Xung quanh cuộc chiến chống IS:

IS đã tấn công nước Úc?

11:17 | 15/12/2014

1,610 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang chia rẽ về chiến lược thì nhóm IS đã tiến hành phản công ngay tại chính các nước tham gia liên minh.

IS phản công phương Tây

Các con tin bị khủng bố bắt giữ trong một quán cafe ở giữa trung tâm Sydney, Úc, sáng 15/12.

IS bắt con tin ngay tại Sydney

Sáng nay 15/12, truyền thông Úc đưa tin, nhiều con tin đã bị bắt giữ trong quán cafe Lindt Chocolat Cafe ở Martin Place, trung tâm thành phố Sydney.

Hình ảnh từ hiện trường qua cửa sổ của quán cho thấy có ít nhất 3 con tin giơ tay đầu hàng. Lực lượng chức năng Úc lo ngại đây là một vụ tấn công có liên quan tới các phần tử Hồi giáo do người ta cũng nhìn thấy qua cửa sổ một lá cờ màu đen có dòng chữ Arập. Lá cờ này cũng được giơ lên sau lưng các con tin. Các nhân chứng cho hay đã nghe thấy nhiều tiếng súng nổ, có thể là súng ngắn. Số con tin bị bắt giữ có thể lên tới hàng chục người.

Ngay lập tức, hàng chục nhân viên cảnh sát Úc được trang bị vũ khí hạng nặng với quần áo bảo hộ đã tới phong tỏa hiện trường. Người dân được khuyến cáo tránh xa khu vực này. Cảnh sát cũng chặn các tàu và xe bus. Các nhà điều hành tàu cho biết đã có một lời đe dọa đánh bom tại Martin Place.

Sáng nay Thủ tướng Úc Tony Abbott đã triệu tập khẩn cấp Ủy ban An ninh Quốc gia về vụ bắt cóc con tin. Tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Abbott nêu rõ: "Rõ ràng, đó là một vụ việc rất đáng quan ngại, song tất cả người dân Úc cần được trấn an rằng các cơ quan thực thi luật pháp và an ninh của chúng ta được huấn luyện, trang bị tốt và họ đang xử lý vụ việc một cách triệt để và chuyên nghiệp".

Liên minh chống IS chia rẽ

Trong khi đó, cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria của liên minh do Mỹ đứng đầu vẫn chưa giành được thắng lợi cuối cùng. Lý do là vì liên minh này đang bị phân tán.

Tại cuộc họp mới đây ở Bruxelles, các thành viên NATO và các nước tham gia chống IS đã thể hiện rõ hơn sự khác biệt trong chiến lược chống IS.

Trước tiên là Mỹ, nước cầm đầu liên quân, với việc Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel từ chức. Nguyên nhân là do ông Hagel muốn tham chiến mạnh hơn ở Syria trong khi đó thì Nhà Trắng và các cố vấn của Tổng thống Obama lại đặt trọng tâm ở chiến trường Iraq. Và việc thay đổi Bộ trưởng quốc phòng cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục tập trung ở Iraq. Mỹ làm như vậy cũng có lý của mình vì nước này đã đóng quân lâu ở Iraq và hiểu rõ tình hình ở đó. Hơn nữa, chủ lực của IS lại nằm ở Iraq.

Iran cũng đã tham gia không kích trên lãnh thổ Iraq và đã đẩy lùi được IS ở nhiều địa điểm. Như vậy, vô tình IS đã đẩy Mỹ và Iran về một chiến tuyến. Thế nhưng, Iran là đồng minh của chính quyền Syria, vì thế Mỹ cũng khó lòng tập trung đánh vào chiến trường Syria.

Trong khi đó, thì đồng minh của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ lại ngày đêm mong muốn lật đổ Tổng thống Syria Bachar al Assad. Thổ Nhĩ Kỳ có đường ranh giới khá dài với Syria, và muốn thành lập vùng đệm và khu vực cấm bay ở ranh giới để tiếp nhận người chạy loạn từ Syria. Thế nhưng Mỹ lại không tha thiết với ý định này, đồng thời Mỹ cũng không muốn làm mất lòng Iran, một đối tác quan trọng trong cảnh dầu sôi lửa bỏng ở Iraq. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ chưa chấp nhận cho Mỹ sử dụng một căn cứ quân sự quan trọng của nước này.

Về phần mình, các nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu như Pháp, Anh hay Tây Ban Nha thì muốn tập trung giải quyết mặt trận Syria trước. Các nước châu Âu cho rằng, sẽ không có chiến thắng quyết định nếu không giành được chiến thắng tiên quyết tại Syria, bởi vì lực lượng IS khi bị sức ép ở Iraq thì rút về ẩn trên đất Syria, chưa kể việc Syria là địa điểm chiêu mộ và điểm tập kết của các chiến binh Hồi giáo cực đoan từ khắp nơi trên thế giới của IS.

Hiện tại, các nước châu Âu chỉ mới có mặt trên chiến trường Iraq trong khi đó thì những nước Arập trong khu vực như Arập Xê út, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất hay Bahrein thì chỉ hiện diện ở Syria. Điểm chung duy nhất giữa họ hiện tại là chỉ can thiệp trên không chưa dùng tới bộ binh.

Chính phủ Assad tại Syria nhân tình hình lộn xộn đã ra quân tấn công nhiều địa điểm trọng yếu và đẩy lùi quân nổi dậy ở nhiều nơi. Điều đó làm cho các nước chống Assad cảm thấy tức giận.

Còn đối với quân đội Iraq, dù được Mỹ tăng cường hỗ trợ, nhưng hiện vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Tình trạng tham nhũng đang gây suy yếu quân đội nước này. Hiện có khoảng 50.000 vị trí “ma” trong quân đội Iraq, tức là có tên trên danh sách tiền lương nhưng không có mặt trên thực tế. Đây là một nguồn thu bất chính khổng lồ cho các quan chức cấp cao của quân đội Iraq.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc