Những điều ít biết trong bê bối gián điệp Mỹ - Đức

06:44 | 20/07/2014

852 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc có tới hai điệp viên Mỹ làm việc trong các cơ quan Chính phủ Đức bị Berline phát giác đã trở thành sự kiện vô tiền khoáng hậu, gây tổn thất nặng nề cho mối quan hệ tin cậy giữa 2 nước, đặc biệt sau bê bối NSA do thám trên mạng và nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Năng lượng Mới số 340

Điệp viên hai mang là ai?

Các nhân vật trong câu chuyện gián điệp Mỹ - Đức đều chỉ được tiết lộ tên và viết tắt họ trên báo chí Đức. Điệp viên đầu tiên có tên là Markus R. - nhân viên 31 tuổi của Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND), đang làm gián điệp cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhưng lại bất ngờ bị bắt bởi phản gián Đức khi đang “chào hàng” với Nga một số tài liệu có chọn lọc. Nghi phạm thứ hai là một quan chức Bộ Quốc phòng Đức có tên là Lenonid K. Mặc dù mới là nghi ngờ nhưng ít nhất sự việc cũng gây hiểu lầm và phải chờ câu trả lời từ thời gian. Ngoài ra, trong vụ bê bối này, Đức còn trục xuất Trưởng Cơ quan CIA tại Berlin - một người được mô tả trên báo chí Đức như là một chàng trai thân thiện, một người có khả năng phát triển mạng lưới tuyệt vời, một người đậm chất Mỹ.

Thông tin về cơ quan làm việc của Markus R. có thể khiến nhiều người liên tưởng đến trường hợp của “người thổi còi” Edward Snowden - cựu nhân viên kỹ thuật hợp đồng của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), nhưng kỳ thực, việc lật tẩy Markus R. lại hé lộ những điều khá ngạc nhiên về nhân vật sinh trưởng ở Đông Đức này.

Markus R. không có nổi một tấm bằng đại học hay bằng Abitur (bằng tốt nghiệp nghiệp trung học). Liệu anh ta có các kỹ năng tin học như Edward Snowden hay không thì chưa được xác minh, nhưng sự thật là anh ta đã bị phản gián Đức phát giác khi gửi một bức thư không được mã hóa qua hệ thống thư điện tử gmail đến Tổng lãnh sự quán Nga tại Munich, trong đó đề nghị được làm gián điệp cho Nga. Để chứng minh vai trò quan trọng của mình, viên sĩ quan này còn gửi kèm 3 tài liệu mật. Trong số đó có 2 tài liệu của Ủy ban Quốc hội điều tra hoạt động của NSA tại Cộng hòa Liên bang Đức. Cách thức chào hàng như vậy của Markus trước đó đã thành công khi làm việc với người Mỹ, chỉ có điều, lần này người Nga đã “không cắn câu”.

Những điều ít biết trong bê bối gián điệp Mỹ - Đức

Tổng thống Barack Obama( trái) và thủ tướng Angela Merkel

Trước Cơ quan điều tra, Markus khai rằng, anh ta đã làm gián điệp cho Mỹ trong 2 năm và kiếm được tổng cộng 25.000 euro. Hai tài liệu “chào hàng” với người Nga nằm trong số 218 tài liệu mật được lấy từ những máy vi tính của BND mà anh ta đã chuyển cho CIA. Động cơ cộng tác với tình báo nước ngoài được viên sĩ quan BND gọi là “sự thật thà”.

Khác với Markus, nghi phạm thứ 2 trong scandal gián điệp Mỹ - Đức, người có tên Leonid K. là một người có phong cách quý tộc, sinh trưởng ở Tây Đức và có thể nói thành thạo 5 thứ tiếng và có nhiều bạn bè ở khắp nơi trên thế giới. Dường như không có điểm chung nào giữa Leonid và Markus, ngoại trừ cả hai đều thiếu tiền. BND có những bằng chứng về việc Leonid đã nhận quà tặng và khoản tiền 2.000 euro từ một người bạn Mỹ - người mà quan chức Bộ Quốc phòng Đức này đã gặp ở rất nhiều nơi, kể cả ở Kosovo. Mặc dù Leonid giải thích rằng, đó là một “tình bạn bình thường” và khoản tiền trên là một khoản vay cho một sự kiện liên quan đến đám cưới, mặc dù BND chưa thể kết luận Leonid có phải là điệp viên làm việc cho Mỹ hay không, nhưng rõ ràng, “tình bạn” đặc biệt này cũng đặt ra một dấu hỏi lớn.

Mỹ cần do thám gì ở Đức?

Tác giả Helpfully, Eli Lake đã giải thích những điều tình báo Mỹ thực sự muốn biết về Đức trên tờ The Daily Beast. Đó là những điều nằm trong là 3 chữ “C” sau: Chống khủng bố (counter-terrorism).) và chống phổ biến vũ khí hạt nhân (counter-proliferation) và chống tình báo (counter-intelligence).

Người Mỹ có lẽ không thể quên vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đã được dàn dựng từ Hamburg, Đức, trước sự lơ là giám sát của tình báo Đức. Sau thất bại đó, Cơ quan An ninh Đức, Cơ quan Tình báo Nội địa Đức, Văn phòng Liên bang về bảo vệ Hiến pháp (BFV) bắt đầu coi trọng việc xử lý các mối đe dọa khủng bố hơn, với sự hỗ trợ đáng kể từ các đối tác tình báo Mỹ. Trong trường hợp CIA hay NSA có thông tin về các hoạt động khủng bố có thể xảy ra ở Đức, các quan chức Mỹ sẽ báo cho Đức biết về nguy cơ này.

Trong trường hợp Berlin trả lời rằng các nghi can chưa làm gì phạm pháp hay muốn có thêm thời gian để cài người vào điều tra nhóm khủng bố đó, thì Mỹ vẫn sẽ “đơn phương” triển khai lực lượng tình báo vào nước Đức mà không có sự hỗ trợ của Đức. Hành động này luôn tiềm ẩn nguy cơ bị phát giác và khiến Washington phải muối mặt.

Bên cạnh đó, tình báo Mỹ đặc biệt quan tâm tới các doanh nhân Iran ở Đức. Washington nghi ngờ trong số họ có những người đang tìm cách nỗ lực phá vỡ lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt với Tehran. Mỹ bị ám ảnh bởi mối lo ngại những người Iran đang tìm cách mua các vật liệu dùng trong sản xuất vũ khí, đặc biệt là các vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Đức để tuồn về nước họ.

Và sự thực là mặc dù là đồng minh, nhưng Mỹ luôn có tâm lý thiếu tin cậy và quan ngại về khả năng chống tình báo của Đức. Các cơ quan an ninh Đức từng có truyền thống bị thâm nhập bởi gián điệp Nga và bởi gián điệp từ những nước bạn bè. Đây là điều đã từng diễn ra từ Thế chiến thứ II. Heinz Felfe, Trưởng Cơ quan phản gián của BND bị tiết lộ từng là gián điệp cho Liên Xô vào năm 1961. Một điệp viên huyền thoại của Đông Đức là Gunter Guillaume cũng đã từng lọt vào Chính phủ Tây Đức và leo lên tới chức cố vấn cấp cao của Thủ tướng Willy Brandt cho đến khi bị phát giác vào năm 1974. Trong khi đó, việc các cựu thủ tướng Đức làm cho các công ty nhà nước của Nga và kỷ niệm sinh nhật với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhất là từ khi nổ ra khủng hoảng Ukraine cũng khiến Washington cảm thấy không yên tâm.

Linh Phương