Đằng sau thỏa thuận dầu mỏ giữa Sudan và Nam Sudan

22:35 | 17/09/2012

1,000 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau một cuộc khủng hoảng chính trị và quân sự kéo dài giữa hai nước, cuối cùng Sudan và Nam Sudan đã đi đến ký kết một thỏa thuận chia sẻ doanh thu dầu mỏ. Thế nhưng, thỏa thuận này sẽ kéo dài được bao lâu?

 

Thỏa thuận hòa bình tạm thời giữa Sudan và Nam Sudan rất mong manh

Cuộc xung đột giữa hai nước bùng nổ khi Nam Sudan ngừng xuất khẩu dầu thô thông qua tuyến đường ống đi qua lãnh thổ Sudan sau khi nước láng giềng phía Bắc này tăng thuế quá cảnh. Vụ việc này, cộng thêm những tranh chấp lãnh thổ, nhất là tại khu vực giàu dầu mỏ Heglig ở Abyei, đã nhanh chóng biến thành một cuộc chiến tranh cục bộ. Một thỏa thuận để giải quyết cuộc khủng hoảng này được ký kết vào ngày 4/8 (hai ngày sau khi thời hạn chót của Liên hợp quốc kết thúc), sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Các chi tiết của thỏa thuận không được cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, nhà trung gian hòa giải của Liên minh châu Phi, công bố. Tuy nhiên, theo tiết lộ của Chính phủ Juba, Nam Sudan sẽ phải trả cho Khartoum 9,48 USD cho mỗi thùng dầu xuất qua Sudan trong vòng 3,5 năm tới. Ngoài ra, nước này sẽ phải bồi thường thiệt hại cho Sudan 3,2 tỷ USD. Juba tỏ ra rất hài lòng với bản thỏa thuận này. Về phần mình, đại diện của Sudan cũng đánh giá thỏa thuận này là "hợp lý".

Theo tạp chí Afrik, thỏa thuận trên đạt được sau một loạt áp lực từ cả bên trong lẫn bên ngoài buộc hai nước phải ngồi vào bàn đàm phán giải quyết tranh chấp, ít nhất là vào thời điểm này. Mỹ đã tác động rất mạnh nhằm hòa giải hai nước và phục hồi hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu. Hành động này nằm trong chiến lược châu Phi của Mỹ vốn đang tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc thông qua các hoạt động ngoại giao. Chiến lược này thường bao gồm hỗ trợ hòa bình và phát triển kinh tế ở các nước châu Phi nhằm chứng minh "hảo ý" của Mỹ và cho thấy những lợi ích tiềm năng nếu các nước này liên minh với Mỹ để chống lại Trung Quốc.

Áp lực kép từ Liên minh châu Phi và LHQ cũng rất quan trọng. Liên minh châu Phi mong muốn ngăn chặn cuộc xung đột do vấn đề nhân đạo mà cuộc khủng hoảng này gây ra. Hơn nữa, ngoài nguy cơ khủng bố thì việc đóng cửa và khả năng phá hủy mỏ dầu Heglig cũng là những yếu tố có ý nghĩa quan trọng chiến lược đáng kể đối với toàn bộ châu Phi. LHQ cũng đóng một vai trò lớn khi gây áp lực từ bên ngoài với việc đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, bên cạnh tất cả những nguyên nhân trên, có thể còn có một nguyên nhân chính dẫn đến thỏa thuận này. Đó là cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng lan rộng ở cả hai nước, nhất là ở miền Nam. Việc dừng hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ khiến quốc gia non trẻ này mất tới 98% nguồn thu và kéo theo lạm phát gia tăng. Các cuộc khủng hoảng kinh tế thường biến thành khủng hoảng chính trị. Đối với một chính phủ non trẻ như ở Nam Sudan, nơi đang chứng kiến bất ổn chính trị và xã hội kéo dài, chắc chắn họ không muốn điều đó xảy ra. Khartoum cũng có những lý do buộc phải chấp nhận bản thỏa thuận khi mà nền kinh tế của nước này đã bị lung lay dưới tác động của cuộc xung đột, nhất là sau quyết định ly khai của miền Nam khiến nước này mất tới 3/4 sản lượng dầu mỏ.

Tuy nhiên, bên cạnh thỏa thuận "hòa bình về năng lượng" này, cần phải xem xét một thực tế là tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước vẫn còn là một vấn đề rất khó giải quyết. Hai nước đã tiến hành các cuộc đàm phán nhằm xác định một ranh giới lãnh thổ chính xác và được cả hai bên chấp nhận liên quan đến Abyei, một khu vực giàu dầu mỏ và là nơi diễn ra cuộc xung đột vũ trang mới đây. Trong các cuộc đàm phán mới đây nhất, hai bên tiếp tục cáo buộc lẫn nhau thực hiện các vụ tấn công lẻ tẻ và hỗ trợ các phe nhóm khủng bố đòi ly khai trên lãnh thổ của nước này, nước kia. Đây là dấu hiệu cho thấy mâu thuẫn giữa hai nước vẫn chưa thực sự chấm dứt. Những dấu hiệu này cũng cho thấy triển vọng duy trì thỏa thuận kinh tế mới đây giữa hai nước cũng rất mong manh. Thỏa thuận trên đạt được do những lý do kinh tế trong một tình huống mà hai nước buộc phải quyết định lựa chọn "chết chìm hay bơi để sống" và họ khó có thể làm khác được. Những hành động bạo lực cục bộ có thể sẽ làm tái phát xung đột và kéo hai nước vào một cuộc khủng hoảng mới.

Nh.Thạch (Theo PressTV)