Gợi lại "nỗi sợ hãi Tunguska" cho nhân loại...

12:01 | 19/02/2013

2,605 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhật báo Mỹ USA Today cho hay, khối thiên thạch phát nổ ở Nga xấp xỉ khoảng 10 000 tấn, phát nổ với lực tương đương là 20 quả bom nguyên tử Mỹ. Trong khi cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thì đưa đến kết luận, thiên thạch vừa phát nổ trên bầu trời Nga hôm 15/2 là thiên thạch lớn nhất trong 100 năm qua. Thế nhưng, điều đáng nói là vụ nổ thiên thạch này khiến người ta nhớ đến sự kiện Tunguska cũng trên địa phận nước này năm 1908.

Sự kiện Tunguska

Vị trí gần đúng diễn ra sự kiện Tunguska, tại Siberi

Khoảng 7 giờ 15 phút sáng ngày 30/6/1908, những người Tungus bản địa và người định cư Nga trên những quả đồi phía tây bắc Hồ Baikal (toạ độ 60°55′B, 101°57′Đ, gần sông Podkamennaya Tunguska ở vùng Evenk Autonomous Okrug, Siberi thuộc Nga) quan sát thấy một cột ánh sáng xanh, hầu như sáng bằng mặt trời, di chuyển ngang bầu trời. Khoảng 10 phút sau có một vụ nổ và một âm thanh “va chạm” lớn tương tự tiếng pháo nổ ngắn và ngày càng mở rộng ra xa.

Những nhân chứng tận mắt chứng kiến vụ nổ nói rằng nguồn âm thanh di chuyển mỗi khi gặp chướng ngại, từ đông sang bắc. Tiếp sau âm thanh là một đợt sóng chấn động hất ngã mọi người và đập vỡ cửa sổ ở khoảng cách hàng trăm dặm. Đa số người chứng kiến đều chỉ thông báo về âm thanh và các cơn chấn động, không quan sát thấy vụ nổ; đối với những nhân chứng khác nhau quá trình vụ nổ và khoảng thời gian diễn ra của sự kiện cũng khác nhau.

Vụ nổ đã được các trạm địa chấn khắp vùng Âu Á ghi nhận, và đã gây ra các dao động bất thường trong áp suất khí quyển ở mức đủ mạnh để có thể được phát hiện bằng các máy ghi khí áp mới được phát minh khi đó tại Anh Quốc. Trong vài ngày sau, bầu trời đêm trở nên đỏ rực tới mức mọi người có thể đọc sách bằng ánh sáng đó.

Khá ngạc nhiên, ở thời điểm ấy giới khoa học ít chú ý tới vụ va chạm này, có thể vì vị trí địa lý cách biệt của vùng Tunguska. Những bản ghi chép từ các cuộc khảo sát hiện trường sớm cũng đã mất sau những năm hỗn loạn sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917, và cuộc Nội chiến Nga.

Ghi chép sớm nhất còn lại từ các đoàn thám hiểm diễn ra hơn một thập kỷ sau vụ nổ. Năm 1921, nhà khoáng vật học người Nga Leonid Kulik, đã tới khu lưu vực Sông Podkamennaya Tunguska trong một phần chuyến khảo sát cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, sau khi nghiên cứu những lời kể của người dân địa phương về sự kiện cho rằng vụ nổ do một vụ va chạm thiên thạch lớn gây nên.

Ông đã thuyết phục chính phủ Xô Viết cấp chi phí cho một đoàn khảo sát tới vùng Tunguska, dựa trên lý luận cho rằng sắt thiên thạch có thể được dùng cung cấp cho ngành công nghiệp Liên xô. Và giá trị số sắt thu được sẽ lớn hơn nhiều chi phí cho cuộc khảo sát.

Khoảng 80 triệu cây đổ sau vụ nổ Tunguska (Ảnh tư liệu)

Đầu thế kỷ XX, tầm hiểu biết của con người về cách tác động của các thiên thạch trong khí quyển trái đất còn khá khiêm tốn. Vì sự hạn chế đó, cũng như số lượng dữ liệu khoa học ít ỏi về sự kiện Tunguska do chính sách giữ bí mật của người Xô viết trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, rất nhiều giả thuyết giải thích sự kiện Tunguska đã được đưa ra, và cũng có độ tin cậy rất khác nhau. Những giả thuyết đưa ra không có căn cứ đều đã bị các nhà khoa học hiện đại và những người theo chủ nghĩa hoài nghi bác bỏ.

Cho đến vụ nổ thiên thạch lớn nhất trong vòng 100 năm qua

Vụ thiên thạch nổ rơi xuống Nga khiến nhiều tòa nhà bị hỏng. Kính vỡ cũng làm nhiều người bị thương (Ảnh: Xinhua)

Sáng ngày 15/2/2013, người dân ở vùng Chelyabinsk của Nga đã vô cùng hoảng loạn khi một quả cầu lửa khổng lồ lao ngang qua bầu trời. Đây là một vụ nổ thiên thạch xảy ra ngay khi một tiểu hành tinh có ký hiệu 2012 DA14, đường kính khoảng 46km, đi qua Trái đất ở khoảng cách 27.520km, khoảng cách gần nhất của một tiểu hành tinh với kích thước như thế, kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu theo dõi những tiểu hành tinh từ 15 năm trước. Có tới 1200 người bị thương do các mảnh kính vỡ trong quá trình thiên thạch rơi và va chạm với trái đất.

Thống đốc vùng Chelyabinsk thì cho hay, cơn mưa thiên thạch đã gây ra thiệt hại vật chất trị giá 30 triệu USD. Năng lượng mà thiên thạch giải phóng ra trong vụ nổ này  khoảng 300 kiloton, tương đương với sức công phá của 20-25 quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Jim Green, giám đốc phụ trách khoa học về các hành tinh của NASA, nói hai sự kiện nối tiếp nhau này là rất hiếm có. “Đây thật sự là sự kiện hiếm có mang tính lịch sử - ông nói trên NASA TV -Những quả cầu lửa này xuất hiện hằng ngày, nhưng chúng ta không thấy được chúng vì chúng rơi ở đại dương hay những vùng xa xôi”.

Cũng theo Cơ  quan hàng  không vũ  trụ  Mỹ (NASA), đây là khối thiên thạch lớn nhất rơi xuống Trái đất từ năm 1908, khi một khối thiên thạch rơi xuống Tunguska, Siberia và san phẳng 80 triệu cây trong một vùng rộng hàng nghìn km2.

Hai sự kiện tương tự cùng xảy ra trên địa phận nước Nga đã đặt ra những câu hỏi cho chúng ta về việc chuẩn bị đối phó với các vụ va chạm nguy hiểm giữa Trái đất với các tiểu hành tinh. Về vấn đề này, các chuyên gia đã thảo luận rất nhiều: “Chúng ta phải thảo luận những vấn đề này một cách logic và duy lý”, nhà vật lý học ở Đại học bang California Santa Barbara, Philip M.Lubin nói.

“Chúng ta phải ngăn ngừa hơn là đối phó với các đe dọa. Lẩn trốn sẽ không phải là một lựa chọn - Lubin nói - Chúng ta có thể làm được điều gì đó. Vì vậy hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ rồi sau đó là lớn hơn”.

 

Hương Mai (Tổng hợp theo wiki/xinhua)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc