Ai phải chịu trách nhiệm về sự hoành hành của Nhà nước Hồi giáo?

07:00 | 06/09/2014

5,034 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Mỹ, phương Tây, cùng các đồng minh ở Trung Đông nên tự trách mình đã “nuôi ong tay áo”, thay vì đổ lỗi cho bất kỳ bên nào về sự ra đời, phát triển và hoành hành, tác oai tác quái của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Lịch sử đã có nhiều câu chuyện cho thấy Mỹ nhúng tay vào nơi nào, mang bánh vẽ dân chủ vào nước nào là ở nước ấy đang yên bỗng loạn. Iraq, Syria là những ví dụ thực tế sinh động nhất.

 Mối họa Nhà nước Hồi giáo hiện nay là kết quả của sự can thiệp phi nghĩa của chính quyền Tổng thống Bush (con) và Obama vào Iraq và Syria

Năm 2003, vin vào một cái cớ rất vớ vẩn là chính quyền Tổng thống Saddam Hussein sở hữu vũ khí hạt nhân và có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda, cùng với sự ủng hộ nhiệt liệt của Anh, Mỹ đem quân sang xâm lược Iraq. Kết cục, dù Mỹ đã bới tung cả đất nước vốn đang thanh bình là thế cũng chẳng tìm lấy nổi một thứ gọi là vũ khí giết người hàng loạt, cũng như chẳng thể phát hiện bất kỳ manh mối liên hệ nào giữa chế độ Saddam Hussein và al-Qaeda hay cuộc khủng bố 11/9/2001. Để lấp liếm đi bao tội ác đã gây ra ở đất nước này, Mỹ rêu rao là họ đã giúp người dân Iraq lật đổ một chính quyền độc tài, thiết lập một chế độ dân chủ, tái thiết và xây dựng một đất nước Iraq hòa bình, phồn vinh. 

Nhưng hòa bình, dân chủ chẳng thấy đâu, chỉ thấy Iraq từ ngày ông Hussein bị lật đổ trở nên mất ổn định, tranh chấp, xung đột bè phái liên miên. Iraq bỗng trở thành nơi trú ẩn an toàn và đất tuyển dụng cho các chi nhánh của al-Qaeda. Chi nhánh al-Qaeda tại Iraq (AQI)– chính là tiền thân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện nay, được thành lập vào tháng 4/2004. AQI đã tiến hành các cuộc tấn công tàn bạo nhằm vào thường dân và nhà thờ Hồi giáo dòng Shia với mưu đồ khơi lên một cuộc xung đột giáo phái rộng lớn hơn ở quy mô toàn khu vực.

Ngay lúc này, Iran đã xuất hiện với một vai trò rất tích cực: hỗ trợ cho lực lượng dân quân người Shia – những người cùng giáo hệ và chiến đấu với AQI, đồng thời gây dựng mối quan hệ với chính phủ của Thủ tướng Iraq Malik, nhằm nắm bắt cơ hội biến Iraq từ một đối trọng chiến lược thành một đồng minh chiến lược.

Trong khi đó, khi giúp thành lập chính phủ Iraq, Mỹ luôn hỗ trợ Thủ tướng Maliki, thậm chí còn hỗ trợ ông này thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động dân sự. Thực tế thì Mỹ có nhiều công cụ hơn Iran trong việc củng cố thế lực cho Maliki. Tuy nhiên, Maliki lại bị người Hồi giáo dòng Sunni căm ghét vì chính sách đàn áp các đối thủ, phân biệt đối xử trong chính phủ cũng như trong lực lượng vũ trang.

Câu chuyện Syria thậm chí còn bi kịch hơn. Tại sao một phong trào phản đối dân sự bình thường ở Syria năm 2011 đã nhanh chóng biến thành một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad kéo dài 3 năm nay? Điều đó phải hỏi các đồng minh của Mỹ ở khu vực.

Trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến Syria, Ả Rập Xê út, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập và nhìn thấy đây là cơ hội để gây bất ổn cho chính phủ Syria – một đồng minh chủ chốt của Iran và Hezbollah – kẻ thù địa chính trị của họ. Khi cuộc nội chiến trở nên sâu rộng, các nhóm cực đoan gia nhập cuộc chiến chống lại những gì mà họ cho là chế độ thế tục. Các nhóm này nhanh chóng trở thành đối tượng thụ hưởng một lượng lớn vũ khí và tài trợ từ các đồng minh khu vực của Mỹ.

Ả Rập Xê út, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã cố ý tài trợ cho nhóm cực đoan Jabhat al-Nusra – được coi như một chi nhánh chính thức của al-Qaeda ở Syria. Jabhat al-Nusra nhanh chóng trở thành một trong những nhóm phiến quân chiến đấu có hiệu quả nhất chống lại chính phủ Syria. Khi tổ chức “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria” (ISIS) đánh nhau với Jabhat al-Nusra vì những vấn đề giáo lý, nhiều thành viên Jabhat al-Nusra cũng chạy sang hàng ngũ của ISIS. Nhiều nhà phân tích cho rằng, đã có một sự chảy máu đáng kể nguồn tài trợ và vũ khí giữa các nhóm nổi dậy ở Syria được Ả Rập Xê út, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ, trong đó, ISIS là kẻ đắc lợi nhiều nhất.

Mỹ và các đồng minh khu vực đã "can dự tai hại", châm ngòi nội chiến ở Syria

Sự can dự của Mỹ trong cuộc xung đột Syria cũng là điều đáng nói. Ngay từ khi cuộc nội chiến bắt đầu, chính quyền Obama đã nói thẳng ra rằng cần phải xóa sổ chế độ Bashar al-Assad – đồng minh của Iran. Mỹ đã cung cấp viện trợ phi sát thương cho quân nổi dậy Syria và ngấm ngầm trang bị vũ khí cho họ. Thậm chí, Mỹ còn thành lập và vận hành một trại huấn luyện cho phiến quân ở miền bắc Jordan.

Khi chính quyền Obama yêu cầu Quốc hội Mỹ phê chuẩn khoản chi 500 triệu USD để đào tạo và trang bị cho các nhóm “nổi dậy ôn hòa” ở Syria, Lầu Năm Góc đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các “chiến binh ôn hòa” để đào tạo và trang bị vũ khí. Nói cách khác, cái mà Mỹ gọi là lực lượng “nổi dậy ôn hòa” ấy không tồn tại trên thực tế ở Syria. Với chiến thắng của ISIS tại Iraq, chiến lược “thúc đẩy ngọn lửa chiến tranh ở Syria mà không cho phép bên nào giành chiến thắng” của Mỹ cuối cùng cũng đã bộc lộ những mâu thuẫn vốn có của nó.

Mỹ và các đồng minh đã châm ngòi tình trạng bất ổn ở Iraq và Syria, cũng như tạo nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ cực đoan mà trước đó không tồn tại. Đồng minh của Mỹ đã cung cấp các hỗ trợ vật chất cho phép ISIS (sau này đổi tên thành “Nhà nước Hồi giáo” (IS) và các nhóm cực đoan khác trở thành mối đe dọa với toàn bộ khu vực.

Việc Iran và Hezbollah chiến đấu chống lại các nhóm cực đoan này không có gì bất hợp lý, khi ISIS giết người tàn bạo và tìm cách nô dịch người Shia thiểu số và tôn giáo khác ở Syria. Iran là lực lượng nước ngoài quan trọng nhất chống ISIS kể từ những ngày đầu của cuộc nội chiến Syria. Quân đội Syria liên tục bị khốn đốn bởi vấn đề thiếu nhân lực và vũ khí. Chính phủ Syria khó có thể trụ vững mà không cần đến sự hỗ trợ của lực lượng Qods của Iran và các đồng minh của Iran trong Hezbollah về người và vũ khí. Iran chính là đối tác khu vực khả thi nhất cho một liên minh thực dụng tạm thời để đối phó với ISIS.

Chính “các cuộc can thiệp tai hại” của Mỹ, phương Tây và các đồng minh ở khu vực như Ả Rập Xê út, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến các nhóm cực đoan như ISIS và Jabhat al-Nusra có cơ trỗi dậy. Khi tìm kiếm những kẻ chịu trách nhiệm về sự phát triển bùng phát của Nhà nước Hồi giáo, Mỹ, phương Tây và các đồng minh của họ chỉ cần nhìn vào gương là thấy rõ.

Linh Phương (theo The Diplomat)