Những diễn biến khó lường ở Ukraine

07:30 | 23/10/2014

1,610 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có nhiều diễn biến trái chiều trước cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin cùng người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko và trước cuộc bầu cử quốc hội Ukraine. Hòa bình cho miền đông Ukraina vẫn là câu hỏi khó giải đáp trong thời gian tới.

Vài ngày trước cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraina Petro Poroshenko bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu tại Milan, Italia (diễn ra từ ngày 16 và 17/10), tối 11/10, Nga đã có một cử chỉ hòa giải. Các hãng tin Nga dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết - Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh rút các binh sĩ Nga về các căn cứ thường trực của họ sau cuộc diễn tập quân sự tại khu vực Rostov, gần biên giới với Ukraina.

Theo Hãng tin RIA Novosti, ông Peskov nói: “Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã báo cáo với Tư lệnh Tối cao về việc kết thúc giai đoạn huấn luyện mùa hè tại các trường bắn ở Quân khu phương Nam. Sau khi nghe báo cáo, ông Putin đã ra lệnh cho binh sĩ trở về các căn cứ thường trực của họ... Tổng cộng có 17.600 quân nhân trong đợt huấn luyện này”.

Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin (bìa trái) từng gặp nhau tại Belarus hồi tháng 8/2014.

Tổng thống Ukraina cùng ngày 11/10 cũng cho biết, ông sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào tuần này để thảo luận về cuộc giao tranh kéo dài suốt 6 tháng qua giữa quân đội Chính phủ và lực lượng ly khai ở miền Đông Uktraina.

Theo ông Poroshenko, cuộc gặp còn có sự tham gia của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italia Matteo Renzi, Thủ tướng Anh David Cameron cùng các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU). Cuộc gặp gần đây nhất giữa hai Tổng thống Putin và  Poroshenko diễn ra hồi cuối tháng 8 vừa qua, trong đó hai bên đã thúc đẩy để thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn giữa chính quyền Kiev và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông, gồm tỉnh Lugansk và Donetsk.

Phát biểu về cuộc gặp sắp tới, ông Poroshenko tuyên bố lạc quan nhưng theo ông, cuộc đàm phán sẽ rất khó khăn. Lãnh đạo Ukraina yêu cầu phía Nga phải “thực hiện những lời tuyên bố bằng hành động cụ thể”. Báo chí Pháp cho rằng, đây có thể là tính toán của Nga nhằm thuyết phục Paris chuyển giao tàu ngầm đa năng Mistral mà Pháp đặt điều kiện là phải có tiến bộ trong cách xung đột tại Ukraina.

Nếu chỉ nhìn vào những phát biểu trên thì có vẻ tình hình Ukraina sắp được giải quyết một cách bền vững. Nhưng nếu xem xét tình hình thực tế thì ta lại có cái nhìn khác. Hơn một tháng sau thỏa thuận ngừng bắn, Ukraina vẫn rền tiếng súng.

Ngày 11/10, nhà chức trách ở miền Đông Ukraina cho biết đã có 5 người thiệt mạng trong 24 giờ qua sau các cuộc giao tranh giữa quân đội Chính phủ với lực lượng ly khai, bất chấp việc hai bên đã đạt thỏa thuận ngừng bắn. Quân đội Ukraina sáng 10/10 cho biết, các đơn vị đồn trú của họ đã bị tấn công suốt đêm tại Donetsk và Lugansk. Hiện hai bên vẫn đang giao tranh dữ dội tại khu vực sân bay Donetsk.

Trong khi đó, hai bên lại tiếp tục đổ trách nhiệm cho nhau. Phe ly khai cáo buộc quân đội chính phủ đã tiến hành bắn phá các khu vực có dân thường sinh sống trong khi Kiev thẳng thừng bác bỏ cáo buộc trên và cho biết chỉ hành động để đáp trả lại những vụ tấn công của lực lượng ly khai.

Miền đông Ukraina vẫn chưa ngớt tiếng súng.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 8/10, Gianni Magazzeni, người đứng đầu Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại châu Mỹ, châu Âu và Trung Á cho biết, theo thống kê của tổ chức này, trong vòng 1 tháng từ ngày 6/9 đến ngày 6/10, đã có 331 người thiệt mạng do giao tranh ở miền Đông Ukraina. Tức là trung bình mỗi ngày có khoảng 10 người chết. Mặc dù tình hình tại miền Đông Ukraina đã được cải thiện sau lệnh ngừng bắn (hôm 5/9), số thương vong đã giảm đáng kể, nhưng vẫn còn ở tình trạng đáng quan ngại.

Hiện các nước liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraina vẫn đang cố gắng cứu vãn lệnh ngừng bắn tại miền Đông nước này, với kế hoạch tổ chức cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Paris vào ngày 14/10. Trước thềm cuộc gặp, phía Nga rất hy vọng là cuộc trao đổi này sẽ mang tính xây dựng. Hai bên sẽ thảo luận các vấn đề thời sự của quan hệ song phương Nga-Mỹ, cũng như những chủ đề nóng trong chương trình nghị sự quốc tế, kể cả cuộc khủng hoảng Ukraina.

Trong một động thái khác, ngày 10/10, phát biểu tại Severodonetsk, được Ukraina xem như thủ phủ tỉnh Lugansk, Tổng thống Petro Poroshenko cho biết, đã ra lệnh xây ba tuyến phòng thủ tại tỉnh Donetsk. Theo ông, đây sẽ là hệ thống "bảo vệ vững chắc để ngăn chặn những kẻ khủng bố và phá hoại, gây trở ngại cho cuộc sống hòa bình của người Ukraina".

Ông Poroshenko khẳng định cần thực hiện mọi nỗ lực để chuẩn bị cho quân đội Ukraina đối mặt với mùa đông, đồng thời kêu gọi sự phối hợp hoạt động quân sự rõ ràng với chính quyền địa phương và chính phủ để mang lại cuộc sống đầy đủ tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi hoạt động của các tay súng ly khai. Tổng thống Poroshenko cũng yêu cầu Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina, Trung tướng Viktor Muzhenko, khi cần thiết hậu thuẫn tỉnh trưởng mới được bổ nhiệm của tỉnh Lugansk và xem xét khả năng triển khai thường trực hai lữ đoàn tại các thành phố Severodonetsk và Lysychansk.

Như vậy từ tình hình thực tế và từ những nỗ lực quân sự của chính quyền Kiev có thể thấy một màn kịch hòa bình giả tạo đang bao phủ miền Đông Ukraina. Ngày 7-10, Kiev đưa ra tuyên bố áp dụng "chế độ ngừng bắn" tại vùng Donbass miền Đông Ukraina. Tuyên bố trên là một bằng chứng nữa cho thấy lệnh ngừng bắn đã thực sự không còn hiệu lực tại đây, trong khi các bên vẫn cố gắng duy trì thỏa thuận này.

Vấn đề là Kiev cố tình muốn duy trì tình trạng ổn định giả tạo này để làm gì? Giờ là lúc chuyển sang những sự kiện chính trị quan trọng sắp tới tại Ukraina. Ngày 26/10 tới đây, người dân Ukraina sẽ đi bầu Quốc hội mới. Hồi tháng 8 vừa qua, Tổng thống Poroshenko đã giải tán Quốc hội và kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm vào tháng 10. Động thái này được ông Poroshenko lý giải là để làm trong sạch Quốc hội khi có nhiều thành viên Quốc hội "là đồng minh của lực lượng ly khai".

Vài ngày trước cuộc bầu cử này diễn ra, hàng loạt quan chức trong chính quyền Kiev đã bị cách chức. Đáng chú ý nhất là việc thay Bộ trưởng Quốc phòng vào ngày 12/10. Trước đó, ngày 10/10, Tổng thống Poroshenko cũng đã cách chức ông Sergiy Taruta, Tỉnh trưởng Donetsk và bổ nhiệm một cựu chỉ huy binh sĩ Bộ Nội vụ thay thế để cố gắng nắm lại vùng đất ly khai vượt khỏi tầm kiểm soát của Kiev.

Với những củng cố về nhân sự như trên thì không ai biết được rằng sau khi cuộc bầu cử quốc hội Ukraina kết thúc, nếu phần thắng thuộc về phe Tổng thống Poroshenko, thì điều gì sẽ diễn ra tại miền Đông nước này.

Theo C.A.N.D

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc