Chống tham nhũng ở Hongkong

13:30 | 20/09/2014

2,260 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đặc khu hành chính Hongkong liên tục duy trì được thứ hạng cao về chống tham nhũng. Theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch thế giới, năm 2012 Hongkong xếp thứ 14 và năm 2013 xếp thứ 15 trong số hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ về mức độ liêm chính.

Xây dựng một cơ quan chống tham nhũng mạnh mẽ

Ngày 15-2-1974, Hongkong ban hành sắc lệnh về Ủy ban Chống tham nhũng độc lập (ICAC), đánh dấu bước ngoặt về chống tham nhũng. Ủy ban này độc lập với các dịch vụ dân sự và các ủy viên phải chịu trách nhiệm trực tiếp với Giám đốc điều hành đặc khu hành chính Hongkong. ICAC cam kết chống tham nhũng thông qua một chiến lược ba mũi nhọn là: Thực thi pháp luật hiệu quả, giáo dục và phòng ngừa.

Hiện nay, ICAC có hơn 1.300 nhân viên, được phân thành các nhóm khác nhau. Nhân viên của ICAC phải tuân thủ các điều kiện phục vụ theo quy định của Pháp lệnh về Ủy ban Chống tham nhũng độc lập và thường được bổ nhiệm dựa trên những thỏa thuận về tiền thưởng. Khoảng 76% nhân viên đang làm việc trong các cấp độ khác nhau của Ủy ban và được trả công theo bảng lương ICAC, số còn lại được trả lương như dịch vụ dân sự.

Chống tham nhũng ở Hongkong

Raymond Kwok, đồng Chủ tịch Công ty Bất động sản Sun Hung Kai Properties hầu tòa vì bị cáo buộc tham nhũng  

Ảnh: JAPANTIMES.COM

Công việc của cơ quan chống tham nhũng được giám sát bởi bốn ủy ban độc lập mà chủ tịch của các ủy ban này là dân thường và các thành viên là những công dân có chức vụ. Ngoài ra, còn có một ủy ban chuyên xem xét các khiếu nại đối với nhân viên ICAC, giám sát việc xử lý các khiếu nại và đề xuất các hành động tiếp theo. Chính vì sự nghiêm minh này, năm 2012, 3 cựu sĩ quan ICAC bị kết tội vi phạm quy định điều tra và bị kết án tù chung thân.

Hongkong đã hào phóng dành cho ICAC 0,38% ngân sách quốc gia, một khoản kinh phí rất lớn để trả lương cao cho các nhân viên. Trong khi hầu hết các quốc gia chi dưới 0,01% ngân sách quốc gia cho công tác chống tham nhũng. Số tiền này không phí hoài khi 98,7% số người được hỏi đồng ý rằng ICAC xứng đáng nhận hỗ trợ của họ và 98,8% nhất trí cần phải giữ Hongkong trong sạch, không có tham nhũng. 88,3% số người được hỏi đánh giá công tác chống tham nhũng của ICAC đem lại hiệu quả (theo kết quả điều tra năm 2012). Vì tổ chức này rất nổi tiếng, do đó vào năm 2012, khi ICAC thông báo tuyển dụng nhân viên mới, họ nhận được hơn 12.000 đơn ứng tuyển các vị trí. Các nhân viên mới phải học một khóa làm quen công việc trong 10 tuần, tiếp theo là một chương trình đào tạo theo vị trí việc làm cụ thể nhằm trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng phù hợp.

Năm trước, ICAC nhận được 3.932 khiếu nại (chưa tính khiếu nại liên quan đến bầu cử), trong đó 63% liên quan khu vực tư nhân, 30% liên quan đến các cơ quan chính phủ và 7% liên quan đến các cơ quan công cộng. Trong những năm gần đây, hơn 70% số người khiếu nại báo cáo về tham nhũng sẵn sàng tiết lộ danh tính của họ. Các chương trình bảo vệ nhân chứng được xây dựng và duy trì theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ nhân chứng, nhằm bảo vệ và hỗ trợ người làm chứng. Nhờ nỗ lực này, 79,2% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng báo cáo các vụ tham nhũng. Kết quả này chứng minh sự hợp tác rất tích cực của người dân cũng như niềm tin của họ vào hiệu quả của ICAC.

Biến các sáng kiến  chống tham nhũng thành hành động

Nhân viên của ICAC được quyền kiểm tra các hành vi và các thủ tục của các cơ quan chính phủ và cơ quan công cộng, đưa ra các yêu cầu cải cách hành chính  nhằm ngăn chặn tham nhũng. Họ còn cung cấp dịch vụ tư vấn phòng chống tham nhũng cho các tổ chức và cá nhân theo yêu cầu từ năm 1985. ICAC tổ chức các chương trình giáo dục thích hợp, phục vụ các mục tiêu và ngành nghề khác nhau trong lĩnh vực kinh doanh nhằm duy trì một sân chơi bình đẳng tại Hongkong.

Trong Chương trình Quản lý liêm chính cho ngành ngân hàng, ICAC thiết lập một mạng lưới hơn 220 giám đốc điều hành ngân hàng từ khoảng 80 ngân hàng và công ty tiền gửi, cung cấp một khóa học trọn gói trên mạng về luật chống tham nhũng và tình huống khó xử về đạo đức cho nhân viên ngân hàng. Tổ chức này phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Đông và Ủy ban Chống tham nhũng của Macao xây dựng hướng dẫn phòng chống tham nhũng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua mạng lưới hơn 70 phòng kinh doanh và hiệp hội thương mại. Ở Hongkong, để học các kinh nghiệm chống tham nhũng có giá trị người ta phải trả bằng tiền như các loại dịch vụ khác.

Bên cạnh đó, ICAC duy trì những nỗ lực mạnh mẽ nhằm tạo dựng các giá trị tích cực trong giới trẻ. Năm học 2012-2013, có 11 cơ sở giáo dục đại học tham gia Chương trình Đại sứ ICAC, hơn 140 sinh viên được tuyển chọn để tổ chức các dự án khuyến khích sự liêm chính cho bạn bè của họ. Họ đã thành lập “I-League” (Hội Liêm chính) gồm hơn 500 đại sứ ICAC đương nhiệm và cựu đại sứ ICAC để khuyến khích những người này đóng góp liên tục cho sự nghiệp chống tham nhũng. Ngoài ra, họ xây dựng một “mô-đun đạo đức cá nhân” để đưa giáo dục liêm chính vào giáo dục phổ thông hoặc các chương trình liên quan đến sinh viên.

ICAC cũng điều hành trang web thanh niên “Trại iTeen” thu hút hơn 400.000 lượt truy cập vào năm 2013. Vấn đề đạo đức cũng được tải lên các trang mạng xã hội phổ biến để kích thích các cuộc thảo luận giữa thanh thiếu niên. Mới đây, họ tổ chức một dự án làm phim đặc biệt để khuyến khích những người trẻ tuổi sản xuất các bộ phim ngắn về chủ đề chống tham nhũng, sau đó tổ chức một liên hoan phim ngắn. Ngoài ra, câu lạc bộ ICAC Club với hơn 1.300 thành viên từ tất cả các tầng lớp xã hội tiếp tục là một kênh để công chúng tham gia và hỗ trợ sự nghiệp phòng chống tham nhũng.

Để thúc đẩy thông điệp bầu cử trong sạch đối với các ứng cử viên, những người tổ chức bầu cử và cử tri, ICAC phát động các chiến dịch giáo dục và quảng cáo cho các đối tượng công chúng khác nhau, sản xuất tài liệu, hướng dẫn thông tin và cung cấp dịch vụ đường dây nóng về cuộc bầu cử… Họ còn sản xuất loạt phim truyền hình chuyển thể từ những vụ việc có thực, dự kiến sẽ được phát trên truyền hình trong năm 2014. Các bộ phim này sẽ phơi bày tệ nạn tham nhũng và tranh thủ sự hỗ trợ của công chúng trong công tác phòng chống tham nhũng.

ICAC duy trì sự cảnh báo đối với những khả năng giao dịch tham nhũng giữa các nhân viên thu mua và nhà cung cấp, nhất là việc chào mời và chấp nhận giảm giá bất hợp pháp cho những đơn hàng thực phẩm. Họ đã tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật đối với việc kinh doanh điện thoại thông minh, máy tính bảng và sữa bột. Trung tâm Phát triển đạo đức Hongkong (HKEDC) được thành lập vào năm 1995 dưới sự bảo trợ của Cục Quan hệ cộng đồng, cam kết thúc đẩy đạo đức kinh doanh ở Hongkong trên cơ sở lâu dài. Trong năm 2012, trung tâm giới thiệu công tác thúc đẩy minh bạch của ICAC cho hơn 2.400 người, bao gồm cả các nhân viên điều tra, các du khách đến từ đại lục và 15 quốc gia ở nước ngoài.

Trong hành động, ICAC là một tổ chức cứng rắn và khó thỏa hiệp. Trong năm 2012, ủy ban đã bắt 567 người, trong đó có 27 công chức chính phủ. 245 người đã bị truy tố và 27 người bị cảnh cáo. Thành công trong điều tra hình sự và truy tố phụ thuộc nhiều vào khả năng và sự sẵn sàng của người làm chứng. Về vấn đề này, các chương trình bảo vệ nhân chứng được thiết lập và duy trì theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ nhân chứng, cung cấp sự bảo vệ và hỗ trợ khác cho người làm chứng.

Vụ việc mới đây nhất mà ICAC đưa ra ánh sáng Hongkong là vụ xét xử hai anh em tỉ phú Thomas và Raymond Kwok - đồng Chủ tịch Công ty Bất động sản Sun Hung Kai Properties vì tội tham nhũng, hối lộ. Cùng với họ còn có 3 người khác cũng bị truy tố là Rafael Hui, cựu Chánh văn phòng đặc khu Hongkong và hai nhân viên ngân hàng Thomas Chan và Fracis Kwan. Những người bị truy tố không hề tầm thường: Ông Hui là một nhân vật có thế lực rất lớn ở đặc khu này, bị cáo buộc nhận hối lộ; hai anh em nhà tỷ phú có tổng tài sản giá trị lên đến 18,3 tỉ USD, giàu thứ tư ở Hongkong. Vụ việc này đang gây rung động đặc khu Hongkong và một lần nữa thử thách sự kiên định của ICAC.

Hà Hồng Hà

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc