Khủng hoảng chính trị ở Ukraine:

Sự "lá mặt lá trái" của phương Tây

14:30 | 13/03/2014

27,967,300 lượt xem
|
(Petrotimes) - Việc nhiều chính trị gia của những nước như Mỹ, Đức, Pháp… cho rằng cuộc trưng cầu dân ý về sự sáp nhập của Crimea vào Liên bang Nga tổ chức vào ngày 16/3 tới là bất hợp pháp, vi phạm Hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế khiến người ta đặt câu hỏi nghi ngờ về sự nhất quán của phương Tây khi làm ngơ chuyện Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 2008.

>> Cuộc chiến Nga - phương Tây tại Ukraine: “Trạng chết thì Chúa cũng băng hà”?

Bởi, thực tế, tình hình Crimea và Kosovo hầu như không có khác biệt: Cả hai đều là một thể chế tự trị, có căn cứ quân sự của nước khác trên lãnh thổ và phần lớn dân số có chung khao khát độc lập.

Sự khác biệt lớn nhất giữa Crimea và Kosovo nằm ở ý tưởng độc lập và danh tính những người cố tìm kiếm chủ quyền của Kosovo.

Kosovo được ví như một “Jerusalem giữa lòng Balkan” bởi xung đột sắc tộc, tôn giáo và lịch sử giữa người Serbia và Albania - hai dân tộc chính ở Kosovo.

Trong khi đó, do ảnh hưởng lịch sử nên phần lớn cư dân đang sinh sống ở Crimea hiện nay là người Nga, chiếm hơn 58% tổng số dân cư, sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Nga và bán đảo này từng là một bộ phận của Liên bang Xô Viết từ năm 1917.

Đầu năm 1954, nhân kỷ niệm 300 năm hiệp ước Pereiaslav, khẳng định sự gắn bó của Ukraine với Nga, nhà lãnh đạo Xô Viết Nikita Khrushchev đã "tặng" Crimea cho Ukraine. Vào thời điểm đó, việc trao bán đảo xinh đẹp cho Ukraine chỉ mang ý nghĩa biểu tượng vì Ukraine và Nga đều đang khoác chung "chiếc áo" Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên, sau biến động lịch sử vào năm 1991, Liên bang Xô Viết sụp đổ, Nga và Ukraine trở thành 2 thực thể độc lập, việc sáp nhập Crimea vào Ukraine nằm ngoài mong muốn của đa số người dân ở bán đảo này. Ý nguyện của đại đa số người Crimea là muốn về với đất mẹ Nga.

Biếm họa về việc NATO chia tách Kosovo khỏi Serbia

Lật lại lịch sử, trong trường hợp Kosovo, có một sự thật là, đối với phương Tây, dù Liên bang Xô Viết đã tan rã, nhưng nước Nga vẫn tiếp tục tồn tại và ngày một hùng mạnh. Kosovo, lúc đó thuộc Cộng hòa Serbia và Liên bang Nam Tư (cũ) đã trở thành đích nhắm để Mỹ thực hiện kế hoạch mở rộng NATO sang phía Đông, đặt hệ thống phòng thủ tên lửa sát nách Nga.

Lợi dụng mâu thuẫn nội bộ nói trên của Kosovo, Mỹ và phương Tây thậm chí đã “bắt tay” và sử dụng Quân đội giải phóng Kosovo (KLA) - vốn nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của Mỹ. Vụ giết hại 45 “dân thường” Albania ở ngôi làng Račak, Kosovo tháng 1 năm 1999 chính là cái cớ để các bộ máy tuyên truyền của Mỹ và phương Tây lu loa về cái gọi là “tội ác chống lại loài người” của lực lượng chính phủ Nam Tư, sục sôi kêu gào Mỹ phải hành động để đảm bảo một thỏa thuận hòa bình giữa Serbia và người thiểu số Albania, bảo vệ những người dân vô tội.

Hòa bình đâu không thấy, chỉ thấy NATO vin vào cái cớ đó để đưa máy bay không kích Nam Tư, bất chấp sự phản đối của Liên Hiệp Quốc.

Trong 78 ngày đêm tiến hành chiến dịch quân sự lớn nhất trong lịch sử của liên minh, NATO đã thực hiện 35.000 chuyến bay ném bom, huy động gần 1.000 máy bay và trực thăng các loại, ném xuống Nam Tư 79.000 tấn thuốc nổ (trong đó có tổng cộng 37.400 quả bom chùm - loại phương tiện chiến tranh bị các công ước quốc tế ngăn cấm). Tổng số thiệt hại đối với các cơ sở công nghiệp, giao thông vận tải và dân sự của Nam Tư theo các đánh giá dao động từ 60 đến 100 tỷ USD.  Ước tính có gần 2.500 dân thường bị thiệt mạng (trong đó có 89 trẻ em), chưa kể gần 12.500 người bị thương.

Và 10 năm sau chiến dịch xâm lược Nam Tư của NATO, sự cắn rứt lương tâm đã buộc bác sỹ pháp y người Phần Lan Helena Ranta thú nhận trong cuốn tự truyện rằng, cô bị người đứng đầu của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Kosovo là William Walker và Bộ Ngoại giao Phần Lan gây áp lực để viết báo cáo sai sự thật về những gì xảy ra ở Kosovo. Trong khi đó, sự thật là, lực lượng chính phủ Serbia chỉ chống lại những kẻ khủng bố Albania, không nhằm vào dân thường mà cũng hoàn toàn không có bất cứ thường dân nào thiệt mạng trong “vở kịch Račak” đó.

Dẫu sao, sự cũng đã rồi. Ngày 17/2/2008, Kosovo tuyên bố độc lập. Chương cuối trong quá trình tan rã của Liên bang Nam Tư cũ khép lại, nhưng lại là sự mở màn nguy hiểm cho một cuộc vẽ lại bản đồ thế giới của những thế lực lớn với những quốc gia không đủ sức tự vệ và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và đánh dấu một học thuyết chính trị mới của phương Tây với sự thống trị của chiến thuật sử dụng sức mạnh để giải quyết mọi vấn đề.

Điều đáng nói là 108 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã công nhận Kosovo và tất nhiên, kẻ nhanh chân nhất vẫn là Mỹ và các đồng minh phương Tây. Tòa án Công lý Quốc tế cũng đã xác nhận tính hợp pháp cho sự ly khai của Kosovo. Điều này đã được thực hiện bởi trong một số trường hợp quyền tự quyết của các dân tộc chiếm ưu thế trên nguyên tắc bất khả xâm phạm biên giới quốc gia.

Nhắc lại điều này để thấy thật khó hiểu khi phương Tây lập luận rằng nguyện vọng của Crimea muốn tách khỏi Ukraine là trái với luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc cho phép các quốc gia có quyền tự quyết, đến mức ly khai trong tình huống trên lãnh thổ đất nước không có chính phủ thể hiện được ý chí của tất cả các dân tộc trong nước.  

Phải chăng phương Tây luôn duy trì hai cách nhìn nhận cho cùng một sự việc, hay nói cách khác, chính sách điển hình của phương Tây là sự "lá mặt lá trái", hay trở mặt như bàn tay? Mà điều này thì thật khó hiểu với một phương Tây luôn rao giảng về dân chủ và nhân quyền.

Và sự thật nào đã diễn ra ở Maidan hồi cuối tháng 2 vừa qua? Là Tổng thống bị phế truất của Ukraine Yanukovich bị cáo buộc đã cho cảnh sát bắn vào người biểu hay chính các thủ lĩnh Maidan mới là kẻ thuê người giết hại họ để tạo cớ đảo chính? Câu chuyện qua điện thoại bị rò rỉ giữa Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu Catherine Ashton và Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet không thể không khiến người ta phải liên hệ đến “vở kịch Račak” ở Kosovo năm 1999 đã được tái diễn ở Kiev.

Linh Linh (tổng hợp)