Eo biển Hormuz và con bài dầu mỏ của phương Tây

08:08 | 18/07/2012

2,291 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người ta từng tưởng dầu mỏ sẽ là lá bài quan trọng của Iran trong cuộc đấu với Mỹ và phương Tây, nhưng kỳ thực eo biển Hormuz mới là “át” chủ bài của Tehran trong trận đấu căng thẳng này. Và dầu mỏ, mới đích thị là vũ khí chiến lược của phương Tây nhằm chống lại Iran.

Eo biển Hormuz quan trọng như thế nào?

Eo biển Hormuz nằm giữa vịnh Oman phía đông nam và Vịnh Ba Tư ở tây nam, trên bờ biển phía bắc là Iran và trên bờ biển phía nam là Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất và Musandam, một phần đất tách ra của Oman. Để xác định chiều dài của eo biển Hormuz, có thể áp dụng tiêu chí ranh giới hàng hải giữa Iran và Oman. Theo đó, chiều dài của đường biên giới này là 202,1km. Khoảng cách dài nhất của eo biển Hormuz là 84km và khoảng cách ngắn nhất, ước tính rộng 33,6km.

Eo biển Hormuz (ảnh chụp từ vệ tinh)

Đáy biển ở eo biển Hormuz dốc theo hướng từ Bắc đến Nam. Phần lớn nước ở eo biển Hormuz nông, đặc biệt là phần phía bắc và do đó gây khó khăn cho các tàu lớn khi điều chỉnh hướng. Phần nước sâu nằm gần với bờ biển phía nam. Tuy nhiên, về phía tây của eo biển, bên trong vùng Vịnh Ba Tư, tình hình đảo ngược lại và phần nước sâu lại nằm trong vùng lãnh hải của Iran. Trong khi đó, năm 1979, Chính phủ Oman đã công bố với Tổ chức Tư vấn Hàng hải quốc tế (IMCO) rằng, chính phủ nước này không thể bảo đảm sự an toàn của các tàu đi qua lại giữa đảo Quawain có vị trí thấp hơn và bờ biển nhiều đá gập ghềnh của đảo Musandam. Do đó, không thể chở dầu đi qua eo biển Hormuz mà không phải đi qua lãnh hải Iran. Đồng thời, eo biển này chính là đường thủy duy nhất để 8 nước trong khu vực Vịnh Ba Tư tiến ra các vùng biển quốc tế. Trung bình, cứ mười phút, lại có một chiếc tàu chở dầu khổng lồ đi qua đường thủy này và có hơn 40% nhu cầu dầu mỏ thế giới được cung cấp từ vùng Vịnh Ba Tư. Viện Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ dự đoán rằng, vào năm 2020 khối lượng xuất khẩu dầu từ eo biển Hormuz sẽ tăng lên 35 triệu thùng dầu mỗi ngày. Ngoài ra, các loại vũ khí mà các quốc gia duyên hải trong vùng Vịnh Ba Tư mua từ Hoa Kỳ và các nước châu Âu chỉ bằng cách đi qua eo biển Hormuz mới đến đích được.

Iran có thể ngăn không cho tàu thuyền của các nước khác đi qua eo biển Hormuz hay không? Câu trả lời là có thể. Cơ sở pháp lý cho hành động này là Công ước Geneva về lãnh hải và vùng tiếp giáp năm 1958. Mặc dù Iran là một trong các nước đã ký Công ước về Luật Biển năm 1982 nhưng quốc gia này lại không phê chuẩn nó. Do đó, Công ước này này không có gì ràng buộc pháp lý với Tehran. Trong khi đó, theo Công ước Geneva, tàu thuyền nước ngoài chỉ được phép đi qua eo biển Hormuz nếu đảm bảo “an ninh, trật tự và quyền lợi của nhà nước ven biển (ở đây là Iran)” và Iran có quyền trục xuất và đình chỉ việc quá cảnh của các tàu thuyền nước ngoài vi phạm luật lệ của nước mình. Việc Mỹ, châu Âu và các đồng minh ngăn chặn việc xuất khẩu dầu của Iran thì các tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz đến các nước này đương nhiên được coi là làm phương hại đến an ninh, lợi ích của Iran.

Không có gì nghi ngờ khi eo biển Hormuz chính là “át” chủ bài của Iran bởi vị trí chiến lược độc đáo của nó có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và chính trị thế giới sâu sắc. Khi bị Mỹ và phương Tây cấm vận, khi thị trường thế giới thiếu dầu Iran, đó lại là cơ hội để cho Arập Xêút khẳng định vai trò “anh cả” trong thế giới dầu mỏ của mình. Nhưng khi eo biển Hormuz bị đóng cửa, không ai đoán trước được chuyện gì sẽ xảy ra, chỉ chắc chắn một điều: Mỹ, phương Tây, Trung Đông không thể ngồi yên. Chẳng những thế mà đã nhiều lần Iran hăm dọa và có những động thái quyết liệt cho thấy quyết tâm sẵn sàng đóng cửa eo biển huyết mạch này mỗi khi căng thẳng với phương Tây leo thang. Lần gần đây nhất là ngày 14/7/2012, khi Tư lệnh Hải quân Iran, Đô đốc Ali Fadavi tuyên bố Iran sẽ tăng cường sự hiện diện về quân sự tại các vùng biển quốc tế và rằng: “Iran có thể hoàn toàn kiểm soát Hormuz và sẽ không để thậm chí chỉ một giọt dầu đi qua được eo biển này nến an ninh và lợi ích của mình bị đe dọa”.

Dầu mỏ – Vũ khí hiểm hóc của phương Tây

Ngày 1/7/2012 là một dấu mốc đáng buồn với Iran, vì đây là thời điểm mà lệnh cấm vận dầu mỏ của Liên minh châu Âu (EU) lên Iran chính thức có hiệu lực. Kể từ đây, 27 nước thành viên EU phải ngừng nhập khẩu dầu thô cũng như các sản phẩm hóa dầu từ Iran và không một công ty bảo hiểm nào từ các nước trong khối EU được cung cấp các dịch vụ bảo hiểm cho các tàu vận tải dầu của Iran. Cùng với lệnh cấm vận đơn phương trước đó và một loạt các biện pháp từng lúc, từng lúc siết chặt trừng phạt tài chính với các ngân hàng và công ty trên thế giới có giao dịch dầu mỏ với Iran của Mỹ, đây quả thực là những cú đòn “knock-out” hiểm độc đánh thẳng vào nền kinh tế, vốn phụ thuộc vào dầu mỏ đang lao đao của Iran. Thậm chí, trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng phải thừa nhận rằng, đây là biện pháp trừng phạt “nặng nhất” trong các biện pháp trừng phạt đã từng áp dụng với Tehran, mà tất cả chỉ nhằm triệt tiêu nguồn tài chính cung cấp cho các hoạt động nghiên cứu hạt nhân tại Iran.

Nguồn thu chính của Iran từ dầu mỏ vốn đã giảm mạnh do giá dầu thô bắt đầu lao dốc từ tháng 3/2012, nay lại tiếp tục giảm xuống do nguồn cung bị cắt giảm, khiến lợi nhuận đem lại từ xuất khẩu dầu thô, vốn từ lâu được đánh giá là “xương sống” của nền kinh tế Iran sẽ lao dốc thảm hại. Ước tính sản lượng dầu thô xuất khẩu bị giảm một nửa so với năm 2011 cộng với việc giá dầu thô năm nay cũng bị giảm so với năm 2011 khiến lợi nhuận thu được từ xuất khẩu dầu thô của Iran sẽ giảm hơn một nửa so với năm 2011. Nếu như năm 2011, Iran thu được khoản 100-110 tỉ USD lợi nhuận từ việc bán dầu thô thì năm nay, quốc gia này có lẽ chỉ thu về khoảng 45-50 tỉ USD.

Còn những bạn hàng truyền thống của Iran, đặc biệt là các quốc gia châu Á – thị trường nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Iran, dù không thể ngay lập tức tìm được nguồn cung dầu thô ổn định thay thế từ quốc gia khác, nhưng trước ảnh hưởng của Mỹ và EU, họ buộc phải cắt giảm – hoặc ít, hoặc nhiều – dầu thô từ Iran. Ngày 26/6/2012, Hàn Quốc – quốc gia châu Á nhập khẩu nhiều dầu thô nhiều nhất từ Iran, tuyên bố sẽ tạm ngừng nhập khẩu dầu từ Iran từ ngày 1/7 để hưởng ứng lệnh cấm vận dầu mỏ của EU. Và Nhật Bản, dù đang thiếu năng lượng trầm trọng nhưng cũng ra tuyên bố sẽ giảm lượng dầu thô nhập khẩu từ Iran xuống 18%. Ngay cả Trung Quốc – dù được coi là “đại kình địch” của Mỹ, nhưng để phục vụ những toan tính chính trị của mình, Bắc Kinh vẫn quyết định lên kế hoạch giảm lượng dầu thô nhập khẩu từ Iran như một nước cờ ngoại giao khôn ngoan với Mỹ và EU trong khi vẫn hứa hẹn sẽ tiếp tục là bạn hàng lâu dài của Iran và việc giảm sản lượng nhập khẩu dầu thô từ Iran chỉ là tạm thời.

Iran sẽ làm gì để đối phó với lệnh trừng phạt dầu mỏ của Mỹ và phương Tây? Tất cả vẫn đang được thị trường trông ngóng và theo sát từng giờ.

Linh Phương (tổng hợp)

(Năng lượng Mới số 138, ra thứ Ba ngày 17/7/2012)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc