Trung Quốc và mưu đồ độc bá Biển Đông

08:06 | 27/06/2012

1,333 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một lần nữa Trung Quốc lại vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi quyết định thành lập thành phố Tam Sa. Việc này không những bị các cơ quan chức năng của Việt Nam phản đối bởi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn được các nước hữu quan chỉ trích. Ngày 22/6/2012, tờ Philippines Star của Philippines đã dẫn lời ông Eugenio Bitoonon, Thị trưởng thành phố Kalayaan, tỉnh Palawan khi phản đối vấn đề này.

Tuyên bố mới, thủ đoạn cũ

Ngày 21/6/2012, người phát ngôn báo chí thuộc Bộ Dân Chính Trung Quốc cho biết, Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn kế hoạch hủy bỏ Văn phòng Tây Sa – Trung Sa – Nam Sa thuộc tỉnh Hải Nam và thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa. Theo đó, thành phố Tam Sa sẽ chịu trách nhiệm quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa với trụ sở chính quyền đặt tại đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, dư luận trong và ngoài khu vực, nhất là giới học giả và chuyên môn đều coi đây là một bước nhằm thực hiện mưu đồ độc bá Biển Đông mà Bắc Kinh đã và đang tiến hành. Ngoài ra, Trung Quốc còn lớn tiếng đe dọa và điều này tái khẳng định những gì dư luận từng đề cập tới âm mưu của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông – quyết tâm độc bá Biển Đông bất chấp sự phản đối của các nước hữu quan, cũng như lên án của cộng động quốc tế.

Trường Sa, một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam

Theo Hãng tin Reuters, trong bài trả lời phỏng vấn mới đây nhất với tờ Nhân dân nhật báo (Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc), Thiếu tướng Hải quân Doãn Trác, Chủ nhiệm Sở Nghiên cứu Chiến lược Hải quân Trung Quốc cho biết, Trung Quốc có đầy đủ khả năng để chống lại cái gọi là "bất kỳ sự khiêu khích nào”. Thiếu tướng Doãn Trác nhấn mạnh, Hải quân Trung Quốc tự tin trong việc sử dụng vũ lực để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như những quyền lợi hàng hải của mình và họ đang chờ lệnh! Trước đó, Thiếu tướng Doãn Trác cho rằng, Bắc Kinh có quyền chủ động lựa chọn vũ lực. Những tuyên bố kể trên được đưa ra đúng thời điểm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila xung quanh khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham vẫn chưa được giải quyết. Cách đây 74 năm (1938-2012), quần đảo Hoàng Sa từng được đề cập trong 4 số báo của Đông Tây Báo, tờ báo tiếng Việt do ông Nguyễn Xuân Thái quản lý.

Sự đuối lý về chứng cứ

Trong bối cảnh này giới chuyên môn đặc biệt quan tâm tới tuyên bố của Đại sứ Tây Ban Nha tại Philippines, ông Jorge Domecq bởi Tây Ban Nha sẽ tổ chức một cuộc triển lãm bản đồ cổ tại Manila mà nước này đang sở hữu. Với tên gọi “300 năm bản đồ Philippines 1598-1898”, cuộc triển lãm tại Bảo tàng Metropolitan Manila (từ 26/6 đến 31/7/2012) sẽ trưng bày 134 chiếc bản đồ thuộc sở hữu của các nhà sưu tập tư nhân – lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng sẽ chỉ rõ vị trí Scarborough – Hoàng Nham. Philippines từng là thuộc địa của Tây Ban Nha trong hơn 4 thế kỷ nên những tấm bản đồ cổ kể trên sẽ là minh chứng thuyết phục trong vấn đề Scarborough – Hoàng Nham: Scarborough – Hoàng Nham nằm cách Masinloc, Philippines 124 hải lý và đảo Hải Nam, Trung Quốc 472 hải lý. Đại sứ Tây Ban Nha tại Philippines Jorge Domecq cho biết, 134 chiếc bản đồ cổ sẽ cho bạn hiểu về việc tại sao người Tây Ban Nha lại nhìn thấy Philippines trong thời điểm đó – số liệu địa lý, cùng hình ảnh phong tục, hoạt động của con người ở đây.

Trước đó (5/6/2012), tờ Nhật báo Phố Wall đã đăng bài phân tích của nhà báo kỳ cựu Philip Bowring thường trú tại Hongkong khi cho rằng, Trung Quốc đã viết lại lịch sử để giải thích tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. Philip Bowring đã phân tích khá chi tiết, hệ thống và vạch trần âm mưu, ý đồ bóp méo sự thật lịch sử, cũng như né tránh Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) của Trung Quốc nhằm thực hiện chiến lược độc bá Biển Đông. Trong bài viết “Chinas Invented History” – “Lịch sử nhào nặn của Trung Quốc”, Philip Bowring cho biết, Bắc Kinh đã chỉ đạo chính quyền tỉnh Quảng Đông lập bản đồ chữ U (còn gọi là đường 9 khúc hay đường lưỡi bò) để dựa vào đó lớn tiếng với các nước hữu quan và cộng động quốc tế về cái gọi là “chứng cứ pháp lý về lịch sử”. Nhưng việc này đã bị giới chuyên môn, các nhà khoa học và cộng đồng quốc tế sớm nhận ra và chỉ trích.

Có lẽ thấy rõ sự vô lý của đường lưỡi bò nên tại cuộc Hội thảo “Tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” do Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc và Báo điện tử Sina.com tổ chức tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc hôm 14/6/2012, học giả Trung Quốc đã thừa nhận vấn đề này. Dư luận quan tâm tới quan điểm của học giả người Trung Quốc Lý Lệnh Hoa, tác giả của hơn 90 bài báo về vấn đề biển và luật biển đã đăng trên báo chí Trung Quốc khi cho rằng: Đường lưỡi bò là một đường hư ảo bởi tiền nhân chúng ta vạch ra không hề có kinh độ hay vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp luật. Học giả Lý Lệnh Hoa cũng cho biết, khi thuyết giảng với nghiên cứu sinh về Nghiên cứu hải dương và biên giới Trung Quốc tại Trường đại học Vũ Hán hồi tháng 5/2012, ông đã nói: Căn cứ pháp luật thực sự phải là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Theo tiết lộ của WikiLeaks, cả quan chức và học giả Trung Quốc đều không nêu được bằng chứng cụ thể đối với yêu sách đường lưỡi bò. Đây là nội dung trong công điện của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh gửi về Washington ngày 9/9/2008 và được Đài ABS-CBN của Philippines ngày 20/4/2012 dẫn lại. Để đưa ra kết luận kể trên, một tham tán chính trị của Sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã phải tiến hành nhiều cuộc thảo luận với giới chức của Vụ Luật pháp và Công ước biển (DTLO) thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc và một số học giả nước này về tranh chấp trên Biển Đông. Tuy hùng hồn tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi có từ lịch sử”, nhưng khi được hỏi về bằng chứng và cơ sở lịch sử, pháp lý thì cả quan chức và học giả Trung Quốc đều lúng túng như gà mắc tóc. Điều này cũng được nhiều chuyên gia, học giả đến từ Nga, Australia và một số nước châu Âu, châu Á đưa ra khi họ tham dự Hội thảo khoa học quốc tế “Những vấn đề thực tiễn của an ninh khu vực Đông Á và an ninh biển Đông” diễn ra tại Saint Petersburg, Nga. Không những phản đối và phê phán khái niệm đường lưỡi bò thiếu căn cứ khoa học, căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn, nhiều chuyên gia, học giả còn kêu gọi các bên hữu quan giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở UNCLOS.

Liệu trung quốc có tiến hành chiến tranh kinh tế với việt nam không

Có lẽ cảm thấy đuối lý và sợ quốc tế hóa, cũng như đa phương trong việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông nên ngoài việc lớn tiếng hù dọa các nước hữu quan, Trung Quốc còn cố gắng tạo ra “sự đã rồi”. Ngày 14/6/2012, tờ Giải phóng quân Trung Quốc đưa tin, từ đầu hè các tàu Hải quân Trung Quốc đã tăng cường hoạt động nâng cấp cơ sở vật chất như lắp đặt hệ thống máy phát điện, quân sự phục vụ lực lượng đồn trú (trái phép) trên một số đảo nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trước đó (tối 7/5/2012), Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) tuyên bố “Philippines là một phần lãnh thổ của Trung Quốc”, nhưng giới chức CCTV từ chối bình luận về sơ suất này. Giới chuyên môn cho rằng, Trung Quốc đã và đang thực hiện khá nhuần nhuyễn 3 nguyên tắc “tránh đối đầu”, “tăng cường sức mạnh quốc gia tổng hợp” và “từng bước tiến lên” để hỗ trợ chiến lược độc bá Biển Đông.

Ngư dân Việt Nam hành nghề hợp pháp trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam

Ngày 18/5/2012, Thời báo Tài chính Anh đưa tin, lực lượng hải giám và ngư chính Trung Quốc còn nguy hiểm hơn cả quân đội bởi dễ triển khai và núp bóng phi quân sự. Ngày 12/6/2012, Cục trưởng Cục Hải dương Trung Quốc Lưu Tứ Quý khi thị sát Tổng đội Hải giám đã chỉ thị: Lực lượng hải giám phải kiên trì bám Scarborough – Hoàng Nham cho đến thắng lợi cuối cùng.

Giới chuyên môn từng cảnh báo về chiến lược phát triển lực lượng hải giám (CMS – cơ quan thực thi luật hàng hải của Trung Quốc được thành lập năm 1998). Tờ Telegraph cho biết, trong năm 2010, lực lượng hải giám Trung Quốc đã theo dõi sự di chuyển của khoảng 1.300 tàu thuyền nước ngoài và 214 máy bay, tăng đáng kể so với năm 2007. Dự kiến, CMS sẽ sở hữu 16 máy bay và 350 tàu (cuối năm 2015) cùng hơn 15.000 nhân viên (năm 2020) nhằm giám sát chặt chẽ hơn những hoạt động tại Biển Đông.

Trung Quốc đã và đang khai thác tối đa mọi điều kiện để thực hiện âm mưu của họ – từ việc lấy lý do an ninh hủy các đoàn du lịch đến đe dọa kế sinh nhai của khoảng 200.000 nông dân trồng chuối của Philippines. Chuối là loại hoa quả xuất khẩu quan trọng nhất của Philippines, là nguồn tạo việc làm chính tại hòn đảo Mindanao và Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu chuối lớn thứ hai của Philippines, sau Nhật Bản. Nên khi Trung Quốc tiến hành “chiến tranh chuối”, Philippines đã gặp không ít khó khăn. Chính vì điều này nên nhiều người lo ngại Trung Quốc có thể tiến hành các cuộc “chiến tranh vải thiều”, “chiến tranh gạo”, “chiến tranh dừa”, “chiến tranh dưa hấu”… với Việt Nam sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam ngày 21/6/2012.

Được biết, trong năm 2012, Trung Quốc có thể mua 1,5-2 triệu tấn gạo của Việt Nam (cả chính ngạch và tiểu ngạch), gấp hơn 6 lần năm ngoái. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2012, Trung Quốc đã bất ngờ trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam bởi lượng đơn hàng lên tới hơn 1,2 triệu tấn, trị giá gần 400 triệu USD, gấp 4,4 lần về số lượng và gần 4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chiếm tới 28% tổng xuất khẩu gạo cả nước, trong khi hai khách hàng lớn nhất cách đây 2 năm là Indonesia và Philippines chỉ chiếm lần lượt 11% và 7% thị phần.

Tranh chấp Scarborough – Hoàng Nham

Ngày 22/6/2012, Đài truyền hình ABS-CBN của Philippines đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin xác nhận, không quân nước này đã triển khai máy bay tuần tra không phận Scarborough – Hoàng Nham. Trước đó (20/6/2012), Văn phòng Tổng thống Philippines đã yêu cầu quan chức ngoại giao nước này nhanh chóng làm rõ những ý kiến trái ngược của Bắc Kinh về tuyên bố mâu thuẫn xung quanh vấn đề rút tàu Trung Quốc khỏi khu vực bãi cạn Scarborough – Hoàng Nham. Bởi ngày 16/6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã ra lệnh rút tàu thuyền khỏi khu vực kể trên để tránh bão, đồng thời hy vọng Bắc Kinh thực hiện cam kết rút hết tàu khỏi Scarborough – Hoàng Nham.

Tổng thống Benigno Aquino khẳng định, một khi thời tiết cho phép sẽ điều máy bay và tàu thuyền trở lại bãi cạn Scarborough – Hoàng Nham nếu tàu của Trung Quốc khi đó không rời khỏi khu vực này. Philippines cho rằng, bãi cạn Scarborough – Hoàng Nham thuộc phạm vi vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của nước này, còn Bắc Kinh coi đây là một phần lãnh thổ của Trung Quốc từ thế kỷ XIII. Nhưng ngay trong tuyên bố của mình, Trung Quốc đã thể hiện rõ sự bất nhất.

Ngày 15/6/2012, tỉnh Hải Nam ban hành tài liệu “10 câu hỏi về đảo Hoàng Nham” cùng những tài liệu được cho là căn cứ lịch sử có từ thời Nguyên để khẳng định chủ quyền đối với khu vực này. Nhưng trong tài liệu kể trên, sự xuất hiện lần đầu tiên của việc này lại diễn ra vào năm 1947 và khi đó người Trung Quốc không gọi là Hoàng Nham mà là Dân Chủ.

Bên lề hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6, ngày 28/5/2012, khi hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cho rằng, căng thẳng hiện nay hoàn toàn do Philippines gây ra bởi đã sử dụng vũ lực quấy rối hoạt động đánh cá của ngư dân Trung Quốc. Ngày 1/5/2012 tại Hongkong, Thiếu tướng Lý Sỹ Hồng, Phó tham mưu trưởng hạm đội Nam Hải bất ngờ tuyên bố, chỉ cần Quân ủy trung ương yêu cầu, hạm đội Nam Hải sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại khu vực bãi cạn Scarborough – Hoàng Nham. Sau đó (14/5/2012), Thiếu tướng Hoàng Thiện Xuân, Chính ủy quân khu tỉnh Quảng Đông cũng chủ động bộc lộ ý đồ đánh Philippines – quân đội có đủ quyết tâm và năng lực bảo vệ Scarborough – Hoàng Nham.

Thiếu tướng Kim Nhất Nam, Giáo sư, Phó chủ nhiệm khoa Nghiên cứu Chiến lược của Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, Philippines nếu cứ tiếp tục sai lầm, không sứt đầu cũng mẻ trán. Thiếu tướng La Viện, Ủy viên Ủy ban Chính Hiệp, Phó bí thư đảng ủy Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc đủ sức chơi đến cùng với Philippines và không ngán Mỹ. Thiếu tướng không quân Kiều Lương, Phó chủ nhiệm Ủy ban chính sách an ninh quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh, Trung Quốc nên học Mỹ – cứ bỏ bom trước rồi nói nhầm sau. Thiếu tướng hải quân Trương Triệu Trung, Giáo sư, Phó chủ nhiệm khoa Trang bị khí tài và hậu cần quân sự của Trường đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, bảo vệ chủ quyền Biển Đông, Trung Quốc phải dám rút kiếm.

Ngày 29/4/2012, Bắc Kinh bác bỏ đề xuất quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines, đồng thời đưa tàu ngư chính hiện đại nhất (Ngư Chính 310, nặng 2.580 tấn, có thể đạt tốc độ tối đa 40km/giờ và đủ chỗ cho 2 máy bay trực thăng) tới khu vực tranh chấp để diễu võ giương oai. Những việc làm của Trung Quốc đã bộc lộ rõ mưu đồ độc bá Biển Đông của họ.

Ngày 23/6/2012, phát biểu trước việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh: “Huyện đảo Hoàng Sa là một bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam và trực thuộc quyền quản lý hành chính của TP Đà Nẵng. Chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng hết sức bất bình trước việc Trung Quốc quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Hoàng Sa. Quyết định này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị về pháp lý. Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ quyết định sai trái và phi pháp này, không có thêm hành động làm tổn hại đến quan hệ hai nước, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và tình cảm của nhân dân TP Đà Nẵng”.

Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Cần khẳng định lại rằng, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Hồng Thất Công – Tuấn Quỳnh

Năng lượng Mới số 132, ra thứ Ba ngày 26/6/2012

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc