Mỹ - Trung Quốc - Venezuela và vấn đề dầu mỏ

14:00 | 11/01/2013

1,881 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Dư luận Venezuela đang băn khoăn về việc Tổng thống Hugo Chavez có đủ sức khỏe để điều hành đất nước trong nhiệm kỳ thứ 4 của ông hay chí ít là tham dự lễ nhậm chức dự kiến diễn ra vào đầu tháng 1/2013 hay không. Vấn đề sức khỏe của Tổng thống Chavez có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với Venezuela mà còn cả thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ mong gì ở Venezuela thời kỳ “hậu Chavez”?

Thực tế, cho dù mối quan hệ song phương có phần lạnh nhạt, song Mỹ vẫn là nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu thô từ Venezuela. Theo Cục Quản lý thông tin năng lượng Mỹ, Venezuela hiện là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ nhiều thứ 4 cho Mỹ, với 930.000 thùng/ngày. Trong tháng cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng, ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney đã đặc biệt nhấn mạnh ưu tiên trong chính sách củng cố độc lập năng lượng của mình là làm sâu sắc mối quan hệ với Mexico và Canada, cùng với việc mở rộng quy định cho phép khoan dầu ngoài khơi và khám phá các vùng đất mới. Việc bỏ qua Venezuela của ứng cử viên này khi đó được cho là thiếu khôn ngoan.

Một dự án khai thác dầu mỏ liên doanh giữa Trung Quốc và Venezuela tại vành đai Orinoco

Mặc dù Mỹ có tiềm năng độc lập về dầu khí, nhưng Venezuela lại có tầm quan trọng đặc biệt trong bức tranh năng lượng toàn cầu. Venezuela có trữ lượng dầu thô thông thường lớn nhất và trữ lượng khí đốt lớn thứ hai tại Tây bán cầu. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tuyên bố rằng, trong số 81,33% trữ lượng dầu mỏ đã được kiểm chứng toàn cầu của OPEC, Venezuela chiếm tới 24,8%, cao hơn mức 22,2% của Arập Xêút. Trong khi đó, theo báo cáo triển vọng năng lượng toàn cầu của BP, Venezuela có trữ lượng dầu mỏ lên tới 296,5 tỉ thùng, cao hơn trữ lượng của Arập Xêút 10% và chiếm khoảng 18% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu. Với mức độ khai thác như hiện nay thì phải 100 năm nữa Venezuela mới khai thác hết trữ lượng dầu này.

Điều đó có nghĩa là cả thế giới, từ Washington tới Bắc Kinh, đang phải xem xét kỹ lưỡng điều gì sẽ xảy ra tại Venezuela nếu tình trạng sức khỏe của Tổng thống Chavez xấu đi. Bởi ở đất nước Nam Mỹ này, “chính trị” và “dầu mỏ” gắn chặt với nhau. Dường như đoán biết được tình hình sức khỏe của bản thân, ngày 8/12, trước khi sang Cuba để phẫu thuật ung thư tái phát, ông Chavez đã kêu gọi dân chúng bầu Phó tổng thống Nicolas Maduro lên thay ông nếu bệnh tật không cho phép ông tiếp tục nắm quyền.

Nhưng nếu như điều đó xảy ra thì sao?

Với trữ lượng năng lượng khổng lồ của Venezuela, các nước lớn như Mỹ chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Chiêu bài quen thuộc của Washington là “đạo diễn” một kịch bản thay đổi, chuyển giao quyền lực vào tay người mềm dẻo và sẵn sàng làm việc với họ cũng có thể được thực hiện. Với Phó tổng thống Nicolas Maduro, theo giới phân tích, rất khó để có thể dự đoán rằng ông sẽ cởi mở và sẵn sàng hợp tác hay bị chi phối bởi Washington, ít ra là khả năng công khai chuyện này.

Tuy nhiên, dù là ai lên nắm quyền ở Venezuela, trong mối quan hệ mới với Caracas, Washington mong muốn chấm dứt các mối quan hệ của Venezuela với các nước như Iran và Cuba và tăng cường sự tiếp cận của Mỹ đối với các trữ lượng dầu mỏ của nước này. Bên cạnh đó, chính sách quốc hữu hóa các tài sản năng lượng của ông Chavez dường như sẽ trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên của các chính phủ nước ngoài tại Venezuela một khi Tổng thống Chavez không còn nắm quyền.

Tháng 2/2007, Tổng thống Chavez đã công bố một nghị định mới, chấm dứt quá trình tư nhân hóa ngành dầu khí của Venezuela. Theo đó, PDVSA nắm ít nhất 60% cổ phần của các dự án khai thác dầu mỏ mà các tập đoàn nước ngoài đang đầu tư kể từ ngày 1/5/2007. Các công ty nước ngoài chỉ có 2 sự lựa chọn, một là ngậm ngùi đồng ý đàm phán liên doanh, liên kết theo quy chế mới, hai là chuẩn bị tinh thần phải dời khỏi Venezuela. Chevron (Mỹ), Statoil (Na Uy), Total (Pháp) và BP (Anh) đã đồng ý nhưng ExxonMobil và ConocoPhilips (đều của Mỹ) thì từ chối và từ đó đến nay, việc kiện tụng, bồi thường vẫn chưa giải quyết xong.

Khả năng vấn đề này sẽ được Đại sứ Mỹ tại Caracas nhắc lại với ông Maduro nếu giả như điều xấu nhất kia xảy ra. Và thực trạng làm ăn tương đối không hiệu quả (theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA, xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela đã giảm gần 50% kể từ khi đạt mức cao nhất 3,6 triệu thùng/ngày vào năm 1997, được cho là duy tu bảo trì kém, vốn đầu tư ít và mất nhiều công nhân lành nghề), cũng như thiếu vốn để mở rộng các dự án lớn của PDVSA có thể sẽ khiến ông Maduro phải suy nghĩ.

“Người hùng” đến từ Bắc Kinh

Tuy nhiên, Washington sẽ khó có thể làm gì để thay đổi ngành năng lượng Venezuela do đã có một “người hùng” sẵn sàng móc hầu bao tài trợ cho Caracas. Đó là Trung Quốc!

Những năm gần đây, Trung Quốc nhanh chóng trở thành đối tác cho vay nước ngoài lớn nhất của Venezuela. Hồi tháng 11/2011, Trung Quốc đã đồng ý cấp cho Venezuela khoản tín dụng trị giá 4 tỉ USD trong vòng 8 năm với lãi suất 5% nhằm giúp quốc gia Nam Mỹ này tăng sản lượng dầu mỏ, nâng cấp các nhà máy điện, đẩy mạnh hoạt động khai thác quặng và nhôm. Trước đó, Bắc Kinh cũng cho Caracas vay hơn 32 tỉ USD. Chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez đang trả khoản vay này dưới hình thức xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc.

Hiện một loạt công ty dầu khí của Trung Quốc như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC), Tập đoàn Dầu mỏ và Hóa chất (Sinopec) và Tổng Công ty Dầu khí Hải dương (CNOOC) đang hoạt động tại quốc gia Nam Mỹ này dưới hình thức liên doanh với PDVSA. Theo các số liệu chính thức, sản lượng dầu của Venezuela xuất sang Trung Quốc hiện ở khoảng 460.000 thùng dầu/ngày, tương đương 20% lượng dầu xuất khẩu của họ. Mới đây, tại một hội nghị về hợp tác song phương tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Dầu khí Venezuela Rafael Ramirez còn cho biết, nước này đang tìm cách tăng lượng dầu xuất sang Trung Quốc lên 1 triệu thùng/ngày vào năm 2015.

Mặt khác, khi tranh cử Tổng thống, ông Hugo Chavez đã cam kết thực hiện đẩy mạnh hoạt động khai thác và giảm sự phụ thuộc của Venezuela vào thị trường Mỹ bằng cách tăng gấp đôi lượng dầu xuất khẩu sang châu Á trong nhiệm kỳ 6 năm tới của mình. Để đạt được mục tiêu này, Venezuela sẽ xây dựng một đường ống dẫn dầu qua Colombia tới khu vực Thái Bình Dương. Kế hoạch này sẽ giúp Venezuela giảm chi phí và thời gian vận chuyển tới Trung Quốc và các thị trường ở châu Á khác.

Nhưng nếu ông Chavez không thể nắm quyền, liệu ông Maduro có đủ sức mạnh để thực hiện nguyên vẹn tất cả những chính sách cũng như nguyện vọng của Tổng thống Chavez hay không? Câu trả lời vẫn nằm ở tương lai.

Chính phủ Venezuela hôm 8/1 xác nhận Tổng thống tái đắc cử Hugo Chavez sẽ không thể tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội vào ngày 10/1 như theo quy định của Hiến pháp vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, theo Hiến pháp, nếu Tổng thống Chavez không thể tuyên thệ nhậm chức vào ngày 10/1 vì một lý do bất khả kháng thì sau đó ông có thể làm thủ tục này trước Tòa án công lý tối cao.

Phó tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khẳng định phe đối lập sẽ nhận được “một bài học lịch sử” nếu tổ chức cuộc tổng đình công trên toàn quốc đúng vào ngày 10/1 nhằm đòi bầu cử sớm với lý do “Tổng thống Chavez không đủ điều kiện sức khỏe nhậm chức vào ngày đó”. Ông Maduro còn nhấn mạnh, nhân dân Venezuela sẽ tiếp tục làm việc, sẽ chiến đấu và xuống đường để bảo vệ Tổng thống Chavez.


Minh Châu (tổng hợp)

 

DMCA.com Protection Status