10 năm sau cuộc chiến Iraq:

"Khẩu súng bốc khói" ở đâu?

07:00 | 30/01/2013

1,215 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ở thời điểm 2002, CIA gần như mù tịt về vũ khí giết người hàng loạt (WMD) của Saddam.

>> Những bí mật của một cuộc chiến (Bài 1): Những phác thảo đầu tiên

>> Những bí mật của một cuộc chiến (Bài 2): Thành Baghdad được CIA mua với giá bao nhiêu?

 

 

Những bí mật của cuộc chiến (Bài 3): “khẩu súng bốc khói” ở đâu?

 

ản báo cáo chính thức Đánh giá tình báo quốc gia (NIE) vào tháng 12/2000 kết luận rằng, Saddam có một kho nhỏ chất hóa sinh. Thông tin trên dựa chủ yếu vào sự chênh lệch giữa báo cáo Iraq với thanh sát viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) và hồ sơ ghi nhận số vũ khí - hóa chất được tiêu hủy sau đó (theo yêu cầu LHQ). Tuy nhiên, ở thời điểm 2002, CIA gần như mù tịt về vũ khí giết người hàng loạt (WMD) của Saddam. Trước sức ép một số thành viên Dân chủ, Hội đồng tình báo quốc gia - NIC (gồm đại diện các cơ quan an ninh Mỹ) bắt đầu rà soát lại thông tin tình báo liên quan…

Phải có “bằng chứng” chứ?!

Ngày 21/12/2002, Giám đốc CIA George Tenet và (Phó giám đốc CIA) John E. McLaughlin vào Phòng Bầu Dục để trình bày vấn đề WMD. Cuộc họp ngoài Tổng thống Bush còn có Phó tổng thống Dick Cheney, Cố vấn An ninh quốc gia Condoleezza Rice và Chánh văn phòng Nhà Trắng Andrew H. Card Jr. Sau khi nghe McLaughlin trình bày, ông Bush lộ vẻ thất vọng, tương tự Andrew Card.

Nói theo thuật ngữ thương mại, “món” này sẽ chẳng thể bán buôn gì được! ông quay sang Tenet: “Tôi được báo cáo nhiều về WMD. Hóa ra bằng chứng tốt nhất của chúng ta chỉ bấy nhiêu thôi ư?”. Thật bất ngờ, từ vị trí cuối phòng, Tenet nhỏm dậy, giơ tay và nói: “Chắc cú mà!”. Ông Bush hỏi vặn: “George, chắc như thế nào?”. “Đừng lo, chắc mà!”.

Sự khẳng định của George J. Tenet khiến mọi người bất ngờ. Sau đó, theo yêu cầu của ông Bush, Tenet lập báo cáo 40 trang, gửi đến Nhà Trắng ngày 22/1/2003, làm cơ sở cho thông tin báo chí. Ông Bush đưa báo cáo trên cho vài luật sư để xem xét có chỗ sơ hở nào không. Trong số những người được đưa, có Stephen J. Hadley (phó của bà Condoleezza Rice; tốt nghiệp Đại học Luật Yale 1972) và Lewis Libby (tùy viên Cheney; tốt nghiệp Đại học Luật Columbia 1975).

Tính từ ngày bắt đầu cuộc chiến (20/3/2003) đến khi quân đội Mỹ triệt thoái khỏi Iraq (15/12/2012), với 8 năm, 8 tháng, 3 tuần và 4 ngày, quân đội Mỹ đã thiệt mạng 4.487 và bị thương 32.226 người

Cuối cùng, sau khi đến CIA trực tiếp đối chất vài viên chức, ngày 25/1/2003, Lewis Libby tiến hành buổi báo cáo trong phòng tình huống, với tham dự của Rice, Thứ trưởng Ngoại giao Richard L. Armitage, Giám đốc Thông tin Nhà Trắng Dan Bartlett và chuyên gia soạn diễn văn Michael Gerson. Mục đích cuộc họp là cùng soạn thảo thông tin xào nấu về WMD để công bố chính thức cho báo chí. Bà Rice đề nghị giao phần việc thông tin dư luận cho ông Powell và nhất thiết phải trình bày trước LHQ…

Đầu tháng 1/2001, trước khi ông Bush tổ chức lễ đăng quang tổng thống, Phó tổng thống Dick Cheney gửi một thông điệp cho Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm ông William S. Cohen: “Chúng tôi thật sự cần báo cáo vài điều cho tổng thống tân cử” và vấn đề thảo luận hàng đầu sẽ là Iraq. Từng ngồi ghế Bộ trưởng Quốc phòng thời Bush-cha, ông Cheney tỏ ra ấm ức trước sứ mạng dang dở trong cuộc chiến vùng Vịnh lần một. Với Cheney, vấn đề LHQ, cuộc chiến ngoại giao và sự kiên nhẫn là những điều không nằm trong quan điểm hành xử của ông.

Ngày 27/8/2002, tờ New York Times đăng hàng tít: “Cheney nói rằng, hiểm họa một vụ tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân sẽ củng cố ý kiến đánh Iraq của Mỹ”. Ông Powell chết điếng. Trước đó, Phó tổng thống còn đọc bài diễn văn trước cựu chiến binh tại Nashville, nói rằng, nên dẹp quách tiến trình thanh sát vũ khí Iraq. Cheney là người đầu tiên khẳng định chắc chắn: “Không hoài nghi gì nữa, Saddam Hussein đang sở hữu vũ khí giết người hàng loạt; không hoài nghi gì nữa, hắn sẽ sử dụng để chống lại bạn hữu chúng ta, chống lại đồng minh chúng ta và chống lại chúng ta”.

Tối 6/9/2002, trong phiên họp giữa các bộ trưởng liên quan ngành an ninh tại trại David, ông Cheney tiếp tục đề cập một nghị quyết LHQ mới và tất cả những gì Bush trình bày trước Đại hội đồng LHQ sẽ chỉ là sự nhấn mạnh về hình ảnh xấu xa của Saddam, kẻ vi phạm hàng loạt nghị quyết LHQ trong nhiều năm; và rằng Mỹ có quyền quyết định đơn phương…

22 giờ ngày 18/3/2003 (giờ Việt Nam), Mỹ chính thức tuyên bố Washington hủy kế hoạch đưa ra nghị quyết thứ hai về vấn đề Iraq; 23 giờ, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell tái khẳng định trong cuộc họp báo ngắn; 0 giờ, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan ra lệnh rút tất cả nhân viên LHQ làm việc tại Iraq.

1 giờ sáng 19/3/2003, Chủ tịch Hạ viện Anh (nguyên Ngoại trưởng) Robin Cook từ chức, phản đối sự tham chiến của Anh; 3 giờ, Ngoại trưởng Anh Jack Straw tường trình Quốc hội; 8 giờ, Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố trên truyền hình tối hậu thư yêu cầu Tổng thống Iraq Saddam Hussein rời bỏ đất nước nếu không muốn đối đầu Mỹ trên mặt trận quân sự. Cánh cửa ngoại giao cuối cùng đã đóng lại…

Bằng chứng… “bốc hơi”!

“Smoking gun” (khẩu súng bốc khói) - được hiểu như là “bằng chứng hiển nhiên” - đã trở thành một trong những từ xuất hiện nhiều nhất được Nhà Trắng dùng trước cuộc chiến Iraq để khẳng định sự tồn tại của chương trình vũ khí giết người hàng loạt Iraq. Cuối cùng, hơn một năm sau cuộc chiến Iraq, ngày 6/10/2004, CIA buộc phải công bố chính thức bản báo cáo 1.500 trang cho thấy Iraq không có vũ khí cấm vào thời điểm Mỹ thực hiện cuộc chiến “giải giáp Saddam Hussein”.

Một năm trước cuộc chiến Iraq, giới chức Washington liên tục nhấn mạnh mối đe dọa hòa bình thế giới từ kho vũ khí giết người hàng loạt (WMD) của Saddam Hussein. Tháng 8/2002, Phó tổng thống Dick Cheney nói rằng, “không lâu nữa”, Saddam Hussein sẽ có “bom nguyên tử”. Tháng sau, tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống George W. Bush nhấn mạnh gần như chẳng còn gì nghi ngờ về sự đầu tư vũ khí hạt nhân của Saddam Hussein.

Tiếp đó, Dick Cheney lại trình bày rằng, tình báo Mỹ đã nắm trong tay “bằng chứng không thể tranh cãi”, với hàng ngàn ống nhôm được chế tạo đặc biệt cho sản xuất uranium. Ngay lập tức, “khẩu súng bốc khói” này - những cái ống nhôm - được trình làng như bằng chứng rõ nhất về âm mưu đeo đuổi đến cùng WMD của Saddam Hussein.

Iraq 10 năm sau khi Saddam bị lật đổ vẫn chìm trong bạo lực…

Tuy nhiên, trong phóng sự khoảng 10.000 từ đăng trên số ra ngày 3/10/2004, New York Times đã cho thấy, chính không ít thành viên nội các Bush từng biết rằng, “khẩu súng bốc khói” của họ chẳng có giá trị gì. Đầu năm 2001 - theo New York Times - Cố vấn An ninh quốc gia Condoleezza Rice đã được một số chuyên gia thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, các ống nhôm trên có thể chỉ được dùng sản xuất tên lửa nhỏ chứ không thể cho vũ khí hạt nhân.

Theo một báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ, tình báo Mỹ từng nghe phong thanh vào năm 2001 rằng, Iraq định mua 60.000 ống nhôm siêu bền từ Hongkong. Chế tạo từ hợp kim nhôm đặc biệt 7075-T6, ống nhôm này có thể thích hợp làm thiết bị quạt cho quá trình ly tâm sản xuất uranium. Đó là lý do Iraq từng bị cấm mua nhôm 7075-T6 và nó cũng là lý do một chuyên gia phân tích CIA tên “Joe” (New York Times không nêu rõ họ) lập tức lên tiếng báo động.

Một trong những báo cáo tuyệt mật của Joe gửi đến Nhà Trắng vào ngày 10/4/2001 đã viết rằng, các ống nhôm siêu bền của Iraq được dùng chẳng cho mục đích nào khác ngoài chương trình làm giàu uranium. Tuy nhiên, ngay hôm sau, Bộ Năng lượng Mỹ nhấn mạnh rằng, các ống nhôm Iraq hoàn toàn không thích hợp cho quá trình sản xuất uranium (quá hẹp, quá nặng và quá dài cho công nghệ ly tâm sản xuất uranium). Ngoài ra, nếu để phục vụ chương trình WMD, Iraq chẳng dại gì mua nhôm 7075-T6 công khai trên thị trường nước ngoài.

Năm 1996, thanh tra Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã xem xét một số ống nhôm tương tự (cũng làm bằng nhôm 7075-T6) tại một nhà máy quân đội Iraq; và theo IAEA, khoảng 66.000 trong số ống nhôm này là loại có chiều dài 900mm, đường kính 81mm và dày 3,3mm (loại ống nhôm mà Iraq tính mua từ Hongkong có kích cỡ tương tự).

Báo cáo này được nêu trên Daily Intelligence Highlight (9/5/2001) - bản tin nội bộ tuyệt mật của Bộ Năng lượng - nhằm khẳng định các ống nhôm chỉ thích hợp cho sản xuất tên lửa nhỏ. Tuy nhiên, Joe vẫn không được thuyết phục và tình báo Mỹ bắt đầu thực hiện chiến dịch bí mật rình tịch thu các ống nhôm Iraq mua từ nước ngoài.

Tháng 6/2001, một chuyến hàng như vậy được bắt ở Jordan. Một lần nữa, chuyên gia Bộ Năng lượng vẫn phản bác lập luận rằng, các ống nhôm được dùng cho sản xuất WMD (nhóm chuyên gia Bộ Năng lượng đều là những nhà khoa học hàng đầu Mỹ về khoa học hạt nhân). Ngày 17/10/2001, nhóm chuyên gia đệ trình báo cáo Technical Intelligence Note, phân tích kỹ về các ống nhôm. Về kích thước, các ống nhôm hoàn toàn khác với loại mà Iraq từng sử dụng cho công nghệ ly tâm trước cuộc chiến vùng vịnh 1991.

Thành ống nhôm dày gấp ba lần loại thích hợp cho công nghệ ly tâm chế tạo uranium - báo cáo viết. Ngoài ra, loại ống nhôm trên - được phủ lớp hóa chất đặc biệt nhằm hạn chế ảnh hưởng thời tiết - càng không thích hợp cho công nghệ ly tâm (bởi lớp phủ có thể tạo phản ứng hóa học với khí uranium). Tất nhiên, nhiều viên chức tình báo Mỹ và thậm chí cả Anh đã không bị thuyết phục bởi báo cáo Bộ Năng lượng. Không chỉ chuyện ống nhôm.

Ngày 12/2/2002, Phó tổng thống Dick Cheney đọc một báo cáo từ Cơ quan Quân báo (thuộc Lầu Năm Góc) về vụ Iraq có kế hoạch mua 500 tấn “bánh vàng” (yellowcake - uranium tinh chất) từ Niger. Vụ này “ly kỳ” còn gấp nhiều lần.

Sáng 2/1/2001, cảnh sát Italia được thông báo, Tòa Đại sứ Niger tại Rome bị đột nhập. Không có gì quan trọng bị mất (chỉ một đồng hồ và hai lọ nước hoa!). Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy bọn đạo chích đã lục tung giấy tờ và quẳng bừa trên sàn.

Vài tháng sau, Cơ quan Tình báo Italia (SISME) tịch thu một bao tài liệu từ một nhà ngoại giao châu Phi. Có chữ ký vài viên chức Chính phủ Niger, tài liệu trên cho thấy vài thông tin liên quan một thương vụ uranium giữa Niger với Iraq. Hí hửng trước mẻ lưới lớn, tình báo Italia thông báo cho đồng sự Mỹ và Anh. Tuy nhiên, vụ việc không có giá trị như một “quả bom mà chỉ ở mức như điếu xì gà đang cháy” - Newsweek viết.

Bộ tài liệu, gồm vài lá thư đề từ tháng 7 đến tháng 10/2000, hóa ra là đồ dỏm! Vậy mà ông Bob Joseph, thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia, từng đề nghị đưa chi tiết uranium - Niger vào thông điệp liên bang mà Tổng thống Bush đọc vào ngày 28/1/2003. Đến tháng 2/2003, CIA mới nhận được bộ tài liệu Italia (từ Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo rằng, vụ uranium - Niger “rất đáng ngờ”). Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng trao bộ tài liệu Ý cho IAEA. Chỉ hai giờ sau, IAEA đã phát hiện đó là bộ tài liệu ngụy tạo để chơi xỏ Mỹ (đến nay, vẫn chưa biết ai thực hiện)!  

Chỉ hơn một năm sau cuộc chiến, gần như mọi khuất tất xung quanh nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến Iraq đã được mang ra ánh sáng. Iraq không có WMD (sau cuộc chiến vùng vịnh 1991), chẳng hề liên quan vụ khủng bố 11/9 và rõ ràng rằng việc “tước vũ khí nguy hiểm” và “loại trừ hiểm họa đe dọa nước Mỹ” nhằm vào Saddam chỉ là cái cớ.

Tuy nhiên, ngày 3/10/2004, cố vấn an ninh quốc gia Condi Rice tiếp tục trình bày rằng: “Đến giờ, tôi vẫn ủng hộ tính đúng đắn của việc quyết định xem xét nghiêm túc đánh giá tình báo rằng, Saddam Hussein có thể có vũ khí hạt nhân đến cuối thế kỷ này, nếu Mỹ không hành động ngăn chặn!”.

Ngọc Trí

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc