Những câu hỏi của năm 2013

06:00 | 09/01/2013

679 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chuyện gì sẽ xảy ra với những điểm nóng đã và tiếp tục ảnh hưởng đến chính trị thế giới trong đó có vấn đề Syria; cuộc xung đột tranh chấp ngày càng quyết liệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng như giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tại Biển Đông; quan hệ Nam - Bắc Triều Tiên?... Liệu những câu hỏi này, vốn là vấn đề nan giải trong năm cũ có thể có lời giải trong năm nay?

Syria: đồng hồ bắt đầu đếm ngược?

Phải nói rằng, Bashar al-Assad đã “tài” hơn Muammar Qaddafi nhiều lần khi có thể cầm cự cho đến thời điểm này, sau 22 tháng chống lại lực lượng đối lập, đưa Syria chìm vào biển lửa. Báo cáo Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 2/1/2013 cho biết, tính từ ngày 15/3/2011 đến ngày 30/11/2012, cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại Syria đã làm thiệt mạng 59.648 người - cao hơn nhiều so với con số khoảng 45.000 người do Tổ chức Quan sát nhân quyền Syria (London) đưa ra.

Báo cáo LHQ nói trên đã công bố vào ngay ngày mà quân đội Syria không kích một cây xăng tại ngoại ô Damascus làm chết 70 người. Cho đến nay, các cuộc dàn xếp quốc tế dường như vẫn vô vọng. Cuối tháng 12/2012, Công sứ LHQ Lakhdar Brahimi đã đến Damascus gặp Tổng thống Bashar al-Assad để thực hiện sứ mệnh mà người trung gian hòa giải Kofi Annan trước đó đã bất thành. Tuy nhiên, Assad vẫn không có ý nhân nhượng và chịu rút lui trong danh dự (nếu ông ta còn sót chút danh dự của một nguyên thủ!)…

Khả năng tái vị của Bashar al-Assad được tính từng ngày

Trong khi đó, Moskva đã bóng gió họ không còn đủ kiên nhẫn ủng hộ Assad đến cùng (Moskva đã lên kế hoạch di tản nhân sự khỏi Syria vào cuối tháng 12/2012). Sự kiện một nhóm nhân vật lãnh đạo đối lập Syria có mặt tại Moskva cuối tháng 11/2012, trong đó có Riad Darar, thủ lĩnh Hội đồng Điều phối quốc gia Syria (NCC), thật sự là một tín hiệu rõ nhất cho thấy Moskva đã không còn tin tưởng khả năng cầm cự của Bashar al-Assad.

Ngày 13/12/2012, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói rõ rằng, sự sụp đổ của Assad là không thể tránh khỏi. Ngày 27/12/2012, trong buổi tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Makdad, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đề cập việc mời Mouaz al-Khatib (thủ lĩnh tổ chức chính trị đối lập SNC, thành lập tại Qatar ngày 11/11/2012) đến Moskva để hội đàm, đồng thời đề nghị Assad cũng thực hiện tương tự.

Nga rõ ràng đang tích cực tìm một giải pháp rốt ráo cho vấn đề Syria (một cuộc gặp “ba ông B” dự kiến được tổ chức vào tháng 1/2013, giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov, Công sứ LHQ Lakhdar Brahimi và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns). Phần phương Tây, họ đã công nhận tính chính danh của SNC khi xem đó như là một chính phủ hợp pháp duy nhất của Syria (được Mỹ chính thức thừa nhận ngày 11/12/2012 và sau đó là khoảng 100 quốc gia).

490 ngày, tức 16 tháng, kể từ cột mốc 18/8/2011 khi Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng: “Đã đến lúc Tổng thống Bashar al-Assad phải rời đi”, Tổng thống Nga Vladimir Putin, vào ngày 20/12/2012, cũng lên tiếng một cách rất rõ ràng: “Chúng tôi không quan tâm đến số phận chế độ Assad... Chúng tôi ủng hộ một giải pháp có thể giúp cứu khu vực và đất nước (Syria), trước hết là không sụp đổ và tránh được cuộc nội chiến bất tận. Vị trí của chúng tôi là không giữ Assad và chế độ của ông ta duy trì quyền lực bằng bất cứ giá nào!”. Có thể nói, tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ đếm ngược đối với “quỹ thời gian” còn lại của số phận chế độ Bashar al-Assad đã bắt đầu gõ kể từ thời điểm phát biểu trên của ông Putin…

Afghanistan và Iraq: Sẽ tiếp tục “loạn”?

Ngày 2/1/2013, tướng tư lệnh quân đội Mỹ tại Afghanistan, John R. Allen đã đệ trình Lầu Năm Góc bản dự thảo kế hoạch cho thấy, Mỹ sẽ duy trì 6.000-20.000 quân tại nước này sau năm 2014 (tính đến cuối năm 2012, Mỹ có khoảng 60.000 quân ở Afghanistan). Theo thỏa thuận giữa NATO và Chính phủ Afghanistan, sứ mệnh chiến đấu và gìn giữ hòa bình NATO tại nước này sẽ chính thức kết thúc vào ngày 31/12/2014, tuy nhiên, đến giờ Nhà Trắng lẫn Lầu Năm Góc vẫn chưa có một kế hoạch thật sự cho vấn đề chuyển giao quyền lực, trong khi tất cả diễn biến hiện tại vẫn khẳng định, quân đội và cảnh sát nội địa Afghanistan hoàn toàn không thể đảm đương.

Trước giáng sinh 2012, đại diện Taliban và giới chức Afghanistan đã có cuộc hội đàm mật tại Paris, nhưng việc chia sẻ quyền lực như thế nào vẫn chưa ngã ngũ. Với tình hình Afghanistan, vấn đề khó nhất vẫn là quan hệ của họ với Washington. Trừ phi giải quyết được khúc mắc này, Mỹ vẫn bị động và khó rút chân được khỏi nước này với kịch bản mong muốn, dù đó là kịch bản nào.

Trong khi đó, tại Iraq, tình hình bề bộn hơn nhiều lần. Một cách chính thức, cuộc chiến tại Iraq đối với Mỹ đã kết thúc từ ngày 31/12/2011 khi quân đội Mỹ triệt thoái khỏi Iraq. Dân nước này gọi đó là “ngày Iraq” (hàm ý đó là cột mốc đánh dấu họ thật sự tự chủ và độc lập). Tuy nhiên, chẳng phải vì sự ra đi của quân nhân và cố vấn chính trị Mỹ mà Iraq khá hơn. Ngay khi người Mỹ chính thức rời Baghdad, Thủ tướng Nuri al-Maliki (người Shiite, thuộc đảng Dawa Hồi giáo) đã ra lệnh gông cổ Phó tổng thống Tariq al-Hashimi (người Sunni).

Gần đây hơn, vài ngày trước khi người dân nước này kỷ niệm lần thứ nhất “ngày Iraq”, hàng ngàn người Sunni đã tràn xuống đường phố Anbar để phản đối việc al-Maliki ra lệnh bắt nhóm cận vệ của Bộ trưởng Tài chính Rafaie Esawi (Sunni). Dân Sunni Arập và người Kurd đã và vẫn lên án al-Maliki cùng cánh Shiite dùng mọi cách để loại họ khỏi quyền lực. Động thái này cũng khiến Mỹ phải quan tâm, bởi nếu Iraq rơi hẳn vào tay Shiite thì nước này có khuynh hướng nhích gần hơn với Iran (nơi cộng đồng Shiite chiếm đa số). Trong thực tế, Chính phủ Nuri al-Maliki đã bắt đầu tách dần khỏi quỹ đạo Mỹ để gần hơn không chỉ với Iran mà cả với Trung Quốc và Nga. Tương tự Afghanistan, “di sản” Iraq cũng đang mang lại một gánh nặng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ…

Bán đảo Triều Tiên: Ánh dương lại hồng?

Trong thông điệp đầu năm mới 2013, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã kêu gọi chấm dứt đối đầu với người anh em Hàn Quốc. “Điều cốt yếu để chấm dứt sự chia rẽ đất nước và đạt được thống nhất là phải chấm dứt sự đối đầu giữa hai miền Bắc - Nam. Yếu tố cơ bản trong việc cải thiện quan hệ Bắc - Nam và tiến tới hòa hợp dân tộc là phải tôn trọng và thực thi các bản tuyên bố chung” - họ Kim nói, ám chỉ những ký kết liên Triều ký vào năm 2000 và 2007, khi Tổng thống Kim Dae-jung và Tổng thống Roh Moo-hyun theo đuổi chính sách Ánh dương, với kết quả hàng tỉ USD đầu tư, viện trợ và mậu dịch đã chảy từ miền Nam lên miền Bắc (chưa kể hàng tỉ USD cam kết đầu tư vào lĩnh vực đóng tàu và xây dựng trung tâm công nghiệp). Chính sách Ánh dương đã tắt lịm khi Tổng thống Lee Myung-bak nắm quyền năm 2008.

Bây giờ, với Tổng thống tân cử Park Geun-hye (con gái nhà độc tài Park Chung-hee), hy vọng Ánh dương lại le lói, với tín hiệu “bắn” ra trước từ Bình Nhưỡng, nơi mà bà Park Geun-hye từng đến vào năm 2002 để thảo luận vấn đề hòa hợp dân tộc với ông Kim Chính Nhật (Kim Jong-il). Trong chiến dịch tranh cử, bà Park Geun-hye nói rằng, việc viện trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng phải tách bạch khỏi các vấn đề liên quan chính trị. Phải chăng đó là lý do khiến Kim Jong-un “chúc mừng năm mới” bằng thông điệp hòa hợp liên Triều?

Phải chăng vì Kim Jong-un bắt đầu trở nên thực tế hơn khi “ngộ” ra rằng, thiếu viện trợ từ miền Nam thì miền Bắc chỉ có nước… “đi ăn mày”?! Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, Kim Jong-un, tương tự bố mình, dường như cũng thành thục và lão luyện trong kỹ thuật chơi trò chính trị đu dây, khi cố tình tạo ra các động thái bất ngờ khó đoán. Họ biết giá trị của lá bài mình, đặc biệt vấn đề hạt nhân, trong cuộc chơi chính trị của những ông lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nga); và họ cũng biết dùng nó để “ngã giá” khi nhắm đến mục tiêu chính trị nào đó, đặc biệt các mục tiêu liên quan kinh tế và viện trợ nước ngoài!

Chiến tranh Nhật - Trung?

Ngày 13/12/2012, khi Nhật Bản tổ chức bầu cử (với kết quả thuộc Đảng Dân chủ Tự do - LPD, đưa ông Shinzo Abe trở lại ghế thủ tướng), một máy bay Trung Quốc đã bay ngang bầu trời đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư - lần đầu tiên kể từ năm 1958! Trong suốt năm 2012, hai nước đã đấu khẩu quyết liệt quanh vấn đề chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư. Và cuối năm, đã có một số dự báo rằng, chuyện binh đao giữa Nhật Bản và Trung Quốc là điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, Lưu Giang Vĩnh, Phó viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế hiện đại thuộc Đại học Thanh Hoa tin rằng, khả năng trên là không tồn tại, ít nhất ở thời điểm trước mắt, khi mà ông Abe đã chìa cành ô-liu trước, bằng cách không cử viên chức nhà nước đến đóng tại Senkaku và rằng, ông Abe có thể cử Masahiko Komura, Phó chủ tịch LDP, người vốn có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, làm công sứ đặc biệt đặc trách vấn đề Trung Quốc.

Tuần duyên Nhật Bản trong một lần truy đuổi tàu Trung Quốc quanh khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư (ngày 15/8/2012)

Tuy nhiên, việc Thủ tướng tân cử Shinzo Abe không châm thêm dầu vào lửa không có nghĩa khả năng chiến tranh Nhật - Trung bị triệt tiêu hoàn toàn. Tiếp nhận vị trí lãnh đạo một nước đang rơi vào suy thoái lần thứ tư kể từ năm 2000 với nợ công hiện chiếm khoảng 240% GDP, Thủ tướng Abe chẳng dại gì gây chiến với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Cuộc khủng hoảng chính trị ảnh hưởng bang giao hai nước quanh Senkaku/Điếu Ngư đã làm thiệt hại đáng kể kinh tế Nhật Bản.

Chỉ riêng Toyota, năm 2011, họ có khoảng 500 đại lý tại Trung Quốc với 30.000 nhân viên bản địa. Cuộc khủng hoảng Senkaku/Điếu Ngư đã khiến hãng sản xuất xe hơi này phải điều chỉnh chiến lược sản xuất lẫn những mục tiêu tương lai tại thị trường Trung Quốc. Điều này cũng kéo theo loạt ảnh hưởng dây chuyền đối với vô số thương vụ hợp tác lẫn sử dụng nhân công sở tại. Còn nữa, quan hệ căng thẳng Nhật - Trung đã khiến nhiều công ty Nhật Bản bắt đầu thoái vốn khỏi Trung Quốc.

Cuối năm 2012, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, đầu tư trực tiếp từ các công ty Nhật Bản vào Trung Quốc năm 2012 đạt tổng cộng 460 triệu USD, giảm gần 1/3 so với năm 2011 - thời gian mà đầu tư Nhật Bản vào thị trường ASEAN đạt 18,3 tỉ USD, tăng 2,4 lần so với năm 2010 (từ tháng 1 đến tháng 8/2012, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào ASEAN tăng 45% trong khi tỷ lệ tương tự tại Trung Quốc chỉ 16%). Với Trung Quốc, sự thoái vốn của Nhật Bản đã và sẽ mang lại nhiều hậu quả nặng nề trong tương lai...

Trước mắt, vấn đề mấu chốt là Nhật Bản cần có quỹ thời gian nhất định để hồi phục kinh tế. Họ cần thời gian để củng cố hải quân, vốn đang là sức mạnh với tiềm lực số một khu vực; và họ cũng cần thời gian để thuyết phục Quốc hội chuẩn y thay đổi Hiến pháp... Đánh nhau thời điểm này là điều rõ ràng chưa cần thiết, nhưng nó hoàn toàn không là một hành động tự sát, nếu sự khiêu khích của đối phương ngày càng tăng dần liều lượng, đến mức trở thành mối đe dọa sống còn thật sự…

Nguyễn Cao Trí

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc