Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Dựa vào Mỹ, hãy cẩn trọng!

06:42 | 16/03/2014

6,559 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Bộ Ngoại giao Philippines triệu Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc đến để phản đối việc Cảnh sát biển Trung Quốc ngăn chặn và xua đuổi 2 tàu Philippines trên đường tiếp tế cho lực lượng đồn trú tại bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) khiến dư luận cho rằng, Manila quyết đấu với Bắc Kinh vì cho rằng đã có Mỹ “chống lưng”. Ngoài ra, Philippines còn cho rằng: Bắc Kinh đã đe dọa các quyền và lợi ích của Manila theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trước đó, Manila cũng phản đối Trung Quốc bắn vòi rồng xua đuổi ngư dân Philippines khỏi bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham hôm 27/1.

Năng lượng Mới số 304

Lời đề nghị khiếm nhã

Ngày 11/3, tờ The Philippine Star dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario (nói trước học sinh và giáo viên Trường phổ thông De La Salle Santiago Zobel ở thành phố Muntinlupa, Philippines hôm 10/3) cho rằng, Manila có thể nhờ Washington hỗ trợ nếu xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc xung quanh tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải. Ông Albert del Rosario nhấn mạnh, Mỹ luôn khẳng định cam kết tuân thủ Hiệp ước phòng vệ chung (MDT) giữa hai nước khi đề cập tới nguy cơ xung đột ở Biển Đông.

Trước đó (10/3), tờ Philippines Star cho biết, đàm phán vòng thứ 6 về đóng quân giữa Philippines và Mỹ tại Washington đã kết thúc hôm 9/3, nhưng chi tiết của vấn đề này không được đăng tải. Chỉ biết cuộc đàm đã đạt được tiến triển mang tính thực chất. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Battino (phụ trách nhóm đàm phán) cho biết, việc kết thúc vòng đàm phán thứ 6 sẽ làm sâu sắc hợp tác phòng thủ song phương bởi đã đạt được tiến triển lớn. Đồng thời nhấn mạnh, hội đàm đã thể hiện quyết tâm tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực có liên quan như quốc phòng, an ninh, cứu trợ nhân đạo và phản ứng thảm họa.

Trước đó, Mỹ - Philippines đã đối thoại chiến lược song phương vòng thứ 4 ở Washington, ra Tuyên bố chung về tình hình Biển Đông và đều bày tỏ quan ngại đối với tình hình khu vực này. Đồng thời nhấn mạnh, cần giải quyết hòa bình bất đồng hàng hải trong phạm vi luật pháp quốc tế. Đây được coi là món quà mà Washington tặng Manila (thỏa thuận quân Mỹ đóng luân phiên ở Philippines sẽ đạt được) trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Philippines vào cuối tháng 4.

Ngoại trưởng Albert del Rosario (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Cũng trong ngày 10/3, tờ Philippine Daily Inquirer đưa tin, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines tiết lộ, Manila và Washington đã thảo luận dự thảo thỏa thuận, đồng thời đạt được đồng thuận về nhiều điều khoản, trong đó có quyền sở hữu công trình hạ tầng cơ sở, phối hợp an ninh, trình tự ký kết thỏa thuận và giải quyết tranh chấp. Hai bên sẽ đàm phán về các vấn đề còn lại ở Manila vào cuối tháng 3.

Cùng ngày 10/3, tờ Philippines Star cho biết, thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio tuyên bố, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với “đường lưỡi bò” trên Biển Đông hoàn toàn không có bất kỳ căn cứ luật pháp quốc tế nào. Đây không phải là lần đầu tiên thẩm phán Antonio Carpio công khai ủng hộ yêu cầu chủ quyền của Philippines đối với những đòi hỏi vô lý của Trung Quốc. Bởi trước đó ông Antonio Carpio từng tuyên bố, Philippines sẽ giành chiến thắng trong vụ kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Tòa án trọng tài Luật biển quốc tế.

Từ những thông tin kể trên, giới truyền thông Trung Quốc cho rằng, có lẽ nhận được sự cổ vũ từ Mỹ nên người phát ngôn phủ Tổng thống Philippines Herminio Coloma đã có phản ứng cứng rắn sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra tuyên bố gây sốc hôm 8/3. Ngày 9/3, ông Herminio Coloma tuyên bố: Philippines cũng có quyền bảo vệ từng tấc đất của lãnh thổ, giống như tuyên bố của ông Vương Nghị tại cuộc họp báo hôm 8/3 “Trung Quốc quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của mình bằng mọi giá”. Cũng trong ngày 9/3, hai tàu Philippines đã áp sát bãi Cỏ Mây ngay trước mũi tàu cảnh sát biển Trung Quốc. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Tôn Tiểu Nghênh thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc: Thỏa thuận đóng quân Mỹ - Philippines một khi đạt được, Manila sẽ có nhiều hành động hơn ở Biển Đông. Nhà nghiên cứu Tôn Tiểu Nghênh cho rằng, Manila muốn lôi kéo Washington, còn thỏa thuận đóng quân Mỹ ở Philippines sẽ trở thành một cơ chế công khai của hai bên.

Tạo cớ đánh người

Lợi dụng vụ máy bay của Hãng hàng không Malaysia mất tích bí ẩn, Đô đốc Hải quân Trung Quốc Doãn Trác đã ngang nhiên tuyên bố, Bắc Kinh cần xây thêm cảng tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam để phục vụ cái gọi là “chiến dịch cứu hộ”. Theo trang tin China.org.cn, ông Doãn Trác cho rằng, hiện Hải quân Trung Quốc không có cơ sở cứu hộ tại các quần đảo họ chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông nên khó triển khai tàu cứu hộ khi cần thiết. Giới chuyên môn coi đề xuất của Đô đốc Doãn Trác không đơn thuần chỉ phục vụ công tác cứu hộ, mà còn nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 10/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết, biên đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã tuần tra (bất hợp pháp) ở vùng biển bãi Cỏ Mây và phát hiện 2 tàu chở vật liệu thi công và quốc kỳ Philippines tới gần bãi Cỏ Mây. Sau khi bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc cảnh cáo, 2 tàu Philippines đã rời khỏi vùng biển bãi Cỏ Mây. Cũng trong ngày 10/3, Hãng ABS CBN News đưa tin, Chủ tịch và CEO của Tập đoàn Philex Petroleum, ông Maunel Pangilinan mặc dù không có thẩm quyền pháp lý nhưng vẫn đưa ra cái gọi là “quyền truy cập” đối với quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) để mời gọi Tổng Công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tham gia hợp tác, khai thác (trái phép) dầu khí ở bãi Cỏ Rong. Điều đáng nói là đề nghị của Tập đoàn Philex Petroleum đưa ra với CNOOC đã vượt quá phạm vi cho phép bởi trong hợp đồng giữa Philex Petroleum và Chính phủ Philippines chỉ giới hạn trong phạm vi bãi Cỏ Rong, nơi Manila yêu sách chủ quyền với tên gọi Reed Bank.

Ngày 10/3, một tàu khu trục mang tên lửa và 3 tàu chiến khác của Hải quân Trung Quốc đã tiến sát vào vùng lãnh hải của Nhật Bản ở gần quần đảo Okinawa. Sau khi đi qua vùng biển này, 4 tàu Trung Quốc đã hướng về phía tây bắc trên biển Hoa Đông, tránh xa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là hoạt động đầu tiên của Trung Quốc về sự kiện này kể từ ngày 29/10/2013. Trước đó (9/3), Nhật Bản từng điều máy bay chiến đấu đuổi 2 máy bay ném bom H-6 và 1 máy bay trinh sát Y-8 của Trung Quốc bay qua vùng biển giữa Okinawa và đảo Miyako.

Ngày 11/3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Jeff Pool cho biết, hơn 10.000 lính thủy đánh bộ Hàn Quốc và Mỹ sẽ tập trận đổ bộ chung “Rồng Đôi” với quy mô “chưa từng có” (từ 27/3 đến 7/4) trên bán đảo Triều Tiên. Trước đó, 4 tàu chiến của Mỹ đã tới Hàn Quốc để tham gia tập trận thực địa “Đại bàng non” giữa Seoul và Washington (từ 24/2 và dự kiến kéo dài tới 18/4). Hãng Yonhap cho biết, theo kế hoạch cải cách quốc phòng giai đoạn 2014-2030, bắt đầu từ năm 2023, Hải quân Hàn Quốc sẽ mở rộng quy mô hạm đội hải quân từ 1 lên 3 cụm tác chiến cơ động. Được biết, Hàn Quốc đã ký hợp đồng trị giá 123 triệu USD với Mỹ để mua hệ thống thiết bị phòng thủ tầm gần tiên tiến cho các chiến hạm, trong đó có các thiết bị bắn tự động.

Theo Tạp chí Học giả Ngoại giao của Nhật Bản, việc Trung Quốc chuẩn bị thiết lập ADIZ ở Biển Đông (dự kiến trong năm 2015 để phục vụ lợi ích lâu dài của Bắc Kinh) sẽ ảnh hưởng tới Indonesia, do đó nước này muốn tăng cường liên minh quân sự với các nước trong khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc Indonesia có thể lựa chọn liên minh với các nước ở khu vực Biển Đông cùng có tranh chấp với Trung Quốc để kiếm tìm lợi ích tối đa cho mình. Được biết, Indonesia đang tìm kiếm một khoản vay để chi cho hợp đồng mua 4 khẩu đội tên lửa phòng không do Anh và Pháp chế tạo của Tập đoàn Thales, trị giá hơn 100 triệu bảng Anh (167 triệu USD). Nếu thành công, lục quân Indonesia sẽ được trang bị tên lửa STARstreak.

Rung cây dọa khỉ

Ngày 12/3, Hãng Kyodo dẫn nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết, Tokyo - Washington đang tìm cách sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên với Hàn Quốc vào cuối tháng này, khi lãnh đạo 3 nước dự hội nghị quốc tế về an ninh hạt nhân tại Hà Lan. Nhưng hiện chưa rõ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye có sẵn sàng ngồi đàm phán với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hay không. Nếu việc này thành hiện thực, đây sẽ là cuộc gặp cấp cao Nhật Bản - Hàn Quốc - Mỹ đầu tiên kể từ khi ông Shinzo Abe nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản hồi tháng 12/2012.

Cũng trong ngày 12/3, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yong đã hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Akitaka Saiki. Ông Cho Tae-yong coi đây là cơ hội để kiểm nghiệm quan hệ Hàn - Nhật sẽ phát triển ra sao trong tương lai. Đây là cuộc hội đàm đầu tiên được tổ chức giữa Nhật Bản và Hàn Quốc kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe tới thăm ngôi đền tranh cãi Yasukuni hồi tháng 12/2013.

Hải quân Singapore sẽ mua thêm trực thăng S-70B Seahawk

Ngày 11/3, Hãng thông tấn Yonhap cho biết, do sự cần thiết phải giải quyết các mối đe dọa an ninh từ CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác an ninh với Nhật Bản bất chấp quan điểm bất đồng về lịch sử thời chiến. Ngày 10/3, Đô đốc Choi Yun-hee tuyên bố, mối quan hệ đối tác Seoul Washington - Tokyo là cần thiết cho mặt trận an ninh. Được biết, đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề hạt nhân của Triều Tiên Glynn Davies từng tới Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản (từ 27 đến 30/1). Trước đó (23/1), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns cũng thăm Trung Quốc để tìm hiểu quan điểm của Bắc Kinh đối với tranh chấp biển đảo trong khu vực.

Ngày 10/3, Hãng Kyodo đưa tin, Trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Christine Wormuth cho biết, hiện có một khả năng mang tính giả thuyết rằng Nhật Bản có thể sở hữu hạt nhân trong trường hợp quân đội Mỹ phải rút khỏi Đông Á do ngân sách eo hẹp. Theo bà Christine Wormuth, phải giữ ngân sách quốc phòng ở mức cần thiết để duy trì sự răn đe của Mỹ. Trong khi đó có một số nhà phân tích cho rằng, Mỹ đang mượn tay Nhật Bản để chặn bước tiến của Trung Quốc. Theo phân tích của nhà phân tích chính trị John Thomas Didymus (trên trang Allvoices của Mỹ), việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bác bỏ, không thừa nhận ADIZ trên biển Hoa Đông khiến nhiều chuyên gia Trung Quốc tin rằng, Washington đang xúi bẩy một cuộc “xung đột hạn chế” giữa Bắc Kinh và Tokyo như một phần trong nỗ lực làm tê liệt ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Điều này đồng nghĩa với việc, một cuộc chiến tranh Trung - Nhật sẽ phục vụ cho lợi ích của Mỹ, ngăn không cho Bắc Kinh trở thành cường quốc đại dương, thách thức vai trò lãnh đạo thế giới của Washington.

Ngày 10/3, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã phản bác chỉ trích của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh cho rằng, những phát ngôn và hành động gần đây của giới lãnh đạo Nhật Bản đã làm tổn hại quan hệ song phương, đồng thời coi đó là việc làm không thể chấp nhận. Ngoài ra, ông Yoshihide Suga còn tái khẳng định lập trường của Tokyo về chuyến thăm gây tranh cãi của Thủ tướng Shinzo Abe tới đền Yasukuni hồi tháng 12/2013. Thủ tướng Shinzo Abe từng cho rằng, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đòi hỏi phải dựa vào việc xây dựng niềm tin, sự tin tưởng chứ không phải là gây căng thẳng với các nước xung quanh. Theo ông Shinzo Abe, một Trung Quốc liên tục tăng cường sức mạnh quân sự trong suốt 20 năm qua là mối quan ngại nghiêm trọng đối với các nước trong khu vực. Ngoài ra, sự bành trướng quân sự sẽ chẳng đóng góp được gì cho tương lai, cũng như sự tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết, lực lượng vũ trang Singapore (SAF) có kế hoạch mua tàu vận tải đổ bộ đa năng cỡ lớn (LPDM) cùng máy bay trực thăng S-70B Seahawk. Được biết, số lượng tàu vận tải đổ bộ của hải quân Singapore còn thiếu nên năng lực vận tải bị hạn chế nhiều. Trước đó (6/3), ông Ng Eng Hen thông báo, Singapore sẽ mua 6 máy bay vận tải tiếp dầu đa năng (MRTT) A330 của Airbus, để thay thế phi đội máy bay tiếp dầu KC-135R cũ do tập đoàn Boeing của Mỹ chế tạo.

Ngày 11/3, Đại sứ - Trưởng phái đoàn đại diện thường trực mới của Tokyo tại ASEAN Koichi Aiboshi (thay thế người tiền nhiệm Kimihiro Ishikane) đã trình thư ủy nhiệm của Chính phủ Nhật Bản lên Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Đại sứ Koichi Aibosshi nhắc lại khẳng định của Chính phủ Nhật Bản: ASEAN là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tokyo và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN trong tiến trình hội nhập khu vực và xây dựng cộng đồng chung vào năm 2015. Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) vừa đăng nhận định của Trợ lý giáo sư khoa học chính trị Kai He ở Đại học Utah (Mỹ), theo đó muốn duy trì hòa bình trên biển Hoa Đông, Mỹ nên giúp Trung Quốc giữ thể diện, duy trì hiện trạng tại biển Hoa Đông và kêu gọi Nhật Bản ngừng kế hoạch sửa đổi hiến pháp.


Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc