Israel và Palestine - Vòng luẩn quẩn tiếp diễn

09:52 | 08/07/2014

708 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ sát hại ba thanh niên Israel bị bắt cóc đã đặt lãnh thổ Palestine vào nguy cơ gia tăng xung đột.

Người nhà nạn nhân chôn cất các thanh niên bị sát hại sau khi bị bắt cóc vào ngày 12/6 vừa qua

Trong suốt gần ba tuần Israel đã nín thở và cầu nguyện cho cuộc sống của ba chàng trai của người Do Thái, hai người 16 tuổi và một người 19 tuổi, những người đã bị bắt cóc vào ngày 12/6 vừa qua bởi những kẻ không rõ danh tính, được cho là chiến binh Palestine. Các chàng trai bị bắt cóc nói trên đã đi nhờ xe từ trường đại học của họ ở Hebron, thành phố lớn nhất của Palestine trên Bờ Tây, trở về cộng đồng người Do Thái ở Gush Etzion phía nam Jerusalem.

Khi thi thể của họ được tìm thấy tại một cánh đồng gần nơi họ đã bị bắt cóc vào ngày 30/6 vừa qua, một làn sóng giận dữ đã nổi lên trên phạm vi toàn đất nước Israel, cùng với đó là nguy cơ bùng nổ bạo lực giữa những người Israel và Palestine vốn đã có nhiều ân oán khi lực lượng an ninh của Israel thể hiện thái độ trả đũa trong quá trình tìm kiếm nạn nhân và kẻ bắt cóc.

David Lau, Trưởng giáo sĩ Do Thái, đã ca ngợi các sinh viên bị bắt cóc là những người "tử vì đạo" đã "tham gia vào một danh sách dài những người thánh thiện và tinh khiết đã bị sát hại trong suốt tiến trình lịch sử đau đớn của người Do Thái".

Trong khi gia đình các nạn nhân chôn cất các chàng trai trong sự tiếc thương, sự giận dữ của người dân Israel đã lên tới đỉnh điểm. Hàng trăm người đã chạy điên cuồng trên các đường phố chính của Jerusalem, một số hô vang "Cái chết cho người Arập". Người Palestine bị tấn công trong các xe điện kết nối các khu định cư Do Thái và Arập ở vùng ngoại ô với trung tâm thành phố; những người Arập thì bị tấn công trong các cửa hàng và nhà hàng nơi họ làm việc.

Một cảnh sát Israel tại Jerusalem cố gắng giải cứu người Arập bị tấn công đã bị đẩy lùi bởi một đám đông trong khi nữ sinh Israel hét lên yêu cầu anh nhìn đi chỗ khác. Những người điều khiển xe điện được yêu cầu không dừng lại ở vùng ngoại ô Palestine phía đông Jerusalem vì sợ rằng các cuộc đụng độ xảy ra.

Một cậu bé Palestine bị đẩy vào một chiếc xe hơi ở Beit Hanina, một vùng ngoại ô của người Palestine ở Jerusalem, và bị giết chết trong một khu rừng, bằng chứng rõ ràng của một cuộc tấn công trả thù. Thủ tướng Israel, Binyamin Netanyahu, đã lên án các vụ giết người là "ghê tởm" và kêu gọi tất cả các bên "không tự ý thi hành pháp luật". Nhiều người lo sợ các cuộc bạo loạn sẽ nổ ra sau đám tang của cậu bé.

Các nhà lãnh đạo Israel buộc tội cơ quan an ninh đã làm việc yếu kém. Cho đến nay, các cơ quan trên vẫn thất bại trong việc bắt hai người đàn ông Palestine được cho là nghi phạm chính. Cả hai đều là thành viên cấp thấp của phong trào Hồi giáo Hamas. Nhiều người Palestine nói rằng cặp đôi trên là thành viên của một nhóm riêng biệt. Một trong số đó đến từ một trong những gia tộc lớn nhất tại Hebron, Qawasmehs, gia tộc đã không chỉ cung cấp cho Hamas một số lượng không nhỏ những kẻ đánh bom tự sát mà còn cho thấy khả năng hoạt động độc lập của mình, đặc biệt là khi Hamas đàm phán ngừng bắn hoặc đồng ý với các thoả thuận nhượng bộ - ví dụ như việc ủng hộ chính phủ đoàn kết của Palestine gần đây. Tuy nhiên, ông Netanyahu có vẻ quyết tâm đổ lỗi cho lãnh đạo Hamas khi cảnh báo rằng, chúng sẽ "trả giá" cho vụ bắt cóc. Vài giờ sau khi vụ sát hại đã được công bố, máy bay Israel đã tấn công dải Gaza, vùng trong quyền kiểm soát của Hamas. Người  Palestine đã bắn hàng chục quả tên lửa từ vùng đất ven biển vào Israel.

Một số người định cư khác, với mục đích bành trướng, đã tấn công các khu định cư mới, trong đó bao gồm một khu nằm trong hành lang E1 đầy tranh cãi phía đông của Jerusalem, một khu định cư mà nếu trở thành một đô thị hoàn chỉnh, sẽ có hiệu lực chia Bờ Tây, cốt lõi của nhà nước Palestine tương lai, ra làm đôi. "Chính phủ chẳng làm gì cả" - một người định cư vừa khóc vừa nói: "Chúng ta phải hành động".

Trên thực tế, quân đội Israel đã ráo riết săn tìm thủ phạm. Liên Hiệp Quốc cho biết kể từ khi vụ bắt cóc, ít nhất mười người Palestine, trong đó có hai người dưới 18 tuổi, đã bị sát hại ở Bờ Tây. Quân đội đã bắt giữ 530 người Palestine, tăng gấp đôi số người bị giam giữ không qua xét xử. Khoảng một nửa trong số 1.000 người Palestine được trả tự do vào năm 2011 để đổi lấy Gilad Shalit, một binh sĩ Israel đã bị bắt bởi Hamas vào năm 2006, đã được đưa trở lại sau song sắt.

Quân đội Israel cũng đã quay trở lại với việc tấn công doanh trại của các chiến binh, một chiến thuật đã không được sử dụng kể từ cuộc nổi dậy cuối cùng của Palestine vào năm 2005. Các lực lượng an ninh Israel đã bao vây khu vực xung quanh Hebron. Khoảng 23.000 người Palestine địa phương đã bị ngăn cản không thể đến được nơi làm việc tại Israel. Một loạt các tổ chức từ thiện từng được điều hành bởi Hamas đã bị đóng cửa và một nhà máy sữa với hàng trăm người Palestine, đã bị phá hủy. Cư dân  tại Hebro bị ngăn cản khi đi du lịch ở nước ngoài. Theo lời giải thích của một sĩ quan quân đội, Israel phải giảm thiểu tối đa rủi ro những kẻ bắt cóc có thể trốn thoát.

Nhằm tìm cách ngăn chặn sự tàn phá tiếp tục lan rộng, Mahmoud Abbas, người đứng đầu Chính quyền Quốc gia Palestine, một chính quyền tạm thời nắm giữ một phần quyền lực tại Bờ Tây, kêu gọi người Palestine cảm thông cho nỗi thống khổ của Israel. "Các thanh niên cũng là con người, giống như chúng ta", ông nói, trước khi nghe về cái chết của họ. Nhưng lòng thương xót của ông đã dấy lên sự chỉ trích trong lòng dân chúng Palestine khi nhiều người cáo buộc ông đã thoả hiệp.

Theo nhiều người Palestine, các chàng trai bị bắt cóc không có bất cứ quyền nào được sống ở Bờ Tây. Và trong con mắt của người Palestine, sự trả thù của những người Israel, bao gồm cả số người chết, đã nặng hơn tội giết người. Các đồng nghiệp của ông Abbas giữ thái độ im lặng; một số thậm chí còn tham gia chỉ trích ông chủ của mình.

Thật vậy, sau khi một thanh niên Palestine bị sát hại trong một vụ ẩu đả tại trại tị nạn Al Amari gần Ramallah, người biểu tình đã đốt một trạm cảnh sát và một xe ôtô của lực lượng an ninh Palestine. Những người bất mãn ngày càng gia tăng tại Bờ Tây phàn nàn rằng các lực lượng an ninh Palestine đã bảo vệ Israel chống lại các cuộc biểu tình của Palestine  chứ không bảo vệ người Palestine trước các cuộc tấn công của Israel. "Tại sao ông ta (ông Abbas) không trở nên giống như người Israel và bảo vệ chính mình đi?" - một sinh viên tại Ramallah mỉa mai.

Kẹp giữa sự tức giận sôi sục của người dân Palestine và sự phụ thuộc trên lĩnh vực an ninh vào Israel cũng như sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài nhằm giữ cho chính quyền hoạt động, ông Abbas có rất ít đất để thực hiện các kế hoạch của mình. Viện trợ phương Tây, dù suy giảm đáng kể từ năm 2008, có thể giảm mạnh nếu Quốc hội Mỹ, tức giận bởi việc sát hại ba sinh viên, thực hiện lời đe dọa ngừng tiếp tế của mình. "Thế giới thực sự thích việc Israel là nạn nhân", Qaddura Faris, một thành viên cấp cao trong đảng Fatah, đảng phái chính trị của ông Abbas cho biết.

Nhằm để xoa dịu các nhà tài trợ nước ngoài của mình, ông Abbas đang thực hiện chiêu bài thỏa thuận với Hamas hai tháng trước, theo đó những người Hồi giáo và đảng Fatah cùng ủng hộ một chính phủ mới. Quốc hội Palestine, được cho là sẽ mở lại vào ngày 01 tháng 7 theo thỏa thuận này, vẫn còn đóng cửa. Một số quan chức của Fatah, từ trước đến nay luôn tỏ thái độ miễn cưỡng hợp tác với Hamas, mặc nhiên đồng ý với người Israel rằng các nhà lãnh đạo của Hamas có thể đã đưa ra những cái gật đầu cho những kẻ bắt cóc, hy vọng sẽ sử dụng các học sinh bị bắt cóc như một con bài mặc cả để có được nhiều tù nhân Palestine được giải phóng hơn. Các nhà lãnh đạo Hamas đã hành động khó hiểu khi một mặt nhấn mạnh rằng họ vô tội, mặt khác ca ngợi hành vi của những kẻ bắt cóc là hành vi "dũng cảm".

Dù cho ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ giết người, ông Netanyahu dường như chắc chắn sẽ sử dụng chúng như là lý do để tấn công Hamas ở cả hai vùng lãnh thổ Palestine với hy vọng rằng chính phủ thống nhất, một chính phủ mà Mỹ hoan nghênh một cách thận trọng, sẽ sụp đổ. Và cũng không kém phần chắc chắn rằng sẽ ngày càng có nhiều người Palestine cổ vũ cho những hành động đáp trả một cách bạo lực.


Phúc Lê