Mỹ điều hàng không mẫu hạm tới Syria

10:30 | 08/12/2012

1,099 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hàng không mẫu hạm USS Eisenhower của Mỹ với tám phi đội máy bay chiến đấu và 8.000 thủy thủ, vừa đến vùng duyên hải Syria. Hành động này cho thấy Mỹ có thể đang chuẩn bị một cuộc can thiệp trên bộ vào Syria.

 

Hàng không mẫu hạm USS Eisenhower của Mỹ trên đường đến vùng duyên hải của Syria

Trong khi Chính phủ Obama không chính thức công bố một hình thức can thiệp quân sự nào, nhưng Mỹ nay đang sẵn sàng tung ra một hành động như thế chỉ “trong vòng vài ngày” nếu Tổng thống Syria, ông Bashar Assad, quyết định dùng đến vũ khí hóa học để đánh lại lực lượng nổi dậy.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Syria, ông Faisal Maqdad, hôm 6/12 lên tiếng khẳng định rằng chính phủ ông sẽ không dùng đến vũ khí hóa học để chống lại người dân. Ông thêm rằng Mỹ và các cường quốc Tây Phương đang muốn “kiếm cớ” để can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria.

Damas hôm 6/12 mạnh mẽ chỉ trích việc NATO quyết định đưa tên lửa Patriot đến khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, và gọi đây là hành động khiêu khích.

Sau khi được sự chấp thuận của nội các, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ðức Thomas de Maiziere cho báo chí hay rằng hai pháo đội Patriot của Ðức với khoảng 400 quân nhân sẽ được đưa đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và đặt dưới sự điều động của NATO trong thời gian 1 năm, dù rằng thời hạn này có thể rút ngắn tùy theo tình hình.

Hôm 5/12, Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton lập lại sự lo ngại này, nói rằng “chế độ Assad, hiện ngày càng trở nên tuyệt vọng, có thể sẽ dùng đến vũ khí hóa học”.

Trong khi đó, hai ngoại trưởng, Hillary Clinton của Mỹ và Sergei Lavrov của Nga, đã gặp đặc sứ LHQ về vấn đề Syria, ông Lakhdar Brahimi tại Dublin, Ireland, hôm 6/12, vào lúc lực lượng nổi dậy ở Syria đang ngày càng áp sát thủ đô Damas, nơi quân chính phủ đang đóng. Trong cuộc gặp, bà Clinton dường như không thể làm giảm bớt những lo ngại của Nga về việc triển khai tên lửa này. Ông Lavrov nói: "Động thái tăng cường vũ trang này tạo ra nguy cơ những vũ khí này sẽ được sử dụng... Về mặt chính trị, chúng tôi lo ngại rằng cuộc xung đột này ngày càng bị quân sự hóa". Ngoại trưởng Lavrov khẳng định những mối đe dọa chống lại Thổ Nhĩ Kỳ không nên bị thổi phồng và kêu gọi tìm kiếm các giải pháp chính trị và ngoại giao hơn là can thiệt quân sự nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu tại Syria.

Theo AFP, kho vũ khí hóa học của Syria được cho là đã có từ nhiều thập kỷ trước, thậm chí còn có quy mô lớn nhất nhì tại Trung Đông. Nhìn lại lịch sử, kể từ đầu những năm 1980, sau khi thất bại trong các cuộc chiến chống lại Israel, Syria đã nỗ lực xây dựng và duy trì một kho vũ khí hóa học nhằm đối phó với khả năng Nhà nước Do Thái phát triển vũ khí hạt nhân. Mặc dù tuyên bố ủng hộ một khu vực Trung Đông phi vũ khí hủy diệt hàng loạt, song Syria không thể đơn phương từ bỏ vũ khí hóa học chừng nào Israel còn là mối đe dọa an ninh đối với họ. Vì vậy, năm 1971, Syria bắt đầu phát triển khả năng tự sản xuất vũ khí hóa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học.

Theo trang web Global Security - cơ quan chuyên tập hợp các dữ liệu tình báo, có 4 cơ sở vũ khí hóa học bị nghi ngờ tại Syria: một ở phía Bắc thủ đô Damas, cơ sở thứ hai gần thành phố công nghiệp Homs, cơ sở thứ ba ở Hama - nơi được cho là đang sản xuất các chất VX, bên cạnh khí sarin và tabun. Cơ sở cuối cùng gần cảng Địa Trung Hải Latakia. Các nhà phân tích cũng cho rằng, thị trấn Cerin nằm bên bờ biển có khả năng là một cơ sở sản xuất vũ khí sinh học. Rất nhiều địa điểm khác đang được các cơ quan tình báo nước ngoài theo dõi chặt chẽ.

Các nhà phân tích nhận định rằng những vũ khí hóa học đầu tiên của Syria do Ai Cập cung cấp trước khi xảy ra cuộc chiến 1973 với Israel. Còn kể từ năm 1973, Syria gần như đã đạt được khả năng phát triển và sản xuất các chất độc dùng làm vũ khí hóa học, trong đó có chất độc dạng lỏng không màu, không mùi (sarin), chất hóa học tác động lên hệ thần kinh (VX) và khí mù tạt (mustard gas), vốn là khí độc có thể gây phồng rộp da. Mặc dù chưa rõ số lượng chính xác các loại vũ khí hóa học, sinh học của Syria, song CIA ước tính, quốc gia này có thể sở hữu hàng trăm lít vũ khí hóa học và hàng năm họ sản xuất hàng trăm tấn chất độc hóa học.

Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết Mỹ đang cố gắng xác định thông tin tình báo về việc chế độ Syria di chuyển các loại vũ khí hóa học và sinh học gần đây nhằm mục đích gì: chế độ Syria sử dụng chúng hay cung cấp cho Hezbollah hoặc các phần tử khủng bố.

Theo các nhà phân tích, việc triển khai tên lửa đất đối không của NATO là một phần trong một chiến lược tổng thể nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng quân sự của các nước phương Tây đối với tương lai của cuộc khủng hoảng tại Syria và đạt được mục đích cuối cùng của họ là lật đổ chế độ của Tổng thống Assad.

S.Phương (Theo AFP)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps