Góc khuất trong quan hệ với Cuba của ông Obama

19:00 | 22/12/2014

2,438 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu như cả thế giới ca ngợi quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba của Tổng thống Mỹ Barack Obama thì ít ai biết được rằng thực chất đây là một tính toán chính trị nhằm phục vụ cho lợi ích đấu đá trong nội bộ chính quyền Mỹ.

Năng lượng Mới số 385

Mới chỉ tháng trước, ông Obama đã bị báo chí gọi là “tổng thống vịt què” sau thất bại thảm hại tại cuộc bầu Hạ viện thì nay với hàng loạt quyết định, trong đó có việc nối lại bang giao với Cuba, vị thế của vị tổng thống coi như nhiệm kỳ đã tận này lại đang nổi lên như người quyết định mọi chính sách của nước Mỹ chứ không phải lưỡng viện Quốc hội.

Nhìn vào nước Mỹ, quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba sau 53 năm thù địch được cho là đáp ứng mong muốn của cử tri. Theo các cuộc thăm dò gần đây, có tới 60% người Mỹ gốc Cuba được hỏi ý kiến ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba, trong đó riêng giới trẻ có tới 90% ủng hộ. Có tới 71% cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ chống Cuba trong hơn nửa thế kỷ qua không mang lại hiệu quả hoặc chỉ mang lại chút ít hiệu quả.

Tỷ lệ ủng hộ bình thường hóa quan hệ và bãi bỏ cấm vận chống Cuba ở thời điểm hiện nay trong cộng đồng người Cuba ở Mỹ là sự thay đổi hẳn so với năm 1981 khi có tới 87% người Mỹ gốc Cuba ủng hộ các biện pháp bao vây phong tỏa. Các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có các ngân hàng, ủng hộ quyết định này vì nó cho phép họ điều kiện để thiết lập các mối quan hệ làm ăn và thương mại với Cuba.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tại lễ tang Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela ngày 10/12/2013

Như vậy, quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba của ông Obama là đáp ứng nguyện vọng của phần lớn người dân Mỹ. Nhưng chính sách đối ngoại của Mỹ lại không được quyết định tại Nhà Trắng, ít ra là không chỉ được quyết định từ Nhà Trắng, mà là một sự cân bằng quyền lực giữa Quốc hội và Nhà Trắng. Và trong vấn đề quan hệ với Cuba, chính Quốc hội Mỹ là định chế có khả năng dỡ bỏ hay duy trì cấm vận. Mà Quốc hội Mỹ hiện lại không do đảng của Tổng thống Obama kiểm soát. Thành thử ra, quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba là một mưu tính chính trị rõ ràng của Barack Obama.

Mới hồi tháng 11/2014, sau cuộc bầu cử giữa kỳ, truyền thông Mỹ đã mệnh danh ông Barack Obama là “tổng thống vịt què”, một người coi như nhiệm kỳ đã tận. Thế nhưng, các thông báo về di trú được đưa ra, 5 triệu người nhập cư bất hợp pháp sẽ được hợp thức hóa. Và rồi đến thông cáo rất mạnh này về Cuba. Bằng quyết định này, Obama đã đá bóng sang chân Quốc hội. Nếu ngăn chặn việc xích lại gần nhau - vào lúc công luận lại đã ủng hộ việc bình thường hóa - Quốc hội sẽ mang tiếng là định chế cản trở việc chung sống hòa bình và không cho tiến trình này sản sinh ra những hành động cụ thể.

Đây là động thái đầy tính toán của ông Obama, nhất là khi ở Quốc hội, có một số nghị sĩ Cộng hòa đang là, hoặc sắp là ứng cử viên tranh chức tổng thống sắp tới như Marco Rubio. Nhân vật này là người gốc Cuba và có liên hệ mật thiết với các nhóm vận đống chống chế độ La Habana. Do đó, ông Rubio đã phải lên tiếng tố cáo quyết định xích lại gần Cuba của Tổng thống Obama. Nếu làm mất lòng một phần của cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha, thì có lẽ triển vọng trở thành Tổng thống của Marco Rubio sẽ tan biến.

Rubio là Thượng nghị sĩ bang Florida. Đây là một tiểu bang quan trọng, thậm chí là thiết yếu trong mọi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Barack Obama đã không chỉ chiến thắng trong năm 2008 và 2012 nhờ vào Florida, còn nhờ vào việc bang này đã theo đảng Dân chủ trong hai cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Vì thiếu bang Florida mà Al Gore đã thất bại, trong lúc George W. Bush lại thắng, nhờ vào một vài lá phiếu gây tranh cãi. Florida là một tiểu bang gọi là chưa dứt khoát theo hẳn một đảng.

Và ở bang Florida, lần đầu tiên trong lịch sử của họ, cộng đồng gốc Cuba đã bầu cho đảng Dân chủ, đặc biệt là nhờ một sự vận động mạnh mẽ của giới trẻ gốc Cuba dưới 30 tuổi. Và những người này đều ủng hộ việc cải thiện quan hệ với Cuba.

Vì vậy, quyết định bình thường hóa bang giao với Cuba là một sự kiện chính trị đối nội của Mỹ.

Nhưng dù gì thì quyết định của ông Obama cũng tốt cho Cuba. Ngày 18/12, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, cuộc đàm phán chính thức hướng tới bình thường hóa quan hệ hoàn toàn giữa Cuba và Mỹ sẽ được khởi động tại thủ đô La Habana vào tháng 1/2015. Phát biểu hôm 18/12, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Tây Bán cầu bà Roberta Jacobson cho biết, hai nước đang thảo luận về khả năng nâng cấp tại cuộc đối thoại tới mà hai bên đã lên kế hoạch để bàn bạc về vấn đề nhập cư.

Theo bà Jacobson, với việc nâng cấp đàm phán, Mỹ và Cuba sẽ tận dụng cơ hội thảo luận về vấn đề nhập cư để bắt đầu đề cập tới các vấn đề khác. Ngoài ra, bà Jacobson cũng nói, hiện giới chức Mỹ đã bắt đầu xem xét việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố, một yếu tố quan trọng để Mỹ có thể chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với quốc đảo này.

Tổng thống Obama cũng đã yêu cầu Bộ Ngoại giao xúc tiến việc xem xét trên và phải đưa ra quyết định cuối cùng trong vòng 6 tháng tới. Cùng ngày, Nhà Trắng ra thông báo để ngỏ khả năng Chủ tịch Raul Castro sẽ có chuyến thăm Washington trong thời gian tới.

Quốc hội Cuba ngày 19-12 đã nhất trí thông qua thỏa thuận mà La Habana đạt được với Washington về việc bình thường hóa quan hệ song phương sau một nửa thế kỷ thù địch. Phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Raul khẳng định, ông để mở cánh cửa cho việc thảo luận một loạt vấn đề với Washington, song nhấn mạnh rằng Cuba sẽ không từ bỏ các nguyên tắc chủ nghĩa xã hội của mình.

S.Phương (tổng hợp)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc