Trung Quốc - Nhật Bản khôi phục đối thoại về tranh chấp biển đảo

14:41 | 17/10/2012

1,019 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dư luận trong và ngoài khu vực đang quan tâm tới chuyến công du châu Âu (từ 15 đến 20/10) của Ngoại trưởng Nhật Bản bởi ông Koichiro Gemba sẽ giải thích lập trường của Tokyo với các đối tác quốc tế xung quanh tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc.

Trước đó (12/10) khi phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Koichiro Gemba cũng cho rằng, Trung Quốc và Nhật Bản đều phải bình tĩnh để tìm cách giải quyết bất đồng thông qua đối thoại bởi mối quan hệ Bắc Kinh-Tokyo có ảnh hưởng rất to lớn không chỉ đối với hòa bình và an ninh ở khu vực Đông Á, mà cả nền kinh tế thế giới.

Ai tiếp tục muốn gây căng thẳng?

Sau đàm phán sơ bộ tại Tokyo hôm 12/10, Trung Quốc và Nhật Bản đã quyết định khởi động vòng tham vấn cấp Thứ trưởng Ngoại giao của 2 nước. Việc này diễn ra ngay sau chuyến thăm 2 ngày tới Nhật Bản của Vụ trưởng Vụ châu Á Bộ Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu (Triệu) Huy. Ông La Chiếu Huy là quan chức ngoại giao cấp cao đầu tiên của Trung Quốc thăm Nhật Bản kể từ khi Tokyo tuyên bố mua 3 trong số 5 hòn đảo tại quần đảo Senkaku/Điều Ngư hôm 11/9. Ngoại trưởng Koichiro Gemba khẳng định, cuộc đàm phán cấp thứ trưởng Ngoại giao sẽ diễn ra tại Tokyo bởi cuộc đàm phán đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh hôm 25/9 vừa qua.

Nhưng trước đó (11/10), tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã bác bỏ cách nói của Ngoại trưởng Nhật Bản vì cho rằng “Ông Koichiro Gemba đã dùng tư liệu trích dẫn cắt xén nhằm mưu toan chống đỡ cho lập trường của Tokyo trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hoàn toàn là “lô-gíc của kẻ cướp”.

Giới truyền thông đưa tin, chỉ hai ngày sau khi tuyên bố Bắc Kinh và Tokyo sẽ sớm ngồi vào bàn đàm phán, Trung Quốc lại đưa tàu lấn sâu vào vùng biển chỉ cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 1,55 hải lý (2,87km). Đây là lần đầu tiên Tân Hoa xã công khai 10 tấm ảnh cho thấy tàu Hải giám 50 đã tiến sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở cự ly chỉ chưa đầy 3km.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do máy bay trinh sát P3C của hải quân Nhật chụp

Ngày 11/10, Phó tổng Lãnh sự Nhật Bản tại thành phố New York, Mỹ, ông Yasuhisa Kawamura đã xuất hiện trên một chương trình tin tức của kênh truyền hình YN1 của Mỹ để khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Ông Yasuhisa Kawamura cũng tuyên bố, không có tranh chấp lãnh thổ nào giữa Tokyo với Bắc Kinh cần phải giải quyết ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bởi về mặt luật pháp và lịch sử, đó là chủ quyền của Nhật Bản và không có gì có thể nghi ngờ về điều đó. Bởi Trung Quốc đã không có bất kỳ phản đối nào đối với việc Nhật Bản sở hữu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong gần một nửa thế kỷ và chỉ đòi chủ quyền đối với khu vực này sau khi Liên Hiệp Quốc đưa ra báo cáo năm 1968 về việc có thể có nguồn trữ lượng dầu mỏ lớn tại đây.

Ngày 12/10, tờ Wall Street Journal đưa tin, trong bài phát biểu ở Washington hôm 11/10, Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Ichiro Fujisaki đã trưng ra cuốn tạp chí Economist. Trên trang bìa cuốn tạp chí Economist là hình ảnh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cùng một câu hỏi “Liệu Trung Quốc và Nhật Bản có đánh nhau vì quần đảo này không?” và bên dưới là hình một con rùa đang bơi trả lời “Thật buồn là có”. Đại sứ Nhật Bản Ichiro Fujisaki đã chỉ trích phân tích của “con rùa” và khẳng định: Điều đó sẽ không xảy ra bởi các bên không cần thiết phải giải quyết theo cách đó. Ông Ichiro Fujisaki cũng cho biết, Nhật Bản sẽ không làm gia tăng căng thẳng và giải quyết vấn đề bằng cảm tính. Đại sứ quán Nhật Bản ở thủ đô Washington, Mỹ còn cho biết, Tokyo đã phản đối việc vùng lãnh thổ Đài Loan đăng các bài quảng cáo về chủ quyền của họ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên báo Mỹ. Ngày 10/10, vùng lãnh thổ Đài Loan đã cho đăng những đoạn quảng cáo về chủ quyền của họ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên 4 tờ báo lớn của Mỹ, trong đó có Washington Post và The New York Times.

Ngày 13/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns công du châu Á. Ông William Burns dự kiến sẽ hối thúc Trung Quốc và Nhật Bản giải quyết bất đồng thông qua đàm phán.

Những hoạt động quân sự đáng quan ngại

Mỹ và Nhật Bản đang có kế hoạch tập trận chung ở Okinawa dự kiến diễn ra từ 5 tới 16/11, với giả định chiếm lại một hòn đảo không người ở từ lực lượng nước ngoài. Các nguồn tin cho hay, cuộc tập trận nhiều khả năng sẽ diễn ra trên hòn đảo Irisuna, cách Okinawa 60km về phía tây. Tham gia tập trận có Hải - Lục - Không quân và lính thủy đánh bộ Mỹ thuộc đơn vị Thủy quân lục chiến Viễn chinh số 31 cùng lực lượng phòng vệ biển, mặt đất, trên không thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất của Nhật Bản đóng tại Sasebo, tỉnh Nagasaki. Cuộc tập trận này chắc chắn sẽ làm Trung Quốc giận dữ. Theo tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc, Tokyo và Washington vừa quyết định tập trận chung tại đảo Kyushu và các đảo nằm ở phía tây nam Nhật Bản từ 1 đến 20/11. Đây là lần đầu tiên hai nước tập trận chung với giả định chiếm lại đảo bên trong lãnh thổ Nhật Bản nhằm kiềm chế Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu thời báo nhận định.

Ngoại trưởng Koichiro Gemba

Giới chức tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đang xúc tiến mở tuyến du lịch phi pháp từ Tam Á tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo Quảng Châu nhật báo, tuyến du lịch sẽ đi vào hoạt động sớm nhất vào cuối tháng này sau khi ngang nhiên “quảng cáo chuyến du lịch kéo dài 4 ngày với 5.000 NDT/người”. Đây là hành động mới nhất trong ý đồ hợp lý hóa cái gọi là “Thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc ngang nhiên thành lập hồi tháng 7, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong tháng 9, Lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản và lính thủy đánh bộ Mỹ đã diễn tập chiếm lại đảo, nhưng tại đảo Guam. Được biết, ngày 11/10, hơn 8.000 binh sĩ, 36 tàu chiến và 32 máy bay chiến đấu của Nhật Bản đã tham gia hoạt động phô diễn sức mạnh quân sự tại vịnh Sagami, phía đông nước này. Trong số những tàu chiến tham gia cuộc tập trận có các tàu trang bị hệ thống radar Aegis tiên tiến cùng các tàu ngầm và tàu đệm khí tốc độ cao. Ngày 14/10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nói với lực lượng hải quân nước này rằng, môi trường an ninh quanh Nhật Bản hiện khắc nghiệt chưa từng thấy bởi có một láng giềng phóng tên lửa dưới lốt phóng vệ tinh và đang chứng kiến nhiều diễn biến liên quan lãnh thổ và chủ quyền. Phát biểu của Thủ tướng Yoshihiko Noda được truyền tới khoảng 40 tàu trong khu vực tập trận - duyệt binh, bao gồm tuần dương hạm Shiloh của Mỹ. Có mặt trong cuộc tập trận mang tên Duyệt binh hạm đội 2012 của Nhật Bản hôm 14/10 còn có các chiến hạm đến từ Mỹ, Singapore và Australia. Đây là lần đầu tiên các chiến hạm nước ngoài tham gia cuộc duyệt binh Nhật Bản kể từ năm 2002, khi 17 tàu của 11 nước, trong đó có Nga và Mỹ tham gia.

Giới quân sự đưa tin, ngoài việc tiến hành đóng mới 9 tàu tuần tra 1.000 tấn hoặc lớn hơn, Cảnh sát biển Nhật Bản còn đang xin ngân sách để đóng thêm 4 chiếc nữa trong năm tài khóa tới. Việc này diễn ra sau tuyên bố hồi giữa tháng 9 của Phó tổng đội trưởng Tổng đội Hải giám Trung Quốc Tiêu Huệ Vũ - Hải giám nước này có hơn 300 tàu, trong đó có 28 tàu 1.000 tấn hoặc lớn hơn cùng 9 máy bay. Theo tờ Yomiuri của Nhật Bản số ra ngày 13/10, tàu tuần tra của Cảnh sát biển Nhật Bản và tàu Hải giám Trung Quốc vẫn tiếp tục vờn nhau trên vùng biển ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư làm gia tăng nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn. Để đối phó với tình hình phức tạp trong khu vực, Cảnh sát biển Nhật Bản đã tăng cường lực lượng từ các vùng hỗ trợ cho Vùng Cảnh sát biển 11 ở Naha phụ trách tuần tra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Được biết, Sở chỉ huy Vùng Cảnh sát biển 11 có thể triển khai 30 tàu tuần tra cùng một lúc, nếu cần thiết.

Ngày 11/10, mạng tin Lancaster Eagle của Mỹ cho biết, Trung Quốc và Mỹ đang tăng cường cạnh tranh chiến lược ở khu vực Châu Á - Thái Bình dương sau khi Bắc Kinh sử dụng sức mạnh quân sự ngày càng tăng để đe dọa các nước đồng minh của Mỹ ở châu Á, ngăn chặn sự hiện diện quân sự của Mỹ trên biển Đông, biển Hoa Đông và cắt đứt các tuyến đường thâm nhập vào “khu vực chung của Mỹ”. Để đối phó với chiến lược của Mỹ, Trung Quốc quyết định tăng ngân sách quốc phòng, trong đó trích một phần đáng kể để nhanh chóng đạt được các khả năng chống thâm nhập.

“Hải quân Mỹ sẽ trở lại và tiếp tục đóng quân ở vịnh Subic và Tổng thống Benigno Aquino đã cho phép điều này với sự chấp thuận của cả Thượng và Hạ viện”, đây là thông tin vừa được tướng nghỉ hưu Edilberto Adan, cựu giám đốc của chương trình hiện đại hóa quân sự Philippines cho biết.

Sứ mạng mới của tàu sân bay Liêu Ninh

Tối 13/10, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã rời cảng lần đầu tiên kể từ khi được chính thức bổ sung cho hải quân nước này hôm 25/9. Tân Hoa xã đưa tin, một chiếc máy bay chiến đấu J-15 loại dùng cho tàu sân bay đã cất và hạ cánh trên tàu Liêu Ninh hôm 13/10. Mọi động thái liên quan đến tàu sân bay của Trung Quốc đều gây chú ý, nhất là trong bối cảnh nước này trỗi dậy mạnh mẽ và đang có các tranh chấp chủ quyền biển đảo với nhiều nước láng giềng. Giới quan sát cho rằng tàu sân bay Liêu Ninh tuy chưa thể thay đổi cán cân chiến lược trong khu vực, nhưng cũng là bước đầu tiên trên con đường hiện đại hóa Hải quân Trung Quốc. Giới quân sự cho biết, ngay sau khi Liêu Ninh đi vào hoạt động, phương Tây đã có những đánh giá về cơ cấu tổ chức của tàu sân bay này. Theo đó, chỉ huy và chính ủy của tàu sân bay Liêu Ninh đều mang quân hàm Đại tá, điều này có nghĩa họ đều là sĩ quan chỉ huy cấp sư đoàn, tàu chiến do họ chỉ huy cũng là đơn vị cấp sư đoàn, và điều này làm cho thứ hạng chiến đấu của tàu sân bay Liêu Ninh trong Quân đội Trung Quốc tương đương với một hạm đội tàu khu trục, cao hơn một cấp so với tàu ngầm hạt nhân (cấp lữ đoàn/phó sư đoàn). Là đơn vị cấp sư đoàn, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ có biên đội chiến thuật hải quân của nó, biên đội chiến đấu hải quân cấp thứ hai của nó sẽ được hợp thành bởi tàu hộ vệ. Báo chí Trung Quốc cho rằng, sau khi cải tạo, khả năng phòng không của tàu sân bay Liêu Ninh có thể đã vượt tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ.

Khó lắng dịu căng thẳng Tokyo-Seoul

Ngày 13/10, Hãng tin Yonhapnews của Hàn Quốc cho biết, Trưởng cố vấn pháp lý Bộ Ngoại giao Mỹ Harold Hongju Koh vừa cho rằng, Hàn Quốc và Nhật Bản nên giải quyết nội bộ vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Takeshima/Dokdo. Được biết, Nhật Bản từng đề nghị Hàn Quốc đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Takeshima/Dokdo lên Tòa án Công lý quốc tế để giải quyết, nhưng Seoul đã bác bỏ đề nghị này bởi quần đảo Takeshima/Dokdo hiện đang đặt dưới sự quản lý của Hàn Quốc. Trước đó (12/10), Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura khẳng định, Tokyo sẽ đưa tranh chấp biển đảo với Hàn Quốc ra Tòa án Công lý quốc tế cho dù Seoul đã nhanh chóng bác bỏ đề xuất này. Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã thông báo cho Đại sứ Hàn Quốc tại Tokyo về vấn đề này. Giới truyền thông đưa tin, khi phát biểu trong cuộc họp báo ngày 11/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shuji Kira cho rằng, Tokyo sẽ xem xét sự cần thiết của việc đưa tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima ra Tòa án công lý quốc tế. Nhưng đây chỉ là ý kiến cá nhân của Thứ trưởng Shuji Kira bởi Tokyo sẽ không thay đổi quyết định trong vấn đề này đối với Seoul.

Dư luận quan tâm tới thông tin cho rằng, việc hơn 1,34 tỉ dân Trung Quốc ngày càng ăn cá nhiều hơn sẽ trở thành một thách khổng lồ đối với nguồn tài nguyên biển đang ngày càng bị cạn kiệt và mức độ phức tạp của vấn đề không chỉ dừng ở đó. Tình trạng cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản ven biển khiến ngư dân Trung Quốc ngày càng mạo hiểm hơn trong việc đánh bắt ở các vùng biển tranh chấp, cũng như bất chấp mọi rủi ro, hậu quả. Theo thống kê, trong năm 2009, tiêu thụ hải sản ở các khu vực đô thị Trung Quốc đạt 15,5 kg/người, tăng hơn gấp hai lần trong vòng 20 năm qua. Cá biển chiếm hơn 50% tổng số hải sản tiêu thụ ở Trung Quốc. Mức độ tiêu thụ gia tăng dẫn đến sản lượng đánh bắt cá biển ở Trung Quốc tăng gấp 10 lần trong vòng 3 thập kỷ qua. Trong năm 2010, ngư dân Trung Quốc đánh bắt được 12 triệu tấn cá, chiếm 48% tổng số hải sản đánh bắt ở nước này.


Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh