Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Phương Tây hù, Nga có sợ?

08:00 | 05/03/2014

10,681 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc Nga triển khai quân ở Crimea thuộc Ukraina đang khiến phương Tây hăm dọa đủ đường. Liệu chính quyền Tổng thống Putin có lùi bước trước sức ép của phương Tây?

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Tổng thống Nga V.Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G8 tổ chức ở Bắc Ai len, ngày 16-6-2013

Trong thông báo tối 3-3, Mỹ thông báo nhân danh 7 nước công nghiệp phát triển nhất và các định chế châu Âu đình chỉ công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh nhóm G8, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 tới tại Sochi, Nga. Cùng lúc, Thủ tướng Canada Stephen Harper dọa sẽ khai trừ Nga khỏi nhóm G8 nếu Matxcơva không dừng ngay việc chiếm đóng bán đảo Crimea.

Ngày 4-3, Mỹ loan báo đình chỉ mọi quan hệ về quân sự với Matxcơva và dọa sẽ thi hành các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao nhằm cô lập Nga sau khi nước này can thiệp vào Crimea. Tuyên bố với báo chí tại Nhà Trắng hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama dọa rằng nếu Matxcơva cứ tiếp tục hành động như hiện nay, Washington sẽ thi hành các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao để “cô lập” nước Nga.

Nhiều dân biểu Mỹ cũng cho biết là các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga có thể sẽ được ban hành ngay trong tuần này.

Cùng ngày, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu, trong cuộc họp khẩn cấp, đã bày tỏ mối quan ngại của họ về tình hình Ukraina. Họ đã kêu gọi Nga làm giảm tình hình căng thẳng ở Ukraina và dọa sẽ đặt lại vấn đề về quan hệ với Nga, nếu Matxcơva không rút binh lính trở về những vùng trú đóng thường trực ở vùng Crimea.

Trong bản kết luận sau cuộc họp, các ngoại trưởng châu Âu cho biết khối này có thể đình chỉ những thảo luận song phương về vấn đề visa, cũng như về một hiệp định hợp tác mới giữa Liên minh châu Âu với Nga. Các ngoại trưởng cũng dự trù những biện pháp trừng phạt nhắm cụ thể vào các cá nhân và các thực thể của Nga.

Cũng trong ngày hôm qua, một cuộc đấu khẩu chưa từng có từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh đã diễn ra tại LHQ với việc các đại sứ tố cáo nhau là nói láo. Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ bàn về tình hình Ukraina, đại diện Nga Vitali Tchourkine đã giơ cao một bức thư của nguyên Tổng thống Ukraina Yanoukovitch, mà ông cho là Tổng thống chính đáng. Trong bức thư, ông Yanoukovitch cho là Ukraina đang ở bên bờ nội chiến, đất nước bị hỗn loạn, người nói tiếng Nga bị truy bức. Ông Yanoukovitch yêu cầu Tổng thống Putin gửi quân can thiệp để cứu người dân Ukraina.

Bên kia bàn, đại diện Mỹ, bà Samantha Power, cho rằng đó chỉ là những mối đe dọa tưởng tượng của Nga, trong lúc đại diện Pháp Gérard Araud nói đến sự ngụy biện…

Tại nước Nga, nói chuyện với các phóng viên tại Matxcơva hôm 4/3, Tổng thống Vladimir Putin lên án các lãnh đạo mới ở Ukraina đã làm “một cuộc đảo chính vi hiến” và đã “giành chính quyền bằng vũ khí”. Ông Putin khẳng định Tổng thống bị truất phế Viktor Yanukovitch vẫn là tổng thống chính đáng duy nhất ở Ukraina, tuy rằng ông này không còn quyền hành nào. Tổng thống Putin nói rằng việc gửi quân Nga sang Ukraina hiện giờ là “chưa cần thiết”, nhưng Matxcơva có quyền sử dụng “mọi phương tiện” để bảo vệ công dân Nga ở Ukraina. Ông Putin cũng bác bỏ tin cho rằng lực lượng Nga đang bao vây các căn cứ quân sự của Ukraina, khẳng định đó là “lực lượng tự vệ địa phương” ở Crimea.

Nhưng Tổng thống Nga tuyên bố: “Nếu chúng tôi phải quyết định sử dụng lực lượng vũ trang ở Ukraina, thì điều đó là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi đã nhận được yêu cầu như vậy từ phía tổng thống chính đáng”.

Trong một cuộc họp báo tại Tunis hôm 4-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố là những đe doạ trừng phạt của phương Tây sẽ không làm thay đổi lập trường của Nga về Ukraina và những biện pháp trừng phạt này sẽ “phản tác dụng”.

Theo Pascal Boniface, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS), những lời hăm dọa của phương Tây hoàn toàn không có tác dụng gì cả, bởi vì Tổng thống Putin biết rằng về mặt quân sự, các nước phương Tây sẽ không làm gì. Do không muốn có rủi ro là phải đối mặt với những leo thang quân sự, ông Putin cho triển khai lực lượng, bằng cách củng cố các lực lượng quân sự đã có mặt trong khu vực Crimea. Ông Putin muốn xem phản ứng của ông Obama. Việc Tổng thống Mỹ đe dọa không tham dự Thượng đỉnh G8 ít có tác dụng đối với ông Putin.

Cũng theo chuyên gia này, những lời đe dọa như đình chỉ tham gia các cuộc họp trù bị cho Thượng đỉnh G8 dự kiến tổ chức tại Sochi hoặc các Bộ trưởng Thể dục Thể thao không đến dự lễ khai mạc Thế vận hội dành cho người tàn tật, cũng ở thành phố Nga này, là những đòn quá nhẹ ký để gây sức ép với Nga. Do vậy, châu Âu không thể làm gì khác, ngoài việc lại kêu gọi Matxcơva đối thoại, động viên tân chính quyền Ukraina cố gắng đứng vững và tránh lao vào cuộc đọ sức quân sự với Nga, đồng thời, tìm cách chuyển giao vai trò trung gian hòa giải cho Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).

Châu Âu chỉ có thể gây sức ép về kinh tế. Thế nhưng, khối này và Nga có mối quan hệ tùy thuộc quá lớn, đặc biệt trong lĩnh vực khí đốt. Hơn nữa, việc tẩy chay, cấm xuất khẩu có thể vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, thậm chí làm tổn hại lợi ích kinh tế của châu Âu. Điều này càng khẳng định một thực tế: Rủi ro chính trị đi liền với sự phụ thuộc nặng nề vào một nguồn cung ứng về nhiên liệu.

Giới phân tích cho rằng điều Tổng thống Putin muốn lúc này là quyền lợi của Nga trong vùng được tôn trọng. Riêng với Ukraina, điều mà Nga muốn là một hình thức theo đó phương Tây và Nga cùng quản lý hồ sơ Ukraina. Theo Nga, Ukraina là một nước đang phá sản, không còn phương tiện để tự túc. Một số người Nga còn nêu ví dụ Hy Lạp, được Liên minh châu Âu quản lý từ bên ngoài, và Nga cho rằng trên bình diện ngân sách, Ukraina cần được châu Âu và Nga cùng quản lý, vì một mình châu Âu không gánh nổi Ukraina, và một mình Nga cũng không làm được vì cũng không đủ sức. Nga muốn quyền cùng quản lý của họ được châu Âu và Mỹ công nhận.

Chuyên gia Pascal Boniface nhận định, Nga sẽ chỉ chấp nhận hòa hoãn nếu Matxcơva đánh giá là được Mỹ và Liên minh châu Âu lắng nghe. Tuy nhiên, tình hình hiện nay không được như thế, châu Âu và Mỹ trước mắt muốn giảm ảnh hưởng của Nga ở Ukraina. Nga thấy rõ điều này cho nên đã phản ứng không khoan nhượng trước những lời đe dọa của phương Tây. Tương lai của Ukraina, đặc biệt của bán đảo Crimea, quá quan trọng và chiến lược đối với Nga nên nước này không có nhiều lựa chọn ngoài việc phải bảo vệ những lợi ích ở đó bằng mọi giá.

H.Phan