Myanmar-Bangladesh:

Đạt thỏa thuận dầu khí qua tài phán quốc tế

10:58 | 27/10/2012

932 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hoạt động thăm dò, khai thác dầu lửa và khí đốt ở vịnh Bengal đang được mời thầu cho những khu vực vốn có tranh chấp giữa Bangladesh và Myanmar. Giải pháp hòa bình này đang được tán dương là một khuôn mẫu cho những vụ tranh chấp tương tự về chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

 

Myanmar và Bangladesh chấp thuận phán quyết của tòa án quốc tế về tranh chấp lãnh hải

Bangladesh và Myanmar đang náo nức chờ đợi hồ sơ đấu thầu của các công ty nước ngoài để thăm dò các lô dầu lửa và khí đốt trong vùng vịnh Bengal. Khu vực này hầu như chưa được khai thác vì một vụ tranh chấp gay gắt kéo dài 30 năm qua, vốn đã gây ra những vụ giằng co rất căng thẳng giữa hải quân hai nước. Nhưng vào năm 2009, họ đồng ý đưa vụ tranh chấp ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển. Tháng 3/2012, tòa án đã phân định lãnh thổ của đôi bên và sự phân định đó đã được cả hai nước chấp nhận.

Ông Philippe Goutier, một viên chức của Tòa án Luật Biển, nói rằng giờ đây có nhiều nhà đầu tư và công ty dầu khí nước ngoài bày tỏ ý muốn tham gia hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở vịnh Bengal. Ông nói: “Các công ty muốn có được sự an toàn trước khi họ được cấp phép. An toàn pháp lý là yếu tố đầu tiên mà các công ty tư nhân cũng như các công ty công cần phải lưu ý khi muốn khai thác tài nguyên của một khu vực nào đó”.

Tòa án quyết định dành cho Bangladesh phần lãnh hải lớn hơn phần lãnh thổ, trong khi Myanmar thì ngược lại, phần lãnh thổ lớn hơn lãnh hải. Tuy có tin nói rằng một số giới chức Myanmar không hài lòng với thỏa thuận này, nhưng ông Goutier cho biết cả hai bên đều thỏa mãn và họ đã bày tỏ cảm giác nhẹ nhõm khi thấy vụ tranh chấp rốt cuộc đã được giải quyết. Ông Goutier cho hay tòa án sẵn sàng phân xử những vụ tranh chấp tương tự đối với những vùng biển có nhiều tài nguyên ở Biển Đông, Hoa Đông… khi nào các bên có tranh chấp sẵn sàng làm như vậy.

Một giàn khoan trên vịnh Bengal

Bắc Kinh và Tokyo đang vướng vào một cuộc giằng co kịch liệt về chủ quyền một nhóm đảo nhỏ mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản gọi là Senkaku. Hồi đầu năm 2012, quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã bị suy sụp sau khi các tàu bè của đôi bên đối đầu với nhau vì một khu vực có tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa.

Những vụ việc vừa kể đã làm gia tăng sự lo ngại của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ - nước có hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản và Philippines. Đô đốc Samuel Locklear của hải quân Mỹ mới đây đã đến thăm Bangladesh. Ông ca ngợi thỏa thuận về lãnh thổ giữa nước này với Myanmar và gọi đó là một mô thức tuyệt vời để giải quyết những vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Ông Samuel Locklear đã lập lại nhận định đó trong cuộc tiếp xúc với báo chí ở BangKok ngày 16/10: “Những vụ tranh chấp này cần được quản lý với một phương thức hòa bình. Việc giải quyết phải được thực hiện mà không có sự cưỡng bức đáng kể, và chúng tôi mong muốn những vụ tranh chấp được phân xử thông qua một cơ chế của nguyên tắc pháp lý. Và chúng ta đã có những cơ chế để làm việc đó. Chúng tôi mong rằng các bên liên hệ ở Biển Đông xem xét tới thỏa thuận giữa Myanmar và Bangladesh”.  

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng tranh chấp ở Biển Đông phức tạp hơn nhiều so với vụ tranh chấp ở vịnh Bengal. Trung Quốc là một cường quốc đang lên và đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, nơi mà Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền từng phần. Bắc Kinh nói rằng họ không muốn chấp nhận sự phân xử quốc tế và chỉ muốn giải quyết thông qua các cuộc đàm phán song phương.

Nhà phân tích Philip Andrews-Speed thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng ở Singapore nói rằng những yếu tố độc đáo đã giúp Bangladesh và Myanmar đạt được thỏa thuận đó là “cách thức cai trị ở Myanmar đã có sự thay đổi. Đây là một động lực mới. Điều này cho phép Myanmar có sự cởi mở hơn trước và nhận được sự tín nhiệm nhiều hơn từ nước láng giềng Bangladesh”.

Ông Andrews-Speed cho hay: “Khi chúng ta so sánh hai nước này với những vụ tranh chấp khác đang tồn tại ở Đông Á, chúng ta sẽ thấy đây là hai nước rất nghèo. Cả đôi bên không bên nào mưu tìm vị thế bá chủ trong khu vực. Và vì vậy, tôi nghĩ rằng, hai nước tương đối ngang hàng với nhau đạt được thỏa thuận để phục vụ lợi ích của đôi bên là một việc dễ dàng hơn”.

Tuy có sự phấn khởi như vậy nhưng theo ông Andrew-Speed, có thể phải mất nhiều năm mới biết được khu vực này có bao nhiêu dầu lửa và khí đốt và sẽ cần có những cơ sở hạ tầng như thế nào vận chuyển số tài nguyên khai thác được.

Th.Long (Theo TNHK)