Canada sẽ gặp bất lợi gì nếu từ chối việc Trung Quốc mua công ty dầu khí Nexen?

19:00 | 04/11/2012

1,547 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 2/11, Canada gia hạn thêm 30 ngày để xem xét vụ chuyển nhượng Nexen cho tập đoàn dầu khí CNOOC (Trung Quốc). Giới phân tích nhận định bất kỳ quyết định nào từ chối cho CNOOC tiếp quản Nexen có thể khiến mối quan hệ Canada - Trung Quốc trở nên lạnh nhạt hơn và Ottawa cũng sẽ phải đối mặt với "sự ghẻ lạnh" của các nhà đầu tư nước ngoài.

 

>> Bước đột phá trong cuộc chơi năng lượng của Trung Quốc ở Bắc Mỹ

>> Mỹ nghi ngờ vụ CNOOC thâu tóm Nexen

>> Chiến lược bành trướng năng lượng

Văn phòng công ty Nexen, trung tâm Calgary, bang Alberta

Dự án của tập đoàn CNOOC mua lại Nexen, ngay từ khi được công bố vào tháng 7/2012, đã gây ra nhiều tranh luận tại Canada. Dự án mua Nexen được coi là đầu tư ra nước ngoài lớn nhất trong lịch sử của Trung Quốc với tổng giá trị mua lại Nexen lên đến 15,1 tỷ USD.

Mặc dù, Nexen chỉ là công ty dầu khí đứng thứ 10 về mặt doanh số, thế nhưng công ty này lại có cổ phần tại các mỏ cát dầu của tỉnh bang Alberta, khu vực đứng thứ ba thế giới về trữ lượng dầu mỏ. Đa số người Canada cho rằng, Canada không thể để lọt vào tay nước ngoài các cổ phiếu “chiến lược” này.

Sau một giai đoạn thẩm định 45 ngày đầu tiên, hồi giữa tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Công nghiệp Canada Christian Paradis ngày 2/11 đã tuyên bố gia hạn 30 ngày cho việc xem xét hồ sơ này. Về mặt chính thức, để có hiệu lực, quyết định gia hạn thêm 30 ngày này còn phải được tập đoàn CNOOC chấp nhận.

Quyết định triển hạn việc xem xét dự án Trung Quốc mua lại công ty Nexen xảy ra một tuần sau khi Chính phủ Canada bác bỏ dự án của công ty Malaysia Petronas mua lại công ty Canada Progress Energy, trị giá gần 5,2 tỷ USD.

Từ khi thỏa thuận tiếp quản Nexen được đề xuất, CNOOC đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của ngành công nghiệp dầu khí ở Calgary và Thủ hiến Alberta. Hơn 70% cổ đông của Nexen cũng đã bỏ phiếu chấp thuận sự tiếp quản của CNOOC với giá 15,1 tỷ USD. Tuy nhiên, dư luận trong giới doanh nhân Canada đã kịch liệt phản đối, cho rằng việc các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tăng đầu tư nhằm nắm quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên quan trọng của Canada và tạo ra một sân chơi cạnh tranh không công bằng. Họ không muốn đất nước để lọt vào tay nước ngoài các cổ phiếu chiến lược, trong lúc CNOOC là một công ty mà Canada không có quyền kiểm soát. Một số ý kiến còn tin rằng thỏa thuận này có thể ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Canada. Các ý kiến trái ngược đã khiến Chính phủ của Thủ tướng Harper gặp nhiều khó khăn để đưa ra một quyết định. Khi nhiều người Canada phản đối kế hoạch đó đã khiến Chính phủ Bảo thủ tuyên bố gia hạn thêm 30 ngày để xem xét kỹ lưỡng hơn về thỏa thuận này.

Ngày 2/11, Canada gia hạn thêm 30 ngày để xem xét vụ chuyển nhượng Nexen cho tập đoàn dầu khí CNOOC của Trung Quốc

Trong một nỗ lực nhằm giảm bớt lo ngại của Ottawa, CNOOC đã cam kết giữ trụ sở chính tại Calgary, tìm cách niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Toronto và đặt một số tài sản trị giá 8 tỷ USD dưới sự kiểm soát của các nhà quản lý Nexen ở Canada. CNOOC cũng hứa sẽ thực hiện nghiêm túc các chương trình trách nhiệm xã hội của Nexen tại Canada và trên thế giới.

John Manley, cựu Bộ trưởng Công nghiệp Canada, hiện là thành viên của Hội đồng Giám đốc điều hành Canada, dẫn đầu nhóm vận động hành lang hiện có ảnh hưởng lớn nhất tại Canada, cho biết Bắc Kinh đã "khá nhẫn nhịn" để giành được thỏa thuận Nexen và Ottawa nên quan tâm đến điều này. Mối quan hệ Canada - Trung Quốc đang được cải thiện và thúc đẩy sau các chuyến thăm cấp cao của Thủ tướng Harper, Ngoại trưởng John Baird và nhiều bộ trưởng khác. Và nếu thỏa thuận Nexen được thông qua, mối quan hệ có thể sẽ tiến thêm một bước nữa. Ngược lại, các nỗ lực trước đây có thể sẽ bị uổng phí trong lúc Ottawa muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, sau Mỹ. Ông nói: "Các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ rất bất mãn và chỉ trích mạnh mẽ nếu Canada từ chối thỏa thuận và điều này có thể khiến quan hệ Trung Quốc - Canada trở nên lạnh nhạt hơn".

Theo ông Manley, việc Ottawa từ chối thỏa thuận Nexen sẽ làm mất lòng tin không chỉ đối với các nhà đầu tư Trung Quốc mà còn đối với các nhà đầu tư khác trên toàn thế giới. Trước Nexen, chính phủ Bảo thủ Canada đã khước từ 2 thỏa thuận đầu tư nước ngoài, bao gồm đề nghị mua lại một phần Công ty hàng không vũ trụ MacDonald Dettwiler of Richmond có trụ sở tại British Colombia của một công ty Mỹ trong năm 2008 và đề xuất mua lại công ty Potash Corp có trụ sở ở Saskatchewan năm 2010 của Tập đoàn khai thác mỏ và dầu khí đa quốc gia Australia - BHP Billiton. Gần đây nhất là thỏa thuận tiếp quản công ty năng lượng Progress Energy Resources Corp của Tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas. Ông nói: "Việc khước từ liên tục như vậy sẽ khiến cho các nhà đầu tư thêm nghi ngờ và tỏ ra lo ngại đối với cam kết mở cửa thị trường của Canada và điều đó sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước".

Manley nhấn mạnh rằng Canada rất cần các nguồn vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nước, không chỉ riêng đối với dầu cát của Alberta mà còn đối với các nguồn lực ở các vùng miền khác trên toàn quốc. Theo ước tính của ngành công nghiệp nước này, Canada sẽ cần khoảng 650 tỷ USD đầu tư vào các dự án năng lượng trong thập niên tới.

H.Phan (Tổng hợp)