10 năm sau cuộc chiến Iraq:

Thành Baghdad được CIA mua với giá bao nhiêu?

13:59 | 25/01/2013

4,359 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 2/2/2002, Giám đốc CIA George J. Tenet gặp Phó tổng thống Dick Cheney - theo yêu cầu Cheney - để trình bày kế hoạch tình báo tại Iraq. Nhiều tháng sau vụ khủng bố 11/9, với Tenet, vấn đề chống khủng bố quan trọng hơn Iraq nhiều lần. Tuy nhiên, một trong những viên chức CIA cấp cao - chỉ huy nhóm chiến dịch Iraq (IOG), mang mật danh Saul - đã không nghĩ như vậy. Thuộc Ban Cận Đông trong CIA, nơi chuyên xử lý những điệp vụ khó khăn tại các nước “nguy hiểm”, IOG được mệnh danh là “ngôi nhà đồ chơi hỏng”, gồm các viên chức CIA nổi tiếng lì lợm hoặc nhân viên lâu năm sắp về vườn. Sau khi được bổ nhiệm chức chỉ huy vào tháng 8/2001, Saul bắt đầu phác thảo xem CIA có thể làm gì tại Iraq...

>> Những bí mật của một cuộc chiến (Bài 1): Những phác thảo đầu tiên

 

Những bí mật của một cuộc chiến (Bài 2):

Thành Baghdad được CIA mua với giá bao nhiêu?

 

Mò vào biên giới Iraq

Sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở Cuba, Saul 43 tuổi từng làm việc cho CIA trong nhiều năm với đủ vỏ bọc nhạy cảm. Bố Saul là một trong những điệp viên nếm mùi thất bại chiến dịch Vịnh Con Heo năm 1961 khi 1.200 tay súng Cuba lưu vong bị CIA bỏ rơi ngoài bãi biển Cuba.

Tường trình với Cheney, Saul cho biết, CIA không thể đảo chính Saddam Hussein. Từng đi lên quyền lực bằng đảo chính, Saddam có quá nhiều kinh nghiệm đối phó. Ngoài ra, người Kurd, Shiite cũng như đám cựu sĩ quan quân đội Iraq đều biết rõ lịch sử “đem con bỏ chợ” của CIA; cho nên, điều cần làm đầu tiên là phải lấy lại lòng tin.

Với chuẩn y của George J. Tenet, Saul cùng Phó giám đốc CIA John E. McLaughlin và James L. Pavitt (Phó giám đốc chịu trách nhiệm các chiến dịch đặc biệt) dựng chi tiết kế hoạch tình báo phối hợp quân đội mà Bush ký vào ngày 16/2/2002. Ngân sách cho chiến dịch là 200 triệu USD, tiến hành trong 2 năm. Không ai trong Quốc hội được thông báo về chiến dịch, trừ hai chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng và Hạ viện (sau nhiều tranh luận, ngân sách bị rút xuống còn 189 triệu USD).

Ngày 4/4/2003, Mỹ chiếm sân bay quốc tế Saddam và chỉ 5 ngày sau, Baghdad sụp đổ

 

Tháng 3/2002, Tenet bí mật gặp hai nhân vật quan trọng: Massoud Barzani và Jalal Talabani (thủ lĩnh hai nhóm lớn thuộc cộng đồng người Kurd, Bắc Iraq). Tenet có một thông điệp quan trọng: Lần này, Mỹ hoàn toàn nghiêm túc rằng tình báo lẫn quân đội Mỹ đang chuẩn bị đến vùng vịnh, một giai đoạn mới bắt đầu...

Tiếp đó, Tenet đưa ra mồi nhử: hàng triệu đôla đang sẵn trong tay. Nếu viên chức Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Ngoại giao trả tiền cho chiến dịch lật đổ một chính phủ, điều này là phạm luật. Tuy nhiên, việc đó lại được xem “hợp pháp” khi CIA đứng ra thực hiện.

Saul biết rằng, sẽ chẳng được tích sự gì nếu CIA lởn vởn ngoài biên giới Iraq. Cần phải thâm nhập vào bên trong. Saul bắt đầu tuyển mộ tình nguyện viên. Một trong những người như vậy là Tim, nguyên lính đặc nhiệm SEAL nói rành tiếng Arập từng làm việc nhiều năm tại Trung Đông.

Tim được phân công dẫn hai toán CIA bán vũ trang vào Bắc Iraq, với chỉ thị: Cần thâm nhập vào quân đội Saddam, vào lực lượng tình báo, vào hàng ngũ vệ binh cộng hòa, rằng mạng lưới người dân tộc phải được mua chuộc làm việc cho Mỹ để trở thành các nhóm bán vũ trang chịu trách nhiệm phá rối và gián điệp, tạo quan hệ tốt với người Kurd, xem thử có thể huấn luyện họ để tấn công quân đội Saddam tại phía bắc được không…

Tháng 7/2002, Tim và nhóm CIA thực hiện chuyến hành trình dài 10 tiếng từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Iraq, trên những chiếc Land Cruiser, Jeep và xe tải. Tiếp đó, họ lập căn cứ tại Sulaymaniyah (vùng núi Bắc Iraq thuộc kiểm soát người Kurd). Tháng 10, họ trở lại, mang theo hàng chục triệu đôla (giấy 100USD). Không lâu sau, trò mua chuộc bắt đầu có dấu hiệu tốt.

Một sĩ quan thuộc tổ chức an ninh đặc biệt (SSO) của Saddam Hussein đã cung cấp một CD-ROM chứa hồ sơ 6.000 nhân viên SSO với đầy đủ thông tin liên quan cá nhân và ảnh. Ngoài ra, Tim còn tuyển mộ nhóm siêu mật DB/ROCKSTARS (DB là mật danh chỉ Iraq). Với 100 điện thoại vệ tinh mang theo, Tim phát cho 87 tay ROCKSTARS tại Umm Qasr và Mosul. Mạng lưới thông tin gián điệp bắt đầu hình thành.

Baghdad được bán với giá 50.000USD

Al-jaburi (tên được đổi) là một trong những kẻ bán đứng Baghdad cho CIA. Ở độ tuổi 40, Al-jaburi phục vụ tổ chức an ninh đặc biệt (SSO) gần một thập niên. Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, ông bị sa thải khỏi SSO sau khi Saddam Hussein buộc tội nhóm thị tộc Al-jaburi dựng âm mưu đảo chính. Năm 1999, Al-jaburi trốn sang Jordan, gia nhập tổ chức chính trị đối lập Hòa hợp quốc dân Iraq (INA), nơi từ lâu có quan hệ với tình báo Mỹ.

Theo Ibrahim Janabi - thành viên INA làm việc trực tiếp với CIA tại Amman (Jordan), Mỹ bắt đầu dựng kịch bản mua chuộc tướng tá quân đội Iraq và sĩ quan an ninh thân cận Saddam Hussein từ tháng 10/2002 (5 tháng trước khi chiến dịch quân sự bắt đầu). Qua giới thiệu của Ibrahim Janabi, Al-jaburi được CIA giao một vai đặc biệt trong kịch bản. Buổi gặp đầu tiên với CIA được thực hiện trong một tiệm cà phê ở Amman vào ngày 18/10/2002.

Với máy kiểm tra nói dối, Al-jaburi bị CIA thẩm vấn liên tục nhiều ngày, trong đó có câu hỏi rằng, liệu ông tự nguyện hợp tác với Mỹ hay bị ép buộc và rằng ông sẽ hành xử như thế nào nếu anh, em mình cầm súng ở hàng ngũ Iraq. “Tôi giết nó!” - Al-jaburi trả lời. Ngày 22/11/2003, Al-jaburi ký hợp đồng làm việc, với mức lương 3.000USD/tháng và được đưa trước 9.000USD. 2 ngày sau, Al-jaburi đáp máy bay từ Jordan đến Washington.

Ngày 5/11/2006, Saddam Hussein bị kết án tử hình bằng treo cổ và vụ xử tử diễn ra ngày 30/12/2006

Tiếp đó, nhóm Al-jaburi (13 thành viên, gồm người Iraq và Lebanon) được đưa từ Washington DC đến nơi hẻo lánh nào đó tại Texas. Trong hai tháng, họ được huấn luyện với 20 hướng dẫn viên, với các bài tập thể lực, cách thu thập thông tin tình báo, lập báo cáo, phương pháp theo dõi và rình mò… Sau đó, nhóm Al-jaburi được đưa đến căn cứ Hải quân Mỹ, học về chất nổ, cách đánh phá xe cơ giới, xe tăng, ống dẫn dầu, cột điện cao thế và đường hỏa xa…

Tháng 2/2003, Al-jaburi được đưa đến Kuwait, ở chung vài nhân viên CIA trong một biệt thự. Al-jaburi được cung cấp 50.000USD, máy định vị toàn cầu (GPS), điện thoại vệ tinh và căn cước Iraq giả cho thấy quá trình phục vụ quân đội Iraq. Ngày 11/3/2003, Al-jaburi đột nhập biên giới Iraq với hỗ trợ của tình báo Kuwait. Khoản tiền mặt 50.000USD mang theo được Al-jaburi dùng mua chuộc sĩ quan Iraq.

Người đầu tiên Al-jaburi móc nối là Ahmed (tên được đổi) - sĩ quan SSO làm việc trong khu dinh thự tổng thống (Saddam Hussein). “Tôi kể mọi thứ, rằng tôi đưa tên anh ta vào danh sách CIA… Tiếp đó, tôi trao 5.000USD”. Ahmed đớp mồi và tiết lộ toàn bộ vị trí trọng yếu của lực lượng Vệ binh cộng hòa chốt bên trong cũng như ngoại ô Baghdad.

Ahmed nói thêm rằng, Vệ binh cộng hòa được lệnh sẽ rút vào nội thành cố thủ, một khi Baghdad bị vây. Ngoài ra, Ahmed cũng chỉ rõ vị trí các ụ súng hạng nặng và dàn tên lửa dựng quanh Baghdad. Để do thám các địa điểm mà Ahmed cung cấp, Al-jaburi tìm gặp người bạn cũ A. Mashadani, Thiếu tá Cơ quan Tình báo Iraq (Mukhabarat), người đã bán đứng chế độ Saddam Hussein từ vài năm trước, khi bí mật gia nhập INA.

Trong 2 năm, A. Mashadani lén tiếp cận nhiều tài liệu siêu mật Mukhabarat và tuồn cho CIA thông qua Al-jaburi, trong đó có thông tin liên quan hệ thống tên lửa Iraq và kế hoạch di binh. Dùng chiếc xe riêng của Mukhabarat, A. Mashadani và Al-jaburi khảo sát địa hình và đánh dấu vào thiết bị GPS cầm tay. Vào giờ hẹn sẵn, Al-jaburi dùng điện thoại vệ tinh liên lạc CIA và báo cáo lại tất cả thông tin mình biết được.

Một trong những sứ mạng quan trọng của Al-jaburi là điều tra phi trường quốc tế Saddam. Al-jaburi có người bạn làm việc tại đây: Mahmoud, Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn III thuộc SSO, chịu trách nhiệm an ninh phi trường. Al-jaburi đề nghị Mahmoud hợp tác với khoản mua chuộc 15.000USD. Chạng vạng ngày 23/3/2003 (3 ngày sau khi chiến sự bắt đầu), viên chỉ huy trưởng an ninh phi trường Mahmoud lái xe chở Al-jaburi (vận quân phục) và A. Mashadani (mang sắc phục Mukhabarat) vào bên trong phi trường.

Trong chiếc xe SSO, 3 người chạy ngang dọc đường băng, đánh dấu, lập bản đồ tất cả boong-ke cũng như tòa nhà, đếm từng binh lính bảo vệ sân bay và số vũ khí. Theo hướng dẫn CIA, 3 người thực hiện công tác trên 3 lần trong 3 đêm để bảo đảm tất cả chi tiết đều ăn khớp và chính xác. Đến lúc đó, nhóm sĩ quan tham mưu chiến dịch quân sự Mỹ mới nắm chi tiết toàn cảnh phi trường, biết từng ngóc ngách, từ chốt phòng thủ nào được xem yếu nhất đến vị trí nào được xem an toàn nhất để trực thăng Mỹ hạ cánh…

Ngày 26/3/2003, Al-jaburi về thăm gia đình gần Tikrit. Hôm sau, khi người anh, em ruột (kỹ sư làm việc tại Nhà máy Lọc dầu Bayji) được triệu tập khẩn cấp vào nhà máy để dọn cất tài liệu trước khi quân đội Mỹ đến, Al-jaburi quyết định đi theo. Tuy nhiên, đó là cái bẫy.

Chiếc xe Al-jaburi bất ngờ bị an ninh Iraq chặn và vây kín. Một thân nhân đã tiết lộ vỏ bọc Al-jaburi. Được đưa đến nhà tù nổi tiếng ghê rợn Abu Ghraib, Al-jaburi biết chắc mình sẽ bị giết. Bị trùm đầu, Al-jaburi bị trói tay treo móc trên trần rồi bị quất bằng dây điện và dùi cui… Cùng lúc, A. Mashadani cũng được cấp trên thông báo chuẩn bị nhận một nhiệm vụ đặc biệt.

Tại trụ sở thuộc Mukhabarat, A. Mashadani bất ngờ đối diện sĩ quan Mukhabarat, với súng lăm lăm chĩa vào mặt mình. Trong 6 tiếng, A. Mashadani bị tra tấn và bị thẩm cung về chương trình hành động với Al-jaburi. Vài ngày sau, Al-jaburi và A. Mashadani tiếp tục bị tra tấn. Một lần, an ninh Iraq đưa mẹ và vợ Al-jaburi vào trại giam nhằm uy hiếp tinh thần. Qua vách buồng giam, Al-jaburi nghe tiếng rên la của vợ và mẹ…

Vài ngày sau, cục diện chiến trường thay đổi và A. Mashadani và Al-jaburi được đưa đến Fallujah và sau đó Ramadi. Ngày 11/4/2003, khi tên lính canh cuối cùng tại trại giam Ramadi bỏ chạy, cư dân địa phương xông vào tù giải thoát A. Mashadani lẫn Al-jaburi. Vẫy cờ trắng, hai người nói với lính Mỹ rằng họ làm việc cho CIA. A. Mashadani lẫn Al-jaburi được đưa đến sân bay Baghdad, nơi nhân viên CIA chờ sẵn…

Ngọc Trí