Amur trong cuộc chạy đua tàu ngầm châu Á

08:51 | 14/06/2012

1,241 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần đây, một tờ báo Đài Loan (EpochTimes) đưa tin Nga đã đến Việt Nam để chào bán tàu ngầm loại Amur thuộc thế hệ thứ 4 hết sức hiện đại. Chưa rõ thực hư ra sao, nhưng giới phân tích đánh giá sự hiện diện của cái tên mới này là bằng chứng nữa cho thấy cuộc chạy đua mua sắm tàu ngầm ở châu Á đang trở nên rất sôi động.

Đàn em hiện đại của tàu ngầm Kilo

Tàu ngầm Amur là phiên bản dành riêng cho hoạt động xuất khẩu của tàu ngầm loại Lada, còn được gọi là tàu St. Petersburg thuộc Dự án 677. Trong khi đó, tàu Lada lại là bản nâng cấp cao độ của tàu Kilo thuộc Dự án 636.

Việc thai nghén con tàu đã bắt đầu từ năm 1989, khi Viện Thiết kế hải dương Rubin ở St. Petersburg được Hải quân Nga trao cho hợp đồng thiết kế một mẫu tàu ngầm chạy điện diesel thế hệ thứ tư. Rubin hoàn tất việc thiết kế trên toàn bộ gia đình Ladap-Amur với lượng giãn nước từ 550-1.850 tấn.

Sankt-Petersburg (B-585), chiếc tàu ngầm loại Lada-Amur duy nhất có trong trang bị của Hải quân Nga

Việc đóng con tàu đầu tiên của Dự án Lada-Amur là Sankt-Petersburg (B-585) đã được triển khai từ tháng 12/1997. Được hạ thủy vào tháng 10/2004. Con tàu này được bàn giao cho Hải quân Nga vào tháng 4/2010 và chính thức đi vào hoạt động 1 tháng sau đó. Tiếp nối sự kiện này, Hải quân Nga đặt xưởng đóng tàu Admiralty làm thêm 2 chiếc nữa, với ý định sẽ đưa từ 4-6 chiếc vào hoạt động trong năm 2015. Hải quân Nga đặt ra mục tiêu đóng tổng cộng 8 chiếc Lada.

Tới cuối năm 2011, người Nga muốn bán Lada ra ngoài thế giới với tên gọi Amur. So với Lada, các tàu Amur nhỏ hơn một chút, nhưng thiết kế của chúng là một. Nó là tàu ngầm thuộc thế hệ thứ 4, với hai mẫu tàu khác nhau là Amur-1650 – phiên bản lớn nhất, bên cạnh phiên bản Amur-950 nhỏ hơn.

Về cơ bản, các tàu này có tải trọng 970 tấn, chiều dài 58,8m, chiều rộng 5,56m, cao 6,4m. Giống như Lada, Amur kết hợp nhiều công nghệ đã được chứng minh trên Dự án 636 Kilo, đáng chú ý là lớp phủ bên ngoài chống tiếng động và chân vịt 7 cánh xiên thiết kế đặc biệt để giảm tiếng ồn. So với Kilo, Amur có lượng giãn nước nhỏ hơn nên khó phát hiện hơn. Việc trang bị động cơ đẩy khí độc lập AIP đời mới khiến tốc độ của nó cũng tăng lên so với Kilo, từ 19-21 hải lý. Hành trình của tàu khi sử dụng tốc độ tiết kiệm là 3 hải lý mỗi giờ. Độ sâu tối đa mà tàu có thể lặn là 250m. Việc tự động hóa cao độ khiến thủy thủ đoàn giảm từ 52 xuống còn 35 người, họ có thể sống liên tục 45 ngày dưới nước trong mỗi lần ra khơi làm nhiệm vụ.

Amur được quảng bá có trang bị hệ thống kiểm soát chiến đấu tự động Litiy cực kỳ hiện đại. Hệ thống này kiểm soát toàn bộ hoạt động chiến đấu và kỹ thuật của tàu và đặc biệt có khả năng phát hiện các chuyển động tĩnh lặng nhất của địch thủ từ khoảng cách lớn. Ngoài ra, Amur được trang bị hệ thống chiến tranh chống ngầm ASW, hệ thống chiến tranh mặt nước AsuW toàn diện. Sức mạnh của tàu nằm ở 4 ống phóng ngư lôi 533mm, với khả năng mang theo 18 quả ngư lôi các loại hoặc tên lửa bắn đi từ ống phóng ngư lôi. Nó cũng có 10 ống phóng thẳng đứng, chứa tên lửa hành trình Club-S phóng từ tàu ngầm. Club-S mang đầu đạn nặng tới 400kg và có thể tấn công các mục tiêu trên biển hoặc trên đất liền với khoảng cách tới 300km. Kho vũ khí đa dạng khiến Amur có thể tham gia các cuộc chiến chống tàu ngầm hoặc các mục tiêu nổi, bảo vệ căn cứ hải quân, tiến hành trinh sát và tuần tra.

Tính tới giữa năm 1999, chưa có khách hàng nào hứng thú với Dự án Amur 1650. Nhưng tình hình đã thay đổi trong thời gian gần đây. Vừa qua, trang tin Ria Novosti nói rằng, nước Nga với khả năng phát triển công nghệ dưới nước hiện đại, vẫn đang đóng một vai trò lớn tại thị trường tàu ngầm châu Á. Nga đã cung cấp tàu ngầm loại Kilo cho Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và còn đang đàm phán để chế tạo 2 chiếc Kilo cho Indonesia. Trang tin này nói rằng, một số khách hàng đã tỏ ra hứng thú với chiếc Amur. Loại tàu này nổi tiếng vì khả năng hoạt động tĩnh lặng trong khi giá tương đối rẻ so với các tàu cùng loại như Type 212 của Đức và Scorpene của Pháp – Tây Ban Nha sản xuất. Ngoài ra, tàu của Nga trang bị vũ khí mạnh hơn so với các đối thủ.

Lợi thế có một không hai của tàu ngầm

Thực tế các nước ở châu Á không chỉ quan tâm tới Amur mà còn để mắt tới nhiều loại tàu ngầm khác nhau, trong một làn sóng sắm sửa thứ vũ khí này đang bùng nổ tại đây. Trong một nghiên cứu đăng trên mạng shpmedia.com mang tựa đề “Các lực lượng tàu ngầm châu Á đang trỗi dậy”, tác giả Kelvin Fong đánh giá châu Á, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương, được bao quanh bởi một địa hình nhiều biển nên việc kiểm soát biển là yêu cầu hết sức quan trọng với các quốc gia trong khu vực và tàu ngầm được xem là vũ khí chiến lược để đạt mục tiêu này. Tàu ngầm có vai trò quan trọng trong phòng thủ biển bởi chúng khó có thể bị phát hiện, khó bị tiêu diệt, do nằm sâu dưới đáy biển. Ngay cả những con tàu ngầm chạy điện diesel sử dụng công nghệ tương đối thấp vẫn mang lại lợi thế so với lực lượng hải quân lớn hơn của đối phương.

Đã có thời gian, việc mua tàu ngầm là giấc mơ lớn của một số nước châu Á. Giá cao, song hành với chi phí lớn để cho một đội tàu ngầm hoạt động và sự thiếu các học thuyết chiến tranh cho phép sử dụng tàu ngầm đã khiến họ trì hoãn mua sắm thứ vũ khí này suốt một thời gian dài. Nay, với nhiều loại tàu ngầm hiện đại, đa năng và quan trọng nhất là giá rẻ xuất hiện, việc sắm lấy một đội tàu ngầm đã nằm trong tầm với của hải quân nhiều nước châu Á.

Mô hình phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm Lada-Amur

Ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia, Singapore, Indonesia gần đây đều đã đặt mua các loại tàu ngầm chạy điện diesel. Thái Lan cũng có thể theo chân các nước này trong tương lai gần. Nhu cầu sử dụng tàu ngầm của các nước này đều rất lớn. Đơn cử như Indonesia, một quốc gia có vùng biển rộng lớn, nhưng hiện chỉ được bảo vệ bởi 2 chiếc tàu ngầm Type 209 do Đức sản xuất. Hồi năm 2006, 2 con tàu này mới được Công ty Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME) tân trang và nâng cấp trong bản hợp đồng trị giá 60 triệu USD.

Một số nguồn tin cho biết Indonesia hứng thú với việc mua 2 tàu ngầm loại 1200 Chang Bogo do Hàn Quốc sản xuất. Đây thực tế là mẫu tàu Type 209 do Hàn Quốc mua bản quyền từ Đức mang về đóng. Nhưng nếu muốn thương vụ này hoàn tất, Indonesia sẽ phải xin phép Đức trước để giải quyết vấn đề bản quyền. Ngoài ra, cũng có tin nói Indonesia đang cân nhắc việc mua các tàu ngầm loại Kilo hoặc Amur từ Nga hoặc Type 214 từ Đức. Kế hoạch của nước này là mua tới 12 chiếc tàu ngầm trước năm 2024 và trong giai đoạn đầu tiên, Indonesia sẽ mang về 3 chiếc tàu ngầm.

Sau thời gian dài cân nhắc, tới tháng 6/2011, Indonesia đã gạt Nga ra khỏi danh sách lựa chọn, do các tàu ngầm của Nga quá to đối với đất nước có nhiều đảo này. Tới tháng 12 cùng năm, Indonesia chính thức ký hợp đồng với DSME để mua 3 tàu ngầm Chang Bogo, trong bản hợp đồng trị giá 1,07 tỉ USD. Dự kiến Indonesia sẽ nhận các con tàu với 8 ống phóng ngư lôi và tên lửa này trong giai đoạn 2015-2016.

Một cuộc đua mang tầm châu lục

Tại Malaysia, Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) mới mua tàu ngầm Scorpene từ Công ty đóng tàu DCNS. 2 chiếc tàu đã được RMN đặt mua từ ngày 5/6/2002 trong một hợp đồng trị giá 1,04 tỉ euro. Chúng được trang bị ngư lôi điều khiển bằng dây dẫn Blackshark và tên lửa đối hạm Exocet SM-39.

Tháng 3/2009, chiếc Scorpene đầu tiên mang tên KD Tunku Abdul Rahman đã về tới căn cứ quân sự Port Klang, sau hành trình dài 54 ngày từ Pháp. Tuy nhiên sự cố và nhiều vấn đề khác nhau xuất hiện trên những con tàu thứ nhất, như việc nó không thể lặn xuống nước và sự cố trong hệ thống làm mát, đã khiến việc bàn giao con tàu thứ hai bị trì hoãn.

Tên lửa hành trình Club-S tầm bắn 300km sẽ được trang bị trên tàu ngầm Amur

Trước khi xảy ra sự cố, có tin Malaysia đã muốn mua thêm nhiều mẫu tàu ngầm tương tự, bao gồm loại tàu ngầm Andrasta mới nhất và có nhiều đặc điểm tương đồng với Scorpene về linh kiện và thiết kế. Việc Malaysia muốn sắm thêm tàu ngầm cũng chỉ vì một lý do duy nhất: 2 con tàu Scorpene sẽ không đủ để tuần tra các vùng biển thuộc lợi ích của nước này, vốn trải dài trên một diện tích rất rộng.

Ở Singapore, từ tháng 9/1995, hải quân nước này đã đặt mua 4 tàu ngầm huấn luyện loại Sjoormen chuyên phục vụ huấn luyện từ Hải quân Hoàng gia Thụy Điển. Mỗi con tàu đã nhiệt đới hóa này, ngoài việc giúp đào tạo các thế hệ thủy thủ điều khiển tàu ngầm lão luyện, còn tăng cường khả năng tổ chức chiến tranh chống ngầm của Singapore.

Dù đã cao tuổi, 4 chiếc tàu ngầm này vẫn được đánh giá rất cơ động, do thiết kế của nó phù hợp để hoạt động tại các chiến dịch diễn ra ở vùng nước nông, giống với vùng biển xung quanh Singapore.

Tới năm 2005, Singapore đã tiến hành thủ tục để mua 2 chiếc tàu ngầm loại Vastergotland của Thụy Điển. Sau hơn 20 năm phục vụ trong Hải quân Thụy Điển, các tàu ngầm này đã được hiện đại hóa, nhiệt đới hóa rồi chuyển cho Singapore, lần lượt vào ngày 16/6/2009 và 2/12/2011. Giống tàu Amur, các tàu ngầm Vastergotland có hệ thống động cơ đẩy khí độc lập, qua đó giúp giảm tiếng ồn, giảm tín hiệu âm, tăng cường khả năng tàng hình. Hệ thống sonar hiện đại giúp tàu có thể phát hiện mục tiêu ở cực ly lớn, trong khi hệ thống ngư lôi và điều khiển bắn của tàu có khả năng bắt bám mục tiêu chính xác hơn, giúp nó có thể bắn từ cự ly xa hơn.

Các nước cuối cùng có ý định mua sắm tàu ngầm ở Đông Nam Á là Thái Lan và Philippines. Hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN) đã rất hứng thú với việc trang bị khả năng chiến đấu dưới mặt nước. Mặc dù các kế hoạch mua sắm tàu ngầm đã bị loại bỏ sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1997, nhiều lãnh đạo RTN vẫn bày tỏ ý định mua sắm tàu ngầm. Hồi năm 2003, Thái Lan nói họ đang xem xét mẫu tàu của 4 nhà thầu khác nhau. Đã có lúc người ta cho rằng, Thái Lan muốn mua các tàu ngầm Amur của Nga hoặc Song của Trung Quốc. Tuy nhiên cho tới nay, sự phát triển lực lượng tàu ngầm của RTN vẫn chỉ dừng lại ở giai đoạn lên kế hoạch. Về phía Philippines, trong kế hoạch “Sail Plan 2020”, nước này cũng có nhắc tới việc mua sắm tàu ngầm. Mặc dù các vấn đề tài chính đã cản bước kế hoạch này, nhưng các tranh chấp gần đây với Trung Quốc ở Biển Đông có thể sẽ buộc Philippines phải thúc đẩy nhanh hơn nữa việc sắm tàu ngầm.

Quan sát hoạt động mua sắm tàu ngầm ở châu Á nói chung, khu vực quanh Biển Đông nói riêng, một số nhà quan sát nói rằng, cơn sốt mua sắm tàu ngầm có thể mang tới những tác động trái chiều như vấn đề chi phí, khả năng xảy ra tai nạn trong lúc hoạt động ở vùng nước nông… Thế nhưng họ cũng đồng tình rằng, sức hấp dẫn của tàu ngầm là rất lớn, nằm ở khả năng “tàng hình” dưới đáy biển, sự cơ động và tính răn đe do chúng mang lại. Quả thực, những chiếc tàu ngầm chạy điện diesel như Amur, với hệ thống động cơ đẩy khí độc lập hiện đại, hệ thống radar tiên tiến và kho vũ khí đồ sộ nào mìn, nào ngư lôi và tên lửa đối hạm, sẽ khiến cho ngay cả các con tàu chiến hiện đại nhất cũng phải chùn bước khi cảm thấy sự có mặt của nó ở gần.

Hương Giang

Năng lượng Mới số 128, ra thứ Ba ngày 12/6/2012