Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông: Vừa đấm vừa xoa

06:30 | 07/05/2014

3,847 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kết thúc chuyến công du 4 nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines, từ 23 đến 29/4) được một thời gian, nhưng dư luận và giới chuyên môn vẫn bàn luận xung quanh vấn đề này.

Năng lượng Mới số 319

Ngày 2/5, Hãng Reuters dẫn thông báo của Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino: Washington và Manila đang thảo luận chi tiết về Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (AEDC) vừa được Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Mỹ tại Manila Philip Goldberg ký hôm 28/4 (kéo dài 10 năm). Theo đó, Washington sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Philippines và Mỹ sẽ sử dụng từ 3 đến 5 căn cứ quân sự của nước này. Nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu khoa học quân sự hải quân Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, lập trường “nghiêng về một bên” của ông Barack Obama trong chuyến thăm 4 nước châu Á vừa qua đã khiến Bắc Kinh không hài lòng.

Trung Quốc hiền như voi ăn cỏ!

Phát biểu của tướng nghỉ hưu Trung Quốc Từ Quang Dư, 80 tuổi khiến dư luận bật cười vì ông cho rằng (khi được hỏi về sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc): con voi không thể tự biến thành con thỏ, nhưng voi không ăn thịt thỏ; nguy cơ duy nhất có thể xảy ra là voi giẫm lên thỏ; đồng thời cho rằng, Trung Quốc muốn bình đẳng và không muốn bị bắt nạt. Trước đó, nhà nghiên cứu Jean Pierre Cabestan đến từ Đại học Baptist, Hongkong từng tuyên bố: Sư tử là loài động vật lớn ăn thịt, giống như Trung Quốc trong quan hệ với các nước khác. Bởi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã so sánh Trung Quốc đang trỗi dậy với sư tử thức giấc, nhưng hiền lành. Napoléon từng nói: Khi Trung Quốc thức giấc, họ sẽ làm rung chuyển cả thế giới!

Học giả June Teufel Dreyer

Theo nhận định của tờ China Daily số ra ngày 29/4, chuyến thăm châu Á của Tổng thống Barack Obama cho thấy, Washington coi Bắc Kinh là đối thủ, do đó không nên để những “lời hứa ngọt ngào” của ông chủ Nhà Trắng làm mờ mắt. Trong khi đó dư luận cho rằng, chuyến thăm châu Á của ông Barack Obama đã thành công bởi vừa trấn an các đồng minh, vừa khẳng định và củng cố chính sách “xoay trục”, vừa không làm mất lòng Bắc Kinh - không muốn gây sự hoặc kiềm chế Trung Quốc, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng, là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Shinzo Abe vẫn bày tỏ lo ngại về tranh chấp Nhật - Trung trên biển Hoa Đông, đồng thời phản đối mọi ý định của Bắc Kinh dùng vũ lực để khẳng định các yêu sách lãnh thổ.

Ngày 30/4, trang mạng quân sự sina.com cho rằng, 2 tàu đổ bộ đệm khí Zubr nhập khẩu và tàu đổ bộ đệm khí Type 726 do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển đang chạy thử cho thấy, Bắc Kinh muốn tập trung xây dựng lực lượng tàu đệm khí để đánh chiếm đảo. Theo nhận định của tờ tuần san Jane’s Defence (Anh), Hải quân Trung Quốc đang cải tạo loại tàu ngầm thông thường lớp Nguyên Type 041, đồng thời chuẩn bị nghiên cứu chế tạo khu trục hạm hoặc tuần dương hạm hạng nặng thế hệ mới. Chiếc đầu tiên thuộc tàu ngầm lớp Nguyên Type 041 được hoàn thành vào năm 2004, thử nghiệm năm 2005.

Mồm miệng đỡ chân tay

Sáng 4/5, đoàn nghị sĩ cấp cao của Nhật Bản do cựu Ngoại trưởng Masahiko Komura, hiện là Phó chủ tịch đảng Dân chủ Tự do cầm quyền dẫn đầu, đã rời Tokyo, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày để cố gắng sắp xếp một cuộc gặp cấp cao - Thủ tướng  Shinzo Abe muốn hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC dự kiến diễn ra vào mùa thu tại Trung Quốc, nhằm cải thiện quan hệ song phương xấu đi vì tranh chấp chủ quyền biển đảo. Trước đó, nhân chuyến thăm Bắc Kinh kéo dài 3 ngày (từ 24/4), Thị trưởng Tokyo Yoichi Masuzoe khẳng định, chuyến thăm Bắc Kinh  của ông mang “ý nghĩa trọng đại” và có thể sẽ là một bước đi hướng tới hàn gắn quan hệ Nhật - Trung. Bởi chuyến thăm của ông Yoichi Masuzoe diễn ra trong bối cảnh không có liên lạc chính trị cấp cao nào giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Học giả Edward Luttwal

Ngày 1/5, Hãng Kyodo dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel bày tỏ hy vọng Nhật Bản và Trung Quốc sẽ thiết lập cơ chế song phương nhằm ngăn ngừa các cuộc xung đột trên biển Hoa Đông. Ông Daniel Russel cũng khẳng định, Bộ Quy tắc ứng xử về những cuộc đụng độ bất ngờ trên biển được thông qua tại diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương ở thành phố Thanh Đảo (Trung Quốc) hồi tháng trước là diễn biến tích cực trong việc giúp giảm bớt nguy cơ hiểu lầm, tương tác giữa các tàu hải quân và máy bay. Trước đó (29/4), tờ China Times dẫn một nguồn tin từ chính quyền Mỹ khẳng định, Washington có thể điều một tàu sân bay năng lượng hạt nhân đến eo biển Đài Loan nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông, để thể hiện quyết tâm bảo vệ đồng minh.

Ngày 30/4, GMA News và Đài Truyền hình TV5 (Philippines) dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, Washington sẽ bảo vệ Manila ngay khi các đảo tranh chấp ở Biển Đông của Philippines bị tấn công. Trước đó (29/4), Rappler dẫn lời cựu Thượng nghị sĩ Philippines Joker Arroyo bình luận, thay vì cam kết bảo vệ Philippines nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông, Tổng thống Barack Obama đã để lại con số 0 tròn chĩnh khi rời Manila mang theo AEDC. Joker Arroyo cho rằng, Philippines chẳng được lợi lộc gì từ thỏa thuận vội vàng này, đồng thời công khai chỉ trích sự thiếu minh bạch của AEDC. Bởi ông Barack Obama không nói rõ sẽ giúp Philippines nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông, giống như tuyên bố ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngày 4/5, tờ Philippines Star cho biết, khi thả dù đồ tiếp tế cho lính đang đồn trú trên tàu BRP Siera Madre ở bãi Cỏ Mây hôm 3/5 (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), không quân Philippines phát hiện Trung Quốc đang triển khai 5 tàu (2 Hải giám mang số hiệu 3111 và 3102, tàu khảo sát đại dương Hướng Dương Hồng 10, tàu khu trục lớp và 1 tàu màu trắng) gần khu vực này. Ngày 30/4, Tổng thống Benigno Aquino chủ trì lễ bổ nhiệm Tư lệnh hải quân cho Chuẩn đô đốc Jesus Millan thay thế Phó đô đốc Jose Luis Alano nghỉ hưu. Trước đó, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines Emmanuel Bautista từng tuyên bố, Manila sẽ tiếp tục tiếp tế và luân phiên người tại bãi Cỏ Mây.

Dừng lại ở hội thảo

Ngày 2/5, tờ Epoch Times cho rằng, liên minh các nước châu Á đang hình thành trong bối cảnh quân Mỹ tập trung vào khu vực này, nhưng Trung Quốc không phải là một phần của liên minh này. Theo nhận định của học giả Edward Luutwak, chuyên gia từng tư vấn cho Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, những gì xảy ra (phô diễn sức mạnh trong tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông) chứng tỏ Trung Quốc đã bỏ rơi chính sách trỗi dậy hòa bình của họ. Ông Edward Luttwak cho rằng, tình hình hiện nay khác với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Còn theo học giả June Teufel Dreyer, cựu chuyên gia về Viễn Đông của Quốc hội Mỹ, Trung Quốc có khả năng sẽ kiểm tra quyết tâm của Mỹ bằng cách gia tăng căng thẳng trong khu vực thời gian tới.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario

Tạp chí Seapower (Mỹ) cho biết, ngày 24/4, tại trụ sở Quỹ Heritage ở Washington (Mỹ), ông Walt Lohman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Heritage, đã chủ trì buổi thuyết trình về chính sách của Mỹ tại Biển Đông. Chuyên gia Jonathan G. Odom, cố vấn về chính sách đại dương của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, Washington chú ý đến 4 lợi ích ở Biển Đông và Mỹ thực thi quyền tự do hàng hải dựa trên nguyên tắc quốc tế. Chuyên gia Dean Cheng nhận định, Trung Quốc đang lấn lướt ở Biển Đông, từ yêu sách “đường lưỡi bò” đến tuyên bố tiến sâu vào Biển Đông. Trong khi đó, chuyên gia Stephen Groves cho rằng, Washington cần luật hóa vị trí của Mỹ ở Biển Đông, đồng thời thiết lập một vị trí tại Biển Đông. Dư luận cũng đặc biệt quan tâm tới Diễn đàn toàn cầu Boston được tổ chức hôm 24/4 tại Harvard Faculty Club, Boston, Mỹ, vì có sự tham dự của nhiều nhân vật nổi tiếng như cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, Giáo sư Joseph Nye, cha đẻ của học thuyết “quyền lực mềm”, Giáo sư Koichi Hamada của Đại học Yale, Cố vấn đặc biệt về kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe… để bàn về cách giải quyết cuộc xung đột Trung - Nhật.

Học giả Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng, Trung Quốc cần lấp lỗ hổng khi muốn được như Mỹ - đạt được thỏa thuận cho tàu chiến ghé cảng các nước trên cơ sở dài hạn. Nhưng lỗ hổng này khó lấp đầy bởi các nước láng giềng của Bắc Kinh không sẵn lòng ký những thỏa thuận kể trên với Trung Quốc khi quốc gia đông dân nhất thế giới ngày càng lộ rõ tham vọng biển đảo tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Giới quân sự cho rằng, hải quân Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển để trở thành một lực lượng có thể cạnh tranh với Mỹ, vốn đóng vai trò nổi bật về quân sự tại Châu Á - Thái Bình Dương. Theo thống kê, Hải quân Trung Quốc đã biên chế 17 tàu chiến mới trong năm 2013, nhiều hơn bất kỳ nước nào và trong 10 năm tới, Bắc Kinh sẽ sở hữu 3 tàu sân bay để nước này có ảnh hưởng lớn chưa từng có tại một khu vực vốn tồn tại nhiều tranh chấp biển đảo. Tới năm 2020, Trung Quốc sẽ có tới 78 tàu ngầm và điều này cho thấy chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh tăng 12,2% trong năm nay lên 132 tỉ USD là điều dễ hiểu.

Tập trận tăng thị uy

Ngày 1/5, Hãng Reuters đưa tin, Nhật Bản sẽ diễn tập quân sự (từ 10 đến 27/5) bảo vệ một hòn đảo ngoài khơi quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku trong tháng này. Việc này diễn ra chỉ một ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ diễn tập hải quân chung với Nga trên biển Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên Tokyo sử dụng một hòn đảo thật để diễn tập quân sự với sự tham gia của bộ binh, không quân và hải quân. Cũng trong ngày 1/5, Hãng Kyodo đưa tin, Trung Quốc sẽ lần đầu tiên tham gia tập trận hải quân quốc tế quy mô lớn mang tên “Vành đai Thái Bình Dương”, còn gọi là RIMPAC, theo lời mời của Bộ Quốc phòng Mỹ, dự kiến diễn ra từ 26/6 đến 1/8 ở ngoài khơi bờ biển Hawaii. Cùng ngày 1/5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo, Hải quân Trung - Nga sẽ tập trận thường niên phối hợp trên biển 2014 (Joint Sea 2014) vào cuối tháng này với khoảng 20 tàu tham gia và việc này diễn ra trong thời điểm Tổng thống Nga Putin đến Thượng Hải. Đây là lần đầu tiên 2 nước diễn tập chung ở khu vực ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel

Tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review, Canada số tháng 5 đăng bài “Trung - Nhật bước vào thời đại chạy đua vũ trang”, cùng nhận định, Trung Quốc sẽ đóng thêm 3 tàu sân bay nội địa nhằm chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột với Nhật Bản liên quan đến tranh chấp biển đảo. Giới quân sự cũng đặt câu hỏi, tại sao châu Á ồ ạt đóng mới 1.000 tàu chiến và hơn 100 tàu ngầm trong gần 20 năm tới. Dự kiến đến năm 2032, khu vực này sẽ đầu tư khoảng 200 tỉ USD cho việc đóng mới tàu ngầm và tàu chiến, chiếm 25% thị trường tàu mới trên thế giới. Nhưng trước đó (tháng 2/2014), Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng bác bỏ thông tin cho rằng, Bắc Kinh lên kế hoạch đóng thêm tàu sân bay. Hiện tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay trực thăng Izumo đã trở thành yếu tố sống còn của Trung Quốc và Nhật Bản trong tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Giới truyền thông cảnh báo, “quyền phòng vệ tập thể” đang gây tranh cãi sau khi Quốc hội Nhật Bản chính thức thảo luận vấn đề này (thượng tuần tháng 5), trong khi liên minh cầm quyền xuất hiện mâu thuẫn xung quanh chủ đề nhạy cảm kể trên. Việc này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama coi “quyền phòng vệ tập thể” là một phần trong chính sách chủ động đóng góp cho hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tờ Thời báo Nhật Bản cho biết (27/4), một ủy ban do Thủ tướng Shinzo Abe lựa chọn dự kiến sẽ đề nghị Chính phủ thay đổi cách hiểu đối với Hiến pháp nhằm gỡ bỏ lệnh cấm lâu nay đối với “quyền phòng vệ tập thể” và giới hạn phạm vi sử dụng quyền này bằng việc đưa ra 6 điều kiện đảm bảo hoạt động kiểm soát dân sự.

Trong bài “Hai tương lai hoàn toàn khác nhau ở châu Á” đăng trên tờ The National Interest, Mỹ, tác giả Zachary Keck cho rằng, châu Á đứng trước 2 tương lai khác nhau và đều liên quan chặt chẽ với sự phát triển của kinh tế Trung Quốc. Bởi trong số 35 quốc gia trên thế giới lấy Trung Quốc làm đối tác thương mại lớn nhất của họ, châu Á chiếm tỷ lệ đáng kể: Nhật Bản (20%), Hàn Quốc (20%), CHDCND Triều Tiên (72,9%), Tajikistan (37%), Ấn Độ, Nga, Việt Nam, Myanmar, Kyrgyzstan (đều 51%), tiếp đến là Indonesia, Thái Lan, Lào và Uzbekistan. Trung Quốc đã nằm ở trung tâm kinh tế của châu Á và đang tìm cách củng cố vị trí này bằng nhiều biện pháp như “Con đường tơ lụa trên biển”, hành lang kinh tế Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar - Bangladesh… Ngoài biển Hoa Đông và Biển Đông, Trung Quốc còn tìm cách kiểm soát biển Hoàng Hải và nếu kiểm soát thành công những vùng biển này, Bắc Kinh sẽ nắm “quyền sinh quyền sát” đối với tất cả các nước Đông Á.


Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps