Iran “lách” lệnh cấm vận dầu mỏ như thế nào?

14:36 | 31/07/2012

1,456 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thời sự hàng ngày và cách phiên dịch hoặc diễn giải của truyền thông Hoa Kỳ hay châu Âu thường gây ấn tượng là lệnh cấm vận dầu khí sẽ làm kinh tế Iran suy sụp và dầu mỏ của Iran sẽ dần biến mất trên thị trường thế giới. Nhưng sự thật có khi lại hơi khác.

Tuy nghiêm mà vẫn… lọt

Iran quả là có gặp khó khăn kinh tế vì lệnh cấm vận của quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì chính quyền Iran vẫn sẽ đứng vững trước lệnh cấm vận dầu mỏ của Hoa Kỳ và EU, vì ngân sách quốc gia này có một lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ cộng với cung dầu mỏ của Iran vẫn chưa hẳn bị chặn đứng. Hơn thế nữa, mạng lưới phong tỏa này, tuy mỗi lúc một siết chặt hơn, gắt gao hơn với những tuyên bố mạnh miệng hơn, nhưng vẫn tồn tại những lỗ hổng mà Tehran có thể lọt qua được.

Các tàu chở dầu của Iran có thể được “ngụy trang” dưới vỏ thương hiệu của các “hầm trốn thuế”

Hồi trung tuần tháng 7, Bộ Tài chính Hoa Kỳ vừa xác định hơn 50 tổ chức, cá nhân có liên quan đến chương trình phát triển hạt nhân của Iran hoặc thực chất là bình phong để giúp nước này né tránh lệnh trừng phạt của phương Tây trước đó. Trong đó, có một loạt công ty, hãng tàu và 20 viện tài chính khác thuộc quyền sở hữu của Chính phủ Iran như Công ty Năng lượng Noor Energy có trụ sở đặt tại Malaysia, Công ty Petro Suisse, Công ty Năng lượng Dầu khí Petro Energy tại Dubai (Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất) và Công ty Thương mại nội địa Hongkong...

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng phát hiện ra, để tránh lệnh cấm vận chuyển dầu cho Iran, Công ty Vận tải xăng dầu Quốc gia Iran (NITC) đã thực hiện một số mánh khóe như sơn lại tàu, treo cờ khác hay tìm cách vô hiệu hóa thiết bị định vị GPS. Tuy nhiên, đây chỉ là những “mánh khóe” phổ thông trong khi Tehran hoàn toàn có đủ khả năng để thực hiện các phi vụ buôn lậu dầu mỏ trót lọt, thay đổi “quốc tịch” cho các tàu dầu của mình một cách chuyên nghiệp ở quy mô quốc tế.

Thế giới có "trung tâm trốn thuế hợp pháp" là những quốc gia có thể bán quốc tịch cho các tàu dầu, ở tại các đảo Malta, Cyprus, vùng Bahamas, Seychelles hay 2 trung tâm kinh doanh tài chính ở châu Á là Hongkong và Singapore. Mục tiêu là để các nhà đầu tư Âu - Á - Mỹ có thể chuyển dịch hội sở chính thức vào những nơi đó để khỏi bị quốc gia đánh thuế. Tehran có thể giấu lá cờ thật trên các tàu dầu của mình bằng cách mua hay thuê thương hiệu của các “hầm trốn thuế” này. Cả thế giới đều biết điều đó, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cũng thế. Nhưng chạy theo những cái vỏ thương hiệu này để tìm vào từng tàu dầu có xuất xứ Iran là việc không dễ, tốn kém và rất nhiêu khê về mặt công pháp quốc tế.

Thêm vào đó, vẫn còn khá nhiều đối tác nhập khẩu dầu thô từ Iran mà không thèm đoái hoài đến lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) như Thụy Sỹ, Ecuador… trong khi nhiều quốc gia lại vận động ngược với Hoa Kỳ để được lọt qua mạng lưới phong tỏa. Đó là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nam Phi, Malaysia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Sri Lanka và cả 27 quốc gia EU. Trước khi chính quyền Obama ban bố lệnh cấm vận vào đầu năm nay, các nước này đã ồ ạt mua dầu của Iran về trữ sẵn. Sau đó mới giảm nhập khẩu dần dần như một cách tượng trưng, để bày tỏ thiện chí hợp tác với lệnh phong tỏa của Hoa Kỳ. Song song, chính quyền Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc còn có biện pháp bảo hiểm chính thức của quốc gia, để tránh cho các doanh nghiệp tư nhân bị trừng phạt vì nhận tái bảo hiểm cho các tàu dầu Iran.

Bộ Ngoại giao và Ngân khố hay Quốc hội Hoa Kỳ đều biết rõ sự luồn lách đó và làm mâu thuẫn song hành: vừa tăng cường mạng lưới phong tỏa cho khít khao hơn, vừa nghiên cứu giải pháp chấm dứt lệnh cấm vận, nếu như Iran đồng ý ngồi vào bàn đàm phán để từ bỏ kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân. Nói cách khác, quyết định cấm vận cũng chỉ là một nước cờ trong cả một bàn cờ rộng lớn với Iran. Bởi từ gần 8 năm nay, chính quyền George W. Bush rồi Barack Obama đều theo đuổi cùng một chiến lược là vừa đánh vừa đàm, vừa hăm dọa, vừa chiêu dụ.

“Cái khó ló cái khôn”

Tất nhiên, dù Hoa Kỳ “mắt nhắm, mắt mở” trước các chiêu thức “lách” lệnh cấm vận của Iran cũng như của các quốc gia nể Mỹ nhưng vẫn cần dầu mỏ của Iran thì tất cả những giải pháp trên vẫn chỉ là biện pháp chữa cháy và về lâu dài, cũng không đem lại hiệu quả gì đáng kể bởi chi phí thực hiện các phi vụ buôn lậu dầu mỏ cũng không hề nhỏ. Trong bối cảnh đó, Tehran đã tìm được một biện pháp xuất khẩu dầu mỏ hợp lệ. Đó là bãi bỏ chính sách quy định chỉ có Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC) được quyền mua bán, xuất khẩu dầu và thay vào đó, cánh cửa này còn được mở rộng với khu vực tư nhân trong nước.

Đầu tháng 7/2012, một thỏa thuận được ký kết giữa Ngân hàng Trung ương, Bộ Dầu mỏ Iran và một liên doanh (consortium) các công ty xuất khẩu dầu mỏ tư nhân của Iran. Theo đó, nhóm công ty này được cho phép xuất khẩu 20% lượng dầu xuất khẩu của Iran ra thị trường quốc tế, bao gồm cả Liên minh châu Âu. Lượng dầu này tương đương với 400.000 – 500.000 thùng dầu/ngày, sẽ được mua và bán với giá thấp hơn giá bán bình thường của Bộ Dầu mỏ Iran. Doanh thu từ việc bán dầu sẽ được trả cho đất nước bằng tiền mặt hoặc dưới dạng hàng hóa nhập khẩu.

Theo ông Hassan Khosrowjerdi, người đứng đầu Hiệp hội Các nhà xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm hóa dầu Iran, đã có 3 consortium tư nhân được thành lập để tăng cường xuất khẩu dầu mỏ cho nước này. Và không chỉ dầu mỏ, khí đốt cùng các sản phẩm hóa dầu cũng có tên trong danh sách các mặt hàng mà hiệp hội này được phép xuất khẩu, với giá trị lên tới 18 tỉ USD. Ông Khosrowjerdi cũng cho biết hợp đồng xuất khẩu dầu đầu tiên của Iran được thực hiện bởi khu vực tư nhân sẽ được ký kết và một số lượng dầu nhất định sẽ được bán cho các nhà máy lọc dầu tư nhân ở châu Âu. Nếu khu vực tư nhân thành công thì lượng dầu có thể xuất khẩu bởi các consortium này sẽ không bị giới hạn nữa. Dự kiến, trong năm hiện tại của Iran (kết thúc vào ngày 20/3/2013), khối lượng xuất khẩu của các consortium tư nhân sẽ tăng lên tới 30 tỉ đôla.

Chưa biết Hoa Kỳ và phương Tây sẽ có biện pháp nào để đối phó với cách “lách” công khai, hợp lệ này của Tehran nhưng hiện tại, thị trường thế giới vẫn có dầu Iran và Iran vẫn thu được ngoại tệ nhờ xuất khẩu dầu, tuy cũng bị sụt giảm khá.

Vào đầu năm 2012, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua lệnh trừng phạt mới đối với dầu mỏ của Iran và các lĩnh vực tài chính nhằm mục đích nhập khẩu, chuyên chở dầu cũng như các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Iran hoặc giao dịch với Ngân hàng Trung ương của nước cộng hòa Hồi giáo. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu lực đầy đủ vào ngày 28/6, trong khi lệnh cấm vận dầu mỏ Iran của EU được chính thức thi hành từ 1/7. Mục tiêu đề ra nhằm buộc Iran đình chỉ các chương trình hạt nhân. Tehran luôn khẳng định đây là các chương trình nhằm phục vụ những mục tiêu dân sự, nhưng phương Tây nghi ngờ Tehran âm thầm phát triển chương trình nguyên tử với mục tiêu quân sự.

Linh Phương (tổng hợp)

(Năng lượng Mới số 142, ra thứ Ba ngày 31/7/2012)