Cuộc khủng hoảng Ukraina sau vụ tai nạn MH17?

07:00 | 23/07/2014

1,710 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ rơi máy bay của Malaysia đang khiến cả thế giới đổ dồn sự chú ý vào tình hình Ukraina. Liệu sau đây cuộc khủng hoảng Ukraina sẽ được giải quyết hay trở nên tồi tệ hơn?

Năng lượng Mới số 341

Nga phải chịu trách nhiệm?

Thật không khó để nhận thấy hầu hết phương tiện truyền thông thế giới đang quy tội cho Nga trong vụ bắn rơi máy bay MH17 của Malaysia ở Ukraina.

Cuộc điều tra quốc tế chưa bắt đầu nhưng nếu theo dõi báo chí phương Tây, người ta đã có thể quy kết ngay rằng, Nga chính là thủ phạm. Hầu hết các hãng truyền thông tham gia đưa tin về vụ máy bay MH17 của Malaysia đều hướng công chúng đi đến kết luận rằng, phe ly khai ở Ukraina đã bắn hạ máy bay của Malaysia bằng tên lửa BUK với sự trợ giúp của Nga và rằng như thế có nghĩa là Nga phải chịu trách nhiệm gián tiếp về vụ này.

Nhưng lại chẳng ai đặt nghi vấn rằng, Ukraina cũng sở hữu tên lửa BUK mà họ chỉ biết rằng, BUK là tên lửa do Nga sản xuất.

Ðiều kỳ lạ nữa là ngay khi máy bay của Malaysia bị bắn rơi, Cơ quan An ninh Ukraina liền công bố các cuộc điện đàm mà họ cho là giữa lực lượng ly khai thân Nga với một sĩ quan quân đội Nga liên quan tới chiếc máy bay bị bắn rơi. Mới chỉ đọc cái tít thôi chắc người ta sẽ suy đoán ngay được rằng chắc là phe ly khai Ukraina báo cáo vụ bắn rơi một máy bay cho phía Nga. Nhưng nếu nghe hết đoạn băng ta mới thấy được nhiều chỗ kỳ lạ. Hai người đàn ông trong đoạn băng ghi âm đề cập tới các máy bay quân sự khác chứ không phải chiếc Boeing 777. Ngoài ra, các mẩu ghi âm rời rạc cuộc đối thoại được tung lên mạng không thể là bằng chứng pháp lý. Tang vật phải là toàn bộ cuộc ghi âm được chuyển cho cơ quan điều tra, việc mà phía Ukraina chưa thực hiện. Những gì được công bố có thể không bị làm giả, nhưng chắc chắn chưa là bản ghi âm đầy đủ cuộc thoại của phe ly khai. Người ta cắn xén cuộc hội thoại nhằm mục đích gì?

Cuộc khủng hoảng Ukraina sau vụ tai nạn MH17?

Một chiến binh ly khai ở miền Đông Ukraina canh gác tại nơi máy bay Malaysia Airlines rơi

Chẳng chính trị gia phương Tây nào và truyền thông của họ lại càng không chịu chờ đợi một băng ghi âm đầy đủ hoặc đã qua thẩm định. Tổng thống Obama tuyên bố rằng, chiếc máy bay đã bị bắn hạ bằng tên lửa phóng đi từ lãnh thổ do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát, mặc dù chỉ vài giờ trước các chuyên gia Mỹ đã khẳng định chắc chắn rằng máy bay chở khách trúng tên lửa đất đối không, còn tên lửa bay từ đâu thì không thể nói chắc chắn. Nếu ông Obama nắm bằng chứng rõ ràng thì tại sao không trình ra trước cuộc họp ngày 18-7 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc?

Báo chí Nga đang bắt đầu phản pháo lại những lời cáo buộc từ truyền thông phương Tây.

Các kênh truyền hình và báo chí Nga đăng từ hôm 18-7 những phát biểu của Thủ tướng tự phong của nước Cộng hòa nhân dân Donetsk, Alexandre Borodai, bác bỏ mọi cáo buộc về việc thành phần ly khai dính líu vào thảm họa này. Ông bình luận: “Chúng tôi bị người ta cáo buộc là thủ phạm bắn rơi máy bay nhưng đó là những lời dối trá. Chúng tôi không có vũ khí phòng không để bắn rơi được chiếc máy bay ở độ cao 10.000m. Hệ thống phòng không của chúng tôi chỉ ở tầm 2.500-3.000m”.

Ðiện Kremlin chưa ra tuyên bố chính thức vì cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra các kết luận vội vã. Bộ trưởng Quốc phòng Nga bác bỏ cáo buộc quân đội Nga có tham gia vào vụ bắn hạ chiếc máy bay xấu số này do Kiev đưa ra. Theo Bộ này, hệ thống phòng không của Nga trong khu vực không hoạt động và không có máy bay chiến đấu nào của Nga xuất kích trong ngày 17-7. Ðiều này có thể kiểm chứng thông qua hệ thống kiểm soát khách quan. Báo chí Nga còn đăng tải giả thuyết rằng Nga là người bị hại bởi các âm mưu khác. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov trách phương Tây chỉ nghe một chiều mà không ghi nhận những thiện chí của Nga.

Một số kênh truyền thông khác như Russia Today cáo buộc Ukraina đã tìm cách bắn hạ chiếc máy bay chở Tổng thống Putin nhưng đã bắn nhầm vào chiếc máy bay Malaysia vì cả hai chiếc máy bay có kích cỡ tương đối như nhau và cùng được trang trí bằng một đường sọc ngang đỏ và xanh dương.

Bước ngoặt cho Ukraina?

Thế giới vẫn đang đợi kết quả phân tích của các chuyên gia và ảnh vệ tinh cho phép xác định ai là thủ phạm của tai nạn này: quân đội Nga, Ukraina hay phe ly khai thân Nga. Giới quan sát nhấn mạnh, Nga là người thua cuộc trong cả hai kịch bản nêu trên. Hiện cả thế giới cứ nghĩ rằng, Nga là người bảo trợ cho phe ly khai. Do đó, các nhà phân tích chính trị nhận định, việc làm sáng suốt của Nga lúc này là nên giữ khoảng cách với phe ly khai và chấm dứt mọi hoạt động ủng hộ, trợ giúp cho phe này. Nếu không, Nga có nguy cơ bị cả thế giới cô lập hoàn toàn và hậu quả của trừng phạt đè lên nền kinh tế Nga là không tránh khỏi.

Vụ rơi máy bay MH17 có thể xem như một “giọt nước làm tràn ly” với 2 phe trong chiến sự tại miền đông Ukraina. Việc quy trách nhiệm cho bên này hay bên kia thực chất hướng nhiều tới những mục đích chính trị sau đó. Có thể cuộc khủng hoảng Ukraina sẽ có những chuyển biến mới rất khó lường. Và điều người ta phải lo lắng nhiều hơn là hậu quả của vụ rơi máy bay này. Sau vụ rơi máy bay này, người ta sẽ đặt ra câu hỏi về khả năng kiểm soát tình hình của Chính phủ Kiev. Dường như phe nổi dậy muốn làm cho tình hình xấu đi rất nhiều đối với chính quyền Kiev và buộc chính quyền Kiev phải có những nhượng bộ như họ mong muốn. Và người ta lại đang hướng nguyên nhân vụ rơi máy bay MH17 tới phe nổi dậy. Không biết họ có tính hết hậu quả khi hành động và có thể sẽ bị mọi ánh nhìn coi là lực lượng khủng bố giống như chính quyền Tổng thống Proshenko từng cáo buộc.

Theo giới quan sát, qua vụ máy bay MH17 này, Nga và Mỹ sẽ nhận thức được tình hình ngày một nghiêm trọng nếu như tiếp tục để chiến sự nổ ra ở miền đông Ukraina. Nhìn chung, tương lai của cuộc khủng hoảng này sẽ vẫn rất ảm đạm.

S.Phương (tổng hợp)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc