Cuộc phiêu lưu châu Phi của ông Francois Hollande

11:22 | 23/07/2014

839 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Pháp tiến hành tái cấu trúc lực lượng an ninh tại châu Phi - khu vực đang ngày càng bất ổn.

Khi Tổng thống Pháp Francois Hollande nhậm chức vào năm 2012, ông có rất ít kiến thức về châu Phi. Mặc dù ông có thể bước đi trên dấu chân của người thầy của mình, Francois Mitterrand, ông không có được mối quan hệ ấm cúng như giữa cựu Tổng thống Đảng xã hội với giới chóp bu Châu Phi và giới doanh nhân Pháp thông qua một mạng lưới lợi ích chằng chịt có tên Francafrique. Tuy nhiên, châu Phi vẫn có cách để xâm nhập vào nền chính trị Pháp.

Chỉ vài ngày sau khi một người lính Pháp bị sát hại ở miền bắc Mali khi Paris tái cấu trúc lực lượng quân sự của mình tại nước này, Hollande bắt đầu chuyến công du ba ngày tới Tây Phi nhằm giải quyết các mối đe dọa từ các tổ chức Hồi giáo cực đoan trong khu vực. Chuyến công du mới nhất này bao gồm ba thuộc địa cũ của Pháp là Bờ Biển Ngà, Niger và Chad từ ngày 17 và 19/7 vừa qua, nơi Pháp đã phô diễn sức mạnh quân sự của mình mặc dù đã tuyên bố sẽ không tiếp tục vai trò sen đầm tại khu vực "sân sau" này.

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara trong một hội nghị hoà bình và an ninh Châu Phi tháng 10/2013
 

Điểm đến đầu tiên của Tổng thống Hollande sẽ là Bờ Biển Ngà. Một chuyến viếng thăm được lên kế hoạch của tổng thống Pháp đã bị hoãn lại hồi đầu năm nay khi Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara phải dành một tháng ở Pháp điều trị y tế. Thương mại song phương sẽ thống trị chương trình nghị sự ở Bờ Biển Ngà, nước sản xuất ca cao hàng đầu thế giới và từng là cường quốc kinh tế trong khu vực. Tiếp theo đó, ông Hollande sẽ tới Niger- một quốc gia Tây Phi nghèo khổ - trong đó bao gồm một chuyến viếng thăm một căn cứ quân sự Pháp ở thủ đô Niamey nơi triển khai máy bay giám sát không người lái của khu vực.

Đi kèm với một nhóm doanh nhân, chuyến đi của ông Hollande một phần nhằm thúc đẩy đầu tư và hợp đồng chống lại sự cạnh tranh đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng hơn là để chuẩn bị cho một tổ chức an ninh mới của Pháp. Hai lần trong năm ngoái, với sự quyết đoán đáng ngạc nhiên của mình, ông Hollande đã đưa quân đội Pháp vào các cuộc xung đột tại châu Phi nhằm đánh bại cuộc thánh chiến ở Mali và hạn chế các cuộc xung đột dân tộc - tôn giáo tại Cộng hòa Trung Phi (CAR). Giờ đây, Pháp muốn tổ chức lại quân đội của mình trong khu vực này, dưới cái tên "Chiến dịch Barkhane", thành một lực lượng 3.000 quân chống khủng bố mạnh mẽ. Các lực lượng mới này sẽ là vĩnh viễn, với trụ sở chính đặt tại thủ đô của Chad, N'Dja-mena.

Chúng cũng được được thiết kế với sự góp mặt của năm nước vùng Sahel: Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania và Niger, tất cả đều từng là thuộc địa cũ của Pháp. Một ngàn binh lính Pháp sẽ vẫn đóng quân vô thời hạn ở Mali (giảm từ mức đỉnh điểm hơn 4.000 vào năm ngoái), ​​tập trung hơn vào các hoạt động chống khủng bố tại khu vực phía Bắc, nơi xuất hiện các làn sóng bạo lực. 1.200 binh lính khác sẽ được đóng tại Chad, phần còn lại sẽ được phân chia đóng tại một cơ sở giám sát ở Niger, một cơ sở lớn khác ở Bờ Biển Ngà và một số lực lượng đặc biệt ở Burkina Faso. Pháp sẽ hỗ trợ Chiến dịch Barkhane với 20 máy bay trực thăng, 200 xe bọc thép, 10 máy bay vận tải, 6 máy bay chiến đấu và 3 máy bay không người lái.

Chiến dịch mới này xuất hiện đúng vào lúc "Chiến dịch Serval" ở Mali đang dần mất đi tác dụng. Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian, "Mục tiêu chính của chiến dịch can thiệp của chúng tôi đã hoàn thành". Theo nghĩa hẹp, ông đã đúng: Chiến dịch trên đã hạn chế Mali khỏi sự kiểm soát của các lực lượng Hồi giáo, đồng thời khiến nước này không trở thành một nhà nước Hồi giáo cực đoan mới với cuộc bầu cử diễn ra vào năm ngoái. Pháp đang từng ngày bàn giao lại cho lực lượng 6.500 quân của Liên Hiệp Quốc được biết đến bởi tên viết tắt tiếng Pháp MINUSMA. Tuy nhiên, sự chuyển giao diễn ra một cách chậm trễ và thẩm quyền của quân đội mới bị hạn chế. Việc chuyển giao gần đây đã bị trì hoãn  do bạo lực bùng phát giữa quân đội Mali và các nhóm ly khai Tuareg ở miền Bắc Mali.

Vào ngày 14/7 một người lính Pháp đã bị giết chết ở miền Bắc Mali, một dấu hiệu cho thấy các bất ổn vẫn còn tồn tại. Những người mong muốn Pháp có thể rút quân một cách nhanh chóng (Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ban đầu cho biết ở lại vĩnh viễn không phải là vai trò của Pháp) sẽ phải xem lại tham vọng của họ.

Việc chú trọng vào các hoạt động chống khủng bố mới này phản ánh sự thay đổi trong học thuyết quân sự của Pháp ở châu Phi. Sáu năm trước, dưới thời Nicolas Sarkozy, người tiền nhiệm thuộc Đảng Bảo thủ của ông Hollande, các nghiên cứu quốc phòng đã kết luận rằng Pháp nên tập trung ít hơn vào các mối quan hệ quốc phòng song phương với các cựu thuộc địa nói tiếng Pháp ở Châu Phi và nhiều hơn vào "vòng cung chiến lược" bất ổn từ bắc Phi đến vùng Sừng châu Phi và vùng Vịnh. Từ đó, ông Sarkozy đã đóng cửa một trong ba đơn vị đồn trú vô thời hạn của quân đội Pháp tại châu Phi cận Sahara và Senegal, đồng thời mở một đơn vị mới tại Abu Dhabi. Lực lượng Pháp không còn đóng vai trò chống đỡ các nhà lãnh đạo dễ bị tổn thương như trước. Thay vào đó họ tập trung nhiều hơn vào các hoạt động an ninh xuyên biên giới và chống khủng bố.

Các mối đe dọa đã phát triển kể từ sự sụp đổ của Tổng thống Libya Muammar Qaddafi, đồng thời trọng tâm của chúng cũng đã thay đổi về mặt địa lý khi hướng tới một "đường cao tốc" giữa sa mạc từ biên giới phía nam Libya xuyên qua Sahel đến Đại Tây Dương. Cùng với đó là dòng chảy vũ khí, ma túy, những người nhập cư bất hợp pháp và các nhóm Hồi giáo cực đoan. Pháp muốn phá vỡ các các mạng lưới này khi chúng thường xuyên bắt công dân Pháp làm con tin. Do đó sự nhấn mạnh vào các hoạt động an ninh gọn nhẹ với khả năng hoạt động hiệu quả và linh hoạt hơn cũng là điều dễ hiểu. "Đó là một sự thay đổi đáng kể so với mô hình cũ", trích lời ông Francois Heisbourg của Quỹ Nghiên cứu chiến lược. "Tổng thống Hollande đang xác nhận và phát triển những gì được bắt đầu dưới thời Tổng thống Sarkozy".

Tham vọng thay đổi châu Phi của Pháp là không cần phải bàn cãi. Người Anh đã bị đá ra khỏi sự hợp tác chung với sự quan tâm đầy bất ngờ của Pháp với Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu lục đồng thời có mối quan hệ hậu thuộc địa mạnh mẽ với Anh. Ông Hollande đã mời các nhà lãnh đạo khu vực đến Paris tháng năm vừa qua để tham dự một hội nghị thượng đỉnh về an ninh ở Nigeria nhằm thảo luận cách thức chống lại những kẻ khủng bố Boko Haram ở phía bắc quốc gia Hồi giáo này. Việc Nigeria giáp biên giới với bốn nước láng giềng nói tiếng Pháp, bao gồm cả Niger và Chad đã tạo ra lợi ích rõ ràng trong hợp tác của người Pháp. Tuy nhiên các nước này đã quen với việc tự tay hành động trong khu vực, và người Anh rất thận trọng với sự can thiệp bằng các hoạt động giám sát của mình.

Cùng với đó, Pháp đang phải vật lộn với chiến dịch của mình tại Cộng hoà Trung Phi. Nhiệm vụ của chiến dịch này một phần mang tính nhân đạo trong bối cảnh các cuộc thảm sát giữa các nhóm vũ trang Hồi giáo và Kitô giáo, một phần mang tính chiến lược giữ cho quốc gia giàu khoáng sản này tránh khỏi sự sụp đổ giữa các cuộc xung đột khu vực. Tuy nhiên, bảy tháng sau các cuộc chiến đẫm máu vẫn tiếp tục. Trong một chuyến đi hồi đầu tháng này, chuyến đi thứ sáu trong năm, chính trị gia Đảng Xã hội Jean - Yves Le Drian đã phải thay đổi hành trình của mình sau cuộc thảm sát 20 dân thường tại một thị trấn. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc mô tả đất nước là "bị chia cắt trên thực tế".

Ông Le Drian vẫn hy vọng sẽ giảm số lượng quân đội Pháp tại Cộng hoà Trung Phi, một khi một lực lượng của Liên Hiệp Quốc bắt đầu tiếp quản từ Lực lượng gìn giữ hòa bình châu Phi vào tháng 9 tới. Tuy nhiên khả năng việc cắt giảm xảy ra nhanh chóng là rất ít. "Chúng tôi nhận thấy tình hình tại Cộng hoà Trung Phi tồi tệ hơn những gì chúng tôi tưởng," một quan chức Pháp thừa nhận. "Chúng ta có xu hướng cho rằng, chúng ta biết những nơi này bởi vì chúng ta từng điều hành nó trong quá khứ." Nếu không có sự can thiệp của Pháp, một cuộc diệt chủng thực sự có thể đã diễn ra. Tuy nhiên, ông Hollande, với sự tự tin được củng cố sau thành công trước đó ở Mali, đã đánh giá thấp sức mạnh cần thiết để tạo nên sự khác biệt và, một khi ở đó, khó khăn trong việc rút về.

PV