Ebola làm lộ diện những khuyết điểm của WHO

15:43 | 21/12/2014

748 lượt xem
|
Ebola đã phơi bày những yếu kém trong khả năng đối phó với dịch bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhưng căn bệnh này cũng làm lộ ra những vấn đề sâu sắc hơn liên quan đến kinh phí, cơ cấu và nhân viên.

Năng lượng Mới số 384

Được thành lập vào năm 1948 để giúp đỡ mọi người đạt được “mức độ sức khỏe cao nhất có thể”, tất cả mọi công việc trong lĩnh vực y tế từ béo phì cho đến kháng sinh đều thuộc thẩm quyền của WHO. Tuy nhiên, chi phí hoạt động của WHO lớn hơn nhiều so với những khoản đóng góp được tính toán theo mức độ giàu có và dân số của 194 quốc gia thành viên. Số tiền này đã không tăng kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước.

Những khoản thiếu hụt đã được lấp đầy bởi những đóng góp từ các nước phát triển, các quỹ từ thiện, các tổ chức đa phương, các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân, chẳng hạn như các công ty dược phẩm. Trong thập niên 90, các khoản này chiếm khoảng một nửa ngân sách của WHO. Bây giờ chúng chiếm tới gần 80% ngân sách hoạt động của nó. Sự thay đổi khiến khả năng lên kế hoạch trước của WHO trở nên khó khăn, đồng thời khiến tổ chức này dễ bị tổn thương hơn trước do những thăng trầm của nền kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính đã giáng một đòn mạnh vào các khoản đóng góp tự nguyện. Ngân sách 2 năm của WHO cho năm 2010-2011 là gần 5 tỉ USD; cho 2014-15 xuống dưới 4 tỉ USD. (Để so sánh, chỉ riêng Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ đã tiêu 7 tỉ USD trong năm nay).

Trụ sở WHO tại Geneva

Ngân sách eo hẹp khiến WHO phải tập trung chi tiêu vào việc đối phó với các bệnh mãn tính và chương trình chăm sóc y tế ban đầu, do đó ngân sách ứng phó với dịch bệnh giảm xuống còn một nửa. Điều này lẽ ra đã rất hợp lý: Năm này qua năm khác, chính các bệnh mãn tính và chương trình chăm sóc sức khỏe nghèo nàn mới là những sát thủ lớn. Tuy nhiên, những phản ứng kịp thời trước đại dịch Ebola sẽ khiến các chi phí thấp hơn nhiều trong dài hạn, thay vì phải vật lộn đuổi theo căn bệnh.

Việc phụ thuộc vào các khoản đóng góp tự nguyện đồng nghĩa với việc WHO gặp khó khăn trong việc thay đổi ngân sách nhanh chóng trước khủng hoảng - hay đúng ra là làm thế nào để chi tiêu hợp lý ngay từ đầu. Hầu hết các khoản đóng góp được dùng cho các mục đích cụ thể. Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation đã quyên góp tiền để chống lại bệnh sốt rét; Rotary International bankrolls giúp xóa bỏ bệnh bại liệt. Cả hai đều là những nguyên nhân xứng đáng, nhưng vai trò của WHO trong các trường hợp trên là theo sau thay vì dẫn đầu. Theo Steven Hoffman của Đại học Ottawa: “Do khả năng kiểm soát ngân sách rất thấp, các phương pháp giải quyết những thách thức đối với sức khỏe toàn cầu của WHO bị giới hạn”.

Các khoản quyên góp dành riêng cho các căn bệnh cụ thể như vậy trở nên phổ biến trong những năm 90, khi các nhà tài trợ mất niềm tin vào quyết định của WHO. Tuy nhiên, theo Nils Daulaire, một cựu đại diện WHO tại Mỹ, gần đây tổ chức này đã cải thiện phần nào hình ảnh của mình bằng cách thiết lập ngân sách dựa trên các mục tiêu thực tế hơn. Đây là một phần của quá trình cải cách bắt đầu vào năm 2010. Để giành lại chương trình nghị sự của mình, WHO đang tiếp cận các nhà tài trợ tiềm năng với một danh sách các chương trình mà cần tài trợ. “Chúng ta phải có can đảm để nói “không” với các khoản tiền nếu chúng không phù hợp với các ưu tiên của chúng tôi”, Margaret Chan, Giám đốc WHO nói. Nhưng một số người nghi ngờ rằng điều này sẽ khó xảy ra.

Những khiếm khuyết trong thể chế đã cản trở khả năng phản ứng trước Ebola của WHO. Theo Tiến sĩ Poit, châu Phi cần các văn phòng khu vực có thực lực, vì nhu cầu sức khỏe tại đây cao nhất. Tuy nhiên, năng lực của đại diện WHO tại đây lại yếu nhất. Ông cho biết đội ngũ nhân viên tại đây bao gồm “những người không đủ năng lực” và “thường xuyên bị chính trị hóa”. Các báo cáo về căng thẳng giữa các cán bộ địa phương và trụ sở chính xuất hiện khi bà Magaret Chan - Giám đốc WHO - thay thế các đại diện của WHO ở Guinea, Liberia và Sierra Leone, các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus.

Lĩnh vực chuyên môn của WHO đáng lẽ ra phải được dùng để chống lại các đòi hỏi vô lý từ các chính trị gia và các nhà tài trợ bằng cách cung cấp những bằng chứng vững chắc cho các chính sách của mình. Tuy nhiên, mặc dù WHO từng là một một tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu y tế, hiện nay nó đã không còn là một ngoại lệ. Các khuyến nghị của WHO không phải lúc nào cũng phù hợp với bằng chứng có được, ông Hoffman cho biết. Tại những lĩnh vực WHO không thu được tiến triển, những tổ chức khác đã nhảy vào. Ví dụ, Viện Đo lường và Đánh giá y tế tại Đại học Washington được thành lập vào năm 2007 bằng khoản tiền từ Gates Foundation sau khi các số liệu thống kê của WHO không thỏa mãn.

Quan liêu, cắt giảm ngân sách, can thiệp chính trị và lòng khoan dung trước năng lực yếu kém của đội ngũ nhân viên khiến việc thu hút và giữ nhân tài trở nên khó khăn. Có quá nhiều quan chức tầm thường với nền tảng y học tại đây - Sophie Harman tại Đại học Queen Mary ở London cho biết. Khi được hỏi tại sao mình vẫn ở tại WHO, Pierre Formenty, một trong số ít các chuyên gia về Ebola của tổ chức này, không thể đưa ra câu trả lời. Trong năm 2012, chỉ 0,1% nhân viên không được trợ cấp là các nhà kinh tế, 1,4% là luật sư và 1,6% là các nhà khoa học xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc WHO không được trang bị đầy đủ để đưa ra được các lập luận thuyết phục nhằm bảo vệ các chính sách của mình.

WHO đang nỗ lực cải cách và để cho Gates Foundation, Ngân hàng Thế giới và những tổ chức khác chi phối chính sách của mình, nhiều người cho rằng đã đến lúc cần tới một quyết định táo bạo hơn. Một số người tin rằng, WHO nên được chia ra làm hai, với các cơ quan chính trị và chuyên môn riêng biệt. Những người khác muốn nhiệm vụ quá rộng của tổ chức này được rút gọn lại. Một vài người muốn bãi bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, đa số vẫn nghĩ rằng, WHO đóng một vai trò như một người bảo hộ đầy trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng, một diễn đàn cho các nghiên cứu và đàm phán và một đạo diễn của các chương trình can thiệp y tế. Họ chỉ muốn WHO thực hiện các nhiệm vụ trên tốt hơn mà thôi.

Phúc Lê

(Theo The Economist 13/12/2014)