Thế giới 7 ngày

"Chiến thắng lớn - nỗi lo nhiều" cho Obama và "tìm con đường mới" cho Trung Quốc

08:33 | 12/11/2012

826 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tổng thống Obama chiến thắng trong nỗi lo lớn, Đại hội 18 ĐCS Trung Quốc, IAEA nối lại đàm phán hạt nhân với Iran hay cô gái gốc Việt tiếp tục đoạt giải Falling Walls Lab... chính là những nét đáng chú ý trong bức tranh thế giới 7 ngày qua.

Tổng thống Obama tái đắc cử, “chiến thắng lớn, nỗi lo nhiều”.

Ngày 6/11, Tổng thống Barack Obama đã chiến thắng áp đảo trước ứng cử viên Cộng hòa Mitt Romney với tỉ lệ 303-206 phiếu đại cử tri để tiếp tục dẫn dắt cường quốc số 1 thế giới thêm môt nhiệm kỳ nữa. Năm nay, ông Obama chiến thắng bằng hình ảnh của một Tổng thống luôn chiến đấu vì lợi ích của giai cấp trung lưu.

Trong bài diễn văn mừng chiến thắng, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Bất chấp tất cả sự khác biệt, phần lớn chúng ta đều chia sẻ những niềm hy vọng về tương lai của nước Mỹ. Chúng ta mong muốn con cái lớn lên trong một đất nước với những trường học và đội ngũ giáo viên tốt nhất;trong một  đất nước dẫn đầu thế giới về công nghệ và sáng tạo.

Và trong những tuần, tháng tới tôi sẽ nỗ lực để vượt qua những khác biệt, hợp tác với lãnh đạo của hai đảng để giải quyết những thách thức mà chúng ta chỉ có thể đối phó khi phối hợp cùng nhau như giảm thâm hụt ngân sách, cải cách luật thuế. Chúng ta có rất nhiều việc phải làm.”

Tuy nhiên, thách thức đang đè nặng trên vai ông Obama trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Cho tới nay các nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ vẫn còn bất đồng sâu sắc về vấn đề chính sách thuế má. Trong vấn đề mà cử tri từng quan tâm sâu sắc này, Nhà Trắng và các nghị sỹ của đảng Dân chủ chủ trương tăng thuế đối với thiểu số những người giàu, với mức thu nhập từ 200.000 USD/năm đối với cá nhân và từ 250.000 USD/năm đối với các cặp vợ chồng trở lên. Việc tăng thuế này sẽ làm tăng nguồn thu ngân sách, góp phần xử lý vấn đề nợ quốc gia.

Tuy nhiên, quan điểm của các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa tại Quốc hội lại cho rằng người có tiền là động lực của nền kinh tế, do vậy nếu tăng thuế sẽ làm giảm đầu tư, do vậy có hại đối với nền kinh tế. Biểu hiện của tình hình căng thẳng là việc ngày 8/11, trước khi bước vào các cuộc thương lượng, Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa John Boehner thẳng thừng tuyên bố mọi sự tăng thuế đều "không thể chấp nhận". Ông Boehner cảnh báo rằng phương án tăng thuế không chỉ không thể được thông qua tại Hạ viện mà ngay cả tại Thượng viện cũng chưa có gì bảo đảm.

Hiện, Quốc hội Mỹ cũng đang đứng trước thời hạn chót vào ngày 31/12/2012 tới, đạo luật giảm thuế thu nhập 2% sẽ hết hạn. Nếu các bên không có nhượng bộ, ngân sách của chính phủ liên bang Mỹ sẽ tự động bị cắt giảm 1.200 tỉ USD trong 10 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2013, trong đó gần một nửa là ngân sách quốc phòng. Một thách thức nữa đối với chính quyền của Tổng thống Obama là thuyết phục Quốc hội nâng mức trần nợ quốc gia sắp tới giới hạn 16.400 tỉ USD mà Quốc hội đã cho phép.

Người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện Boehner cho biết kể từ khi kết thúc bầu cử đến nay vẫn chưa có bất kỳ kế hoạch gặp gỡ nào giữa ông Boehner và Tổng thống Obama.

Tổng thống tái đắc cử Barrack Obama phát biểu mừng chiến thắng tại Chicago rạng sáng 7/11 (theo giờ địa phương)

 

Khai mạc Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc

Hai ngày sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc, sáng 8, Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chính thức khai mạc. Chủ đề của Đại hội 18 là “Giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của lý luận Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba đại diện và Quan điểm phát triển khoa học, giải phóng tư tưởng, thực hiện chính sách cải cách mở cửa, tăng cường sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn, kiên định con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả”.

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào kêu gọi toàn thể đảng viên và nhân dân Trung Quốc kiên định con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả. Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu mới có ý nghĩa lịch sử và những thành tựu đó đã đặt nền móng vững chắc cho việc hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả. Sau hơn 90 năm kể từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tập hợp và lãnh đạo quần chúng nhân dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đưa Trung Quốc từ một nước nghèo nàn và lạc hậu trở thành một nước Trung Quốc ngày càng thịnh vượng, mở ra triển vọng tươi sáng cho sự phát triển mạnh mẽ của dân tộc Trung Hoa.

Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã vươn lên vị trí nền kinh tế thứ hai thế giới…

Tuy nhiên, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào nêu rõ Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, song cũng đối mặt với những rủi ro và thách thức mới. Đảng Cộng sản Trung Quốc cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển một cách khoa học, thúc đẩy xã hội hài hòa, cải thiện đời sống của người dân và hoàn thành những trọng trách được giao phó. Trung Quốc cần tiếp tục thực hiện cải cách cơ cấu chính trị, nâng cao năng lực điều hành và chống tham nhũng, tăng cường nỗ lực giải quyết các vấn đề sắc tộc, xây dựng một hệ thống an sinh xã hội mang lại lợi ích cho cả người dân thành thị và nông thôn. Về chính sách đối ngoại, Trung Quốc sẽ kiên định con đường phát triển hòa bình và thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình độc lập.

Đại hội 18 sẽ thảo luận Báo cáo chính trị do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 17 đệ trình; xem xét báo cáo công tác của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương; thảo luận và thông qua dự thảo sửa đổi Điều lệ Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa mới. Đại hội 18 sẽ diễn ra trong 7 ngày và bế mạc vào ngày 14/11 tới.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu tại lễ khai mạc

Ukraine: Không đảng nào giành đa số tối thiểu tại quốc hội khóa mới

Tối 9/11, Ủy ban bầu cử Ukraine (SIK) đã công bố kết quả sơ bộ cuối cùng của cuộc bầu cử Quốc hội khóa VII gồm 450 ghế vừa qua, theo đó, đảng "Các khu vực" (PR) cầm quyền về nhất với 188 ghế, khối đối lập thống nhất do đảng "Batkivshina" của cựu Thủ tướng Yulia Yulia Timoshenko đứng đầu, xếp thứ hai với 101 ghế. Xếp thứ ba là các ứng cử viên độc lập giành 45 ghế.       

SIK Ukraine xác nhận phải tổ chức bỏ phiếu lại tại 5 khu vực bầu cử mang số 94, 132, 194, 197 và 223 do không thể xác định được kết quả kiểm phiếu. Tuy nhiên, phe đối lập Ukraine lại đòi kiểm phiếu lại tại 13 khu vực bầu cử và tuyên bố nếu SIK không đáp ứng yêu sách trên thì họ sẽ không công nhận kết quả bầu cử và tẩy chay hoạt động của Quốc hội khóa VII. Do PR không giành được đa số tối thiểu (226/450 ghế) tại cơ quan lập pháp khóa mới nên để duy trì vị thế cầm quyền, chính đảng này sẽ phải tìm kiếm đồng minh mới trong số các đại biểu độc lập, bởi cả phe đối lập và CPU đều tuyên bố không chủ trương liên minh với PR.

Luật pháp Ukraine quy định quốc hội khóa mới có thể bắt đầu hoạt động nếu hội đủ 2/3 số đại biểu (300 người).

Cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Timoshenko. (Nguồn: RIA Novosti)

Bạo lực tiếp diễn nghiêm trọng tại Syria, dòng người người tị nạn tăng mạnh

Sau 2 tuần chống cự, các tay súng chống đối về cơ bản đã bị đánh bật khỏi Damasscus. Tuy nhiên, chiến sự vẫn tiếp diễn tại khu vực ngoại ô thủ đô và các tỉnh như Aleppo ở miền Bắc.

Trong khi đó, tình hình tại Syria tiếp tục diễn biến phức tạp với bạo lực không có dấu hiệu giảm bớt. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR - trụ sở tại Anh) cho biết đã có ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng trong các vụ xung đột tại Ras al-Ain, một trong hai điểm giao cắt duy nhất ở khu vực giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ còn nằm trong tay quân đội chính phủ. Tại thị trấn Muadamiya al-Sham ở thủ đô Damascus, một chiếc xe gài bom đã phát nổ bên ngoài văn phòng thị trưởng tại đây, làm 4 dân thường thiệt mạng. Riêng trong ngày 9/11, các vụ bạo lực diễn ra  trên toàn Syria đã khiến 114 người thiệt mạng, trong đó có 53 binh sĩ chính phủ và 47 dân thường.

Một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết đã có 11.000 người Syria phải chạy sang các quốc gia láng giềng riêng trong ngày 9/11, nâng tổng số người tị nạn Syria tại các nước láng giềng lên hơn 700.000 người. Theo ước tính của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo thuộc LHQ (OCHA), số người tị nạn Syria có thể nâng từ 2,5 triệu người hiện nay lên 4 triệu người vào đầu năm tới nếu cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này không chấm dứt.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn phát trên kênh truyền hình "Nước Nga Ngày nay" ngày 9/11, Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố tương lai của ông chỉ có thể được quyết định thông qua bầu cử. Trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh, ông Assad cho biết việc một tổng thống tại nhiệm hay ra đi là chuyện bình thường và "cách duy nhất để quyết định được điều này là thông qua hòm phiếu".

Ông cũng phủ nhận việc Syria đang lâm vào một cuộc nội chiến, vì các cuộc xung đột như vậy phải xuất phát từ các vấn đề sắc tộc hoặc dân tộc. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo cuộc xung đột với lực lượng chống đối có thể là "một cuộc chiến lâu dài và gian khó" nếu lực lượng này tiếp tục nhận được hỗ trợ từ nước ngoài.

IAEA thông báo nối lại đàm phán hạt nhân với Iran

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm 9/11 thông báo sẽ nối lại đàm phán hạt nhân với Iran vào tháng tới. Nếu kế hoạch này được thực hiện đúng lịch trình, đây sẽ là cuộc đàm phán đầu tiên giữa IAEA và Iran kể từ tháng 8 vừa qua

Người phát ngôn IAEA Gill Tudor cho biết cơ quan này đặt mục tiêu đi đến đường hướng khung cho việc giải quyết những vấn đề còn tồn đọng liên quan chương trình hạt nhân của Iran. IAEA muốn Tehran giải thích rõ về bằng chứng cho thấy cho đến năm 2003 và có thể cả sau đó, Iran vẫn tiến hành hoạt động nghiên cứu "liên quan tới việc phát triển một thiết bị nổ hạt nhân."

Song song với nỗ lực ngoại giao của IAEA, nhóm "P5+1" - gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ cộng với Đức - cũng đang tìm cách thuyết phục Iran thu nhỏ chương trình hạt nhân hiện nay của nước này, do nghi ngờ Iran sản xuất bom hạt nhân, mặc dù Tehran đã bác bỏ cáo buộc trên. Tuy nhiên, các nỗ lực theo cả 2 kênh ngoại giao này đã ngừng trệ trong những tháng gần đây do Mỹ tập trung cho chiến dịch bầu cử tổng thống. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chưa có kế hoạch cho cuộc gặp của nhóm "P5+1".

Quốc hội Hy Lạp thông qua gói biện pháp thắt lưng buộc bụng mới

Với đa số sít sao 153/299 phiếu ủng hộ, Quốc hội Hy Lạp hôm qua đã thông qua dự luật liên quan gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới trị giá 18,5 tỉ euro (23,6 tỉ USD). Đây là điều mà Chính phủ Hy Lạp phải thực hiện để được giải ngân phần cứu trợ tối cần thiết từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công sau hơn một tuần nữa.

Dự luật mới nâng tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67 tuổi, hủy chế độ lương tháng thứ 13 và 14 đối với viên chức, và giảm lương từ 5-15% đối với những người có thu nhập trên 1.000 euro/tháng. Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu quan trọng này, Thủ tướng Antonis Samaras khẳng định Quốc hội Hy Lạp đã thực hiện một bước đi quan trọng mang tính quyết định tiến tới tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế xứ sở "Thần thoại". “Cuộc bỏ phiếu này sẽ tạo điều kiện cho việc tăng trưởng trở lại, một tiền đề cho thế hệ tương lai của Hy Lạp.

Động thái tiếp theo là ngân sách cho năm tới - vấn đề thu hút sự quan tâm của hầu như tất cả mọi người. Điều này không thể xảy ra nếu chúng ta không có những hành động được lên kế hoạch tốt, thu hút đầu tư hay việc tư nhân hoá. Những điều này sẽ mang lại ấn tượng cả trong và ngoài nước rằng, Hy Lạp đã thay đổi cách suy nghĩ và Hy Lạp có thể bước sang một trang mới”.

Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội bỏ phiếu thông qua gói các biện pháp khắc khổ - Ảnh: THX/TTXVN

Bạo động tại nhà tù lớn nhất Sri Lanka - hơn 100 người thương vong

Chính phủ Sri Lanka đã phải huy động quân đội trang bị vũ khí hạng nặng để lập lại trật tự tại nhà tù Welikada lớn nhất nước này sau khi xảy ra vụ bạo động nghiêm trọng làm ít nhất 27 người chết và hơn 100 người bị thương.

Bộ trưởng phụ trách giam giữ và cải huấn của Sri Lanka, ông Chandrasiri Gajadeera cho biết bạo động xảy ra khi lực lượng cảnh sát đặc nhiệm (STF) của nước này đang truy tìm một lượng hàng hóa quốc cấm như thuốc phiện và điện thoại di động, nghi cất giấu trong nhà tù. Lợi dụng tình hình, một số tù nhân đã dùng gạch đá tấn công cảnh sát, buộc lực lượng này phải dùng đến bình xịt hơi cay và nổ súng trấn áp. Bạo động đã nổ ra khi cả cảnh sát và một số tù nhân có súng đáp trả lẫn nhau.

Hiện quân đội nước này đã tìm thấy 27 thi thể trong vụ bạo động tại nhà tù Welikada. Nhà tù Welikada giam giữ khoảng 4.500 tù nhân, trong đó có cả các thành viên của tổ chức vũ trang Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) đã bị giải tán hồi năm 2009. Một ủy viên nhà tù cho biết hiện chưa thống kê được chính xác có bao nhiêu tù nhân đã trốn thoát trong vụ bạo động.

Bạo động khiến nhiều binh sĩ chính phủ bị thương.

Hãng truyền thông BBC rơi vào cuộc "khủng hoảng lòng tin"

Hãng truyền thông BBC của Anh ngày 10/11 thừa nhận đang phải đối mặt với "cuộc khủng hoảng lòng tin" sau khi cho phép phát sóng một phóng sự điều tra trong chương trình Newsnight, trong đó nhầm lẫn một chính khách Anh là kẻ từng lạm dụng tình dục với một trẻ vị thành niên từ những năm 1970 của thế kỷ trước.

Mặc dù chương trình Newsnight không nêu danh tính của chính trị gia trong phóng sự được phát sóng từ tuần trước, song tên của cựu quan chức thuộc đảng Bảo thủ Anh Alistair McAlpine lại được công bố tràn lan trên các trang mạng xã hội và bị coi là thủ phạm. Ông Alistair McAlpine đã xuất hiện, phủ nhận mọi cáo buộc trong ngày 9/11. Vài giờ sau đó, chính nhân vật tố cáo ông là Steve Messham, người từng sống cùng nhà với cô gái vị thành niên Bryn Estyn ở xứ Wales, cho biết ông Alistair McAlpine không phải là nhân vật đó và ông chỉ là nạn nhân của sự nhầm lẫn danh tính. Ông Messham cũng chính thức lên tiếng đính chính rằng ông ấy có sự nhầm lẫn về tên gọi và đã xin lỗi. BBC cũng xin lỗi vì đã phát sóng phóng sự này.

Tổng Giám đốc BBC George Entwistle, ngoài việc yêu cầu chương trình Newsnight phải phát sóng buổi xin lỗi đầy đủ, đã yêu cầu "tạm dừng tất cả các phóng sự điều tra của Newsnight để kiểm tra và đánh giá lại công tác biên tập. Người dẫn chương trình Newsnight tối 9/11 đã thông báo tạm ngừng chương trình cho đến khi có thể được phép hoạt động lại vào ngày 12/11.

BBC phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích trong các tuần trở lại đây, trong đó có vụ việc của Jimmy Savile, một trong những người dẫn chương trình nổi tiếng của BBC, từng bị cáo buộc lạm dụng tình dục hàng trăm trẻ em trong suốt 40 năm.

Cô gái gốc Việt tiếp tục đoạt giải Falling Walls Lab

Nguyễn Kim Mai Thi, cô gái gốc Việt đang làm luận án tiến sĩ tại trường Đại học Kỹ thuật Aachen (RWTH Aachen) của Đức đã đoạt Giải Nhất cuộc thi Falling Walls Lab 2012 tại thành phố Cologne, Đức hồi tháng 7 vừa qua, được mời tham dự Vòng chung kết diễn ra tại Berlin và đã xuất sắc đoạt giải Ba.

Trong vòng chung kết, 100 các nhà khoa học và doanh nghiệp trẻ đến từ 38 quốc gia được tuyển chọn qua các kỳ sơ tuyển tại Đức, Thụy Sĩ, Áo, Nam Phi và Brazil trong tổng số trên 600 người đăng ký dự thi đã có cơ hội trình bày các ý tưởng và công trình nghiên cứu của mình trong thời gian 3 phút trước một ban giám khảo gồm các nhà khoa học và doanh nghiệp danh tiếng.

Trong phần giới thiệu công trình của mình trước hơn 700 nhà khoa học và quan khách quốc tế, Mai Thi, nữ nghiên cứu sinh trong lĩnh vực y học nano về điều trị bệnh ung thư, đã giải thích cách thức sử dụng những phân tử nano nhỏ xíu phá vỡ "bức tường" của tế bào ung thư, đưa thuốc vào bên trong tế bào. Điểm mới trong công trình của Mai Thi là tạo ra được những phân tử chuyên chở dược liệu nhỏ xíu để tấn công những tế bào ung thư, nhưng không gây hại cho những tế bào khỏe mạnh.

Mai Thi sinh ra tại Đức trong một gia đình có bố là kỹ sư hóa chất và mẹ là y tá. Ngay từ nhỏ, Mai Thi đã học rất giỏi và năm 2006 đã tốt nghiệp trung học với kết quả xuất sắc nhất (điểm cao tuyệt đối 1.0). Tháng 3/2012, sau một thời gian học tập, nghiên cứu ở trường Đại học Johannes Gutenberg ở thành phố Mainz, Đức và Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), Mai Thi đã bảo vệ luận án tốt nghiệp đại học chuyên ngành hóa cũng với điểm tối đa 1.0 theo hệ Diplom.

Trong quá trình làm nghiên cứu sinh ở trường RWTH Aachen bắt đầu từ tháng 5/2012, cô tiếp tục nghiên cứu về đề tài sử dụng công nghệ nano trong điều trị ung thư và hiện nay, phương pháp này đã thu được những thành công nhất định trong thí nghiệm ở chuột.

Falling Walls Lab do Quỹ Falling Walls và A.T. Kearney, một công ty tư vấn doanh nghiệp hàng đầu, sáng lập nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ và các doanh nhân trẻ được giới thiệu những giải pháp sáng tạo và lâu dài đối với những thách thức cấp bách của xã hội. Các sinh viên, nghiên cứu sinh, những bạn trẻ mới vào nghề và các doanh nghiệp trẻ trên khắp thế giới đều có thể đăng ký tham dự.

Trong những ý tưởng được gửi tới, ban giám khảo sẽ chọn ra những ý tưởng hay nhất được coi là "Sự đột phá cho tương lai" để đưa ra trình bày tại Hội nghị Falling Walls (vòng chung kết), diễn đàn để các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, trong đó có nhiều người từng đoạt giải thưởng Nobel trình bày những kết quả nghiên cứu mới nhất của mình.

Nguyễn Kim Mai Thi trình bày công trình của mình tại vòng thi chung kết

 

Hồ Điệp (Tổng hợp)