Bài học an toàn lao động từ kỹ nghệ khai thác dầu khí Mỹ

21:17 | 06/08/2012

1,569 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Để giảm bớt nguy cơ tai nạn, mới đây, Cơ quan An toàn các phương tiện có động cơ liên bang Mỹ (FMCS) quyết định sẽ không còn miễn trừ cho kỹ nghệ dầu khí về thời gian làm việc của tài xế. Điều đó có nghĩa là họ phải tuân thủ giới hạn ca làm việc là 12 giờ thay vì có lúc kéo dài hơn 20 giờ như hiện nay.


 

“Sự miễn trừ này kéo dài đã 50 năm là quá đủ. Nay đã đến lúc phải kết thúc” - thông báo của FMCS nêu rõ. Sau 17 giờ làm việc liên tục tại giếng khai thác dầu ở Ohio, Timothy Roth và ba đồng nghiệp khác lên xe tải công ty vào lúc 10 giờ một đêm tháng 7 và bắt đầu cuộc hành trình dài 4 giờ trở về cửa hàng của công ty dịch vụ khoan giếng tại West Virginia. Khi chỉ còn khoảng 10 phút là về nhà, tài xế ngủ gật tại tay lái. Xe tải lao ra khỏi highway và tông vào biển báo làm dập nát một bên xe, giết Roth tại chỗ. Hai tháng trước tai nạn này, Roth thoát chết trong một tai nạn tương tự khi một đồng nghiệp ngủ gật sau tay lái, lao chiếc xe của công ty vào cột điện đường. Nguyên nhân cũng do mỏi mệt sau ca làm việc dài quá mức cho phép. Năm 2009, ông chủ của Roth từng bị phạt tại New York, Pennsylvania và Utah vì để cho lái xe làm việc liên tục trên 14 giờ, giới hạn luật cho phép. Trong thập niên qua, hơn 300 công nhân dầu khí giống như Roth bị chết do tai nạn xe cộ, nguyên nhân tử vong số một của kỹ nghệ khai thác dầu khí Mỹ. Theo các chuyên viên y tế và an toàn thì tỉ lệ tử vong cao là do kỹ nghệ khai thác dầu khí được miễn trừ quy định an toàn khi các lái xe được phép làm việc nhiều hơn giới hạn 12 giờ. Một tài xế xe chở dầu cho biết có khi anh làm việc liên tục trong hơn 20 giờ mới đổi ca. “Lao động tại các mỏ dầu không có nghĩa là bạn sẽ ít mệt mỏi hơn tại các nơi khác” - Garr Farrell, một lái xe bồn chở dầu tại Ore City, Texas nhấn mạnh trong lá thư gửi đến cơ quan chịu trách nhiệm về luật an toàn trên xa lộ. Trong thư, Farrell phàn nàn là có khi người chủ buộc ông chờ vận chuyển và bốc dỡ các thiết bị khoan trong 36 giờ liền mà không được chợp mắt. Năm ngoái, Hội đồng An toàn vận tải quốc gia (NTSB) cho biết sẽ chống đối đến cùng việc tiếp tục các miễn trừ đã kéo dài 50 năm này vì nó là tiền đề gây tai nạn. Số tai nạn sẽ tăng nhanh trong những năm tới nếu không có các thay đổi. Theo số liệu liên bang, khoảng 200.000 mỏ dầu khí mới sẽ được khoan khắp nước Mỹ trong 10 năm tới. Kỹ thuật khoan được sử dụng tại 90% giếng mới có tên là “hydraulic fracturing” hay “fracking” sử dụng rất nhiều nước, hàng triệu gallon nước cho mỗi giếng. Điều này có nghĩa là lượng xe tải lưu thông trên đường cũng tăng. Ước tính, mỗi giếng khoan dùng từ 500-1.500 xe tải, nhiều hơn phương pháp khoan truyền thống. Các giếng khoan mới mang về hàng triệu USD tiền thuế, tiền hoa hồng và tạo ra hàng trăm ngàn công việc làm với mức lương cao cho cả lao động phổ thông lẫn tay nghề tại những khu vực có tỉ lệ thất nghiệp trên 10%. Nhưng các giếng khoan mới cũng phát sinh nguy hiểm mới, khi tỉ lệ tử vong trong kỹ nghệ khai thác dầu khí đã cao gấp 7 lần trung bình toàn quốc của các ngành công nghiệp tính chung. Gần 1/3 cái chết của công nhân khai thác dầu từ 2003 đến 2008 là do tai nạn trên đường (số liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa bệnh lây liên bang - CDC) so với 1/5 của tất cả các ngành công nghiệp. “Sự phát triển của kỹ nghệ khai thác dầu khí trong những năm tới sẽ là mối quan tâm lớn khi có thêm nhiều lái xe tải mệt mỏi chạy trên đường do làm quá giới hạn thời gian” - Henry Jasny, luật sư của Tổ chức AHAS chuyên đấu tranh vì an toàn lao động nói.

Năm 2005, sau khi bùng nổ đợt đầu loạt giếng khoan mới, các viên chức lao động liên bang lưu ý một xu hướng đáng lo ngại: số ca tử vong trong công nhân dầu khí đã tăng 15% từ 2003-2004. Sau khi điều tra, CDC phát hiện ra rằng sự tăng trưởng của kỹ nghệ khai thác dầu khí không chỉ làm tăng thêm số công nhân chết vì tai nạn lao động mà tỉ lệ tử vong vì các nguyên nhân khác cũng tăng đến mức báo động, trong đó có cả chết trên đường. Khi số giếng khoan tăng nhanh, số công nhân thiếu kinh nghiệm được thuê nhiều hơn, thiết bị cũ kỹ hơn, ca làm việc dài hơn thì tai nạn cũng sẽ nhiều hơn. “Trừ khi có các thay đổi về an toàn lao động, tỉ lệ tử vong sẽ tiếp tục tăng” - CDC cảnh báo. Các chuyên viên an toàn lao động phát hiện thêm những yếu tố khác đóng góp vào tỉ lệ tử vong cao của kỹ nghệ khai thác dầu khí. Ma túy và thuốc an thần được công nhân dùng thường xuyên tại các giếng khoan. Nhiều công nhân không tham gia nghiệp đoàn nên không dám khiếu kiện an toàn lao động vì sợ bị sa thải. Một số chuyên viên kêu gọi hãy tăng cường sự giám sát.

Tờ New York Times phân tích hơn 50.000 báo cáo điều tra cho thấy số dàn khoan tăng hơn 22% trong năm 2011 so với năm 2010, trong khi lực lượng thanh tra viên tại các giàn khoan giảm 12%. David Michaels, trợ lý Bộ trưởng Lao động phụ trách Cơ quan An toàn và Sức khỏe OSHA cho biết trong khi cơ quan muốn tăng cường luật thì các công ty không bị buộc phải báo cho cơ quan khi xe tải của họ bị nạn trên đường. Họ cũng không phải thông tin cho cơ quan khi khởi công giếng khoan, làm cho hoạt động điều tra thêm khó khăn. Điều đáng nói là trong khi số giàn khoan dầu khí ít hơn số hầm mỏ nổi hay ngầm khác thì tỉ lệ thương vong của công nhân dầu khí luôn cao hơn. Các công nhân dầu khí thường gặp nạn một phần cũng vì xe cộ của họ không được tốt, do không có thời gian bảo dưỡng. Điều tra của cảnh sát Pennsylvania cho thấy 49% số xe ở trong tình trạng xấu khi lăn bánh trên đường. Một lái xe cho công ty khai thác dầu khí tại Texas nói: “Chúng tôi chỉ có thể làm việc tốt trong một ca kéo dài tối đa 12 giờ. Sau đó là về nhà hay khách sạn để nghỉ ngơi. Làm việc quá giới hạn này là không an toàn”. Để giảm bớt nguy cơ tai nạn cho họ, mới đây, Cơ quan An toàn các phương tiện có động cơ liên bang FMCS quyết định sẽ không còn miễn trừ cho kỹ nghệ đầu khí về thời gian làm việc của tài xế. “Sự miễn trừ này kéo dài đã 50 năm là quá đủ. Nay đã đến lúc phải kết thúc” - một quan chức FMCS nêu rõ.

Nh.Thạch (Theo New York Times)