Trung Quốc rút khỏi dự án phát triển mỏ South Pars

05:49 | 30/07/2012

381 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Sau nhiều lần bị phía Iran cảnh báo về sự chậm trễ “chưa từng có” trong giai đoạn thứ 11 phát triển mỏ khí đốt South Pars, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã rút khỏi dự án này, truyền thông Iran đưa tin hôm 29/7.
Một giàn khoan ở mỏ khí đốt South Pars

Theo thông tin từ Bộ Dầu mỏ Iran, CNPC đã rút nhân viên của mình khỏi Asaluyeh, thành phố bên bờ Vịnh Persian, gần mỏ khí đốt South Pars.

CNPC có cơ hội được thế chân hãng Total theo một hợp đồng trị giá 4,7 tỷ USD với Tehran để phát triển giai đoạn 11 mỏ South Pars cũng bởi sự chậm trễ triển khai dự án này của công ty dầu khí nước Pháp. Ở thời điểm đó, Total và các công ty dầu khí phương Tây khác đã rút khỏi Iran do lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cấm các công ty Mỹ và châu Âu đầu tư vào khu vực công nghiệp dầu khí của Iran.

Tuy nhiên, dù lợi dụng cơ hội đó để bước chân vào ngành công nghiệp dầu khí Iran nhưng theo truyền thông Iran, CNPC đã trì hoãn triển khai dự án trong hơn 1.130 ngày và thậm chí còn chưa thực hiện các bước sơ bộ như san lấp mặt bằng hay quy hoạch hàng rào dự án.

Việc trì hoãn đó đã khiến Iran không hài lòng, cảnh báo nhiều lần và thậm chí đã đưa ra tối hậu thư sẽ huỷ bỏ thoả thuận giữa hai bên và thay thế CNPC bằng các công ty nội địa nếu Trung Quốc không đẩy nhanh tiến độ dự án.

South Pars là mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới, thuộc sở hữu chung của Iran và Qatar. Phần của Iran được chia làm 29 giai đoạn khai thác, có khoảng 14 nghìn tỷ m3 khí, chiếm khoảng 8% dự trữ khí đốt của thế giới và 18 tỷ thùng khí tự nhiên hóa lỏng.

Iran có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 thế giới nhưng lại chưa thể trở thành một nước xuất khẩu khí đốt lớn do bị các biện pháp trừng phạt quốc tế của Mỹ và phương Tây ngăn cản đầu tư tài chính, công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp dầu khí. Nhất là trong công nghiệp khí đốt, Iran hiện vẫn chưa đủ công nghệ để xây dựng được các cơ sở hoá lỏng khí đốt (LNG).

Linh Phương (Theo Reuters)