Sự độc quyền về đất hiếm của Trung Quốc lại bị thách thức

14:43 | 19/11/2012

11,789 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc tìm thấy mỏ đất hiếm với trữ lượng lớn tại Alaska, Mỹ, đang thách thức sự độc quyền của Trung Quốc về loại nguyên liệu này.

 

Vỉa đất hiếm Bokan Mountain có khả năng sản xuất 3.000 tấn đất hiếm/năm vào năm 2016

Trên toàn thế giới chỉ có khoảng 5-6 mỏ đất hiếm đủ trữ lượng cho việc khai thác khả thi với đầu tư ban đầu lên đến hàng trăm triệu USD. Alaska hiện là một trong những tâm điểm có thể cạnh tranh với Trung Quốc. Các chuyên gia tin rằng vỉa đất hiếm Bokan Mountain mới được tìm thấy ở Alaska, do công ty Ucore quản lý, đến năm 2016 có khả năng sản xuất 3.000 tấn đất hiếm/năm. Tất nhiên, đầu tiên là mỏ này cần được xây dựng, với kinh phí khoảng 150 triệu USD và Ucore đang hy vọng bang Alaska sẽ giúp tài trợ dự án này. Họ không chỉ hy vọng cạnh tranh với Trung Quốc về đất hiếm, mà còn kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu đất hiếm của Bắc Mỹ, lý do là mức tiêu thụ đất hiếm của Trung Quốc đang tăng lên và thực tế rằng Trung Quốc chưa phát hiện ra thêm vỉa mới nào. Điều đó có nghĩa rằng Trung Quốc có thể sử dụng hết các nguồn cung đất hiếm của họ.

Trong khi chờ đợi, giá đất hiếm đang tăng. Trong tháng 10 và đầu tháng 11, Trung Quốc đã giảm khoảng 50% sản lượng đất hiếm của họ trong một nỗ lực khiến giá đất hiếm tăng trở lại. Các công ty khai thác đất hiếm hàng đầu của Trung Quốc là Chinalco và Baotou Steel Rare Earth đã tạm thời ngừng sản xuất hồi đầu tháng 11 năm nay.

Các kim loại đất hiếm có 17 thành tố hóa học được sử dụng trong việc sản xuất các sản phẩm như máy bay quân sự không người lái, hệ thống radar đến nam châm hiệu suất cao được sử dụng trong các loại xe ôtô thương mại, công nghệ tuốc bin gió và một loạt các sản phẩm điện tử tiêu dùng. Năm 2010, Lầu Năm góc đã giật mình trước thực tế trên, khi mà việc Bắc Kinh giảm xuất khẩu đất hiếm đã ảnh hưởng đến các chương trình chế tạo vũ khí của Mỹ. Để giải quyết vấn đề này, Lầu Năm góc đã hợp tác với Toyota Motor Corp và hai công ty của Canađa là Ucore Rare Metals Inc. và Matamec Explorations Inc. để khai thác các mỏ đất hiếm tại Bắc Mỹ, cũng như nghiên cứu các ứng dụng đất hiếm.

Đối với ngành công nghiệp ôtô, tình hình còn cấp bách hơn. Các công ty sản xuất ôtô đang sử dụng các kim loại đất hiếm để sản xuất những loại xe lai (vừa chạy kết hợp bằng điện vừa chạy bằng xăng) và cả các loại ôtô thông thường. Với mức tiêu thụ hiện nay, nhu cầu đối với những kim loại đất hiếm chủ chốt như dysprosium, yttrium và terbium sẽ rất sớm vượt cung. Mức tiêu thụ tiếp tục tăng trong khi sản lượng vẫn không đổi. Công ty Toyota đang nỗ lực hướng tới việc sở hữu 49% cổ phần trong một liên doanh với công ty Matamec của Canađa. Hai công ty này có kế hoạch khai thác một mỏ dysprosium tại tỉnh Quebec, nhưng vẫn đang để mắt tới các mỏ đất hiếm khác tại khu vực này.

Các kim loại đất hiếm này ngày càng có giá trị hơn kể từ khi Trung Quốc quyết định cắt giảm xuất khẩu. Kể từ đó, giá kim loại đất hiếm vẫn lên xuống thất thường, chủ yếu là do các công ty chế tạo cảnh giác với việc cam  kết sản xuất phụ thuộc vào kim loại đất hiếm khi họ không chắc chắn về nguồn cung tương lai. Liệu mỏ đất hiếm ở Alaska có khả năng thách thức sự độc quyền thế giới về đất hiếm của Trung Quốc, quốc gia đang cung cấp 95% nhu cầu đất hiếm của thế giới?

Th.Long (Theo Oil price)