Tiếp vụ tiết lộ của cựu nhân viên CIA Edward Snowden:

CIA phải dừng hoạt động tại Tây Âu?

08:00 | 22/09/2014

1,163 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách gọi bấy lâu của tạp chí Wired dành cho Edward Snowden - là “người đàn ông bị truy lùng nhất thế giới” sau khi cựu nhân viên CIA tiết lộ nhiều tài liệu mật khiến chính quyền Mỹ lao đao, đang được thực tế chứng minh.

Bởi giới chuyên môn đang bàn luận trước thông tin, chi nhánh CIA tại Tây Âu đã phải ngừng hoạt động sau những tiết lộ của Edward Snowden về hoạt động của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), cùng bê bối hoạt động gián điệp ở Đức và các phản ứng tiêu cực từ khu vực này.

CIA phải dừng hoạt động tại Tây Âu?

Giám đốc CIA John Brennan

Theo giới truyền thông, thời gian tạm ngừng hoạt động là 2 tháng để CIA có thời gian kiểm tra và đánh giá lại hiệu quả hoạt động của họ tại Tây Âu. Trong thời gian này, các nhân viên CIA ở Tây Âu sẽ dừng hoạt động thu thập thông tin, cũng như tuyển dụng thành viên mới. Thông tin kể trên được hãng AP đăng tải hôm 20-9 sau tiết lộ của một quan chức Mỹ giấu tên. Nhưng CIA đã từ chối bình luận về thông tin này. Bộ Ngoại giao Đức từng yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài cung cấp danh sách nhân viên tình báo hoạt động tại Đức. Giám đốc CIA John Brennan từng bị Thượng nghị sĩ Mark Udall kêu gọi từ chức sau khi ông phải công khai xin lỗi Thượng viện về những sai sót của nhân viên CIA - lục soát, do thám máy tính của Thượng viện Mỹ. Đây là vụ bê bối lớn nhất từ trước đến nay giữa CIA với Thượng viện (kể từ thập niên 1970).

Theo tiết lộ trước đó của Edward Snowden, Mỹ từng lên kế hoạch ăn cắp thông tin của các công ty Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Iran. Trong khi đó, hãng RT cho biết, Thụy Sỹ đã quyết định không dẫn độ Edward Snowden sang Mỹ, nếu cựu nhân viên CIA đứng ra làm chứng chống lại các hoạt động gián điệp của NSA. Ông Marcel Bosonnet, luật sư người Thụy Sỹ của Edward Snowden cho biết, cựu nhân viên CIA khá hài lòng với kết luận của Bộ Tư pháp Thụy Sỹ và rất quan tâm vấn đề này. Động thái này diễn ra sau khi Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas cho rằng, cựu nhân viên CIA nên về Mỹ và đối mặt với tòa án; đồng thời thông báo, các luật sư của Edward Snowden đang thảo luận với cơ quan chức năng Mỹ để tìm kiếm khả năng đưa “người thổi còi” trở lại quê hương.

Trước đó, tờ Tấm gương của Đức đưa tin, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Cơ quan Tình báo Chính phủ Anh (GCHQ) có thể đã bí mật xâm nhập mạng của tập đoàn viễn thông Deutsche Telekom và một số nhà mạng khác của Đức. Russia Today cũng cho biết, Mỹ chuẩn bị công bố kết quả điều tra của Thượng viện về các biện pháp thẩm vấn từng được CIA sử dụng. Hãng McClatchy của Mỹ từng cho biết, theo báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, CIA đã đưa ra tuyên bố sai lệch về số đối tượng phải chịu các kỹ thuật thẩm vấn dã man như dìm trong nước.

Cách đây không lâu (11-9), Yahoo tiết lộ thông tin gây sốc với dư luận khi cho biết, Chính quyền Mỹ từng dọa phạt tập đoàn này sẽ phải trả 250.000 USD/ngày nếu họ không đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin liên lạc cho hoạt động tình báo. Trưởng nhóm luật sư cố vấn của Yahoo Ron Bell cho biết, tập đoàn này đã tìm cách phản đối yêu cầu của giới chức Mỹ, song bất thành. Theo ông Ron Bell, năm 2007, Chính phủ Mỹ đã sửa đổi Đạo luật giám sát tình báo nước ngoài (FISA), cho phép các cơ quan tình báo thu thập thông tin từ các dịch vụ trực tuyến. Việc này diễn ra sau khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố (5-9) hai bản ghi nhớ từ thời cựu Tổng thống George W.Bush, đề cập chi tiết về quyền hợp pháp của chính quyền trong hoạt động kiểm tra các cuộc gọi và thư điện tử của người Mỹ mà không cần giấy phép. Tổng thống Barack Obama cũng thừa nhận, sau vụ khủng bố hôm 11-9-2001, Mỹ đã làm những việc sai trái, đi quá giới hạn, và một số quan chức từng “tra tấn một số đối tượng”. 

Trong một diễn biến liên quan, ngày 1-9, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu đại diện Đại sứ Mỹ ở nước này để làm rõ thông tin về việc Ankara là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các cơ quan tình báo Mỹ và Anh. Phó Thủ tướng Bulent Arinc cho biết, giới chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara đã thảo luận về vấn đề này. Theo tiết lộ của Edward Snowden, Washington đã giám sát chặt chẽ giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2006.

Ngày 4-9, Popular Science, một trong những tạp chí công nghệ uy tín và lâu đời nhất nước Mỹ tiết lộ, đã có 17 trạm truyền tiếp sóng cho các mạng điện thoại di động giả mạo bị phát hiện trên khắp nước Mỹ (tháng 7-2014). Thay vì cung cấp dịch vụ di động, 17 trạm kể trên đã kết nối với các điện thoại xung quanh để bí mật giải mã bảo vệ và nghe lén cuộc gọi hoặc đọc lén tin nhắn. Ông Les Goldsmith, Tổng giám đốc công ty ESD America, đã phát hiện ra 17 trạm phát sóng giả mạo này khi sử dụng CryptoPhone 500.

Tân Hồng-Tiên Du