Iran lách cấm vận của phương Tây để xuất khẩu dầu

07:00 | 28/02/2013

1,054 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hãng Reuters ngày 26/2 dẫn lời giới quan chức thuộc những nước áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran cho biết Tehran đang sử dụng các tàu chở dầu cũ, thu được từ bãi phế liệu thông qua môi giới nước ngoài, để chuyển dầu tới Trung Quốc và "lách" khỏi các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

 

Các tàu chở dầu cũ bị cáo buộc đã nhận dầu của Iran khi đang thả neo tại vùng Vịnh

Các quan chức này nói rằng việc sử dụng các tàu chở dầu được mua với số tiền chỉ nhỉnh hơn so với giá trị lượng nguyên liệu thô dùng để đóng tàu là biện pháp mới của Iran nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, lợi dụng kẽ hở của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với Iran.

Theo tài liệu về việc vận chuyển hàng hóa trên biển mà các quan chức đưa ra, 8 tàu chở dầu - mà mỗi một tàu trong số này có thể vận chuyển số thùng dầu gần bằng sản lượng mỗi ngày của ngành xuất khẩu dầu thô Iran trước khi chịu ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt - đã nhận dầu của Iran ngay trên biển. Các thiết bị dò tìm dấu vết công khai và các dữ liệu khác cũng trùng khớp với các tài liệu cũng như cáo buộc trên. Một quan chức nói: "Các tàu chở dầu đã được sử dụng để chuyên chở dầu thô của Iran. Đó là một phần trong chiến lược nhằm qua mặt các biện pháp trừng phạt".

Dimitris Cambis - một doanh nhân người Hy Lạp hồi năm 2012 mua 8 tàu chở dầu thô cỡ lớn này, còn được gọi là VLCCs, để chở dầu thô của Trung Đông tới châu Á - đã thẳng thừng phủ nhận thông tin cho rằng ông có thực hiện các giao dịch liên quan tới Tehran hay đang bí mật vận chuyển dầu mỏ của quốc gia này tới Trung Quốc.

Cambis cho biết trong khoảng thời gian từ tháng 8-11/2012, ông đã mua tổng cộng tám chiếc tàu Leycothea, Glaros, Nereyda, Ocean Nymph, Seagull, Zap, Ocean Performer và Ulysses. Năm chiếc đầu tiên đang thuộc sự điều hành của doanh nghiệp mà ông đứng đầu là Vận tải đường biển Sambouk tại Sharjah, và hiện ông đang tiến hành các thủ tục để chuyển đổi quyền sở hữu đối với ba tàu còn lại.

Cambis cho biết trước đây ông không liên quan tới các hoạt động vận chuyển bằng đường biển song đã mua các tàu chở dầu này vì đó là một phần công việc kinh doanh của ông tại Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Ông phủ nhận việc giao dịch với Iran, mặc dù ông cũng có các đầu mối liên lạc tại quốc gia này từ khi còn làm việc trong lĩnh vực dầu mỏ. Doanh nhân này phủ nhận thông tin cho rằng các tàu mà ông sở hữu đã nhận dầu của Iran khi đang thả neo tại vùng Vịnh. Người ta có thể dễ dàng xóa dấu vết của STS - hoạt động vận chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác, do thủy thủ đoàn có thể tắt thiết bị phát tín hiệu hoặc không cập nhật vị trí theo từng thời điểm nhằm che giấu việc có tàu khác tới gần.

Cambis cũng giải thích rằng việc một trong số các tàu chở dầu của ông dừng chân tại Iran, mà dữ liệu dò tìm công khai đã phát hiện ra, thực chất là chỉ nhằm mục đích sửa chữa khẩn cấp chứ không phải là để nhận dầu.

Trước cáo buộc của các quan chức cho rằng các tàu này đã nhận dầu mỏ từ các tàu Iran thuộc sở hữu của Tập đoàn Vận tải NITC Tehran, Cambis trả lời phỏng vấn Reuters tại Athens rằng: "Không hề có bất kỳ tàu Iran nào thực hiện hoạt động STS với chúng tôi. Chúng tôi không làm gì liên quan tới NITC".

Các nước phương Tây đã đưa Tập đoàn NITC vào danh sách đen và EU cũng cấm hoàn toàn việc cung cấp bảo hiểm cho vận tải đường biển có thể phục vụ Iran. Việc chấm dứt chứng nhận vận tải đường biển cho nhà cung cấp hàng đầu là Iran - điều kiện cần thiết để cập cảng, cũng như việc loại các tàu vận tải của quốc gia Hồi giáo này khỏi các giao dịch quốc tế đã khiến hoạt động thương mại dầu mỏ của Tehran phải đối mặt với nhiều thách thức. Mặc dù trong những tháng gần đây NITC đã tăng cường số tàu chuyên chở, song giới chuyên gia cho rằng việc sử dụng các tàu chở dầu nước ngoài có thể sẽ là "lối thoát" để Tehran linh hoạt hơn trong việc duy trì ngành xuất khẩu dầu thô.

Việc chuyển hàng trên biển sẽ cho phép các tàu nhận hàng mà không phải nhập cảng quốc gia chủ sỡ hữu hàng hóa. Các quan chức cho rằng các tàu chở dầu cũng được Iran sử dụng như những kho chứa dầu trên biển, để sau đó vận chuyển sang các tàu khác và che giấu xuất xứ.

Các quan chức tại Iran từ chối đưa ra bình luận về các cáo buộc nêu trên.

Các chuyên gia về luật trừng phạt nói rằng với các hoạt động bên ngoài tầm kiểm soát của Liên minh châu Âu (EU), các chủ tàu không có nghĩa vụ phải tuân theo các quy định cấm doanh nghiệp EU mua dầu từ Iran, mặc dù các ngân hàng và công ty bảo hiểm có liên quan tới EU hoặc Mỹ đều tránh xa các công ty mà họ nghi ngờ là có giao dịch với Iran, do lo ngại ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt trong quyền hạn của Mỹ và EU. Một thương nhân nhận định: "Các tàu như vậy sẽ được sử dụng để xóa dấu vết nơi diễn ra một thương vụ nào đó".

Theo giới phân tích, mặc dù Iran có riêng một hạm đội tàu chở dầu với sức chứa hơn 72 triệu thùng dầu, song với 2 triệu thùng dầu mà mỗi một trong số tám tàu chở dầu nói trên có thể vận chuyển sẽ là một sự đóng góp hữu ích đối với ngành xuất khẩu của Tehran, nhất là do các chủ tàu và hoạt động kiểm soát có yếu tố nước ngoài có thể giúp che giấu nguồn gốc thực của dầu thô Iran, giúp mặt hàng này dễ dàng tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm, tài chính và tàu bè khác, vốn đang bị siết chặt do các biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ.

Scott Lucas, chuyên gia nghiên cứu về Iran tại Đại học Birmingham, nhận định: "Điều quan trọng đối với Iran là “kháng cự” như tuyên bố của lãnh đạo tối cao nước này về một nền kinh tế tự lực cánh sinh để chống lại các thách thức (từ bên ngoài). Hiện Iran không phải là một nền kinh tế chú trọng tăng trưởng, mà là một nền kinh tế cần nỗ lực và tránh sụp đổ từ bên trong".

Trong lúc này, cuộc đàm phàn về chương trình hạt nhân của Iran vừa kết thúc tại Kazakhstan. Kết thúc cuộc hội đàm với các đại diện của nhóm P5+1, trung gian quốc tế về chương trình hạt nhân Iran, phái đoàn Iran cho biết họ không nghe thấy đề xuất mới nào ở Kazakhstan. Thông tin từ kênh truyền hình Iran Press TV, trích dẫn nguồn trong phái đoàn Iran. AFP đề cập nguồn tin phương Tây cho hay, nhóm P5+1 đề nghị hủy một số biện pháp trừng phạt liên quan tới các ngành hóa dầu và ngân hàng đổi lấy sự nhượng bộ từ Tehran. Nhưng đáp lại, phía Iran tuyên bố không chấp nhận đóng cửa tổ hợp hạt nhân ở Fordo và ngừng hoạt động làm giàu uranium.

Các bên hoàn thành cuộc đàm phán hôm qua sau hai giờ thảo luận. Đại diện của Iran và nhóm P5+1 (gồm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) đã đồng ý tổ chức cuộc đàm phán ở cấp chuyên gia tại Istanbul.

Th.Long (Theo Reuters)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc