Al-Baghdadi - Kẻ độc và hiểm hơn cả Bin Laden?

08:17 | 23/06/2014

5,569 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Al-Baghdadi, kẻ cầm đầu Tổ chức thánh chiến Hồi giáo mang tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và Trung Đông, là người như thế nào mà được báo chí coi còn độc ác và nguy hiểm hơn cả trùm khủng bố Osama Bin Laden?

Kẻ độc và hiểm hơn cả Bin Laden?

Al-Baghdadi (ảnh nhỏ), cầm đầu Tổ chức thánh chiến Hồi giáo mang tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và Trung Đông. Trên thế giới chỉ có duy nhất hai bức hình về y

Trong vòng một tuần lễ, cuộc tấn công của phiến quân theo dòng Sunni tại Iraq dưới danh xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq và Trung Đông (ISIL) đã làm cho quốc gia Iraq chia thành ba khu vực.

Nhà nước Hồi giáo Iraq và Trung Đông là tên mới của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq do Abu Bakr Al-Baghdadi lãnh đạo, đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tại Syria trước khi quay súng bắn sau lưng các lực lượng kháng chiến ôn hòa và Al Nostra của Al-Qaeda để tạo sức mạnh riêng.

Thoạt đầu, chiến binh của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Trung Đông được phe đối lập Syria ủng hộ nhiệt tình. Nhưng sau đó, hành vi bắt cóc thủ tiêu người không cùng phe đã làm tan rã liên minh chống Tổng thống Bachar al Assad. Ngay Al-Qaeda tại Syria cũng là nạn nhân của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Trung Đông.

Trong khu vực Tây Bắc Iraq, lãnh địa của hệ phái Hồi giáo Sunni, quân đội Iraq tan chảy như nước đá gặp nắng. Lực lượng thánh chiến Sunni tiến như chẻ tre, chiếm kho vũ khí đạn dược, chiến xa, trực thăng vũ trang. Sau khi chiếm thành phố lớn thứ hai của Iraq, chiến binh Sunni kéo quân tiến về thủ đô Bagdad cách đó 100 km về phía nam. Qua đoạn băng thu sẵn, Abu Bakr Al-Baghdadi lãnh đạo của Nhà nước Iraq và Trung Đông thúc giục tiến chiếm thủ đô.

Theo các chuyên gia, tổ chức thánh chiến cuồng tín này được sản sinh từ Al-Qaeda và chiến dịch quân sự Anh-Mỹ năm 2003, lật đổ nhà độc tài Iraq Saddam Husein. Tuy nhiên, người cha tinh thần của tổ chức không phải là Bin Laden mà là Abu Mussab Al- Zarkaoui, một kẻ tội phạm người Jordanie. Sau một thời gian trốn sang Afghanistan, đến 2002 nhân vật này về ẩn náu tại miền bắc Iraq.

Khi liên quân Anh-Mỹ tiến vào Iraq, quân đội Saddam Hussein thua trận nhưng đây là cơ hội để Abu Mussab Al- Zarkaoui ra tay. Tuy chỉ là cán bộ thừa hành của Al-Qaeda, nhưng Abu Mussab Al- Zarkaoui đã nhanh chóng cầm đầu chiến tranh chống “quân ngoại xâm”. Hàng loạt vụ khủng bố tự sát bằng xe bom nhắm vào quân nhân Mỹ, nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc, phóng viên quốc tế, doanh nhân và chủ nhân mới của Iraq, chính trị gia theo hệ phái Shia đa số nhưng bị Saddam Husein trấn áp suốt ba thập niên.

Một hành động của Zarkaoui để “tạo uy tín” và gây chấn động công luận quốc tế là vụ đích thân ông ta chặt đầu doanh nhân Mỹ Nicolas Berg năm 2004. Một đặc điểm khác của Zarkaoui, và khác với Al-Qaeda, là ông ta thảm sát hàng loạt người Hồi giáo Shia với những đợt khủng bố bằng xe bom. Hành động này rất được lòng một bộ phận công luận Ảrập Xêút, vốn xem hệ phái Shia là bọn “khùng điên”.

Tuy nhiên, đầu não của Al-Qaeda, nhất là bác sĩ người Ai Cập Ayman Al-Zawari, bất bình chiến lược cực đoan này vì lo sợ hệ quả chia rẽ hàng ngũ Hồi giáo. Al-Qaeda ra lệnh cho Abu Mussab Al- Zarkaoui phải ngưng khủng bố người Shia Iraq nhưng Zarkaoui bất chấp.

Đến năm 2006, Abu Mussab Al-Zarkaoui bị Không lực Mỹ oanh kích chết tại Dyala, quê hương của Abu Bakr Al-Baghdadi. Những năm kế tiếp, lực lượng thánh chiến do hành động cực đoan cuồng tín lộ ra khi chiếm Fallouja năm 2004 bị dân cư địa phương tẩy chay. Trong khi đó thì quân đội Mỹ và các lực lượng sắc tộc theo hệ phái Sunni thân Mỹ, quân đội Iraq mới thành lập lại, tấn công ráo riết làm cho phe thánh chiến gần như tan hàng chỉ còn vài trăm quân.

Al-Qaeda liền điều một “ủy viên chính trị” bí danh Abu Hamza Al Mujaher đến Iraq phối hợp với một thân hào người Iraq lãnh đạo tổ chức và đặt tên Nhà nước Hồi giáo Iraq. Thế nhưng đến tháng 4/2010, hai lãnh đạo này bị oanh kích chết. Abu Bakr Al-Baghdadi lên cầm cương tổ chức vũ trang, tuy lực lượng suy yếu, nhưng gồm những tay súng quen với chiến trường.

Tiếp theo đó, Mỹ rút quân, chính quyền tổng thống Maliki tóm thâu quyền lực về tay phe Shia, kỳ thị người Sunni, và nạn tham nhũng đã tạo ra mảnh đất mầu mỡ cho tổ chức Nhà nước Iraq phát triển lực lượng. Khi phong trào đòi dân chủ tại Syria biến thành nội chiến thì Nhà nước Iraq đưa chiến binh sang Syria, đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo Iraq và Trung Đông, công khai hóa mục tiêu chiến lược thành lập một quốc gia hồi giáo Sunni bao trùm phần lớn Iraq và Syria.

Nhiều phụ nữ Hồi Giáo đã bị lợi dụng vào các cuộc thánh chiến.

Sức mạnh của Abu Bakr Al-Baghdadi là chỉ chém giết mà không bao giờ nói. Giới tình báo phương Tây chỉ có tấm ảnh bán thân duy nhất của lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo Iraq và Trung Đông. Trong khi Bin Laden quay phim dàn dựng kịch bản tuyên truyền thì Abu Bakr Al-Baghdadi im lặng tạo ra một thứ huyền thoại kích thích giới trẻ bất mãn xã hội.

Do vậy, khi Nhà nước Hồi giáo Iraq và Trung Đông tham chiến tại Syria thì hàng hàng tình nguyện quân từ bốn phương, châu Âu, Úc, vùng Vịnh, Kavkaz đổ về gia nhập phong trào thánh chiến xuyên quốc gia thay vì theo lực lượng kháng chiến Quân đội Syria Tự do do Tây phương yểm trợ hay tổ chức Mặt trận Al Nostra, bàn tay nối dài của Al-Qaeda tại Syria.

Tổ chức khủng bố này có từ 7000 quân tại Syria và 6000 tại Iraq. Trong số này, có chiến binh Hồi giáo người Đức, Anh, Pháp và các nước châu Âu khác.

Trên chiến trường, Abu Bakr Al-Baghdadi chứng tỏ là một nhà chiến lược lợi hại. Quân của y tránh giao tranh với quân đội Syria nhưng thừa cơ hội đánh úp Al Nostra và giành quyền kiểm soát biên giới nhằm tạo ra một hành lang an toàn nối với Iraq.

Bị ám ảnh bởi kinh nghiệm 10 năm trước tại Iraq vừa bị quân Mỹ tấn công vừa bị các đơn vị vũ trang Sunni chống Al-Qaeda, Abu Bakr Al-Baghdadi áp dụng chiến thuật “tiêu thổ”, thanh toán tất cả những người cùng chiến đấu chống Damas nhưng thuộc các tổ chức khác kể cả Al-Qaeda.

Theo báo chí nước ngoài, thân thế của Abu Bakr Al-Baghdadi đầy bí hiểm. 43 tuổi, Al-Baghdadi còn được mệnh danh là “Al-Shabah” tức là bóng ma. Y sinh ra tại tỉnh Diyala, phía Đông Iraq. Người ta chỉ thấy y qua hai tấm ảnh. Một tấm được FBI đăng và treo giá 10 triệu USD, một tấm khác được Bộ Thông tin Iraq đăng. Y lẩn tránh mọi ống kính caméra và có vô số biệt danh. Y được xem là người vô hình, ngay cả những tay thân cận khi gặp cũng chỉ thấy y choàng khăn trên đầu.

Tại Raqqa, thành phố thuộc Syria, nơi y quyết định làm tổng hành dinh cho ISIL, không ai dám gọi tên y. Người dân bị cấm xem bóng đá, hút thuốc, nghe nhạc. Linh mục dòng tên người Ý Paolo Dall’Oglio từng sống nhiều năm tại Syria đã phải trả giá đắt khi muốn gặp được thủ lĩnh khát máu Al-Baghdadi.

Ngày 27/7/2013, Cha Paolo Dall’Oglio đã đến Raqqa và xin gặp Al-Baghdadi. Người đàn ông thánh thiện này vẫn cứ tin vào khả năng đối thoại giữa các tôn giáo. Cha Paolo muốn thương lượng để giải thoát cho các nhà báo bị bắt làm con tin. Không chỉ bị từ chối, mà hai ngày sau, vị linh mục này còn bị cả chục người đến nhà bắt cóc. Họ đưa Cha Paolo đến gặp tay chân thân tín của thủ lĩnh Al-Baghdadi và sau đó, người ta không gặp lại Cha nữa.

Nh.Thạch

tổng hợp