Hơn 2 năm nhà sáng lập WikiLeaks tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở Anh:

Cuộc chiến pháp lý sắp có hồi kết

07:00 | 21/08/2014

1,366 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
2 năm trước (tháng 8-2012), Tổng thống Ecuador Rafael Correa từng cho phép ông Julian Assange tị nạn chính trị, nhưng Chính quyền London tuyên bố: không đảm bảo cho nhà sáng lập trang mạng Wikileaks rời khỏi nước Anh một cách an toàn. Cho tới nay vẫn chưa có ai biết chính xác thời gian ông Julian Assange sẽ rời Đại sứ quán Ecuardor ở London.

LTS: Tuyên bố hôm 18/8 của nhà sáng lập trang mạng Wikileaks Julian Assange đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi sau hơn 2 năm lẩn trốn tại Đại sứ quán Ecuador ở thủ đô London, ông Julian Assange muốn rời khỏi nơi ẩn náu vì lý do sức khỏe, chứ không phải vì những gì mà tập đoàn truyền thông Murdoch và tờ Sky News đăng tải. Điều này đồng nghĩa với việc, cuộc chiến pháp lý đòi tự do của ông Julian Assange sẽ kết thúc sau khi nhà sáng lập trang mạng Wikileaks rời Đại sứ quán Ecuador. Ngoại trưởng Ecuardor Ricardo Patino cũng có mặt tại cuộc họp báo hôm 18/8 và đã kêu gọi chính phủ các nước hỗ trợ ông Julian Assange.

2 năm trước (tháng 8/2012), Tổng thống Ecuador Rafael Correa từng cho phép ông Julian Assange tị nạn chính trị, nhưng Chính quyền London tuyên bố: không đảm bảo cho nhà sáng lập trang mạng Wikileaks rời khỏi nước Anh một cách an toàn. Cho tới nay vẫn chưa có ai biết chính xác thời gian ông Julian Assange sẽ rời Đại sứ quán Ecuardor ở London.

Bradley Manning

Hai năm là quá dài

Tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 18/8, Ngoại trưởng Ecuardor Ricardo Patino nhấn mạnh: “Tình huống này phải chấm dứt. Hai năm là quá dài và chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ ông Julian Assange. Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với chính phủ Anh và Thụy Điển để tìm giải pháp. Nhân quyền của ông Julian Assange đã bị vi phạm nghiêm trọng”.

Ngoại trưởng Ricardo Patino còn cho biết, Ecuador đang làm việc với nhà chức trách Anh để thương đàm về một giải pháp mang tính “thân thiện và ngoại giao” để bảo vệ quyền con người cho ông Julian Assange, cũng như ngăn chặn việc bắt dẫn độ nhà sáng lập trang mạng Wikileaks sang các nước khác. Ngoại trưởng Ricardo Patino cũng cho biết, sẽ kiện Anh ra tòa án tư pháp quốc tế, tòa án trọng tài Liên hợp Quốc, nếu London không đồng ý lập một hành lang an toàn cho ông Julian Assange đến Ecuador.

Gần 2 năm trước (21/8/2012), khi trả lời phỏng vấn tờ báo Đức Frankfurter Rundschau, bà Cecilia Riddselius, Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế về án hình sự thuộc Bộ Tư pháp Thụy Điển cho biết, Chính phủ Thụy Điển sẽ không dẫn độ ông Julian Assange đến Mỹ nếu án tử đang treo lơ lửng ở đây và Thụy Điển cũng chưa hề nhận được yêu cầu dẫn độ của Mỹ.

Thông tin này được Ngoại trưởng Australia Bob Carr xác nhận hôm 22/8/2013. Ông Julian Assange luôn bác bỏ cáo buộc do một Tòa án Thụy Điển đưa ra - tấn công tình dục, bởi mang động cơ chính trị. Thụy Điển phát lệnh truy nã ông Julian Assange với nghi án cưỡng dâm. Nếu bị xét xử tại Thụy Điển, ông Julian Assange sẽ bị dẫn độ về Mỹ, nơi nhà sáng lập trang mạng Wikileaks có thể đối mặt với án tử hình nếu bị buộc tội xâm phạm bí mật quốc gia.

Julian Assange xuất hiện trong cuộc họp báo hôm 18-8 ở Đại sứ quán Ecuardor tại London

Đại sứ Ecuador tại Anh Juan Falconi Puig cho biết, ông Julian Assange hiện đang chịu khổ sở do phải sống trong một khoảng chật hẹp bên trong sứ quán. Bà Jenny Jones, thuộc Văn phòng cảnh sát và tội phạm London cho biết: “Tôi hiểu được hậu quả pháp lý của vụ án, nhưng thực tế điều này là vô nghĩa. Anh ta (Julian Assange) có thể ở lại đó (Đại sứ quán Ecuador) trong nhiều năm”.

Gần 2 năm trước (26/8/2012), London từng tuyên bố chủ trương tìm kiếm một giải pháp ngoại giao với Ecuador trong việc để ông Julian Assange trú ngụ tại Đại sứ quán Ecuador. Thông tin này xuất hiện sau khi Anh chính thức rút lại lời đe dọa tấn công vào Đại sứ quán Ecuador để bắt ông Julian Assange và việc này được Tổng thống Ecuador Rafael Correa xác nhận hôm 25/8/2012. Gần 1 năm trước (3/9/2013), kênh truyền hình NDR của Đức từng đưa tin, ông Julian Assange đã nộp đơn kiện hành động gián điệp của Mỹ lên Tòa án tối cao Đức ở Karlsruhe.

Cuối tuần trước, giới truyền thông Anh dẫn tiết lộ của một nguồn tin từ trang mạng WikiLeaks cho biết, tính mạng của ông Julian Assange đang bị đe dọa bởi chứng loạn nhịp tim nặng, và cao huyết áp. Theo một số tờ báo Anh, ông Julian Assange mắc một số bệnh hiểm nghèo như có vấn đề nghiêm trọng về phổi, thiếu vitamine D, thậm chí có thể bị tiểu đường, suyễn. Nhưng nếu rời Đại sứ quán Ecuador để nhập viện, ông Julian Assange sẽ bị bắt ngay trên giường bệnh. Bởi nhân viên Đại sứ quán Ecuador đã xin phép cho ông Julian Assange đi chữa bệnh, nhưng Bộ Ngoại giao Anh không hồi âm.

Khoảng 1 tháng trước (tháng 7/2014), tòa án Thụy Điển đã bác đề nghị hủy lệnh bắt do luật sư của ông Julian Assange đề nghị, nên cảnh sát Anh vẫn túc trực 24/24 bên ngoài Đại sứ quán Ecuador. Được biết, trong thời gian ẩn náu tại Đại sứ quán Ecuador, bố dượng và ông ngoại của ông Julian Assange đã qua đời. Ông Julian Assange tâm sự, đã không gặp con được 4 và có đứa buộc phải đổi chỗ ở và thay tên đổi họ sau khi tính mạng bị đe dọa. Mặc dù là người Australia, nhưng vì bị chính phủ Anh thu hồi hộ chiếu nên ông Julian Assange không thể đến lãnh sự quán Australia để xin một hộ chiếu khác vì nếu rời Đại sứ quán Ecuador, cảnh sát Anh sẽ bắt ngay nhà sáng lập trang mạng Wikileaks.

Ngày 9/3, tại Hội thảo truyền thông tương tác SXSW Interactive tổ chức tại Austin, Texas (Mỹ), ông Julian Assange đã bất ngờ xuất hiện trên màn hình được kết nối qua phần mềm Skype từ Đại sứ quán Ecuador ở London để phát biểu trước 3.500 người tham dự. Trong đó khẳng định, Mỹ chưa sẵn sàng cho một đợt cải cách nghiêm túc về cách tiếp cận thông tin của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA). Ông Julian Assange đã đưa ra dẫn chứng, theo đó không có bất cứ nhân viên nào của NSA bị sa thải hay chịu phạt kể từ khi Edward Snowden tiết lộ thông tin mật của cơ quan này.

Hơn 1 năm trước (19-6-2013), ông Julian Assange từng tiết lộ, đại diện của trang mạng WikiLeaks đang giúp cựu nhân viên CIA Edward Snowden tìm đường tị nạn ở Iceland, đồng thời bóng gió sẽ đăng tải các tiết lộ tiếp theo của nhân vật này. Khi đó (đang ở thăm Thụy Điển), Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson cho biết, một đại diện của ông Edward Snowden đã tiếp xúc không chính thức với một số nhân viên của một số bộ, ngành, nhưng chưa phải thảo luận chính thức. Được biết, bà Sarah Harrison, người tình của ông Julian Assange là người đã giúp Edward Snowden một số việc trong thời gian cựu nhân viên CIA đang xin tị nạn ở Nga.

Những tranh cãi không hồi kết

Gần 2 năm trước (26/9/2012), khi phát biểu qua video từ Đại sứ quán Ecuador ở London, ông Julian Assange đã mỉa mai Tổng thống Mỹ Barack Obama ủng hộ tự do ngôn luận ở Trung Đông trong khi không ngừng đeo bám và đàn áp WikiLeanks vì đã tiết lộ các bức điện tín ngoại giao.

Ngày 27/9/2012, tờ RT của Nga đưa tin, Washington đã tuyên bố WikiLeaks và ông Julian Assange là kẻ thù của nước Mỹ. Trước đó (tháng 12/2010), Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã coi ông Julian Assange là “khủng bố công nghệ cao” và nhiều quan chức hàng đầu của Mỹ đã công khai kêu gọi săn lùng nhà sáng lập WikiLeaks. Tổng thống Nga Putin từng cho rằng (6-9-2012), vụ việc liên quan tới nhà sáng lập WikiLeaks có khả năng mang động cơ chính trị, đồng thời cáo buộc Anh áp dụng "tiêu chuẩn kép" đối với lệnh dẫn độ ông Julian Assange tới Thụy Điển để xét xử.

Hơn 1 năm trước (19/6/2013), ông Julian Assange từng tiết lộ, đại diện của trang mạng WikiLeaks đang giúp cựu nhân viên CIA Edward Snowden tìm đường tị nạn ở Iceland, đồng thời bóng gió sẽ đăng tải các tiết lộ tiếp theo của nhân vật này. Khi đó (đang ở thăm Thụy Điển), Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson cho biết, một đại diện của ông Edward Snowden đã tiếp xúc không chính thức với một số nhân viên của một số bộ, ngành, nhưng chưa phải thảo luận chính thức. Được biết, bà Sarah Harrison, người tình của ông Julian Assange là người đã giúp Edward Snowden một số việc trong thời gian cựu nhân viên CIA đang xin tị nạn ở Nga.

Hơn 3 tháng trước (13/5), Đài Tiếng nói nước Nga từng cho biết, WikiLeaks lại tung ra những tiết lộ mới - hơn 5 năm trước, các chuyên gia đã cảnh báo, chính sách của Mỹ ở Ukraine có khả năng kích động làn sóng bạo lực và chia rẽ đất nước. Và vì ông Julian Assange đang trốn trong Đại sứ quán Ecuador ở London nên cảnh sát Anh buộc phải duy trì chế độ canh gác 24/24 tại địa điểm kể trên để có thể bắt nhà sáng lập WikiLeaks nếu đối tượng này tìm cách trốn chạy khỏi xứ sở sương mù.

Theo tờ Russia Today, Sở Cảnh sát London từng tiết lộ: đã chi khoảng 4,5 triệu USD để canh chừng ông Julian Assange, trong khi Ecuador cũng đã chi 2,9 triệu bảng Anh để bảo vệ nhà sáng lập WikiLeaks. Và khoản kinh phí này đang gia tăng theo tháng ngày. Được biết, chi phí cho hoạt động theo dõi ông Julian Assange đã ngốn của Chính phủ Anh khoảng 8 triệu USD (tính đến cuối năm 2013). Theo The Huffington Post, kể từ khi ông Julian Assange xin tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador, cảnh sát Metropolitan London phải duy trì hoạt động giám sát 24/24 và chi phí cho hoạt động này tốn 16.000 USD/ngày. Nếu ông Julian Assange ẩn náu trong Đại sứ quán Ecuador đến năm 2022 - khi thời hiệu yêu cầu dẫn độ hết hạn, chi phí mà cảnh sát London phải trả lên tới 60 triệu USD.

Theo tờ Telegraph, tình báo Australia đã kiểm tra điện thoại của Ngoại trưởng Australia Julie Bishop sau chuyến công du 2 tuần đến Mỹ, Ukraine và Hà Lan, và phát hiện điện thoại của bà bị tin tặc đột nhập. Điện thoại của bà Julie Bishop đã bị một lực lượng nước ngoài thâm nhập khi đang thảo luận về việc tiếp cận hiện trường chuyến bay MH17 bị rơi.

Theo tờ Herald Sun, tình báo Australia đã xác định được nước nào đứng sau vụ nghe lén nhưng không hé lộ chi tiết. Trong khi đó, Văn phòng Ngoại trưởng Australia từ chối bình luận về vụ việc kể trên, nhưng cho biết không có cuộc trao đổi nhạy cảm nào được tiến hành qua chiếc điện thoại này (hiện đã được thay thế).

Ngày 18/8, Thủ tướng Australia Tony Abbott xác nhận, điện thoại của bà Julie Bishop bị nghe lén khi đi Mỹ, Ukraine và Hà Lan.

Tên tuổi của ông Julian Assange vang danh thế giới sau khi trang mạng Wikileaks phanh phui nhiều bí mật của chính phủ các nước lên mạng, như thực trạng ở nhà tù Guantanamo, cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, cùng hàng chục nghìn bức điện tín từ các đại sứ quán Mỹ.

Ngày 19/6/2012, ông Julian Assange chạy vào Đại sứ quán Ecuador ở London để xin tị nạn chính trị sau khi bị Tòa án Tối cao Anh bác đề nghị mở lại phiên phúc thẩm nhằm tránh bị dẫn độ về Thụy Điển.

Ngày 17/6/2013, Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino cho biết, Đại sứ quán Ecuador ở London tiếp tục cho nhà sáng lập WikiLeaks tị nạn chính trị sau khi cuộc đàm phán cùng ngày với Ngoại trưởng Anh William Hague không đạt được kết quả. Ngoại trưởng Ricardo Patino nhấn mạnh, Chính phủ Ecuador nhận thấy việc cấp quy chế tị nạn cho ông Julian Assange vẫn hợp lý, do đó sẽ không có bất cứ thay đổi nào đối với nhà sáng lập WikiLeaks.

Nhà sáng lập WikiLeaks từng lo lắng cho số phận của cựu nhân viên CIA Edward Snowden - sẽ bị đối xử tồi tệ như binh sĩ Bradley Manning Edward, người đã cung cấp thông tin cho ông Julian Assange. Nhà sáng lập WikiLeaks cùng một nhóm liên minh các nhà hoạt động và nhà báo từng đệ đơn kiện Bộ Quốc phòng Mỹ và thẩm phán chủ trì tòa án binh xét xử binh sĩ Bradley Manning Edward, yêu cầu minh bạch hóa trong quá trình xử án.

Ngày 23/4, Văn phòng thẩm phán David King thuộc hạt Leavenworth, Mỹ cho biết, đã cho phép Bradley Manning Edward (cựu chuyên viên phân tích tình báo, đang thụ án 35 năm tại một nhà tù quân sự ở bang Kansas vì rò rỉ thông tin mật của chính phủ Mỹ cho WikiLeaks) được đổi tên thành Chelsea Elizabeth Manning - đồng ý cho chuyển giới tính.

Ngày 21/8/2013, Bradley Manning Edward bị toà tuyên 35 năm tù vì tội gián điệp và nhiều tội danh khác, sau khi gây ra vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trước đó (20/8/2013), trưởng đoàn công tố Joe Morrow đã đề nghị mức án 60 năm cùng khoản tiền phạt 100.000 USD đối với Bradley Manning Edward. Trong khi đó, vở kịch The Radicalisation of Bradley Manning của đạo diễn Tim Price (nói về Bradley Manning Edward) lại giành giải thưởng James Tait Black Prize (giải thưởng văn học lâu đời nhất nước Anh).

Ecuador từng đề nghị (22/9/2012) chuyển ông Julian Assange tới Thụy Điển dưới sự bảo hộ ngoại giao của quốc gia Nam Mỹ này, nhưng bất thành. Trước đó (24/8/2012), Ngoại trưởng các nước trong Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Anh và Ecuador tiếp tục đối thoại về số phận ông Julian Assange. Có một điều thú vị là, mặc dù phải sống chui lủi, nhưng ông Julian Assange vẫn muốn trở thành Thượng nghị sĩ Australia khi nước này tổ chức bầu cử cách đây gần 1 năm (14/9/2013).

Kế hoạch bắt giữ ông Julian Assange

Gần 1 năm trước (25/8/2013), các báo của xứ sở sương mù tràn ngập hình ảnh do một tay máy thuộc Hiệp hội báo chí, tham gia đoàn người vận động bắt giữ chủ trang mạng Wikileaks vô tình tiết lộ kế hoạch bắt giữ ông Julian Assange được chính phủ Anh phê duyệt.

Ngay sau khi vụ việc được đăng tải đã có những phản ứng khác nhau xung quanh vấn đề nhạy cảm này và phát ngôn viên của cảnh sát Anh lập tức phải giải thích. Theo đó, đây chỉ là ghi chú của một cảnh sát bởi mục tiêu của London là bắt giữ Julian Assange do vi phạm bảo lãnh và lệnh bắt chỉ được tiến hành khi đối tượng không thuộc lệnh miễn trừ ngoại giao của chính phủ Anh.

Trước đó, Tổng thống Rafael Correa đã phê phán Mỹ dọa cắt ưu đãi thuế quan do Ecuador cấp quy chế tị nạn cho ông Julian Assange. Tổng thống Rafael Correa chỉ rõ, Mỹ đã mâu thuẫn khi tuyên bố vụ Julian Assange là công việc nội bộ giữa Ecuador và Anh, nhưng lại dọa ngừng dành ưu đãi thuế quan thuộc khuôn khổ Luật thúc đẩy thương mại các nước vùng Andes và triệt phá ma túy (ATPDEA) chỉ vì Ecuador cấp quy chế tị nạn cho chủ trang mạng Wikileaks. Tổng thống Rafael Correa cũng tố cáo Mỹ biến ATPDEA thành công cụ dọa nạt quốc gia khác.

Chính phủ Anh từng tuyên bố, ông Julian Assange sẽ bị bắt nếu chủ trang mạng Wikileaks đặt chân ra ngoài Đại sứ quán Ecuador bất chấp việc chính phủ Ecuador tuyên bố cấp tị nạn và đảm bảo sự an toàn cho nhân vật này. Tuy bức ảnh chụp bản viết tay kể trên (được đưa ra ngay tại cuộc họp của giới chức cảnh sát Anh) không hoàn toàn tiết lộ nội dung kế hoạch, nhưng vẫn giúp người xem hiểu được phần lớn chủ đề cần đề cập, đó là ông Julian Assange phải bị bắt giữ trong mọi điều kiện hoàn cảnh ngay sau khi chủ trang mạng Wikileaks rời khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London. “Nếu công dân người Australia tìm cách rời Đại sứ quán Ecuador bằng xe, dưới sự miễn trừ ngoại giao hoặc trong một chiếc túi ngoại giao, thì ông ta cũng bị bắt”, trích từ nội dung của tài liệu kể trên. Cho tới nay người ta vẫn không hiểu vì sao kế hoạch bí mật kể trên (ở trong tay một nhân viên an ninh) lại bị tiết lộ một cách vô thức như vậy. Hơn nữa, người tiết lộ tài liệu mật lại là người tham gia đoàn vận động bắt giữ ông Julian Assange.

Cảnh sát Anh đứng gác trong thời gian đang có cuộc họp báo của Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London ngày 18-8

Ngày 16-8-2013, Tổng thống Rafael Correa chính thức cấp quy chế tị nạn chính trị cho ông Julian Assange và đó là thách thức đối với Anh, Thụy Điển và Mỹ bởi 3 quốc gia này đang tìm mọi cách để xét xử người dám công bố hàng trăm ngàn trang tài liệu chính trị-quân sự-ngoại giao mật của nhiều nước trên thế giới.

Ngày 20/8/2013, nhóm tin tặc Anonymous đã tấn công nhiều website của Chính phủ Anh như Bộ Tư pháp, Văn phòng Thủ tướng, Bộ Lao động và hưu trí để phản đối việc London muốn dẫn độ ông Julian Assange về Thụy Điển xét xử. Ngày 22/8/2013, Tổng thống Rafael Correa tuyên bố, ông Julian Assange được chào đón và có thể ở lại Đại sứ quán Ecuador vô thời hạn. Và sẽ là "tự sát" nếu Anh cho người đột nhập vào Đại sứ quán Ecuador ở London để bắt giữ ông Julian Assange.

Giới truyền thông đưa tin, việc công bố tài liệu mật của WikiLeaks đã tạo ra những phản ứng khác nhau và Mỹ là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống lại “người hùng thông tin” Julian Assange.

Được biết, sau khi bị Thụy Điển phát lệnh truy nã (18/11/2010), Interpol ban hành lệnh truy nã quốc tế (theo yêu cầu của Stockholm), ông Julian Assange đã bị bắt tại Anh (7/12/2010). Năm 2010, hai cựu tình nguyện viên Wikileaks đã tố cáo ông Julian Assange xâm hại tình dục khi đến Stockholm, Thụy Điển. Tuy đã đóng 240.000 bảng Anh để được bảo lãnh tại ngoại, nhưng ngày 15/6/2012, Anh vẫn quyết định dẫn độ ông Julian Assange tới Thụy Điển để thẩm vấn về những cáo buộc xâm hại tình dục. Quyết định kể trên đã khiến ông Julian Assange chạy vào Đại sứ quán Ecuador ở London nộp đơn xin tị nạn chính trị tại Ecuador.

Dư luận cho rằng, ông Julian Assange đưa ra quyết định kể trên sau khi không còn cơ hội kháng án - lo ngại bị Thụy Điển dẫn độ sang Mỹ. Ecuador từng đề nghị Thụy Điển hỏi cung ông Julian Assange trong khuôn viên Đại sứ quán Ecuador tại London bởi họ thực sự quan ngại đến sự an toàn tính mạng của chủ trang mạng Wikileaks, nhưng không được Thụy Điển chấp nhận. Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino tin tưởng rằng, phiên tòa xét xử ông Julian Assange tại Thụy Điển sẽ không công bằng khi các bằng chứng buộc tội không nghiêm túc. Ngoại trưởng Australia Bob Carr cũng cho rằng, không thể dẫn độ ông Julian Assange từ Thụy Điển sang Mỹ nếu chủ trang mạng Wikileaks có nguy cơ bị kết án tử hình hoặc bị xét xử tại tòa án binh vì tội tiết lộ tài liệu nhạy cảm của Mỹ.

Theo tờ Der Spiegel (Đức), trong quá trình do thám tin tức từ Thổ Nhĩ Kỳ (từ năm 2009), Cục Tình báo nước ngoài của Đức (BND) đã nghe được cuộc gọi giữa cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc khi đó là ông Kofi Annan. Và cũng trong quá trình theo dõi đối tác thuộc NATO này, BND đã nghe được cuộc điện đàm qua vệ tinh của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Tờ Sueddeutsche Zeitung và đài phát thanh khu vực Đức là NDR và WDR cũng đưa tin, nhưng không nói rõ lúc đó bà Hillary Clinton đang ở đâu và việc ghi âm được thực hiện khi nào. Thông tin này đáng lẽ phải bị xoá, nhưng người phụ trách xử lý việc này là "điệp viên hai mang" Markus - làm việc cho BND và tình báo Mỹ, nên bí mật kể trên (nằm trong số 218 tài liệu mật của BND hiện nằm trong tay CIA) đã bị tiết lộ. Các nghị sỹ đảng Xanh và đảng Cánh tả đối lập trong Quốc hội Đức đã yêu cầu làm rõ vụ việc, cả trong Ủy ban Tình báo cũng như Ủy ban Nội vụ Quốc hội Đức.

Quốc Tuấn-Khắc Dũng