Nhật Bản sẽ đáp trả thế nào nếu Trung Quốc đánh chiếm đảo?

14:09 | 04/01/2013

3,840 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiến lược mới của Nhật Bản đưa ra các tình huống xấu nhất là khi bị Trung Quốc đánh chiếm phần đảo chủ quyền, đồng thời đề xuất các phương án đối phó.
Lực lượng WAiR thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, giỏi tác chiến đổ bộ, trong năm 2012 đã nhiều lần tham gia diễn tập liên hợp với Lính thủy đánh bộ Mỹ.

Ngày 1/1/2013, tờ Sankei Shimbun Nhật Bản đăng bài viết “Chính quyền Abe bắt tay xây dựng ‘Chiến lược phòng vệ tổng hợp’ hợp nhất trên bộ-trên biển-trên không”.

Bài viết cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bắt đầu bắt tay xây dựng “Chiến lược phòng vệ tổng hợp” phối hợp thống nhất giữa các lực lượng quân sự gồm Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, Lực lượng Phòng vệ Biển, Lực lượng Phòng vệ Trên không, nhằm ứng phó với tình hình mới có thể xuất hiện trong 10-20 năm tới. Mặc dù không loại trừ khả năng các nước như Nga và CHDCND Triều Tiên tiến hành tấn công Nhật Bản trong tương lai, nhưng chiến lược này chủ yếu nhằm vào Trung Quốc.

Xét thấy quần đảo Senkaku thuộc tỉnh Okinawa có khả năng bị tấn công, Bộ Quốc phòng Nhật Bản hy vọng có thể tăng cường chức năng cho lực lượng Lính thủy đánh bộ, đồng thời tiếp tục nâng cao khả năng cảnh giới và giám sát.

Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định phải sửa đổi “Đại cương kế hoạch phòng vệ”, công tác này sẽ bắt đầu triển khai toàn diện vào mùa hè năm nay (2013). Để đưa nội dung này vào đại cương mới, việc xây dựng Chiến lược phòng vệ tổng hợp sẽ kết thúc trước mùa hè.

Nhật Bản đưa ra tình huống: Đảo Senkaku có khả năng bị Trung Quốc tấn công trong tương lai

 

Trong việc đề phòng Trung Quốc, Nhật Bản đưa ra 3 tình huống: (1) Quần đảo Senkaku bị tấn công; (2) Quần đảo Senkaku và hai hòn đảo gồm Ishigaki, Miyako bị tấn công; (3) Ngoài những hòn đảo này, Đài Loan cũng bị tấn công.

Chiến lược phòng vệ tổng hợp sẽ dựa trên các động thái của ba nước, trong đó có Nga, trên cơ sở phân tích tình hình an ninh châu Á trong tương lai, đề xuất phương hướng tăng cường đồng minh Nhật-Mỹ và sức mạnh phòng vệ.

Về việc nhằm vào Trung Quốc, tác chiến đánh chiếm lại các hòn đảo nhỏ là điều quan trọng hàng đầu. Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ tính toán để Lực lượng Phòng vệ Mặt đất có khả năng như một lực lượng Lính thủy đánh bộ, số quân đạt quy mô như Lực lượng viễn chinh lính thủy đánh bộ 31 của quân Mỹ tại Okinawa (khoảng 2.200 quân).

Để tăng cường theo dõi, giám sát bình thường đối với biển Hoa Đông, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ xem xét nhập khẩu “trang bị tầng bình lưu” có thể giúp phi thuyền cỡ lớn hoạt động và máy bay do thám không người lái.

 

Tháng 9/2012, Trung Quốc tổ chức diễn tập quy mô lớn ở biển Hoa Đông (hình ảnh do dân mạng TQ chế)

Xét thấy sức mạnh của Hải quân, Không quân Trung Quốc không ngừng được tăng cường, Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn chuẩn bị phát triển và nhập khẩu tàu ngầm kiểu mới và các loại máy bay thế hệ tiếp theo thay cho máy bay chiến đấu chủ lực F-15.

Ngày 2/1/2013, tờ “Bình Quả nhật báo” Đài Loan đăng bài viết “Sức mạnh quân sự của Trung Quốc tăng cường gây sức ép đối với Nhật Bản” dẫn nguồn tin từ tờ Sankei Shimbun Nhật Bản tiết lộ, “Chiến lược phòng vệ tổng hợp” do Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa ra cho rằng, Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan vào năm 2021, khi đó nếu ngăn chặn thành công sự can thiệp của Mỹ, Trung Quốc sẽ có thể vượt qua chuỗi đảo thứ hai, tiến tới chi phối Tây Thái Bình Dương.

Nhưng các học giả Đài Loan cho rằng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản chỉ là đưa ra tình huống xấu nhất, không có nghĩa là tương lai sẽ diễn ra như vậy, sức mạnh trên biển của Trung Quốc cũng không đủ để thách thức quân Mỹ.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, nếu đánh chiếm đảo Senkaku, Trung Quốc  sẽ sử dụng 2 tàu sân bay để răn đe, gây sức ép với Nhật Bản, đồng thời sử dụng lực lượng nhảy dù và xe chiến đấu đổ bộ tiến hành tác chiến đổ bộ.

 

Trung Quốc đã sở hữu tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh và có kế hoạch chế tạo một số tàu sân bay nội địa khác.

Quan chức Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho rằng, đảo Senkaku, Ishigaki và Miyako đều thuộc cùng chiến khu, Trung Quốc sẽ sử dụng tàu khu trục lớp Lữ Châu, tàu hộ vệ lớp Giang Khải, máy bay chiến đấu J-20 phát động cuộc tấn công kiểu “gợn sóng”.

Đồng thời, sau khi dùng tên lửa phá hủy trạm radar của Lực lượng Phòng vệ Trên không, “chọc mù hai mắt” của mạng phòng thủ Nhật Bản, tiếp tục nhân lúc rối loạn sử dụng lực lượng đặc nhiệm chiếm lấy sân bay Miyako và sân bay Ishigaki.

Tình huống gây lo ngại nhất cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản là khi Đảng CSTQ  tròn 100 năm thành lập vào năm 2021, thì Trung Quốc có thể tiến hành các biện pháp để thống nhất Đài Loan. Do Mỹ-Nhật có thể can thiệp, Trung Quốc trước hết sẽ áp chế đảo Ishigaki và Miyako – những nơi có sân bay.

Nhật Bản suy đoán, Trung Quốc sẽ đối phó với Đài Loan bằng cách phong tỏa trên biển và sử dụng tên lửa, đồng thời sử dụng lực lượng đặc nhiệm để tác chiến đổ bộ.

 

Tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, nếu Quân đội Trung Quốc ngăn chặn được sự can thiệp của quân Mỹ, con đường hàng hải từ eo biển Bashi đến eo biển Miyako sẽ rơi vào sự kiểm soát của Trung Quốc, “đê chắn sóng” ngăn chặn Trung Quốc ra vào Thái Bình Dương của quân Mỹ sẽ mất. Trung Quốc có thể xác lập bá quyền ở biển Hoa Đông và biển Đông, vượt qua chuỗi đảo thứ hai, dần dần có thể chi phối Tây Thái Bình Dương.

Giáo sư Vương Côn Nghĩa, Chủ tịch Hội nghiên cứu chiến lược Đài Loan cho rằng, Trung Quốc thực sự có thể xảy ra xung đột quy mô nhỏ với Nhật Bản ở đảo Senkaku. Nếu từ bỏ đảo Senkaku, sẽ tạo ra không gian tưởng tượng là Trung Quốc cũng “gián tiếp từ bỏ Đài Loan”, như vậy Quân đội Trung Quốc có thể có chiến tranh với Nhật Bản.

 

Mỹ-Nhật tăng cường khả năng tác chiến liên hợp. Trong hình là máy bay chiến đấu Mỹ-Nhật Bản diễn tập quân sự liên hợp ở Guam vào ngày 15/2/2010.

Việt Dũng - GDVN

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc