Cuộc biểu tình ở HongKong sẽ đi về đâu?

07:03 | 01/10/2014

1,432 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phong trào biểu tình của giới sinh viên HongKong đòi quyền tự do bầu cử người lãnh đạo đã bước sang tuần thứ hai. Cuộc phản kháng này sẽ đi đến đâu và Trung Quốc sẽ hành xử như thế nào?

Cuộc biểu tình ở HongKong sẽ đi về đâu?

Người biểu tình thắp sáng điện thoại bên ngoài Trung tâm tài chính HongKong ngày 29/9/2014

 

Người biểu tình muốn gì?

Phong trào bất phục tùng dân sự tại HongKong hiện nay có mục đích đòi Bắc Kinh phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn người lãnh đạo đặc khu kinh tế và hành chính này trong cuộc bầu cử vào năm 2017.

HongKong trở về với Trung Quốc từ năm 1997 theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Bắc Kinh cam kết quyền tự trị và tự do chính trị cho HongKong. Tuy nhiên, tháng 8/2014, Bắc Kinh thông báo là tân lãnh đạo hành pháp đặc khu HongKong sẽ được bầu ra theo hình thức phổ thông đầu phiếu, vào năm 2017, nhưng người dân HongKong chỉ được lựa chọn trong số 2 hoặc 3 ứng viên do một ủy ban có thẩm quyền giới thiệu.

Phong trào Occupy Central đã đòi Trung Quốc phải từ bỏ quyết định này và kêu gọi thúc đẩy tiến trình cải cách chính trị tại HongKong. Theo phong trào này, chính quyền HongKong phải gửi đến Bắc Kinh một báo cáo mới về cải cách chính trị phản ánh đầy đủ nguyện vọng dân chủ của người dân HongKong. Tuy nhiên, cho đến nay, lãnh đạo hành pháp HongKong, ông Lương Chấn Anh, đã yêu cầu người biểu tình trở về nhà. Mặt khác, ông Lương cũng phủ nhận tin đồn là chính quyền HongKong có thể cầu cứu đến quân đội Trung Quốc.

Những người biểu tình đã bác bỏ lời kêu gọi của ông Lương Chấn Anh và đòi ông phải từ chức. Theo ban tổ chức Occupy Central, “bất kể ai có chút lương tâm cũng phải hổ thẹn về việc đã hợp tác với một chính phủ rất ít quan tâm đến công luận”.

Trong khi đó, báo chí chính thức của Trung Quốc tố cáo các vụ biểu tình là những manh động của những kẻ “cực đoan chính trị”, muốn lợi dụng suy nghĩ lý tưởng hóa và lòng nhiệt tình của sinh viên đòi có bước tiến dân chủ mới. Theo website Mỹ China Digital Times, chuyên theo dõi hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc, thì Bắc Kinh đã ra lệnh cho tất cả các website tại nước này phải xóa bỏ ngay lập tức tất cả thông tin về các cuộc biểu tình tại HongKong.

Trong một tài liệu công bố hồi tháng 6, chính quyền Trung Quốc khẳng định HongKong không có quyền hưởng chế độ “tự trị hoàn toàn” và người dân đặc khu này “hiểu nhầm” về mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.

Một quan chức cấp cao Trung Quốc tuyên bố việc Bắc Kinh duyệt danh sách các ứng viên bầu cử ở HongKong là cần thiết để đảm bảo đặc khu trưởng HongKong “yêu Trung Quốc, yêu HongKong và sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh và phát triển của đất nước”.

Bắc Kinh cũng chỉ trích Anh và Mỹ đứng sau giật dây các cuộc biểu tình ở HongKong. Giới quan sát nhận định cả thế giới sẽ theo dõi xem Bắc Kinh phản ứng như thế nào đối với làn sóng biểu tình dữ dội trong những ngày qua.

Vấn đề của Bắc Kinh là tình thế hiện tại khá lưỡng nan. Chính quyền Trung Quốc không muốn bị xem là nhượng bộ, nhưng cũng sẽ phải cân nhắc khả năng sử dụng vũ lực để trấn áp biểu tình và những hậu quả của nó.

Cuộc biểu tình ở HongKong sẽ đi về đâu?

Cảnh sát HongKong đã sử dụng hơi cay và gậy để giải tán đám đông biểu tình

Kịch bản tồi tệ nhất là gì?

Mọi câu hỏi giờ đây đều dồn về phía Trung Quốc. Bất ngờ trước tầm mức của làn sóng phản đối, chính quyền trung ương đã tìm cách hạ nhiệt khi cho rút lui lực lượng chống bạo động, nhưng điều đó cũng không làm chùn bước được đám đông. Theo nhận định của Giáo sư đại học HongKong, Jean-Pierre Cabestan, Bắc Kinh đang trong một thế khó khăn và để cho phong trào tự tan rã. Câu hỏi là liệu họ (Bắc Kinh) có sẵn sàng đàm phán các nhượng bộ về cải cách để thoát khủng hoảng hay không?

Các tờ báo quốc tế dự đoán đến kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra đó là khai hỏa, thậm chí sử dụng cả quân đội để vãn hồi trật tự. Và nếu như vậy bóng ma Thiên An Môn như đang chập chờn đâu đây. Nỗi ám ảnh đó không phải là không có cơ sở. Gần đây tờ Thời báo Hoàn cầu của Đảng cộng sản Trung Quốc có đăng trên website của mình bài viết của một giáo sư “Học viện cảnh sát vũ trang” cảnh báo nếu cảnh sát HongKong không kiểm soát được tình thế, quân đội Trung Quốc sẽ can thiệp. Tuy nhiên, bài viết này chỉ xuất hiện vài giờ trên mạng thì bị gỡ xuống.

Truyền thông Trung Quốc ngày 30/9 cho hay Bắc Kinh sẽ không đáp ứng yêu cầu của những người biểu tình đòi dân chủ ở HongKong và sẽ đợi những cuộc biểu tình tàn lụi dần.

Tờ Nhân dân Nhật báo hôm qua đăng một bài xã luận trên website cho rằng những người biểu tình chỉ là “người thiểu số cực đoan” muốn “hủy hoại luật pháp ở HongKong". Còn tờ China Daily (Trung Quốc) viết những cuộc biểu tình làm ảnh hưởng đến sự ổn định của HongKong. Tờ Thời báo Hoàn cầu thì cho hay: “Chính quyền trung ương sẽ không chùn bước chỉ vì những sự hỗn loạn mà những người đối lập tạo ra”. “Người HongKong sẽ thấy rõ ràng rằng chính quyền trung ương sẽ không thay đổi quan điểm, họ sẽ nhận ra rằng vở kịch mà những người đối lập dàn dựng chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”, theo Thời báo Hoàn cầu.

Jean- Philippe Béja, Giám đốc nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), chuyên gia về Trung Quốc và hiện đang làm việc tại HongKong, nói rằng những người biểu tình có rất ít cơ may đạt được điều họ muốn. Theo ông, khó xảy ra trường hợp Quốc hội Trung Quốc thay đổi quyết định mà họ đã đưa ra. Có một yêu sách khác của người biểu tình, đó là đòi lãnh đạo hành pháp HongKong từ chức. Điều này cũng khó xảy ra. Nhưng điều có thể là một số thành viên chính phủ, cho đến lúc này, chưa xuất đầu lộ diện, thì nay sẽ tới thương lượng với đại diện phong trào biểu tình. Tuy vậy, đây cũng là một khả năng hiếm hoi. Trong mọi trường hợp, phong trào này chỉ có tác dụng giáo dục ý thức chính trị đối với thế hệ mới, những người tranh đấu cho dân chủ ở HongKong. 

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc