Những thách thức an ninh với tân Tổng thống Afghanistan

07:00 | 24/09/2014

1,084 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu không có gì thay đổi, ngày 29/9, cựu Bộ trưởng Tài chính Ashraf Ghani sẽ chính thức làm lễ nhậm chức Tổng thống Afghanistan, thay thế người tiền nhiệm Hamid Karzai.

Việc này diễn ra sau khi ông Ashraf Ghani đạt được thỏa thuận quyền lực với cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah (làm Thủ tướng), người về thứ 2 trong cuộc bầu cử hồi tháng 6. Washington đã hoan nghênh thoả thuận kể trên và đây không phải lần đầu tiên Mỹ và phương Tây sắp xếp nhân sự ở Afghanistan. Bởi một trong những việc đầu tiên được tân Tổng thống Ashraf Ghani làm là ký thỏa thuận an ninh Mỹ-Afghanistan. Vì với thỏa thuận an ninh này, quân đội NATO sẽ được phép ở lại Afghanistan và huấn luyện cho lực lượng quân sự của nước này chống lại Taliban đến năm 2017. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc tân Tổng thống Ashraf Ghani sẽ giảm bớt những thách thức về an ninh. 

Kỳ I: Những vụ mưu sát nhằm vào Tổng thống Hamid Karzai

Hơn 6 năm trước 27/4/2008, Tổng thống Hamid Karzai từng bị mưu sát. Khi đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Amrullah Saleh cho biết, sau 10 ngày xảy ra vụ ám sát hụt nhằm vào ông Hamid Karzai (từ 27/4 đến 5/5/2008), cơ quan chức năng Afghanistan đã bắt thêm 2 nghi phạm có liên quan tới vụ án này. Nhưng ông Amrulleh Saleh không tiết lộ thêm chi tiết, chỉ tái khẳng định, tổ chức khủng bố Al-Qaeda có mạng lưới tại Pakistan là nghi can chính. Mặc dù không phải từ chức sau buổi điều trần tại Quốc hội, nhưng cả Giám đốc Cơ quan Tình báo Amrullah Saleh và Bộ trưởng Quốc phòng Abdul Rahim Wardak đều phải chịu những chỉ trích sau vụ ám sát hụt nhằm vào Tổng thống Hamid Karzai hôm 27/4/2008.

Tân Tổng thống Ashraf Ghani và ứng cử viên Tổng thống Abdullah Abdullah bắt tay ký kết thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở Kabul

Khi đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Amrullah Saleh cho biết, cả 3 chiến dịch quân sự đã được tiến hành nhằm vào những phần tử chống đối Taliban tham gia vào âm mưu ám sát Tổng thống Hamid Karzai. Những chiến dịch kể trên được triển khai sau khi một nghi can bị bắt và cung cấp địa chỉ ẩn náu của đồng phạm tại khu vực Guzargah ở thủ đô Kabul. Sau nhiều giờ giao tranh, cảnh sát và quân đội đã kiểm soát ngôi nhà kể trên và giật mình khi phát hiện thấy nhiều đường hầm và thiết bị phòng thủ tại đây. Tại cuộc điều trần trước Quốc hội hôm 29/4/2008, ông Amrullah Saleh cho biết, đã báo cáo cả bằng văn bản và truyền khẩu về một âm mưu ám sát đang nhằm vào Tổng thống Hamid Karzai, nhưng đã không được các cơ quan hữu quan quan tâm đúng mức. Theo ông Amrullah Saleh, âm mưu ám sát Tổng thống Hamid Karzai đã được lên kế hoạch từ tháng 3/2008 và những kẻ được giao nhiệm vụ đã có một khoảng thời gian khá dài để theo dõi thực địa.

Nếu những thông tin của ông Amrullah Saleh là hoàn toàn đúng sự thật thì Tổng thống Hamid Karzai biết trước về những vụ ám sát nhằm vào mình, nhưng tại sao không lên phương án bảo vệ, phòng ngừa thỏa đáng. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Hamid Karzai đã yêu cầu mở một cuộc điều tra khẩn cấp để làm rõ vụ tấn công kể trên và mệnh lệnh này đã khiến nhiều người hoài nghi về những thông tin do Giám đốc Cơ quan Tình báo Amrullah Saleh thông báo. Ngoài ra, tuy đã biết trước về âm mưu của những kẻ khủng bố, nhưng ông Amrullah Saleh và các cơ quan an ninh, cảnh sát và quân đội vẫn thất bại trong việc ngăn chặn vụ tấn công khi có 3 người chết, nhiều người bị thương.

Theo giới truyền thông, một cuộc điều tra sâu rộng đã được tiến hành đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Tình báo và lực lượng bảo vệ Tổng thống. Bộ trưởng Quốc phòng Rahim Wardak nhấn mạnh, cơ quan chức năng cần nhanh chóng tìm ra lỗ hổng an ninh để tránh những vụ tương tự. Tướng về hưu Talat Masood của Pakistan từng đưa ra nhận định, theo đó Taliban và Al Qaeda đã thâm nhập vào cơ quan tình báo của Afghanistan. Sở dĩ nói như vậy vì chuyến thăm Pakistan và Afghanistan cùng nơi nghỉ của Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney tuy được giữ bí mật, rất ít người biết vậy mà các tay súng vẫn tập kích chính xác vào căn cứ không quân Bagram ở gần thủ đô Kabul hôm 27/2/2007. Tướng tình báo Michael Maples từng thừa nhận, tình hình Afghanistan ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.

Trước vụ mưu sát kể trên, ngày 10/6/2007, Tổng thống Hamid Karzai cũng từng là mục tiêu ám sát của Taliban và đây là lần thứ 5 ông thoát hiểm trong gang tấc. Trước đó (5/9/2002) ông Hamid Karzai từng bị ám sát hụt khi đang ở gần Kandahar và sát thủ là một kẻ ăn mặc giả đồng phục của quân đội Afghanistan. Người ta từng đình chỉ công tác 8 quan chức cấp cao, trong đó có Cảnh sát trưởng thủ đô Kabul và Trưởng phòng chống khủng bố của Bộ Nội vụ bởi chậm trễ trong tiến trình điều tra vụ mưu sát nhằm vào Tổng thống Hamid Karzai. Tổng thống Hamid Karzai từng biết trước về âm mưu của những kẻ khủng bố và không ai rõ ông lấy thông tin từ đâu. 

Tuy là người được Mỹ và phương Tây nâng đỡ, nhưng Tổng thống Hamid Karzai vẫn bị những đồng minh này nghi ngờ về khả năng kiểm soát tham nhũng, đối phó với nạn buôn lậu ma tuý, cũng như đảm bảo an ninh. Trong khi đó, ông Hamid Karzai cho rằng, những vụ bắt bớ của Mỹ và Anh đã và đang khiến các tay súng Taliban gia tăng những vụ tấn công, kể cả vào dân thường và đã có hơn 9.000 thường dân bị chết do bom đạn của liên quân kể từ năm 2001.

Tổng thống Hamid Karzai chủ trương đường lối mềm mỏng, muốn duy trì các cuộc đàm phán hoà bình với quân Taliban, nhưng bất thành vì lực lượng này muốn lật đổ chính phủ của ông. Tuy quân đội chính phủ và liên quân khá đông (37.000 quân NATO và 12.000 quân Mỹ), nhưng vẫn bất lực trước tình trạng bắt cóc, ám sát của Taliban và đây là thách thức không nhỏ đối với chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai, cũng như nội các mới của tân Tổng thống Ashraf Ghani.

(Còn tiếp)

Đông Ngàn - Từ Sơn