Những vụ giải cứu con tin từ tay khủng bố

14:00 | 23/08/2014

1,961 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ giải cứu bất thành nhà báo James Foley không phải là phi vụ thất bại đầu tiên của lực lượng đặc biệt của Mỹ. Trong quá khứ, CIA đã từng thực hiện rất nhiều vụ giải cứu con tin từ tay bọn khủng bố với thành công cũng như thất bại.

Những vụ giải cứu con tin từ tay khủng bố

Chiến dịch Eagle Claw ở Iran năm 1980 của CIA thất bại nặng nề nhất trong việc giải cứu con tin

Ngoài cuộc hành quân bí mật tiêu diệt được Osama bin Laden ở Pakistan tháng 5/2011, hầu hết những chiến dịch đặc biệt do các lực lượng đặc biệt của Mỹ thực hiện với sứ mạng giải cứu tù binh hay con tin trên đất địch thường không đạt kết quả mong muốn.

Gần đây nhất, đầu mùa hè năm nay, Bộ Quốc Phòng Mỹ đã cho thực hiện một cuộc hành quân bí mật với sứ mạng giải cứu một số con tin bị bắt giữ trong cuộc nội chiến ở Syria nhưng không thành công vì không tìm thấy các đối tượng đó tại địa điểm được tình báo xác nhận.

Ngày 20/8, John Kirby, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Mỹ thông báo sự việc này, sau đó gải thích thêm: “Chúng tôi không bao giờ có ý định công bố cuộc hành quân bí mật ấy. Quan tâm về sự an toàn của các con tin và tính cách bí mật của hành động buộc chúng tôi phải giữ càng kín càng tốt. Chúng tôi chỉ công bố hôm nay khi một số các cơ quan truyền thông đang chuẩn bị tường trình về chiến dịch ấy và thấy không thể có lựa chọn nào khác hơn là nói rõ chuyện này”.

Trước đó một hôm, tổ chức phiến quân Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIL), còn có tên tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS), đã hành quyết một trong những con tin – phóng viên James Foley, bị bắt giữ từ tháng 11/2012, bằng một hình thức rất man rợ là cắt cổ.

Tuy công bố việc đã có cuộc hành quân giải cứu, Bộ Quốc phòng Mỹ không tiết lộ rõ thời gian và địa điểm, chỉ cho biết là vào khoảng đầu mùa hè vừa rồi. Các hãng truyền thông cũng dò hỏi và thông tin thêm một số chi tiết khác, theo đó số biệt kích tham gia chiến dịch cỡ trung đội, thuộc đủ mọi thành phần binh chủng và sử dụng trực thăng được các chiến đấu cơ phản lực và máy bay quan sát không người lái yểm trợ.

Có tin nói các biệt kích đã nhảy dù xuống địa điểm được mật báo, nhưng không tìm thấy con tin và sau đó có chạm súng hạ sát một số phiến quân và bên phía biệt kích không có tổn thất nhân mạng nào.

Thành công của một chiến dịch giải cứu trước hết phụ thuộc vào sự chính xác của tin tình báo, sau đó là kế hoạch hành động thích ứng và cuối cùng là khả năng nhân sự thi hành công tác. Người ta không có gì nghi ngờ về điều sau này vì phụ trách thực hiện sứ mạng đều là những quân nhân đã được huấn luyện rất thuần thục, có đầy đủ kinh nghiệm và chiến đấu dũng cảm.

Nhưng khi tập hợp đầy đủ cả ba yếu tố kể trên, vẫn có thể có rất nhiều ẩn số và tình huống bất ngờ khác, và do đó còn phải có may mắn mới thành công được.

Một trường hợp thất bại nặng nề nhất trong việc giải cứu con tin là chiến dịch Eagle Claw ở Iran năm 1980. Chiến dịch này dự định cứu 52 con tin nhân viên Đại sứ quán Mỹ bị lực lượng cách mạng Hồi giáo Iran bắt giữ. Do nhiều tính toán sai lầm về kế hoạch hành động, khó khăn của lộ trình và những trục trặc kỹ thuật khác, cuộc hành quân giải cứu này đã thất bại. Hậu quả là 8 biệt kích chết, 4 bị thương, một trực thăng và một máy bay vận tải C-130 bị phá hủy và 5 trực thăng khác phải bỏ lại.

Như vậy giải cứu một nhóm tù binh hay con tin là một sứ mạng rất phức tạp và triển vọng thành công không nhiều, chưa kể tới tổn thất về cả hai phía người được cứu và người đi cứu. Tuy nhiên, chính sách của Mỹ là không thương lượng trả tiền chuộc cho khủng bố bắt giữ con tin, nên những chiến dịch giải cứu sẽ còn tiếp tục nhiều lần trong tương lai.

Th.Long

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc