Nga – “Tái ông thất mã” trong vụ tàu đổ bộ Mistral

07:00 | 16/12/2014

6,034 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xem ra việc Pháp từ chối giao tàu chiến Mistral lại là điều tốt đối với Nga.

Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral đáng lẽ phải được bàn giao cho Nga vào tháng 11 theo thỏa thuận.

Ngày 12/12, hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lời ông Sergei Shishkarev – Phó Chủ tịch thứ nhất Cơ quan phối hợp về biển trong Chính phủ Nga, rằng việc sở hữu 2 tàu đổ bộ lớp Mistral không thực sự quá cần thiết vào lúc này. Nó không phù hợp với lợi ích chiến lược hiện nay bởi Nga vẫn chưa có ý định điều lực lượng thủy quân tới đâu. Ngoài ra, phạm vi hoạt động của tàu cũng khá hạn chế và nó không có chức năng phòng thủ.

Theo ông, việc nhận được tiền hiện nay sẽ tốt hơn là nhận 2 chiếc tàu chở trực thăng đó: “Rất tôn trọng, nhưng tôi phải thừa nhận là cách cư xử của Pháp lại phù hợp với lợi ích của chúng tôi,”

Hợp đồng đóng 2 tàu lớp Mistral được ký vào tháng 6/2011 giữa Pháp và Nga trị giá 1,6 tỉ USD. Nếu không giao tàu, Pháp sẽ phải bồi thường số tiền rất lớn, lên tới 3.5 tỉ USD.

Ngoài ra, một lý do khác có thể khiến Moscow không còn quá “mặn mà” với thỏa thuận này là bởi vì Bộ Quốc phòng Nga đã lên kế hoạch tự đóng tàu sân bay trực thăng từ nay đến năm 2050, theo một quan chức quốc phòng cao cấp. Người này cũng cho biết Hải quân Nga cần tàu chiến tương tự Mistral nhưng có thể nhỏ hơn một chút và quan trọng là cho phép thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu.

Vì sao Nga đổ một đống tiền cho Pháp 3 năm trước?

Trước tiên, đối với Tổng thống Putin, ông muốn bày tỏ sự cảm ơn đối với Tổng thống Pháp khi đó là ông Nicolas Sarkozy vì đã giúp đỡ Moscow vượt qua sự cô lập của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến tại Gruzia năm 2008.

Thứ hai, hệ thống khí tài của Moscow kể từ chiến tranh đến nay đã trở nên cũ kĩ và lạc hậu trong khi trình độ kỹ thuật để sản xuất lại chưa đạt hiệu quả. Theo một số báo cáo, Hải quân Nga tại Biển Đen đã nhận lệnh sản xuất tàu sân bay Abkhazia nhưng lại gặp khó khăn trong vấn đề kỹ thuật.

Thuộc cấp của Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov đã thẳng thắn cho biết rằng Bộ Quốc phòng không có ý định tài trợ cho các sản phẩm công nghiệp quốc phòng không hiệu quả. Thương vụ Mistral thực ra là một tín hiệu cảnh báo cho ngành công nghiệp quốc phòng nước này, như kiểu “Một là các ông sản xuất những gì Bộ Quốc phòng cần hoặc chúng tôi sẽ mua vũ khí từ nước khác.”

Lý do quan trọng nhất mà theo báo The Moscow Times đưa ra đó là Mistral đại diện cho triết lý mới của chính sách quân sự của hải quân Nga. Nga thừa hưởng toàn bộ hạm đội tàu từ thời Liên Xô và chúng được xây dựng với một mục đích: Bảo vệ và hỗ trợ các chiến dịch của tàu ngầm. Trong trường hợp có xung đột, những tàu ngầm đó có thể bắn tên lửa tới tận Mỹ trước khi bị phá hủy. Đội tàu của Nga hiện nay cũng đang thực hiện nhiệm vụ tương tự.

Tuy nhiên, Mistral được sản xuất nhằm với mục đích cơ bản khác là hỗ trợ chống khủng bố và chống cướp biển đồng thời sơ tán người dân trong trường hợp có xung đột. Và sự thay đổi nhiệm vụ chiến đầu này có vẻ không được các tướng lĩnh hải quân hoan nghênh. Vì vậy, thương vụ Mistral thất bại xem ra lại khiến nhiều quan chức quốc phòng Nga “mừng thầm”.

Hà My (tổng hợp)