Giải cứu con tin nghẹt thở ở Úc: Kẻ bắt cóc bị tiêu diệt

11:30 | 16/12/2014

1,011 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ba người chết kể cả kẻ bắt giữ con tin, trong vụ cảnh sát tìm cách giải cứu gần 30 người bị một tay súng gốc dân Iran cầm giữ suốt 20 giờ trong một quán cà phê ở Sydney.

>> Kẻ bắt cóc đòi gặp Thủ tướng Úc

Giải cứu con tin nghẹt thở ở Úc, kẻ bắt cóc bị tiêu diệt

Một con tin bị trúng đạn được đưa từ Lint Chocolat ra ngoài bằng xe cáng

Cuộc khủng hoảng con tin ở Úc đã kết thúc lúc 2h sáng (giờ địa phương) ngày 16/12 sau khi cảnh sát quyết định tấn công quán cà phê Lindt Chocolat ở trung tâm thành phố Sydney. Cảnh sát trưởng Andrew Scipione của tiểu bang New South Wales nói rằng trước đó có những tiếng súng nổ bên trong nhà và người ta lo ngại rằng nếu không hành động sẽ có thêm nhiều người bị giết.

Phóng viên Chris Reason của kênh truyền hình Channel 7 nói rằng việc có “con tin bị hạ” đã thúc đẩy lực lượng cảnh sát tiến hành vụ đột kích mà không cảnh báo trước.

Ông Scipione chưa xác định được là hai con tin chết - một người đàn ông 34 tuổi và một phụ nữ 38 tuổi – do kẻ bắt con tin bắn hay do đạn lạc trong vụ chạm súng. Bốn người khác bị thương trong số đó có một cảnh sát bị đạn bắn trúng mặt.

Một robot dò phá bom mìn đã được điều vào bên trong quán cà phê sau khi cảnh sát thông báo vụ bắt giữ con tin kết thúc song không tìm thấy bất kỳ chất nổ nào. Trước đó, kẻ bắt cóc nói hắn đã cài 4 quả bom, 2 trong quán cà phê, 2 trong thành phố Sydney.

Scipione nói thêm, vụ bắt giữ con tin là hành động cá nhân. Một cựu luật sư của thủ phạm nhận định rằng vụ bắt giữ con tin này không phải là hành động của một nhóm khủng bố có tổ chức.

Giải cứu con tin nghẹt thở ở Úc, kẻ bắt cóc bị tiêu diệt

Chân dung kẻ bắt cóc

Cảnh sát Úc hiện vẫn từ chối xác nhận danh tính của kẻ bắt cóc con tin song cũng không phủ nhận thông tin trên báo chí rằng đây chính là Man Haron Monis, một người tỵ nạn Iran, 50 tuổi. Monis từng bị cáo buộc là tòng phạm trong một vụ giết người xảy ra hồi năm ngoái, hiện được bảo lãnh tại ngoại, đồng thời đối mặt với hàng chục cáo buộc tấn công tình dục.

Hồi năm 2012, y đã bị tuyên có tội khi gửi các bức thư có tính thù địch tới các gia đình binh sĩ Úc thiệt mạng khi tác chiến tại Afghanistan. Monis thường tự nhận là một thủ lĩnh Hồi giáo thực hiện vai trò của "người hàn gắn tinh thần" và trên website của mình, y thường đăng tải các hình ảnh trẻ em thiệt mạng trong chiến tranh và cáo buộc các cuộc không kích của Mỹ và Úc gây ra thảm cảnh này.

Vụ cầm giữ con tin bắt đầu lúc 9h45 sáng (giờ địa phương) ngày 15/12, thời điểm Martin Place, một quảng trường tài chính và thương mại ở trung tâm Sydney đang đông người vì vào mùa mua sắm. Những người bị uy hiếp bắt giữ ở quán Lindt đều là khách ghé vào uống cà phê buồi sáng.

Trong ngày người ta nhiều lần nhìn thấy các con tin hai tay đưa cao đứng dựa cửa kính nhìn ra ngoài. Hai trong số họ giăng một biểu ngữ màu đen  viết hàng chữ Arập.

Các tổ chức Hồi giáo ở Úc lên án việc bắt giữ con tin nhưng cho rằng chữ Arập bị sử dụng sai bởi những kẻ xấu và làm cho người khác hiểu lầm ý nghĩa.

Cảnh sát Úc đã mở cuộc điều tra về động cơ của vụ bắt cóc cũng như những con tin bị chết trong quá trình giải cứu.

Nh.Thạch

tổng hợp