Đằng sau chính sách năng lượng mới của Trung Quốc

08:28 | 16/08/2012

1,380 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhà nghiên cứu Olivia Boyd, Đại học Quốc gia Úc, trong một bài viết mới đây trên tạp chí Á-Âu, đã đề cập tới những động lực trong chính sách năng lượng và khí hậu mới của Trung Quốc.

 

 

Theo Hội đồng điện lực Trung Quốc, nước này dự kiến sẽ tăng lượng than nhập khẩu và giảm lượng xuất khẩu để đảm bảo cung cấp cho phát điện, giảm tình trạng thiếu hụt

Kể từ khi công bố Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 hồi năm 2006, Trung Quốc đã cắt giảm được gần 20% mức tiêu thụ năng lượng (năng lượng sử dụng trên mỗi đơn vị GDP đầu ra). Trung Quốc cũng đã đặt ra mục tiêu về lượng khí thải cácbon và hiện đang thử nghiệm định giá cácbon. Trong vòng không đầy một thập kỷ, ngành công nghiệp năng lượng tái chế của nước này đã phát triển từ mức rất thấp lên chiếm lĩnh vị trí chi phối trên thế giới. 

Tại sao Trung Quốc lại áp dụng những chính sách khí hậu và cải cách năng lượng đầy tham vọng trong khi chưa đầy một thập kỷ trước đó nước này có vẻ như quyết định phát triển theo hướng ngược lại? Nghiên cứu gần đây đối với các văn bản quan trọng của chính phủ và các bài viết của giới học thuật Trung Quốc cho thấy, có 3 động lực cho chính sách khí hậu và năng lượng mới của Trung Quốc, gồm: an ninh năng lượng, lo ngại về tác động tới môi trường và mong muốn giành được ưu thế cạnh tranh. 

An ninh năng lượng trong nước của Trung Quốc là động lực chủ chốt đầu tiên. Trung Quốc đã phải hứng chịu tình trạng thiếu điện trên diện rộng từ năm 2002, khi ngành công nghiệp nặng và chế tạo bùng nổ khiến nguồn cung ứng than và điện bị thiếu hụt nghiêm trọng. Một báo cáo của Ủy ban Điện Trung Quốc dự báo riêng năm 2012 lượng cung điện năng sẽ thấp hơn nhu cầu khoảng 30-40 gigaoát. Thất bại của ngành điện Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại mới về tình trạng "mất an ninh điện" và "mất an ninh than". Theo Sách trắng ngành điện, Trung Quốc hiện "tập trung cả vào phát triển và tiết kiệm (nguồn năng lượng), với ưu tiên chủ yếu là tiết kiệm". 

Trung Quốc hiện có một hệ thống hạn chế sử dụng năng lượng ở tất cả các cấp, từ chính quyền trung ương tới địa phương và các doanh nghiệp tư nhân. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 11, các cơ sơ cũ, quy mô nhỏ và kém hiệu quả dần bị chính phủ đóng cửa. Kết quả là Trung Quốc đã cắt giảm được 1.559 tấn CO2 lượng khí thải từ các hoạt động kinh doanh bình thường. Các biện pháp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng đóng góp 87% vào lượng cắt giảm khí thải này. 

Trước những lo ngại về ô nhiễm môi trường trong nước, chính phủ Trung Quốc ngày càng ý thức được những nguy hại do biến đổi khí hậu gây ra. Nhận thức này chính là động lực thứ hai cho chính sách mới. Một số văn bản của chính phủ, gồm cả một nghiên cứu công phu về tác động của biến đổi khí hậu và hai Sách trắng về biến đổi khí hậu (xuất bản năm 2008 và 2011), chỉ ra rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng kinh tế cũng như những nỗ lực giảm nghèo, nguồn nước, sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc và các khu vực ven biển giàu có và đông dân cư của nước này. 

Đến Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, nhiều mục tiêu liên quan đến khí hậu của Trung Quốc đã làm thay đổi các chính sách vốn ban đầu chỉ hướng tới những mục tiêu khác như an ninh năng lượng và kiểm soát ô nhiễm tại địa phương. Tuy nhiên, tại hội nghị Copenhaghen về biến đổi khí hậu năm 2009, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng đến năm 2020 nước này sẽ cắt giảm lượng khí thải CO2 xuống 40-45%. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa mục tiêu cắt giảm khí thải mạnh mẽ vào chính sách quốc gia. 

 Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, bảy tỉnh và thành phố sẽ bắt đầu thực hiện chương trình trao đổi khí thải dài hạn. Chính quyền trung ương cũng dự kiến công bố một kế hoạch định giá cácbon quốc gia vào năm 2015. Giá cácbon tại Trung Quốc sẽ là thành công lớn nhất trong kinh tế khí hậu từ trước tới nay. 

 Cuối cùng, giới hoạch định chính sách Trung Quốc ngày càng thống nhất cho rằng thế giới sắp có chuyển dịch lớn từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái chế. Các văn bản của chính phủ nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải "giành ưu thế là người đi đầu" và tận dụng cơ hội kinh tế trong giai đoạn chuyển dịch lịch sử này. 

 Chính phủ Trung Quốc đã ủng hộ chủ trương này bằng việc đảm bảo nguồn tài chính lớn cho năng lượng tái chế. Nước này đã xây dựng giá bán điện riêng đối với điện năng sản xuất từ gió và năng lượng mặt trời, trong đó xác định một phần phụ phí mà người sử dụng điện phải trả để phát triển năng lượng tái chế và buộc các nhà phân phối điện lưới phải sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái chế. Kết quả là Trung Quốc hiện là nước đầu tư vào năng lượng tái chế lớn nhất thế giới: có tiềm lực sản xuất phong điện lớn nhất, đồng thời tăng lượng cung ứng tấm pin năng lượng mặt trời cho thế giới từ 1% lên 49% trong thập kỷ qua. 

 Chỉ riêng chính sách năng lượng và khí hậu mới của Trung Quốc thì không đủ để nước này đạt được các mục tiêu của mình. Lượng khí thải tính trên đầu người hiện ở mức tương đương tại châu Âu và Trung Quốc sẽ tiếp tục góp 30% lượng khí thải của toàn thế giới từ nay đến năm 2030. Mặc dù đầu tư cho năng lượng tái chế, thử nghiệm trao đổi cácbon và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng lúc đầu là quan trọng nhưng phản ứng của Trung Quốc trước biến đổi khí hậu sẽ cần phải được nâng cao cùng với trách nhiệm của nước này.

H.Phan (Theo AP)