cũng cho phép Trung Quốc lập lại những đe dọa dùng vũ lực với Đài Loan nếu hòn đảo này tuyên bố độc lập.

 

Trung Quốc gây lo ngại cho phần còn lại của thế giới không chỉ bởi phạm vi xây dựng quốc phòng mà còn vì sự thiếu thông tin về việc Trung Quốc sẽ sử dụng quân đội như thế nào. Định hướng Chiến lược Quốc phòng  của Mỹ cũng chỉ rõ những lo lắng: “Sự tăng trưởng tiềm lực quốc phòng Trung Quốc nhất thiết phải đi cùng với sự minh bạch hơn về các mục tiêu chiến lược để tránh gây ra sự xung đột tại khu vực.”

Trung Quốc đang “trỗi dậy hòa bình”?

Trung Quốc quyết tâm thực hiện cái gọi là “trỗi dậy hòa bình”. Các chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhấn mạnh cam kết sự trỗi dậy dựa trên nguyên tắc của trật tự thế giới đa cực. Họ từ chối với ý kiến cho rằng Trung Quốc đang thấy mình như là đối thủ ở tầm “gần ngang hàng” với Mỹ.

Tại Biển Đông, mọi thứ nhìn có vẻ khác biệt với những phát biểu về “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Trong 2 năm qua, đã có những xung đột giữa các tàu Trung Quốc với tàu Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines,... về chủ quyền hàng hải tại vùng biển có trữ lượng tài nguyên dồi dào.

Báo chí Trung Quốc cũng liên tục đưa ra những bài xã luận về khả năng dùng vũ lực của Trung Quốc trong tranh chấp với các nước láng giềng. Trong một bài xã luận trên tạp chí Global Times của Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc đã đưa ra lời cảnh báo đầy hiếu chiến: “Nếu các nước này không thay đổi cách cư xử với Trung Quốc, họ cần chuẩn bị sức mạnh của họng súng. Trung Quốc cần sẵn sàng cho điều này bởi vì đó có thể là cách duy nhất cho giải quyết tranh chấp trên biển”. Đây không phải là tuyên bố chính thức nhưng mọi báo chí ở Trung Quốc đều có sự kiểm duyệt về mặt nội dung của nhà nước. Cách nói mềm mỏng của các quan chức ngoại giao có thể cảm thấy xấu hổ với bài xã luận mang tính thách thức trên Global Times. Nhưng thực sự, quan điểm của tờ báo này cũng không khác nhiều so với thái độ hung hăng của giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng tăng cường sức mạnh hải quân.

Thêm vào đó, trong một công bố năm 2005 của PLA mang tên Khoa học về Chiến lược Quốc phòng (Science of Military Strategy), cũng thể hiện rõ thái động hung hăng của Trung Quốc. Tài liệu này nêu: “Chủ động trong quốc phòng là đặc điểm tối quan trọng của quân đội Trung Quốc”, nhưng nếu “kẻ thù xâm phạm tới lợi ích của Trung Quốc thì cũng đồng nghĩa với việc nổ súng trước” trong trường hợp này nhiệm vụ của PLA là “làm tất cả có thể để đánh bại kẻ thù bằng cách ra đòn phủ đầu.”

Các nhân tố hạn chế sự đe dọa từ Trung Quốc

Trung Quốc đang gia tăng tiềm lực quốc phòng một cách nhanh chóng nhưng mối đe dọa từ Trung Quốc không nên bị cường điệu, bởi vì vẫn còn tồn tại các yếu tố hạn chế sự đe dọa này.

Thứ nhất, không giống như Liên Xô, Trung Quốc có lợi ích quốc gia tối quan trọng với sự ổn định với ổn định của hệ thống kinh tế toàn cầu . Lãnh đạo giới quân sự Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng sự phát triển một đất nước với thu nhập trung bình và còn có nhiều người sống ở mức nghèo khổ thì phát triển kinh tế là một ưu tiên so với tham vọng quốc phòng. Sự tăng lên trong chi tiêu quốc phòng phản ánh sự tăng trưởng của kinh tế hơn là sự tăng lên của thu nhập quốc gia. Trong nhiều năm, chi tiêu quốc phòng Trung Quốc chiến tỷ trọng không đổi so với GDP (nhỉnh hơn 2%, trong khi của Mỹ là hơn 4,7%). Với những gì đang diễn ra trong xã hội Trung Quốc, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ tiếp tục lo lắng nhiều hơn về các đe dọa từ bên trong tới quyền lãnh đạo hơn là những hiểm họa từ bên ngoài. Tiêu dùng cho an ninh nội địa năm ngoái lần đầu vượt chi tiêu quốc phòng. Với dân số già đi nhanh chóng, lựa chọn về chăm sóc sức khỏe sẽ là ưu tiên cao hơn so với đầu từ vào quốc phòng. Giống tất cả các cường quốc khác, Trung Quốc phải đối mặt với hai lựa chọn: hiện đại quốc phòng hay nâng cao đời sống người dân.

Thứ 2, giống như các nhà hoạch định chính sách thực dụng của Mỹ thừa nhận, điều không đáng ngạc nhiên hay gây sốc khi một nước có tầm quan trọng và lịch sử như Trung Quốc muốn khẳng định vị trí của họ trên thế giới và họ muốn thông qua sức mạnh quân sự phản ánh điều đó. Thực vậy, phương Tây đôi khi cũng tranh cãi về sức mạnh Trung Quốc, họ vừa bực dọc với sức mạnh Trung Quốc  vừa muốn Trung Quốc chấp nhận có trách nhiệm lớn hơn với trật tự toàn cầu. Tướng Yao Yunzhe của Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc cho rằng: “Trung Quốc bị chỉ trích nếu Trung Quốc làm nhiều hơn hoặc ít hơn. Phương Tây nên quyết định điều họ muốn. Trật tự quân sự quốc tế do Mỹ đứng đầu, cùng với NATO và các đồng minh song phương châu Á, chẳng có tổ chức giống WTO cho Trung Quốc tham gia.” Xét trên một phương diện, việc Trung Quốc hiện đại hóa quốc phòng là có thể chấp nhận được so với sức mạnh kinh tế đang có.

Thứ 3, PLA có thể không ghê gớm như những gì được viết trên sách báo. Công nghệ quốc phòng Trung Quốc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lệnh cấm vận vũ khí của phương Tây sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Ví dụ, Trung Quốc phải rất khó khăn để sản xuất động cơ máy bay chiến đấu. Các công ty quốc phòng phương Tây tin rằng đó là lý do các vụ tấn công tin tặc thường xuất phát từ Trung Quốc. Nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc có thể đang được cải thiện nhưng vẫn thất thường, chưa hiệu quả và phụ thuộc nặng vào công nghệ nhập khẩu của Nga, các công nghệ này được cũng được bán cho các đối thủ của Trung Quốc. PLA cũng có ít kinh nghiệm chiến đấu. Vẫn còn nhiều hoài nghi về khả năng của PLA về khả năng liên kết trong triển khai các lực lượng chiến đấu.

Tướng Yao đánh giá khoảng cách giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc “ít nhất là 30 năm, có thể 50 năm”. Bà cho rằng, “Trung Quốc không hề có nhu cầu trở thành thành ngang hàng với Mỹ. Nhưng có lẽ tới khi Trung Quốc thực sự trở thành đối thủ ngang ngửa với Mỹ thì khi đó, lãnh đạo hai nước sẽ đủ khôn ngoan để giải quyết vấn đề”. An ninh toàn cầu trong vài thập kỷ tới sẽ phụ thuộc vào khả năng này có thành hiện thực không.

Khôi Nguyên