Đối kháng địa chính trị Trung - Mỹ trong 4 năm tới sẽ ra sao?

07:30 | 15/11/2012

1,944 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong vài năm tới, nước Mỹ và cả thế giới sẽ bước vào thời kỳ thay đổi mang tính lịch sử. Mặc dù sự thay đổi này có thể chưa hẳn gây ra một cuộc biến động lớn, song quan hệ chiến lược cùng các mối quan hệ khác giữa Mỹ và Trung Quốc không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Đó là nhận xét của tờ Đại Công báo (Hồng Công) ra ngày 14/11. Điểm lại sự phát triển quan hệ mậu dịch Trung - Mỹ trong 4 năm qua, báo này nhận thấy rõ 2 xu thế chủ yếu: Một là số lượng và phạm trù trao đổi không ngừng tăng lên; hai là hành vi chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ tăng mạnh, khiến tranh chấp và cọ sát ngày càng nhiều.

Tờ báo cho rằng tới đây, hai xu thế này về tính chất sẽ vẫn duy trì như 4 năm qua, tuy nó không còn là xu thế mới, song các nội dung cụ thể trong đó tất nhiên sẽ phát sinh thêm nhiều hạng mục mới. Ví dụ, trong giao lưu trao đổi, tính hai chiều sẽ ngày càng tăng: Sẽ càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đến Mỹ đầu tư, trong khi cũng có càng nhiều người Mỹ đến Trung Quốc học tập và làm việc. Áp dụng chủ nghĩa bảo hộ, Mỹ sẽ càng mạnh tay thực hiện các biện pháp “phản công kép”, vừa sửa đổi các luật của Mỹ sao cho trở nên “hợp pháp hóa” nhằm tăng cường áp dụng các lý do về an ninh quốc gia để ngăn chặn và gây khó khăn cho các nhà đầu tư Trung Quốc, đồng thời bắt đầu can dự chính sách xuất khẩu của Trung Quốc. Các biện pháp “phòng thủ kiên cố” mới cũng đang trong quá trình lên kế hoạch như việc nghiên cứu các hành động để nhằm vào các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. 

Về triển vọng trong tương lai, Đại Công báo cho rằng có hai xu thế một tích cực, một tiêu cực trên sẽ tiếp diễn và còn phát triển sâu sắc hơn, sẽ có thêm nhiều nội dung mới xuất hiện. Điều cần đặc biệt chú ý là sự phát triển của xu thế tiêu cực có thể sẽ nhanh hơn xu thế tích cực, chủ yếu là do sự tăng nhiệt nhanh chóng của cọ sát mậu dịch.

Thứ nhất, kinh tế Mỹ sẽ ngày càng sa sút, chủ nghĩa bảo hộ sẽ theo đó phải gia tăng. Đảng Dân chủ và công đoàn Mỹ có quan hệ rất mật thiết, do đó, chính phủ sẽ rất dễ chịu áp lực từ phía công đoàn trong vấn đề gia tăng bảo hộ mậu dịch.

Thứ hai, cùng với việc trình độ phát triển và sức sản xuất của Trung Quốc tiếp tục được nâng lên, phạm trù cạnh tranh trực tiếp trong sản xuất giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng mở rộng. Các biện pháp bảo hộ mậu dịch của Mỹ đối với Trung Quốc mấy năm gầy đây đã không còn nhằm vào những sản phẩm gia công tập trung nhiều lao động nữa, mà đã nhằm vào các sản phẩm tập trung nhiều tư bản và có trình độ khoa học kỹ thuật trung và cao.

Thứ ba, cùng với việc trình tự kinh tế - tài chính mới của thế giới từng bước thay thế trình tự cũ, mâu thuẫn giữa Trung Quốc (nước đại diện cho lực lượng sản xuất mới) với Mỹ (nước đại diện cho bố cục và lợi ích cũ) chắc chắn sẽ ngày càng gay gắt. Điều này khiến cạnh tranh Trung-Mỹ có thêm nhân tố địa kinh tế-chính trị. Sự ảnh hưởng của nó sẽ từng bước gia tăng, một loạt cuộc đọ sức quốc tế sẽ nổi lên trong các cuộc đàm phán về những vấn đề như khí hậu, mậu dịch quốc tế, cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Trong hợp tác khu vực, Trung-Mỹ cũng sẽ có cạnh tranh.

Trong 4 năm tới, mâu thuẫn chủ yếu và căn bản nhất giữa Trung Quốc với Mỹ sẽ xuất hiện trên phương diện địa chính trị. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế mậu dịch song phương, làm gia tăng tính không ổn định và tính không rõ ràng. Bốn năm qua là thời kỳ các hành động đối kháng địa chính trị Trung-Mỹ được nâng cấp và có thay đổi về chất, hai nước đã bước vào thời đại “chiến tranh Lạnh mới”.

Chứng cứ cho luận điểm này rất rõ ràng: một là vào năm 2010, Mỹ lần đầu tiên khôi phục việc bán vũ khí cho Đài Loan sau nhiều năm tạm dừng; hai là Mỹ toàn lực thực thi chính sách “trở lại châu Á”, bao gồm cả việc chuyển trọng tâm bố chí quân lực về châu Á - Thái Bình Dương; lôi kéo các nước hình thành vòng bao vây Trung Quốc… 

Kết thúc bài viết, Đại Công báo nhận định: trong 4 năm tới, sự đối kháng Trung - Mỹ trong cuộc “chiến tranh Lanh mới” chắc chắn sẽ tiếp tục tăng nhiệt, không loại trừ Trung-Mỹ sẽ tiến tới chạy đua vũ trang, tiến hành đối đầu quân lực tại Đông Á, thậm chí xuất hiện khả năng xảy ra một kiểu xung đột quân sự nào đó. Rõ ràng, khi thảo luận vấn đề quan hệ kinh tế song phương, nếu không tính tới nguy cơ đối kháng địa chính trị sẽ là điều cực kỳ nguy hiểm.

Nh.Thạch (Tổng hợp)