Libya một năm sau ngày "giải phóng"

11:00 | 09/01/2013

1,437 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Một năm sau khi phương Tây “giải phóng” người dân Libya khỏi chế độ M.Gaddafi, Libya giờ đây lại bên bờ vực nội chiến mới, và nguy hiểm hơn, tình trạng hỗn loạn đang lây lan sang các nước láng giềng.

>> Sự thật về Libya và Gadhafi

>> Bản chất thật của cuộc chiến ở Lybia: Chỉ là từ dầu mỏ

>> Vì sao Gaddafi phải chết?

>> "Làm cho khốc hại chẳng qua vì… dầu!”

Một năm sau ngày chế độ Gaddafi bị lật đổ, tình trạng hỗn loạn đang bao trùm Libya

 

Ngày 4/1, một sĩ quan quân đội Libya bị sát hại tại khu vực Sidi Faraj, thuộc thành phố Benghazi, trong làn sóng tấn công của các lực lượng dân quân chống chính phủ nhằm vào các biểu tượng của chính quyền mới. Chỉ trước đó 2 ngày, chỉ huy đơn vị cảnh sát điều tra tội phạm ở Benghazi cũng đã bị một nhóm dân quân bắt cóc.

Tháng 11/2012, chỉ huy lực lượng cảnh sát Benghazi Faraj Drissi đã bị bắn chết ngay trước cửa nhà riêng. Trong 16 tháng qua, thành phố Benghazi - nơi khởi nguồn của phong trào nổi dậy lật đổ chế độ Gaddafi - liên tục chứng kiến các cuộc tấn công và thanh toán lẫn nhau chủ yếu nhằm vào các sĩ quan quân đội và người nước ngoài, các quan chức chính quyền mới, các nhà báo tự do và các chỉ huy lực lượng an ninh.

Trước tình trạng hỗn loạn đó, ngày 4/1, khoảng 2.000 người Libya đã xuống đường biểu tình tại thành phố Benghazi đòi giải tán các nhóm dân quân vũ trang, đồng thời yêu cầu sa thải những kẻ tội phạm hình sự thân Gaddafi được cho là đang có mặt trong lực lượng cảnh sát nước này. Người biểu tình cáo buộc rằng chính những cảnh sát này đứng đằng sau nhiều vụ ám sát nói trên. Cũng với cáo buộc tương tự, các chỉ huy của quân nổi dậy chống Gaddafi đã từ chối gia nhập lực lượng quân đội hợp pháp và đòi "thanh lọc" hoàn toàn các quan chức chế độ cũ khỏi quân đội.

Người dân Libya hiện đang sống trong cảnh bất an do nguy cơ một cuộc nội chiến mới đang cần kề

Benghazi hiện không phải là nơi duy nhất "có vấn đề" tại Libya. Tháng 8/2012, Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đã phải ngừng hoạt động tại tỉnh Misrata cách thủ đô Tripoli 200km về phía đông sau khi xảy ra một vụ tấn công nhằm vào nơi ở của nhân viên tổ chức này.

Giai đoạn hậu Gaddafi đã chứng kiến làn sóng tàn sát và phân biệt chủng tộc lớn chưa từng thấy nhằm vào những người da đen, vốn bị cáo buộc đã tham gia chiến đấu bên cạnh các lực lượng dân quân thân Gaddafi trước đây.

Sau khi Gaddafi bị lật đổ, các lực lượng dân quân Hồi giáo Salafist và các lực lượng cách mạng khác có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã từ chối hạ vũ khí và quy thuận chính quyền mới có quan điểm ôn hòa song yếu ớt. Được bầu ra vào tháng 7/2012, chính quyền mới của Libya vẫn chưa thể kiểm soát được các mâu thuẫn nội bộ và gặp rất nhiều khó khăn trong việc khôi phục an ninh và lập lại trật tự trong các nhóm dân quân nổi dậy từng chiến đấu chống lại chế độ Gaddafi.

Cuộc tấn công đẫm máu nhất của các lực lượng Hồi giáo tại đất nước Libya “được giải phóng” ngày 11/9/2012 - cướp đi sinh mạng của 4 người Mỹ, trong đó có Đại sứ Chris Stevens - đã nêu bật một thực tế rằng cũng như ở Iran năm 1979 hay tại Iraq năm 1990, những người Hồi giáo chưa bao giờ có khái niệm về lòng biết ơn đối với các nhà tài trợ cũng như sự ủng hộ của phương Tây đối với họ.

Cũng tại "Libya tự do" này, nhiều cuộc tấn công khác - trong đó có các vụ đánh bom ám sát do lực lượng dân quân phiến loạn, các lực lượng Hồi giáo và các nhóm khủng bố tiến hành - đã sát hại hàng trăm nạn nhân xuất thân từ các cộng đồng dân tộc thiểu số (người da đen, người du mục Berber), các cộng đồng tôn giáo thiểu số, cũng như tất cả những người phản đối sự cai trị độc tài của lực lượng Hồi giáo cực đoan Salafi, những người đang muốn áp đặt các quy tắc của Luật Hồi giáo Sharia. 

Các cuộc xung đột bạo lực đã khiến hàng chục nghìn người Libya thiệt mạng và nhiều người bị thương. Tại thủ đô Tripoli và các vùng phụ cận, nhiều vụ đụng độ đã xảy ra, trong đó nghiêm trọng nhất là các cuộc giao tranh xung quanh sân bay quốc tế Tripoli giữa lực lượng quân đội Libya mới và các nhóm dân quân nhằm giành quyền kiểm soát địa điểm này.

Vào thời điểm này, các bộ tộc Toubou và Ouled Slimane vẫn đang giao tranh tại thành phố Sebha, thủ phủ vùng Fezzan cách Tripoli 700km về phía nam. Tại vùng đất này, tình trạng chia rẽ giữa các bộ tộc vẫn tồn tại dai dẳng và các vấn đề gây mâu thuẫn giữa họ vẫn chưa được giải quyết, đe dọa đến sự ổn định của Libya.

Các nhà cầm quyền mới của Libya đã không thể đạt được thỏa thuận với các nhà lãnh đạo bộ tộc vốn đang kiểm soát các "trung tâm cách mạng" trọng điểm như Benghazi, Misrata và Zintan. Nguy cơ Libya lâm vào một cuộc nội chiến lần thứ hai (và cả nguy cơ bị phân rã như ở Syria) giữa các lực lượng "cách mạng", giữa các bộ tộc thù địch và giữa các lực lượng dân chủ và các nhóm Hồi giáo cực đoan Salafist, chưa bao giờ rõ như lúc này.

 

Th.Long (Theo AFP, BBC)