Xung quanh thương vụ Trung Quốc mua Công ty Khai thác Dầu khí Canada:

Miếng ngon khó nuốt

07:00 | 22/12/2012

2,081 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Dư luận quốc tế trước và sau thương vụ Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mua lại Công ty Khai thác Dầu khí Nexen của Canada đều cho rằng, Trung Quốc đã “trúng lớn” vì có thể sẽ được thừa hưởng những công nghệ tiên tiến của phương Tây trong khoan thăm dò và khai thác dầu khí. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nói rằng Mỹ và Canada chẳng dễ gì “nhả” cho Trung Quốc thứ mà Bắc Kinh đang rất cần để làm cuộc cách mạng khí đốt.

Nhắm tới Biển Ðông?

Các công ty dầu khí Trung Quốc đang ngày càng mở rộng hiện diện trong thị trường khí đốt phi truyền thống toàn cầu. Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc đang đầu tư vào dự án chung với Công ty Canada Encana 2,2 tỉ USD, khai thác dự trữ khí đá phiến sét ở tỉnh Alberta của Canada. PetroChina cũng đã công bố việc mua lại cổ phần trong hai dự án về khai thác, hóa lỏng khí đốt từ vỉa than ở Australia và đã chi trả 1,63 tỉ USD. Ngoài ra, Trung Quốc đã sở hữu cổ phần trong các dự án với Mỹ, Anh và Australia để sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng, bao gồm cả từ khí đá phiến sét.

Tuần trước, các nhà chức trách Canada thông qua việc CNOOC mua lại Tập đoàn Canada Nexen với 15,1 tỉ USD. Tập đoàn này chuyên khai thác khí đốt ngoài khơi.

Theo đánh giá chung thì trong các dự án này, điều trước hết mà Trung Quốc cần là công nghệ, thứ sẽ giúp Trung Quốc tiến hành cuộc cách mạng khí đốt của họ. Cụ thể trong thương vụ mua Nexen, giới quan sát cho rằng một trong những chủ đích Trung Quốc là muốn tiếp cận kỹ thuật khoan tìm dầu khí ở vùng biển rất sâu hiện họ đang thiếu để khai thác Biển Ðông.

Một bài phân tích của Hãng tin Reuters mới đây nhận định như vậy về quyết định cuối cùng sau nhiều tranh cãi của Chính phủ Canada cho phép CNOOC mua Công ty Nexen. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn chưa hoàn tất vì còn phải chờ sự chấp thuận của Mỹ bởi lẽ Nexen có một số tài sản là các giàn khoan khai thác dầu khí trên vịnh Mexico của Mỹ.

Giàn khoan của Nexen ở ngoài khơi vịnh Mexico.

Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà nghiên cứu chuyên về chiến lược mua công ty nước ngoài của CNOOC nói rằng, họ cần có kỹ thuật khoan tìm dầu khí ở các vùng biển nước sâu mà Công ty Nexen là một trong một số ít công ty kỹ thuật cao đang sử dụng.

 Biển Ðông được cho là khu vực có tiềm năng dầu khí rất lớn, chỉ thua khu vực Trung Ðông, nhưng đang vướng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa một số nước ASEAN và Trung Quốc.

Theo giới phân tích được Reuters trích dẫn, nếu hoàn toàn làm chủ được Nexen, CNOOC sẽ đem kỹ thuật khoan tìm vùng biển nước sâu đến Biển Ðông. Nhưng trong thương vụ này, Ủy ban về Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) sẽ xem xét nó có ảnh hưởng gì đến an ninh quốc phòng của Mỹ hay không như một số nhà lập pháp Mỹ từng lên tiếng phản đối. Một trong những lý do chống đối là các cơ sở của Nexen mà Trung Quốc muốn mua ở gần các cơ sở quân sự của Mỹ. Năm 2005, Quốc hội Mỹ đã ngăn chặn CNOOC mua lại Công ty Dầu khí Unocal với giá 18.5 tỉ USD cũng vì lý do an ninh trên.

Nhu cầu dầu khí của Trung Quốc ngày một tăng lên và hiện là nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất trên thế giới. CNOOC và Tập đoàn Hóa chất và Dầu mỏ Trung Quốc (Sinopec) đang tham gia vào một số dự án dò tìm và khai thác dầu khí ở một số khu vực biển sâu trên thế giới với một số công ty nước ngoài như Total và Shell tại Tây Phi và ngoài khơi Brazil những năm gần đây.

Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc chỉ đóng những vai trò nhỏ và thụ động trong những dự án đó. Nói cách khác, họ có ít cơ hội khi tiếp cận với kỹ thuật khoan tìm dầu khí nước sâu. Họ chưa có cơ hội nắm được toàn diện kỹ thuật về khoan tìm mà họ đang cần có để hoạt động độc lập tại nơi khác.

Nexen đang có một số hoạt động tại vùng nước sâu vịnh Mexico mà nếu CNOOC trở thành chủ nhân, tới một lúc nào đó, kỹ thuật này sẽ được đưa tới Biển Ðông. “Những gì họ có thể học được ở vịnh Mexico có thể được dùng để khoan tìm dầu khí tại Biển Ðông”, theo ý kiến của Gordon Kwan, Trưởng phòng Nghiên cứu năng lượng của Công ty Đầu tư chứng khoán Mirae Asset Securities ở Hongkong nói với Reuters.

Hồi đầu năm nay, CNOOC thông báo rầm rộ đưa giàn khoan tối tân nhất, lớn nhất (trị giá 1 tỉ USD) do chính họ chế tạo tới một vùng Biển Ðông nằm ở phía nam Hongkong. Giới chuyên gia dầu khí tin rằng một ngày không xa, họ sẽ đưa giàn khoan này xuống các vùng biển sâu đang tranh chấp với các nước ASEAN.

Ngoại trừ một số vùng biển gần với đất liền đang được một số nước ASEAN đang khai thác, các vùng biển nước sâu của Biển Ðông hiện vẫn còn nguyên dù những ước lượng cho rằng, vùng biển này đang có trữ lượng từ 28 đến 213 tỉ thùng dầu, như Cục Thông tin Năng lượng của Mỹ nêu ra qua bản phúc trình năm 2008.

Lợi bất cập hại

Cũng nhận định về thương vụ mua Nexen của CNOOC, Giám đốc Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Nga, Konstantin Simonov khẳng định Canada, Mỹ và Australia sẽ không cho Trung Quốc tiến hành “cuộc cách mạng khí đốt”. Theo ông Simonov, về mặt thương mại cũng như về mặt chính trị, các nước này hoàn toàn không có lợi nếu chuyển giao cho Trung Quốc công nghệ khai thác dầu khí tiên tiến.

Ông Konstantin Simonov nói: “Người Canada, người Australia và thậm chí nhiều người Mỹ không muốn chia sẻ với Trung Quốc các công nghệ này. Tất nhiên, họ cần tiền, do đó, người Canada sẽ sử dụng các mô hình liên quan đến sự tham gia thương mại mà không tiếp cận với các giải pháp kỹ thuật”.

Konstantin Simonov cho rằng, các đối tác của Trung Quốc sẽ làm bất cứ điều gì để hạn chế xuất khẩu công nghệ khai thác khí đốt phi truyền thống và công nghệ sản xuất khí hóa lỏng sang Trung Quốc. Một trong những nguyên nhân là lý do chính trị. Sau tất cả, Mỹ coi Trung Quốc đối thủ địa chính trị chủ yếu của mình. Có một lý do khác hoàn toàn mang tính chất thương mại.

Chuyên gia Nga giải thích: “Bây giờ rất phổ biến khái niệm xuất khẩu LNG từ Mỹ và Canada. Tôi cho rằng dự báo kim ngạch xuất khẩu LNG từ Canada được phóng đại rất nhiều, nhưng là có thật. Canada tin tưởng vào khả năng cung cấp LNG cho Trung Quốc. Và như vậy, tất nhiên, Canada không nên cung cấp cho Trung Quốc khả năng kỹ thuật để xây dựng ngành sản xuất riêng của mình. Bởi vì nếu Trung Quốc tăng khai thác khí đốt, khối lượng xuất khẩu LNG của Canada sang Trung Quốc sẽ giảm. Điều này có nghĩa là cơ hội của các công ty Canada xuất khẩu LNG cho Trung Quốc tự nhiên sẽ giảm”.

Điều này cũng đúng trong trường hợp của Australia. Sau tai nạn tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, LNG của Australia xuất sang Nhật Bản đã giúp thỏa mãn cơn khát năng lượng của Tokyo. Các chuyên gia bắt đầu nói chuyện nghiêm túc về khả năng tăng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Australia sang Trung Quốc. Vì vậy, các dự án giữa Trung Quốc với Australia có nguy cơ cao sẽ gặp phải các rào cản đối với sản xuất, nhập khẩu công nghệ và hóa lỏng khí đốt từ vỉa than. Trung Quốc đã tiến hành những động thái đầu tiên khá mạnh trong “mưu đồ công nghệ”. Nhưng kết quả của âm mưu này có thể sẽ không rõ ràng.

Giang Khuê

DMCA.com Protection Status