Trung Quốc xa rời phương châm ngoại giao “giấu mình, chờ thời”

10:28 | 19/06/2012

1,482 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kể từ khi Trung Quốc tiến hành cuộc cách mạng cải cách kinh tế, phương châm ngoại giao “giấu mình, chờ thời” luôn được giới lãnh đạo Trung Quốc triệt để thực hiện. Nhưng với tiềm lực quân đội Trung Quốc đã phát triển quá xa tới mức không thể “giấu giếm” và tham vọng của Trung Quốc trở nên quá cấp thiết tới mức không thể trì hoãn thì chính sách này đang dần trở nên lỗi thời.

“Giấu mình, chờ thời”, kim chỉ nam một thời trong ngoại giao Trung Quốc

Trong những năm trước khi Trung Quốc thực sự trở thành một cường quốc về kinh tế và quân sự, kim chỉ nam cho mọi chính sách đối ngoại của Trung Quốc luôn là là phương châm “giấu mình, chờ thời” của công trình sư vĩ đại cho quá trình đổi mới của Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.

Phương châm này đã được thể hiện rõ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Bắc Kinh đã chọn giải pháp ngoại giao kinh tế kết hợp với tăng cường tầm ảnh hưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và châu Âu. Giới lãnh đạo Trung Quốc đã tận dụng triệt để sức mạnh kinh tế để thuyết phục cộng đồng thế giới rằng sự trỗi dậy mạnh mẽ của quốc gia cận – siêu cường này sẽ tạo ra một khuôn khổ hợp tác đôi bên cùng có lợi, cụ thể trong lĩnh vực kinh doanh và thương mại, mà không gây phương hại tới bất kỳ quốc gia nào.

Để minh chứng cho việc Trung Quốc vẫn tiếp tục trung thành với phương châm “giấu mình, chờ thời”, tại Lễ bế mạc Hội nghị các nhà ngoại giao Trung Quốc vào tháng 7/2009, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thêm một lần nữa tái khẳng định phương châm đối ngoại của Đặng Tiểu Bình, song còn nhấn mạnh hơn “Trung Quốc nhất định phải giấu mình, chờ thời”.

Trung Quốc có tham vọng bá quyền không chỉ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Với việc nhấn mạnh này, Hồ Cẩm Đào muốn truyền đi một thông điệp với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng đang lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, rằng Trung Quốc không hề nuôi ý định bành trướng mà Trung Quốc đang “trỗi dậy hòa bình”, cho dù Trung Quốc đang có bước tiến nhảy vọt cả về kinh tế và quân sự. Bằng những thành tựu đã đạt được về mọi mặt, Trung Quốc sẽ chủ động theo đuổi mục đích phù hợp với địa vị cao hơn cho Trung Quốc.

Từ những phát biểu này có thể thấy rằng Bắc Kinh sẽ dồn hết sức vào mục tiêu cơ bản là phát triển kinh tế. Trong một bài phân tích trên tạp chí Triển vọng kinh tế của Trung Quốc, nước này tuyên bố sẽ theo đuổi “học thuyết kinh tế tập trung vào ngoại giao” nhằm thông qua “các biện pháp chính trị phục vụ cho mục đích kinh tế” và ngược lại. Nhưng với những động thái của Trung Quốc thời gian qua khiến dư luận quốc tế phải đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc vẫn đang thực sự trung thành với phương châm “giấu mình, chờ thời”?

Những dấu hiệu cho thấy sự chấm dứt của một phương châm nền tảng đã kéo dài 3 thập kỷ qua

Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng những phát biểu của giới lãnh đạo Trung Quốc chỉ là những lời lẽ nhằm xoa dịu dư luận. Phương châm “giấu mình, chờ thời” gần như đi vào quên lãng hoặc đơn giản là trở nên không hoạt động bởi vì tiềm lực quân đội Trung Quốc đã phát triển quá xa tới mức không thể “giấu giếm” và tham vọng của Trung Quốc trở nên quá cấp thiết tới mức không thể trì hoãn, điều này khiến các nước hết sức lo ngại về “hiểm họa Trung Quốc”. Có nhiều biểu hiện chứng tỏ Trung Quốc ngày càng xa rời phương châm “giấu mình, chờ thời”.

Nói không đi đôi với làm

Tại Biển Đông, mọi thứ hoàn toàn khác biệt với những phát biểu về “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Trong hơn 20 tháng qua, những xung đột giữa các tàu Trung Quốc với tàu Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc và Philippines về chủ quyền hàng hải tại vùng biển có trữ lượng tài nguyên dồi dào này chính là biểu hiện điển hình về sự chấm dứt trong chính sách “giấu mình, chờ thời” của Trung Quốc, đặc biệt là thái độ hung hăng của Trung Quốc trong vụ cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam vào tháng 6 năm ngoái và những đối đầu căng thẳng với Philippines về chủ quyền với bãi Scarborough trong những tuần liên tiếp vừa qua.

Tăng cường sức mạnh răn đe bằng vũ lực

Ross Babbage, một nhà phân tích quân sự và là người sáng lập ra Trung tâm Nghiên cứu Canberra thuộc Quỹ Kokoda, một trung tâm nghiên cứu chính sách an ninh độc lập đã phát biểu rằng: “Trung Quốc không phải là những gì ta thấy vào 20 năm trước. Hiện tại, Trung Quốc hoàn toàn khác biệt. Các nhà hoạch định chính sách đặt ra câu hỏi với tốc độ phát triển hiện tại của Trung Quốc thì điều gì sẽ xảy ra trong 20 năm tới?”

Cho tới năm 2012, theo như tuyên bố chính thức của Trung Quốc, tất cả các khoản chi tiêu quốc phòng của nước này là khoảng 160 tỷ USD. Mỹ có mức chi tiêu quốc phòng gấp khoảng 4,5 lần Trung Quốc nhưng với xu hướng hiện tại thì chi tiêu quốc phòng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2035.

Theo Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược (CSBA) nhận định về những trang thiết bị thiết yếu của Trung Quốc có thể triển khai trong vòng 10 năm tới, bao gồm: vệ tinh và máy bay giám sát không người lái, hàng nghìn tàu đánh chặn tên lửa, hơn 60 tàu ngầm tàng hình thông thường và 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân, máy bay chiến đấu tàng hình có người lái và không người lái, kỹ thuật chiến tranh không gian và công nghệ cao.

Đặc biệt, Trung Quốc còn ý định xây dựng hệ thống phòng thủ chống tiếp cận (A2/AD), hệ thống này sử dụng các điểm phòng thủ trên mặt đất, tàu đánh chặn tên lửa, phát triển các hạm đội tàu ngầm và vệ tinh để phá hủy hoặc vô hiệu hóa từ xa khả năng thâm nhập quân sự của các nước khác.

Tại Tây Thái Bình Dương, hệ thống A2/AD đồng nghĩa với việc nhằm vào các hạm đội tàu sân bay của Mỹ và các căn cứ không quân trên các đảo Okinawa và Guam. Điều này khiến cho sự hiện diện của Mỹ tại châu Á trở nên tốn kém hơn và bị nhiều đe dọa hơn, do đó các đồng minh của Mỹ ở châu Á sẽ không thể dựa vào sức mạnh Mỹ để ngăn chặn sự gây hấn hay chiến đấu với hệ thống vũ khí ngày càng tinh vi, hiện đại của Trung Quốc. Điều này cũng cho phép Trung Quốc lập lại những đe dọa dùng vũ lực với Đài Loan nếu hòn đảo này tuyên bố độc lập.

Trung Quốc gây lo ngại cho phần còn lại của thế giới không chỉ bởi phạm vi xây dựng quốc phòng mà còn vì sự thiếu thông tin về việc Trung Quốc sẽ sử dụng quân đội như thế nào. Định hướng Chiến lược Quốc phòng của Mỹ cũng chỉ rõ những lo lắng: “Sự tăng trưởng tiềm lực quốc phòng Trung Quốc nhất thiết phải đi cùng với sự minh bạch hơn về các mục tiêu chiến lược để tránh gây ra sự xung đột tại khu vực.”

Báo chí nhà nước Trung Quốc cổ súy cho các hoạt động gây hấn

Cùng với sự lớn mạnh về tiềm lực quân sự, Báo chí Trung Quốc cũng liên tục đưa ra những bài xã luận về khả năng dùng vũ lực của Trung Quốc trong tranh chấp với các nước láng giềng. Trong một bài xã luận trên tạp chí Global Times của Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc đã đưa ra lời cảnh báo đầy hiếu chiến: “Nếu các nước này không thay đổi cách cư xử với Trung Quốc, họ cần chuẩn bị sức mạnh của họng súng. Trung Quốc cần sẵn sàng cho điều này bởi vì đó có thể là cách duy nhất cho giải quyết tranh chấp trên biển”.

Đây không phải là tuyên bố chính thức nhưng mọi báo chí ở Trung Quốc đều có sự kiểm duyệt về mặt nội dung của nhà nước. Cách nói mềm mỏng của các quan chức ngoại giao có thể cảm thấy xấu hổ với bài xã luận mang tính thách thức trên Global Times. Nhưng thực sự, quan điểm của tờ báo này cũng không khác nhiều so với thái độ hung hăng của giới lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng tăng cường sức mạnh hải quân.

Thêm vào đó, trong một công bố năm 2005 của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) mang tên Khoa học về Chiến lược Quốc phòng, cũng thể hiện rõ thái động hung hăng của Trung Quốc. Tài liệu này nêu: “Chủ động trong quốc phòng là đặc điểm tối quan trọng của quân đội Trung Quốc”, nhưng nếu “kẻ thù xâm phạm tới lợi ích của Trung Quốc thì cũng đồng nghĩa với việc nổ súng trước” trong trường hợp này nhiệm vụ của PLA là “làm tất cả có thể để đánh bại kẻ thù bằng cách ra đòn phủ đầu.”

Với tất cả những gì Trung Quốc thể hiện trong thời gian qua có thể thấy Trung Quốc không còn kiên nhẫn để tiếp tục phương châm “giấu mình, chờ thời” mà Trung Quốc đang chủ động tìm kiếm tiếng nói lớn hơn trên trường quốc tế.

Trung Quốc “xù lông”, Mỹ có cớ chen chân vào châu Á

Để đáp lại gia tăng ảnh hưởng nhanh chóng của Trung Quốc, Mỹ đang nhanh chóng tìm cách tái bố trí lực lượng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mặc dù Trung Quốc đang gặp phải những khó khăn trong cuộc chiến tai Iraq và Afghanistan và việc Lầu Năm góc bị cắt giảm kinh phí chi tiêu quốc phòng.

Các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả những nước trước đây là đối thủ một thời hoặc có quan hệ không thân thiết với Mỹ cũng đang ủng hộ cái gọi là chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á của Mỹ. Philippines chính là một ví dụ điển hình, nước này đang hối thúc việc xây dựng quan hệ an ninh mật thiết hơn với Washington.

Chuyến thăm vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta tới Ấn Độ và Việt Nam là một phần trong chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương, điều này khẳng định rõ sự coi trọng của Mỹ với hai nhân tố có vai trò quan trọng tại khu vực này, đây không phải là đồng minh truyền thống của Mỹ nhưng hai quốc gia này có chung mối e ngại về sự tăng sức mạnh của Trung Quốc.

Tại vịnh nước sâu Cam Ranh, một căn cứ quân sự chính của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, ông Panetta cho rằng việc sử dụng cảng này có vai trò quan trọng với Lầu năm góc vì nước này sẽ chuyển nhiều tàu hơn tới châu Á. Sau đó, tại New Delhi, Panetta đánh giá quan hệ Trung Quốc – Ấn Độ đang cải thiện nhanh chóng và sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng là cần thiết để thúc đẩy an ninh khu vực và toàn cầu.

Sự tăng cường hợp tác của Mỹ sẽ gây ra nhiều lo ngại hơn cho Trung Quốc. Sự chuyển trọng tâm chiến lược và tái cam kết tăng cường quan hệ quân sự với các nước khu vực giành được sự ủng hộ từ các đồng minh quan trọng trong khu vực, thậm chí đối với cả những nước đang tăng trưởng quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Trong chuyến thăm tới Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith nói rằng sự hiện diện của Mỹ tại châu Á là một động lực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng từ khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Ông phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Trung Quốc “Australia sẵn sàng đón nhận một thực tế rằng không chỉ có Mỹ tiếp tục quá trình tham dự này mà Australia cũng sẽ thúc đẩy quá trình đó.” Smith nhấn mạnh thương mại hai chiều giữa Australia – Trung Quốc đã đạt mốc 120 tỷ đô-la năm ngoái nhưng Canberra sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ quân sự với Mỹ, bao gồm việc tái bố trí 2.500 lĩnh Mỹ ở Australia.

Li Mingjiang, một giáo sư và là chuyên gia về chính sách an ninh Trung Quốc giảng dạy tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore phát biểu rằng: “Trong những năm gần đây, bởi vì những căng thẳng và tranh chấp trên Biển Đông, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á có vẻ như đang chào đón và ủng hộ chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại khu vực và điều hết sức khả thi là xu hướng này sẽ tiếp diễn trong những năm tới.”

Để khẳng định sự quan tâm thực sự của Mỹ với khu vực, trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã trình bày chi tiết về kế hoạch tái bố trí lực lượng quân sự của chính quyền Tổng thống Obama tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nhấn mạnh “không có bất cứ nhầm lẫn nào, một cách ổn định, thận trọng và vững chắc, quân đội Mỹ đang tái cân bằng và tăng cường phát triển năng lực tiềm tàng cho khu vực có vai trò tối quan trọng này.”

Một phần của kế hoạch chuyển trọng tâm sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã được Mỹ tiết lộ vào tháng 1 vừa qua, theo đó 60% số lượng tàu chiến của Mỹ sẽ được triển khai sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong khi con số hiện tại là 50%. Như vậy, khu vực này sẽ có sự hiện diện của 6 tàu sân bay và phần lớn các tàu tuần tiễn, tàu khu trục, tàu chiến nhỏ và tàu ngầm của Mỹ.

Việc Mỹ thúc đẩy quan hệ với quân sự các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang tạo thành một vòng kiềm tỏa, vây chặt Trung Quốc từ Tây Thái Bình Dương, qua Đông Á, Nam Á tới Ấn Độ Dương.

Học thuyết “hiểm họa Trung Quốc” sẽ là một thách thức không nhỏ với tương lai cận siêu cường Trung Quốc

Chính sách ngoại giao “giấu mình, chờ thời” giúp Trung Quốc làm dịu đi mối quan ngại về “hiểm họa Trung Quốc” và từng bước vươn lên vị trí cao hơn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, với những gì thể hiện thời gian qua có thể thấy rõ rằng Trung Quốc không còn mặn mà với phương châm ngoại giao này.

Trung Quốc nhận thấy rằng họ đã đủ mạnh để thách thức vị trí thống trị toàn cầu của Mỹ và họ sẵn sàng phô trương sức mạnh trong các cuộc đụng độ với các nước láng giềng về các vấn đề liên quan tới tranh chấp chủ quyền. Sự va chạm giữa Trung Quốc với các nước láng giềng đã tạo điều kiện để chính quyền Obama tái khẳng định tham vọng “trở lại châu Á” tạo ra làn sóng mới mà Bắc Kinh coi đó như “chính sách ngăn chặn chống lại Trung Quốc”.

Do vậy, trong tương lai thì học thuyết “hiểm họa Trung Quốc” sẽ là một thách thức không nhỏ đối với tham vọng bá quyền của cận siêu cường Trung Quốc.

Khôi Nguyên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc