Hy vọng gì từ vòng đàm phán hạt nhân mới với Iran?

19:00 | 27/02/2013

1,152 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ðại diện ngoại giao 6 cường quốc thế giới - Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ðức - đã khởi sự cuộc đàm phán cấp cao lần thứ tư về chương trình hạt nhân với phái đoàn Iran hôm qua tại Almatiy, Kazakhstan.

 

Phiên họp trong vòng đàm phán cao cấp lần thứ tư giữa các cường quốc thế giới và Iran về vấn đề hạt nhân của nước này, 26/2

Tuy nhiên, giới quan sát không lạc quan hy vọng là cuộc họp dự trù trong hai ngày này sẽ đem đến một sự khai thông về vấn đề phát triển hạt nhân của Iran. Các nhà thương thuyết phương Tây cho biết đã đem đến nhiều đề nghị cụ thể mà Iran có thể chấp nhận được. Các nhà ngoại giao nhận xét là những cuộc thảo luận tại Kazakhstan khởi đầu “hữu ích” nhưng không công bố chi tiết về những đề nghị.

Phái đoàn Iran do ông Saeed Jail, Tổng thư ký Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Tối Cao, dẫn đầu, dành một ngày để nghiên cứu những đề nghị mới do phương Tây đưa ra, mà nếu chấp nhận sẽ giảm bớt được các biện pháp cấm vận đã làm suy sụp nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này.

Michael Mann, phát ngôn viên của bà Catherine Ashton, Bộ trưởng đối ngoại Liên minh châu Âu - người dẫn đầu cuộc thương lượng - nói rằng: “Ðã có những thảo luận hữu ích xung quanh các đề nghị ấy”.

Mehdi Mohammadi, một thành viên phái đoàn Iran cho biết cũng sẽ đưa ra đề nghị để khai thông bế tắc, nhưng tỏ ra vẫn không chấp thuận một số những đòi hỏi căn bản của phương Tây.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry tuyên bố với các phóng viên ở Berlin, Đức: “Ðề nghị của chúng tôi bao gồm những biện pháp đáp ứng để khuyến khích Iran có những bước tiến mới. Tôi hy vọng Iran sẽ lựa chọn và tiếp tục theo con đường ngoại giao này”.

Tại Almaty đã có những cuộc gặp gỡ song phương ngắn ngủi giữa các phái đoàn Iran và Nga, Trung Quốc, Anh, Ðức nhưng không có tiếp xúc nào với Mỹ và Pháp.

Thật ra không ai tin sẽ có khai thông quan trọng ở cuộc đàm phán này nhất là khi Iran đang chuẩn bị cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6/2013 và mọi nhượng bộ sẽ được đánh giá là biểu lộ sự yếu kém. Tuy vậy, người ta hy vọng sẽ có được một vài thỏa thuận của Iran để chứng tỏ rằng họ sẵn sàng tuân hành đòi hỏi, để đổi lại việc giải tỏa phần nào những biện pháp cấm vận đã làm GDP giảm 8%, lạm phát trầm trọng và thất nghiệp tăng cao.

Bà Catherine Ashton, Đại diện đối ngoại EU, đúng chụp hình lưu niệm với ông Saeed Jaili, Tổng thư ký Hội Ðồng An Ninh Tối Cao Iran, trước khi khởi sự vòng đàm phán cấp cao thứ tư giữa các cường quốc thế giới với Iran về vấn đề phát triển hạt nhân, tại Almaty, Kazakhstan hôm 26/2

Iran nói chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình, nhưng Mỹ và những cường quốc thế giới khác nghi ngờ Iran dùng chương trình hạt nhân để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Cơ quan Nguyên tử Quốc tế mới đây nói rằng Iran đã bắt đầu thiết đặt các lò ly tâm đời mới tại cơ sở tinh chế uranium ở Natanz, một hành động mà các giới chức Mỹ cho là có tính “khiêu khích”.

Phiên họp tại Kazakhstan đánh dấu lần đầu tiên trong 8 tháng, các bên tụ tập để thảo luận với nhau.

Trong mấy năm vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran trong nỗ lực nhằm tăng áp lực với nước này để Teheran chấm dứt chương trình hạt nhân.

Một số nước khác, kể cả Mỹ, cũng áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt của riêng họ.

S.Phương (Theo AFP)

 

Diễn biến liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran trong năm 2012

Tháng 1: Cơ Quan Nguyên Tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Iran tinh chế uranim tới 20%.

Tháng 2: Các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc chấm dứt thảo luận tại Tehran mà không được thanh sát cơ sở quân sự bị tranh chấp tại Parchin.

Tháng 3: Các cường quốc đồng ý mở lại thảo luận với Iran, dịp này, Iran hứa sẽ để cho các thanh sát viên tới Parchin, có điều kiện đi kèm.

Tháng 4: Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tỏ quyết tâm Iran không từ bỏ quyền theo đuổi chương trình hạt nhân.

Tháng 5: Các giới chức Liên minh châu Âu thảo luận với Iran tại Baghdad và tìm thấy một số điểm chung.

Tháng 6: Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ, và Đức hội họp với Iran tại Matxcơva.

Tháng 7: Liên minh châu Âu bắt đầu cấm toàn bộ nhập khẩu dầu của Iran, Mỹ nới rộng các biện pháp chế tài.

Tháng 9: IAEA đòi tới thanh sát cơ sở Parchin, Iran gọi các biện pháp chế tài của Liên minh châu Âu là “vô trách nhiệm”.

 

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc