Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Nga đang nắm “yết hầu” của châu Âu

17:11 | 02/04/2014

13,360 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tổng thống Obama đã thất bại trong việc thuyết phục các nước EU tăng mức trừng phạt kinh tế Nga. Sự do dự và chia rẽ của khối này được giải thích bằng việc Nga đang nắm “yết hầu” của họ.

Chuyến thăm châu Âu của ông Obama hồi tuần trước đã không đạt được bước tiến đột phá nào trong việc kêu gọi các đồng minh châu Âu đoàn kết gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga.

Thậm chí ngay cả khi Tổng thống Obama hứa với lãnh đạo châu Âu rằng Mỹ sẽ xin quốc hội xem xét bán dầu khí cho họ, nhưng ngoài việc chấp nhận từ chối đến tham dự hội nghị thượng đỉnh G8 tại Sochi, Nga, tháng 6 tới, các thành viên EU không đồng ý gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga.

Đâu đó trên các trang bình luận quốc tế người ta còn nói rằng hằng ngày Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sản xuất dư thừa biết bao thùng dầu, dư sức để cung cấp cho châu Âu nếu bị Nga khóa van khí đốt. Về lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế thì để làm được điều đó còn phải mất cả chục năm nữa. Bởi vì hệ thống cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu hiện nay đã phải xây dựng trong nhiều năm mới có được. Và ngày cả trong các dự án này đều có sự góp vốn của châu Âu. Việc xây dựng các đường ống dẫn khí mới từ các nước OPEC sang châu Âu không thể nói là xong.

Nga đang nắm “yết hầu” của châu Âu

Tổng thống Mỹ Obama tìm cách thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu tăng trừng phạt Nga

Châu Âu đâu phải bây giờ mới biết điểm yếu của họ là phụ thuộc khí đốt vào Nga. Đức và các nước Đông Âu ý thức được điều đó hơn ai hết. Mỗi năm, Đức mua vào đến 30 tỉ mét khối khí đốt của Nga. Ý hơn 13 tỉ. Pháp hơn 7 tỉ mét khối. Còn Rumani thì lệ thuộc đến 100% vào khí đốt của Nga.

Sau cuộc khủng hoảng khí đốt Nga-Ukraina 2009 mà nạn nhân khi đó lại là EU, châu Âu không hề giảm bớt mức độ lệ thuộc vào khí đốt của Nga. 36% khí đốt tiêu thụ hàng năm tại 28 thành viên trong EU vẫn do Nga cung cấp. Sự lệ thuộc đó dẫn tới việc nhập siêu của EU đối với Nga lên tới 92 tỉ euro. Từ đó, Bruxelles đã tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp, chẳng hạn như hướng tới khí đốt của Mỹ và tăng cường khả năng dự trữ của các nước thành viên trong Liên minh.

Tuy nhiên chính sách năng lượng của châu Âu đã có quá nhiều thất bại. Cuộc khủng hoảng Ukraina lần này lại đẩy EU vào một bị kịch mới. Thứ nhất, một lần nữa, hồ sơ năng lượng mà nhẽ ra phải là trọng tâm của cuộc họp Thượng đỉnh EU vừa qua lại bị vấn đề Ukraina làm lu mờ. Mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của EU vốn đã là đề tài gây nhiều tranh cãi trong khối, lại càng không có hy vọng được các bên đả động đến.

Thứ hai, khủng hoảng Ukraina – Crưm lại càng củng cố cho lập luận của một số nước Đông Âu - đứng đầu là Ba Lan - là phải duy trì năng lượng than đá. 85% năng lượng điện của Ba Lan sử dụng than, khiến quốc gia này trở thành nguồn phát khí CO2 và gây ô nhiễm không khí vào bậc nhất của EU. Nhưng vào thời điểm này Bruxelles càng khó thuyết phục Vacxava thay đổi chính sách năng lượng. Cách nay đã 6 năm, EU đề ra ba mục tiêu: vào năm 2020, giảm 20% CO2 thải ra so với năm 1990; đẩy mức sử dụng năng lượng tái tạo lên 20% nhu cầu của châu Âu và tăng thêm 20% hiệu quả năng lượng sử dụng. Cả ba mục tiêu đó coi như đã bị vấn đề Crưm và Ukraina nhận chìm tại Thượng đỉnh Bruxelles lần này.

Cả trên bàn cờ năng lượng lẫn chính trị, EU không có cùng quan điểm về vị trí cũng như ảnh hưởng của nước Nga. Khác biệt giữa các nước Đông và Tây Âu sau vụ Nga đã tách Crưm ra khỏi Ukraina. Các nước Đông Âu đang tranh thủ chuyến công du của phó Tổng thống Mỹ Joe Biden để kêu gọi Washington nên có thái độ “cứng rắn hơn” với Matxcơva.

Anh, Pháp hay Đức vì những lý do kinh tế, tài chính đều đang có những toan tính riêng của mình trước một đối tác như nước Nga.

Sự “trở giáo” với nước Nga mà chưa thoát được sự phụ thuộc về năng lượng đã bị “quả báo” tức thì. Ngày 31/3, Duma Quốc gia Nga tuyên bố hủy bỏ mọi ưu đãi dành cho Ukraina liên quan tới hợp đồng thuê căn cứ Hạm đội Biển Đen. Một ngày sau, ngày 1/4/2014 giá khí đốt của Nga bán sang Ukraina tăng 40%.

H.Phan